Văn xuôi · 30/12/2021

NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRÊN TÀU

           Sau gần nửa ngày chờ đợi, làm thủ tục ở Bằng Tường, chúng tôi được chuyển tàu, đi tiếp. Đó là chuyến chuyên xa chở lưu học sinh Việt Nam đi học nước ngoài, có nghĩa là dọc đường, nó cứ chạy liên tục, không dừng lại để đón và trả khách. Ít nhất thì chúng tôi cũng nghe người ta nói vậy. Lẽ đương nhiên, đoàn tàu ấy là của Trung Quốc và các cán bộ, nhân viên phục vụ trên đó cũng đền là người của quốc gia đông dân nhất hành tinh.

           Từ tàu Việt Nam chuyển sang tàu bạn, đối với chúng tôi quả là cả một biến đổi cực kì. Toa tàu cao, rộng, sạch sẽ, có giường nằm tử tế và đặc biệt, có cả nước dùng xả láng, mặc dù vẫn được nhắc nhở là phải thật tiết kiệm. Khác hẳn với tàu ta, khi chúng tôi chỉ có thể ngồi chen chúc, thậm chí khó mà duỗi chân ra được. Nước thì tuyệt nhiên là không có rồi và sáng ra, lên đến Đồng Đăng thì ôi thôi, mặt mũi, áo quần đứa nào cũng đều bẩn thỉu, lem nhem đến dễ sợ vì khói và bụi than của đầu tàu hơi nước bám vào.

           Phải thú thực rằng đám thanh niên mười tám mười chín tuổi chúng tôi ngày ấy, làm gì có đứa nào đã được đặt chân ra đến nước ngoài cũng như thưởng thức mùi vị cơm Tàu! Chính vì thế mà sau một đêm chen chúc cộng với nửa ngày hết đứng lại ngồi, không có cái gì bỏ bụng, háo hức biết bao nhiêu khi chúng tôi được lệnh đi ăn cơm trưa. Quả là danh bất hư truyền thật! Năm sáu bát đĩa thức ăn, mỗi món đều không nhiều lắm, nhưng hấp dẫn đến độ mới chỉ nhìn thôi đã đủ thấy ngon rồi. Khỏi phải nói, đối với chúng tôi, đó đã là đại tiệc. Chỉ có điều, các nhân viên phục vụ sao mà khó gần đến thế! Nam, tóc cắt cua, mặt mũi lúc nào cũng quàu quạu, lầm lì. Nữ, tóc tết đuôi sam, chỉ lặng lẽ như cái bóng. Họ làm việc suốt ngày, giữ cho từng xăng ti mét vuông trên tàu sạch sẽ, nhưng nói chuyện thì không, tuy rằng qua tiếp xúc, có thể thấy một số người cũng biết tiếng Việt.   

           Trong số các cán bộ, nhân viên người Trung Quốc ấy, có một bác trung niên đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên thực sự. Từ tầm vóc, dáng người, vẻ mặt của bác giống người Việt Nam y hệt đã đành, bác lại còn nói tiếng Việt có lẽ còn giỏi hơn người Việt nữa, không bị lơ lớ hay ngọng nghịu chút nào. Đến nỗi bọn chúng tôi tán với nhau, nếu không có bộ đồng phục kia và con tàu, hẳn không ai còn cho bác là người Trung Quốc! Tôi dám khẳng định như vậy là bởi vì hẳn các bạn đã biết, bao nhiêu Hoa kiều sống đến cả đời ở Việt Nam nói tiếng Việt như thế nào.

