Chiều hôm ấy, đang ngồi trông cháu ở ngoài hiên thì bà Nghĩa bỗng từ từ gục xuống. Thi, con dâu út của bà vội hét lên, gọi xe cấp cứu. Xe đến ngay và ở bệnh viện, người ta chẩn đoán bà bị tai biến mạch máu não, may mà phát hiện sớm và được điều trị kịp thời. Không đến nỗi phải nằm liệt giường, nhưng sau khi ra viện, bà đi lại run rẩy, khó khăn, mọi sinh hoạt hằng ngày đều cần phải có người giúp đỡ.
Khổ nỗi, anh Luận, chồng Thi làm đầu bếp ở khách sạn phải đi sớm về khuya rất thất thường nên chẳng giúp được gì. Hơn nữa, bà cũng không muốn đàn ông con trai mó tay vào những việc riêng tư của đàn bà, nên gánh nặng chăm sóc người ốm dồn hết lên vai Thi, vì bà chỉ có ba đứa con mà hai chị gái của Luận lại lấy chồng ở xa. Thế mà nàng dâu út này chỉ cao có một mét năm nhăm, nặng hơn bốn mươi cân, nên đi chợ, nấu cơm còn được, chứ mỗi lần tắm táp, thay quần áo cho bà mẹ chồng to béo thì chẳng khác nào đánh vật. Đã thế lại còn hai đứa con, đứa lớn mới lên năm, đứa nhỏ chưa đầy hai tuổi cũng đều một tay cô lo liệu. Cực chẳng đã, hai vợ chồng bàn nhau tìm cách thuê người giúp việc tuy vẫn biết rằng có thể sẽ tốn kém và bất tiện thậm chí là xáo trộn cuộc sống gia đình.
Nghĩ là làm, nhưng cũng phải hơn một tháng sau, nhờ cậy hết chỗ này chỗ khác, cuối cùng Thi mới tìm được người đồng ý đến giúp việc cho gia đình. Đó là một bà, nghe nói ngoài năm mươi, giáo viên cấp một đã về hưu, ở một huyện ngoại thành. Nghe vợ thông báo tin ấy, Luận mừng lắm, nói luôn:
– Ô thế thì tốt quá! Giáo viên là dân trí thức rồi, cũng như bà nhà mình… Dễ thông cảm và đối xử.
Hai vợ chồng bắt tay vào lo mọi việc để đón thêm một thành viên không chính thức. Không có gì khó, vì nhà có đến tận năm phòng khép kín, hàng hiên, sân vườn rộng rãi cứ như một khu biệt thự. Chỉ cần dọn qua cái phòng bên cạnh phòng của bà cụ, kê chiếc giường đơn vào đấy là xong. Rất tiện nữa là khác, vì chỉ cần bà hắng giọng một tiếng là người giúp việc đã nghe thấy rồi. Tủ đựng quần áo thì tuy hơi cũ nhưng còn tốt chán. Phía ngoài là phòng khách kiêm phòng ăn và xem ti vi của cả nhà nối thành hình thước thợ nhưng vẫn đủ đảm bảo sụ kín đáo, riêng tư cho một thành viên mới. Vợ chồng Thi và các con thì cứ việc yên vị ở hai phòng riêng biệt, gần khu công trình phụ và chỗ để xe.
Mọi thu xếp vừa xong thì cũng là lúc một phụ nữ cao lớn khỏe mạnh với nước da đen giòn xuất hiện. Bà có mái tóc hung hung đỏ, dày và quăn như tóc người châu Phi, đôi gò má cao và thái độ có vẻ rất tự tin, xách một chiếc túi du lịch cũ cài kim băng như để gia cố cho chiếc quai bị đứt. Bằng chất giọng vang và khỏe với tiếng cười giòn khanh khách rất vô tư, bà tự giới thiệu mình tên là Tài, dạy lớp năm ở trường tiểu học của xã, mới về hưu được mấy tháng nay.
Theo lời kể của cựu giáo viên thì bà có cô con gái tên là Thủy đang học trung cấp sư phạm và sẽ tốt nghiệp vào dịp hè tới. Trung, con trai thứ của bà thì mới sắp sửa vào lớp bảy. Như vậy có nghĩa là bà này có con cũng muộn, Thi thầm nghĩ. Hỏi ra mới biết là đúng thế thật, vì hai mươi chín tuổi bà mới lấy chồng, một anh bộ đội phục viên người cùng xã; ba mươi thì có con. Cứ theo như lời bà kể thì ông cũng hiền lành, thậm chí là hơi đụt, vì sau bảy nhăm, ông được ra Bắc, đươc chuyển ngành ra làm hải quan nhưng ông không chịu, dứt khoát đòi về quê cho bằng được, vì không muốn đi đâu xa nữa.. Đến năm tám mươi, ông làm quen rồi lấy bà. Chứ nếu ông cứ chuyển ngành thì chắc bây giờ khá lắm rồi, không đến nỗi phải cắm mặt xuống đất chổng mông lên giời, gần sáu mươi vẫn phải ngày ngày theo trâu ra ruộng.
