Văn xuôi · 30/12/2021

B Á T   P H Ở

Truyện ngắn

          Sáng sớm, anh thức dậy, hơi rùng mình vì rét. Ngoài kia, những cơn gió bấc tràn về từ đêm vẫn đang thổi ào ào, lùa cả vào khe cửa sổ của căn buồng cấp bốn. Theo thói quen, anh vén cửa màn, ngó xem chiếc đồng hồ báo thức để trên bàn rồi mới chợt nhớ ra, nó đã không còn đó nữa từ mấy hôm nay. Anh thở dài, đặt tay lên trán cu Tuấn xem thế nào. Cơn sốt có vẻ đã lui, nhưng thằng bé vẫn còn hâm hấp nóng, thở khò khè nặng nhọc.

          Anh so vai, mặc vội chiếc áo sợi đã rách đến ba bốn lỗ rồi đi xuống bếp đánh răng rửa mặt. Nước lạnh làm cho anh rùng mình thêm lần nữa. Gọi là bếp nhưng thật ra đó chỉ là cái mái vẩy rộng chừng năm sáu mét vuông, lợp giấy dầu và mấy tấm phibrô xi măng cũ, được ngăn đôi làm nhà bếp và nơi tắm rửa. Cũng chừng ấy mét vuông là sân và lối để vào nhà.

          Xong xuôi, anh châm bếp dầu đun nước. Chờ đến lúc nước sôi, anh rót đầy vào chiếc phích Rạng Đông rồi mới pha ấm chè cuối cùng cho mình. Chiếc phích này nhiều tuổi hơn cả cu Tuấn đây. Anh vẫn nhớ vì đó là quà tặng đám cưới của mình gần chín năm về trước. Mấy người bạn cùng cơ quan góp tiền lại mới mua được cho anh món quà này. Giờ, vỏ sắt của nó đã cũ kĩ, han gỉ nhưng vẫn còn dùng được sau hai lần thay ruột.

          Anh đặt chảo lên rang cơm, nhưng vét mãi mới được chưa đầy một thìa mỡ. Vẫn còn may, là chai nước mắm khá đầy. Anh phi hành, vét hết nồi cơm nguội còn lại từ tối qua cho vào chảo. Chả mấy chốc chảo cơm rang đã bốc mùi thơm nghi ngút. Anh đảo cơm lên vài lần nữa, cho thêm một ít nước mắm, nếm thử rồi mới xúc hết cơm ra bát, bưng lên nhà.

          Trên giường, cu Tuấn đã mở mắt từ lúc nào chẳng biết, nhưng nó vẫn nằm im. Tóc bết lại trên trán và hai bên thái dương của nó. Thàng bé cất tiếng gọi yếu ớt khi thấy bố từ ngoài đi vào:

          – Bố ơi, con đói.

          Anh mở cửa màn, sờ trán con lần nữa rồi mới trả lời:

         – Ừ, bố biết rồi. Bố pha nước cho con rửa mặt súc miệng xong rồi ăn cơm rang nhé. Cơm ngon lắm. Còn đang nóng đây này.

          – Ứ ừ, lại cơm rang! Con ăn phở cơ!

          Anh vén hẳn màn lên, vạch chăn ra rồi chìa chiếc chậu nhôm bé tí và cũ nát về phía con trai:

          – Con đái đi đã này… Cơm rang cũng ngon mà. Phở thì phải chờ đến hôm nào lĩnh lương rồi bố sẽ mua cho. Phải ăn đi để còn uống thuốc.

          Thằng bé, lúc đầu có lẽ cũng chỉ định đi tiểu, nhưng sau đó lại đại tiện ngay vào chậu. Anh lặng lẽ chờ con xong việc ấy, cẩn thận lau chùi cho nó rồi mới nhẹ nhàng đỡ nó nằm xuống giường.

    – Lại cơm rang! – Cu Tuấn càu nhàu thêm lần nữa. – Con muốn ăn phở ngay cơ! 