           Chúng tôi tạm đặt biệt danh cho người đàn ông ấy là “bác Việt Nam”. Buổi sáng, cùng với một số nhân viên khác, bác đi đến từng khoang tàu đánh thức chúng tôi. Nhắc nhở từng li từng tí một việc giữ vệ sinh ở trên tàu, không nên đứng dọc hành lang cản trở lối đi hoặc ngồi gần cửa sổ lâu quá vì dễ bị cảm lạnh, nhức đầu. Bác cũng sẵn sàng chỉ dẫn hay giải thích cho chúng tôi tất cả, từ những điều vớ vẩn như tàu này được sản xuất năm nào, nó đang chạy với tốc độ bao nhiêu cây số một giờ, hiện đang ở đâu trên đất Trung Quốc và liệu bao giò thì đến Bắc Kinh… Nhưng khi chúng tôi hỏi tên thì bác chỉ cười:

           – Các cô các cậu cứ gọi tôi là một người Trung Quốc.

           Rồi sau khi suy nghĩ một lát, bác mới thêm:

           – Tôi họ Lí. Người Trung Quốc chúng tôi thường gọi nhau theo họ, chứ không phải là tên như Việt Nam.

           Bác Lí không bao giờ kể về mình, cũng không nói cả việc bác học tiếng Việt ở đâu mà giỏi thế. Đến mức độ bác có thể nói lái, sử dụng được cả ca dao, tục ngữ Việt Nam, kể chuyện tiếu lâm và pha trò rất nhộn. Biết cả chuyện Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy… và câu đối Da trắng vỗ bì bạch thì đúng là chịu bác rồi! Càng ngạc nhiên hơn, là bất kì lúc nào bác cũng vui vẻ, tươi cười với mọi người. Chúng tôi quay ra đoán già đoán non về về bác. Đứa thì khẳng định, chắc chắn bác tốt nghiệp đại học tiếng Việt ở Việt Nam. Đứa khác lại bảo, bác có bố hoặc mẹ là người Việt Nam gì đó. Mà cũng có thể, bác là Hoa kiều, sống ở Việt Nam từ nhỏ, đi học cùng trường cùng lớp với trẻ con người Việt. Riêng một anh, vốn là bộ đội chuyển ngành đi học thì tủm tỉm cười, nửa đùa nửa thật:

           – Coi chừng, có khi thằng cha ấy nó là tình báo đấy!

           Chúng tôi không tin vào điều đó, vì tình báo gì mà lại đi làm việc trên tàu! Và nếu là tình báo thật, thì liệu bác có thể khai thác được thông tin gì từ lũ ương ương dở dở chúng tôi? Chẳng lẽ lại chỉ đơn giản là gây cơ sở hay tuyển mộ nằm mục đích hoạt động lầu dài về sau này?!

 

 

           Bất chấp mọi lời đồn đoán về mình, bác Lí vẫn vui vẻ, nhiệt tình và đến cuối ngày hôm ấy thì chúng tôi cũng đã biết, bác phụ trách khoảng hơn chục nhân viên các loại. Nhưng mọi việc đang bình lặng trôi qua thì đến buổi sáng thứ hai trên tàu bỗng xảy ra một chuyện. Chẳng biết do vụng về, hậu đậu thế nào, con Ngọc cùng cúp pê với tôi làm vỡ ngay cái phích nước sôi mà người ta vừa đem đến. Nó sợ quá, tái xanh tái xám cả mặt mày, suýt nữa thì òa lên khóc. Những đứa khác trong đó có tôi thì chỉ hoàn toàn im lặng vì không biết nói gì.

           Biết lấy đâu ra tiền để mà đền đây, vì trước khi lên tàu, ông cán bộ to của Việt Nam chịu trách nhiệm đưa chúng tôi đi chuyến này đã phổ biến nội quy rất kĩ rồi. Những là không được thế này, phải thế kia; làm hỏng, làm mất phải đền, vì đây là vấn đề quốc thể và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chứ không phải chuyện thường. Hơn nữa, vào cái năm một ngàn chín trăm bảy mươi bảy ấy, ở Việt Nam, một chiếc phích Trung Quốc vỏ sơn màu đỏ bóng như thế nhiều khi là mơ ước của cả một gia đình. Và ngay cả khi có tiền, người ta cũng không thể dễ dàng mua được nó! Huống chi lúc này đang ở trên tàu, lấy đâu ra tiền và làm sao mà mua đền được! 