          – Bây giờ thì bố chưa có tiền. – Anh nói mà thấy cổ họng mình như nghẹn lại. Đúng là đã ba hôm nay, anh chỉ có cơm rang cho đứa con đang ốm này ăn sáng. Và cũng phải đến thứ tư tuần sau may ra mới có lương.

          -…

          – Thôi thì thế này vậy, con ăn tạm chỗ cơm này đi rồi buổi trưa về bố sẽ mua phở cho. – Không còn cách nào hơn, anh đành hứa đại đi như thế mặc dù vẫn chưa kịp nghĩ làm cách nào để thực hiện lời hứa ấy của mình.

          – Sao bố không đến chỗ mẹ? Mẹ thì thiếu gì tiền! – Đứa bé hỏi gặng và vô tình đẩy anh vào thế bí.

          – Con không biết chứ… Bố không bao giờ đến đấy nữa đâu! – Anh lỡ buột miệng rồi im bặt.

          Cu Tuấn không nói gì nữa mà chỉ trở mình, quay mặt vào phía trong. Nhưng câu nói của nó thì như một lưỡi dao cứa vào lòng người bố. Thằng bé mới lên tám tuổi, làm sao đã hiểu được những việc rắc rối, phức tạp ở trên đời. Nó không biết tại sao mẹ nó lại bỏ nhà đi theo người khác, tưởng là giàu có đấy nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng lái ô tô vận tải đường dài. Anh không thể muối mặt đến nhờ giúp đỡ hay vay mượn. Làm như thế thì nhục lắm. Cô ấy còn hai đứa con nhỏ và bao nhiêu thứ phải lo. Nhưng cu Tuấn thì hẳn là vẫn đinh ninh mẹ nó rất nhiều tiền vì gần Tết năm ngoái, người đàn bà ấy ăn mặc rất đẹp, dắt em nó về đây. Mẹ dẫn nó đi ăn phở, cho nó bao nhiêu là quà và cả năm đồng mừng tuổi cộng với một chiếc ô tô đồ chơi chạy bằng pin nữa.

          Thấy con đã nằm yên và hơi thở đều đều tuy vẫn khò khè, anh tranh thủ đem chậu chất thải của con đi đổ. Cái nhà vệ sinh công cộng bẩn ơi là bẩn, cửa rả toang hoang, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Anh quay về, múc nước rửa chậu thật kĩ rồi rửa cả tay xong mới ngồi uống ấm chè đã nguội ngơ nguội ngắt. Ấm chè cuối cùng đây. Ngày mai biết lấy gì để uống!

           Anh nhìn lên blốc lịch trên tường. Hai mươi mốt tháng mười hai rồi, âm lịch là mười tám tháng một[1]. Chẳng mấy nữa mà lại Tết. Tết này liệu lấy tiền đâu để may quần áo mới cho con, tiền đâu để về quê, mà liệu có được lĩnh lương không hay lại lĩnh mấy bao xi măng, phân đạm, bạt che mưa, ấm chén[2]… như những công nhân ở chỗ này chỗ khác? Thôi mặc kệ, nghĩ đến làm gì cho mệt óc! Được đến đâu hay đến đấy. Anh tự nhủ rồi uống nốt ngụm nước chè cuối cùng. Ngon thế! Đúng là chè củ ấm. Anh lại nhìn sang chỗ đã từng để chiếc đồng hồ báo thức mà quên mất rằng tuần trước mình đã đem đi bán lấy ba chục bạc.  

          Áng chừng đã đến giờ đi làm, anh đứng dậy, lấy chiếc rổ con đậy bát cơm rang lại vì sợ chuột ăn hay thạch sùng mò vào, mặc thêm áo khoác rồi tập tễnh dắt xe ra cửa. Cái chân trái bị gãy từ thời chăn trâu cắt cỏ lại giở chứng, hành anh từ đêm qua đến giờ.

          Ở cơ quan, anh phải vò đầu gãi tai hỏi đến người thứ ba mới có kết quả. Mà lại thật bất ngờ, vay được đến tận năm mươi đồng! Đủ cho hai bố con anh cầm cự được khoảng một tuần. Cô tạp vụ, ngoài ba mươi vẫn chưa chồng nhưng không khó tính một tí nào. Vừa nghe anh lúng túng “trình bày” một cách khẽ khàng cứ như người có âm mưu gì ghê gớm lắm, cô đã gật đầu lia lịa rồi đưa luôn số tiền đựng trong chiếc túi giấu ở cạp quần cho anh. Lại còn mau mắn hỏi, liệu có đủ không, có cần thêm nữa không để em đi lấy. Anh lắc đầu từ chối vì biết đây đã là gần một phần tư tháng lương của cô rồi. Hơn nữa, cả vay dày nợ mà anh cũng không muốn lạm dụng lòng tốt của người khác làm gì. Rốt cuộc, cô giúi cho anh một gói chè Ba Đình[3] với lời dặn phải bí mật, đừng để lộ cho ai biết. Chắc là chè tiếp khách được bớt lại đây. Anh cảm ơn cô với nụ cười đồng lõa.

          Gần đến giờ nghỉ trưa, anh xin phép trưởng phòng cho về sớm để chăm con ốm. Vị trưởng phòng, tính vốn thoải mái nên đồng ý ngay lại còn cho anh nghỉ luôn cả buổi chiều với một cái nháy mắt, nửa cảm thông nửa như giễu cợt. Anh mừng quá và chợt nghĩ đúng hôm nay là một ngày may mắn của mình. Giá như ngày nào trong tuần cũng được như thế này thì hay biết mấy!

          Anh chầm chậm đạp xe rời khỏi cơ quan vì không có gì phải vội. Gió đã ngừng thổi nhưng trời lại có vẻ lạnh hơn và trên mặt đường đầy những lá vàng. Người xe thưa thớt, không thấy bóng cả một công an. Về đến nhà, chỉ việc chạy ra đầu ngõ mua cho cu Tuấn bát phở là xong. Nghe nói phở bà béo này ăn cũng được, chả thế mà lúc nào cũng đông người. Còn anh, nấu mỗi xoong cơm và nướng con cá khô ăn tạm. Mà nếu sáng nay thằng bé không ăn bát cơm ấy thì đấy đã là bữa trưa của mình rồi. Gạo, dầu và nước mắm vẫn còn nhiều, không phải lo gì nữa. Năm chục này chỉ dùng để mua thêm thuốc và thức ăn bồi dưỡng cho cu Tuấn thôi, anh nhẩm tính.

          Đúng như anh dự đoán, thằng bé đã hết sốt nhưng vẫn nằm thiêm thiếp trên giường, mắt nhắm hờ. Bát cơm rang trên bàn vẫn còn nguyên. Anh định nói câu gì đó với con nhưng lại thôi vì chợt nghĩ mình cũng nên để cho nó bất ngờ một tí. Chứ chẳng lẽ lại khoe ngay! Anh xuống bếp, lấy chiếc cặp lồng nhôm rồi lại dắt xe ra ngõ. Không phải lười đi bộ mà vì con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo này rõ là dài, sợ bước một bước hai đem được phở về đến nhà thì nguội hết. Mà đang lúc trời rét này, gì bằng cái được ăn phở nóng.

          Với suy nghĩ như thế, anh dừng lại trước cửa quán phở của một người đàn bà to béo đến dị thường, khoảng trên dưới năm mươi, vòng bụng chắc phải hơn một mét. Chẳng biết bà tên gì, nhưng cư dân ở đây cứ theo ngoại hình của bà mà gọi như thế. Sang nữa, thì thêm chữ “Ba” thành ra bà Ba béo, mặc dù quán không biển hiệu, chỉ có mỗi một tấm bìa các tông với chữ PHỞ được viết bằng sơn màu nâu nguệch ngoạc. Và bây giờ thì người phụ nữ to như cái bồ sụt cạp ấy ngẩng lên đon đả:

          – Vào ăn phở đi anh! Vào mở hàng cho em đi nào! A, anh định đem về à? Cũng được. Hay là làm một bát đi rồi hẵng đem về? Bò tái nhé, hay gà?