          Vấn đề có vẻ trở nên nghiêm trọng hơn khi một nhân viên khác xồng xộc bước tới với ánh mắt như tóe lửa. Anh ta hoa chân múa tay, quát tháo một tràng dài người vừa đem phích nước cho chúng tôi. Anh này sợ hãi cúi đầu, không dám cãi lại câu nào, chỉ cắm cúi thu dọn những mảnh vỡ của chiếc phích và lau vũng nước trên sàn. Con Ngọc vội vàng xin lỗi, nhưng người vừa mới đến lại càng quát to hơn, và rõ ràng là anh ta còn chửi một câu rất tục. Cái câu chửi cửa miệng của dân Trung Quốc mà không học, người ta cũng biết. Chúng tôi chỉ còn biết cúi gằm mặt xuống vì ngượng và xấu hổ.

           Đúng lúc ấy, bác Việt Nam của chúng tôi xuất hiện. Có vẻ như chỉ liếc qua một cái, bác đã hiểu rõ sự tình. Rồi, trong khi anh nhân viên thứ hai còn đang nói năng băm bổ như đang cãi nhau thì bác khẽ cau mày, không phải là không có ý hơi trách móc. Chờ anh ta nói xong, bác mới đáp lại vài câu, chừng như khuyên bảo một điều gì đó. Ngay lập tức, anh này im bặt và quay lưng, đi về phía cuối tàu.

           Bác Lí khẽ lắc đầu và ôn tồn nhắc nhở lũ chúng tôi, rằng các cháu nên cẩn thận, vì dù sao đây cũng là tài sản của Nhà nước, ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Trung Quốc vẫn còn nghèo lắm, mà năm ngoái lại vừa xảy ra động đất[1] xong… Rồi bác nhìn người thanh niên đang lau sàn, nói mấy câu. Anh này lẳng lặng xách chiếc xô đựng cái phích vỡ và giẻ lau đi chỗ khác.

           – Các cô cứ yên tâm, không có chuyện gì đâu!  

           Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, rối rít cảm ơn bác Lí. Còn bác thì vẫn chỉ mỉm cười như thường lệ:

           – Có gì đâu!

           Một lát sau, người ta lại đem đến cho chúng tôi một chiếc phích khác, đầy nước nóng.

 

 

           Qua ba ngày hai đêm ở trên tàu, chúng tôi đến Mãn Châu Lí, ga cuối cùng của Trung Quốc, giáp với Liên Xô. Cả bọn tản mát trên sân ga trong lúc chờ làm thủ tục với tâm trạng háo hức, tò mò, hồi hộp. Cách đó không xa lắm, bên kia hàng rào dây thép gai và dải đất phát quang đã là đất nước khác rồi. Có thể thấy rõ những chòi canh, ụ đất cao đắp dòng chữ CCCP – Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Thấp thoáng những người lính biên phòng Liên Xô trong trang phục màu cỏ úa, mũ lưỡi trai, ủng da đen cao đến gần đầu gối…

           Những chiếc loa phóng thanh ở sân ga bỗng nhiên ọ ẹ, không ai hiểu được cái gì. Bác Lí giục chúng tôi mau xếp hàng để lên tàu Liên Xô kẻo muộn. Đáp lại lời từ biệt của chúng tôi, bác mỉm cười vui vẻ:

           – Các cô các cậu đi mạnh khỏe, học thật giỏi vào đấy nhé! Năm năm nữa, chúng tôi sẽ lại đến đón các cô các cậu ở đây.

           Sáu năm nữa chứ! Tôi thầm cãi lại người đàn ông tốt bụng. Vì tôi có một năm dự bị nữa mà. Con Ngọc, hình như vẫn chưa thôi áy náy về việc đã xảy ra, còn cố gặng hỏi thêm:

           – Thế… cái phích mà cháu làm vỡ ấy, thế nào rồi hở bác? Anh… gì ấy có bị làm sao không ạ?