          Anh không trả lời ngay vì còn phải tìm cách dựa chiếc xe đạp cũ vào cây cột điện được đúc bằng bê tông ở bên hè. Đã định tiện tay khóa lại nhưng rồi không hiểu sao anh bỏ qua thói quen ấy của mình. Có vài phút ấy mà! Mùi phở thơm nức mũi bay ra từ mấy chiếc nồi nhôm cực đại đặt trên bếp than khiến anh bỗng nhiên thấy đói cồn cào. Đã bao nhiêu lâu rồi mình không ăn phở? Một năm? Không, có lẽ phải hai năm hoặc lâu hơn mặc dù ngày nào anh cũng mấy lượt qua đây. Ăn ở nơi khác cũng không. Anh nuốt nước bọt khi nhìn thấy tảng thịt bò luộc to tướng treo trên móc bên cạnh túm hành tươi, con gà vàng tươm mỡ và mấy đĩa thịt cả sống lẫn chín, một bát ô tô trứng gà ở trên quầy. Có lẽ còn hơi sớm để ăn trưa nên trong quán mới chỉ lác đác mấy người đang ngồi sì sụp.

          – Bao nhiêu tiền một bát hở bác? – Anh bước tới trước mặt bà chủ quán hỏi một cách rụt rè trong tâm thế của một người biết rõ mình chỉ có rất ít tiền.

          – Ba đồng, bốn đồng, mà hai đồng[4] cũng có. Anh thích ăn loại nào?

          – Bác cho tôi bát ba đồng, đem về. – Anh hơi lưỡng lự. – Thôi, cho bát bốn đồng đi.

          – Thế phở gì hở anh? Bò hay gà? Thêm trứng không? – Bà bán phở vẫn ngọt như mía lùi trong khi tay đã cầm con dao phay sáng loáng lên như để chém.

          – Tôi… à, vâng. Phở bò tái, nhưng mà thêm trứng vào nữa là bao nhiêu? – Anh hỏi lại cho thật chắc vì chợt nghĩ không thể lơ mơ với bà này được.

          – Có năm đồng thôi ấy mà, anh!

          Người phụ nữ đứng dậy, hóa ra cũng nhẹ nhàng. Bà ta đón lấy chiếc cặp lồng nhỏ từ tay anh và bắt đầu thao tác rất nhanh. Qua đủ các công đoạn từ thái bánh phở, chần nước sôi, nhúng thịt vào trong nồi ngoáy ngoáy, rắc hành rồi chần thêm cái lòng đỏ trứng gà. Xong. Bà chan nước phở vào cặp lồng rồi một tay đưa nó cho anh trong khi tay kia nhận lấy tờ giấy bạc năm đồng. Nhưng cũng đúng lúc ấy mắt bà bỗng trợn ngược lên, mồm há hốc đầy kinh ngạc:

          – Ối!

          Anh giật mình quay lại còn kịp nhìn thấy một gã thanh niên mặc áo bludông xám nhảy phốc lên chiếc xe đạp của anh, phóng ra đường.

          – Ăn cắp! Ê, đứng lại! Bà con ơi, bắt hộ tôi thằng ăn cắp xe đạp!

          Anh kêu lên một cách rất bản năng rồi vội vã chạy theo tên trộm mà quên mất trong tay mình là chiếc cặp lồng phở đầy đến nắp. Chợt nhớ ra điều đó, anh loay hoay tìm cách đặt chiếc cặp lồng ấy vào ô trống của cây cột điện bê tông gần đấy, nhưng cũng chính vì thế mà tên trộm có cơ hội để guồng xa hơn nữa. Đến lúc anh có thể tập tễnh đuổi theo thì nó đã chỉ còn là một cái bóng nhỏ xíu ở tận cuối đường.

          Không thể đuổi theo được nữa mà có đuổi cũng chẳng để làm gì, anh đau đớn quay lại chỗ cây cột điện. Thế là mất xe đạp rồi! May mà chiếc cặp lồng phở vẫn còn nguyên ở đấy, chưa bị ai đó lấy đi. Nếu có người xấu nào để ý thì không khéo anh đã mất thêm luôn cả cặp lồng lẫn phở! Anh cay đắng nghĩ và phải cố gắng lắm để nuốt một cục gì đó đầy uất ức và căm hận vừa dâng lên trong họng. Cái xe ấy tuy đã cũ nhưng còn tốt, và từ mai, anh lấy gỉ để đi làm? Chặng đường từ nhà đến cơ quan bốn năm cây số… Mà chân anh lại một ngắn một dài, và cũng vì thế anh mới không phải đi bộ đội. Cái khiến anh cảm thấy mình may mắn bấy lâu nay đã không cho anh đuổi được theo thằng ăn cắp. Trời ơi là trời!

          Như một sự mỉa mai và giễu cợt, đến lúc này mới xôn xao tiếng người ở hai bên đường bàn tán về vụ cướp xe đạp giữa ban ngày.

          – Đâu, đâu, nó chạy đi đâu rồi hở ông?

          – Thế cái thằng ấy trông nó như thế nào? Nó có súng không? Trấn lột à?

          – Không. Là thấy xe không có người trông thì phóng đi thôi.  

          – Thằng… ghê thật! Giữa ban ngày ban mặt thế này…                                                   

          – Nó đã đi qua đi lại, rình mò chán rồi mà không ai để ý cơ.

          – Ôi dào, cái xe cũ rích ấy mà! Mất, thì mua xe mới!

          – Xe để cột điện thì mất là đúng rồi còn gì! Chắc tại không thèm khóa đấy mà!

          – Dựa xe vào mua bát phở ấy mà. Khóa cái gì!

          – Thế ông ấy là người ở đâu mà lại mua phở ở đây?

          – Ngay ở cuối ngõ kia chứ đâu!

          – Khổ, đã nghèo lại thêm eo. Đúng là chó cắn áo rách!

          Không ai đuổi theo thằng kẻ cắp giúp anh. Kể từ mấy người đang ăn phở, ông già bơm xe đạp đầu đường, gã thanh niên thồ hoa quả đi bán rong đến bác xích lô và chị lao công quét rác. Họ dường như chỉ vừa mới từ dưới đất chui lên sau khi tên cướp đã phóng qua và tất cả đều giống nhau ở chỗ, không ai muốn rước họa vào thân. Nhỡ đâu nó có dao có súng hay đồng bọn thì sao? Anh đã kêu đến lạc giọng mà người ta còn bàn tán, cười cợt cứ như là xem xiếc khỉ. Chỉ có mấy đứa choai choai cả gái lẫn trai vừa đi học về, cặp sách trên tay là tỏ ra tử tế. Chúng ngơ ngác nhìn anh, nói năng cũng khẽ và tỏ ra thông cảm.

          Anh ngao ngán xách cặp lồng phở, đi qua những lời lẽ bàn ra tán vào của mọi người, tự trách mình sao lại chủ quan, không chịu khóa xe. Ngay phía dưới yên xe đã có sẵn một cái khóa càng cua kia mà! Chỉ việc kéo khóa sập xuống, rút chìa là xong. Ừ thì cái khóa có hơi bị kẹt đi chăng nữa thì có làm sao. Có mất bao nhiêu thời gian đâu. Thế mà cũng lười, cũng ngại để cho đến bây giờ thì trắng mắt ra nhé! Anh giận đời, hận cho số kiếp của mình. Từ mai, cứ tha hồ mà đi bộ! Biết đến bao giờ mới có tiền mua chiếc xe đạp khác đây? Ăn còn không đủ, lấy đâu ra bốn năm trăm đồng[5]mà mua xe khác. Xe cũ, cũng phải hơn hai trăm… Trong nhà đã hết sạch mọi thứ có thể bán được rồi.