           Bác Lí hơi đắn đo một lát:

           – Có chứ! Cậu ấy bị trừ lương tháng này và cuối năm không được đưa vào diện bình xét thi đua. Nhưng mà thôi, lên tàu đi, người ta đang gọi kia kìa.

           Con Ngọc có vẻ như hơi bị choáng, mặt mũi buồn thiu. Và đúng như lời bác Lí, loa phát thanh ở nhà ga lại lên tiếng thật, lần này bằng tiếng Việt nhưng rất khó nghe. Chúng tôi chào bác Lí rồi bước đi, có đứa còn hẹn bác năm năm nữa. Bác cũng giơ tay, vẫy vẫy:

           – Đừng quên đấy nhé!

 

 

           Năm, rồi sáu năm đã trôi qua.

           Chúng tôi vẫn không quên lời bác Lí, nhưng không đứa nào được đi tàu hỏa qua ga Mãn Châu để về nước nữa. Đường tàu liên vận quốc tế qua Trung Quốc sang Việt Nam đã bị cắt từ cuối năm một ngàn chín trăm tám mươi tám rồi. Lời hẹn của bác Lí đã tan thành mây khói.

           Điều ấy không xảy ra vì đã có những sự kiện vô cùng bi thảm của năm bảy tám và bảy chín mà mầm mống của nó thật ra đã âm ỉ từ trước đó khá lâu, khi quân ta còn chưa cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập và Pôn Pốt chưa đưa quân kéo vào tàn phá Phnômpênh, giết hại những người dân cả Khơ me và Việt Nam vô tội.

           Chúng tôi tốt nghiệp, kẻ trước người sau lần lượt về nước bằng máy bay, theo lộ trình Mátxcơva – Taskent – Karachi – Bombay – Hà Nội. Nhiều đứa trong chúng tôi lấy làm sung sướng lắm vì lần đầu tiên được đi máy bay, hệt như mới ngày nào chúng tôi lần đầu tiên được ngồi tàu liên vận qua Trung Quốc đến Liên Xô học tập. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi tự hỏi mình, qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm như thế, bác Lí, “bác Việt Nam” của chúng tôi liệu có còn không và nếu còn thì đang ở nơi nào trên đất nước Trung Hoa rộng lớn? Liệu bác có biết rằng, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết được tên của bác, nhưng những kỉ niệm về bác – nếu có thể gọi được như thế, thì chúng tôi vẫn còn nhớ như in.

           Con Ngọc và lũ chúng tôi ngày ấy, giờ đây mỗi khi gặp lại nhau vẫn còn nhắc đến bác và chiếc phích vỡ kia mà! Càng thấm thía thêm cái nhỏ nhoi, vô định của thân phận con người trước những biến thiên xã hội và mưu đồ chính trị của giới cầm quyền. Chúng tôi cũng vẫn tin rằng những người dân Trung Quốc như bác Lí chắc chắn không can dự gì vào cái bi kịch đau thương kéo dài hàng chục năm trời giữa ta và ông bạn láng giềng phương Bắc, vì không ai muốn thế. Tất cả đều mong sao có một cuộc sống bình yên, và chỉ thế thôi. Hòa bình là tất cả và cho tất cả mọi người.   

           Câu chuyện trên đây là thật, hoàn toàn không hư cấu hay thêm thắt một chút nào. Tôi xin cam đoan như vậy và tin rằng những ai đã lên tàu ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội vào đêm mười chín tháng Bảy năm một ngàn chín trăm bảy mươi bảy để đi học ở Liên Xô, nếu đọc được truyện này, sẽ có thể đứng ra làm chứng cho tôi.

 

 

 

                                                                                                                     15 – 9 – 1983

                                                                                                        (Bút danh Hoài Thu)

 

[1] Trận động đất ở Thường Sơn, Trung Quốc năm 1976 gây thiệt hại rất lớn về người và của.