          Đã qua cơn xao động, đám người hiếu kì tản mát đi hết cả. Bà Ba béo lại lúi húi đơm bốc phở cho một người khách mới bước vào. Anh không còn cảm thấy đói và cũng chẳng thấy mùi thơm quyến rũ bay ra từ nồi nước dùng to tướng trên bếp của bà chủ quán mà chỉ thấy con ngõ nhỏ như dài ra vô tận. Không biết rồi sẽ nói như thế nào với con giai về việc mất xe.

          Nghe thấy tiếng cánh cổng gỗ nhỏ rít lên kêu cọt kẹt, cu Tuấn mở mắt ra nhìn, nhưng bố nó chưa vào nhà ngay. Anh lấy chiếc bát ô tô, lau sạch, cẩn thận trút phở ra đó, càng cẩn thận hơn để cái lòng đỏ trứng không bị vỡ. Món này bổ lắm đây! Thế cho nó mau lại sức. Anh thầm nghĩ rồi đặt bát phở, đôi đũa và cái thìa nhôm méo mó vào trong chiếc khay sắt tráng men sứt sẹo. Thấy trong cặp lồng vẫn còn một ít nước phở, anh liền ghé miệng, húp luôn cho khỏi phí. Đúng là ngon thật! Anh xuýt xoa thành tiếng.

          – Bố về rồi hở bố? – Cu Tuấn đón anh bằng một câu hỏi phều phào. Đôi mắt nó sáng lên khi nhìn thấy chiếc khay với bát phở vẫn còn đang bốc lên một làn hơi nhẹ. 

          – Ừ, con dậy ăn đi này. Bố mua phở cho con rồi đây. – Anh cố làm ra vẻ tươi tỉnh đỡ con ngồi dậy. – Thế, được rồi… – Anh cuộn chăn, chèn vào sau lưng thằng bé để nó ngồi cho vững.

          – À, nhưng mà con đã đánh răng rửa mặt chưa? Có nước nóng ở trong phích đấy.

          – Rồi. Nhưng mà hết cả thuốc đánh răng rồi còn đâu! – Cu Tuấn hơi phụng phịu.

          – Ừ nhỉ, bố quên mất. – Anh nói như người có lỗi. – Thôi được, để chiều rồi bố đi mua vậy. Đây, phở bò tái lại có cả trứng nữa, con ăn đi này. Ngon lắm.

          Anh bưng khay phở đặt trước mặt con rồi giúi đưa cho nó cái thìa. Sau đó, với vẻ trang trọng hơi thái quá, anh xoa xoa hay tay vào nhau, háo hức nhìn xem thằng bé ăn như thế nào.

          Cu Tuấn cầm thìa, run rẩy múc nước phở đưa lên miệng. Nó khẽ thổi mấy cái cho đỡ nóng rồi húp thử. Nhưng thật bất ngờ, thằng bé hơi nhăn mặt, nhổ vội chút nước mà nó chưa kịp nuốt ấy ra khỏi miệng:

          – Bố ơi, sao đắng thế! Con không ăn được.

 

 

 

                                                                                                                          12 – 1983

                                                                                                        (Bút danh Hoài Thu)

 

 

 

[1] Tháng mười một âm lịch, theo cách gọi cũ.

[2] Đầu những năm tám mươi, nhiều cơ quan xí nghiệp không có tiền mặt để trả lương cho cán bộ, công nhân viên nên phải trả bằng hiện vật. Người lĩnh sẽ phải tự xoay xở bán đi để chi tiêu.

[3] Loại chè nổi tiếng thời bao cấp, do nhà nước sản xuất nhưng không bán rộng rãi mà chỉ phân phối cho các cơ quan, xí nghiệp, mỗi gói 50 gram.

[4] Thời giá đầu những năm tám mươi.

1.Theo giá đầu những năm tám mươi.