Thi hơi ngạc nhiên khi thấy bà Tài khoe mình đã theo nghề sư phạm được tròn ba mươi năm, làm chủ nhiệm lớp đến hơn chục năm và “Môn nào tôi cũng dạy được hết! Từ lớp một đến lớp năm. Chẳng qua là bây giờ mình có tuổi rồi nên đành phải nghỉ, với lại cũng phải thế mới xin được việc cho con Thủy… Chứ mẹ còn đang lù lù ở đấy, con lại đòi xin vào, ai người ta đồng ý. Ở quê bây giờ, mật ít ruồi nhiều, xin việc khó lắm”. Ôi dào, cứ gì ở quê! Ngoài thành phố còn khó hơn gấp trăm lần ấy chứ! Mà không có tiền để chạy á, thì đừng có hòng. Thi nói với bà Tài như thế rồi đưa bà vào phòng trong để giới thiệu với mẹ chồng.
Thấy con dâu thuê được người giúp việc, bà Nghĩa lấy làm mừng lắm. Nhưng nghe nói đến tiền công thì bà lại tiếc, vì như thế là hết sạch cả tháng lương kế toán của Thi rồi. Con trai bà lại phải gồng mình lên mà gánh vác. Nghe mẹ chồng ca cẩm, than van mãi, Thi cũng đâm phát bực sau khi đã động viên thuyết phục chán chê để bà cụ yên tâm. Rằng sức khỏe của mẹ mới là trên hết, không có gì phải lo lắng cả. Người làm ra của chứ của không làm được ra người.
Bà Tài nhanh chóng chấp nhận mọi điều khoản trong bản hợp đồng miệng mà Thi đưa ra. Cụ thể, bà sẽ đảm nhiệm toàn bộ việc chợ búa, cơm nước và chăm sóc người ốm, quét dọn nhà cửa. Tiền công, hai triệu rưỡi một tháng[1], chưa kể tiền ăn sáng là năm nghìn một ngày. Như vậy, bà sẽ có hai triệu sáu trăm năm mươi nghìn một tháng. Bà sẽ ở tại đây luôn, cả thứ bảy và chủ nhật, tức không có ngày nghỉ; nếu cần về quê hoặc có việc gì đột xuất thì phải nhớ báo trước để vợ chồng Thi còn thu xếp. Cuối năm, về nghỉ Tết sẽ có quà. Bà Tài cũng bước đầu yên tâm vì bà Nghĩa mới ngoài sáu mươi, tiếp xúc tốt và tỏ ra vui vẻ.
Ngay chiều hôm ấy, Thi tranh thủ đưa bà Tài ra chợ cóc gần nhà, giới thiệu cặn kẽ từng li từng tí một, nơi người ta bán rau cỏ, thịt cá, gạo nước… nghĩa là tất cả những gì thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của một gia đình; giá cả từng mặt hàng ra sao. Bằng cách ấy, cô cũng ngầm thông báo cho bà Tài biết, là tôi không đến nỗi gà mờ đâu nhé. Bà Tài, không để ý đến điều đó mà chỉ xuýt xoa kêu khiếp, làm sao mà đắt thế. Cùng một loại gạo mà ở đây bán tận bảy nghìn một cân, trong khi bên Đông Anh có sáu nghìn, sáu nghìn rưỡi. Thịt nạc vai, chợ này năm nghìn rưỡi một lạng mà ở quê chỉ có năm nghìn.
Hôm sau là ngày làm việc đầu tiên của bà Tài. Để cho thật yên tâm, Thi phóng xe về qua nhà vào giờ nghỉ trưa xem tình hình thế nào. Vừa đúng lúc bà Tài từ trong bếp chạy ra, mừng rỡ:
– Ô may quá, cô về đây rồi! Cái nồi cơm điện nhà mình hỏng rồi hay sao ấy cô ạ. Tôi đang định đổ gạo sang cái nồi khác để nấu bằng bếp ga đây.
– Hỏng là thế nào! – Thi ngạc nhiên. – Cái nồi vừa mới mua, mà tối hôm qua em còn nấu đấy thôi.
– Đúng là hỏng thật mà! Tôi cắm điện suốt từ lúc chín giờ, đến bây giờ định lấy cơm cho bà ăn, mở vung ra thì nước vẫn chưa sôi, còn nguyên đây này. – Bà Tài nói như thể phân trần. – Đang lo bà bị đói.
Thi bước vào trong bếp. Trên nắp nồi cơm điện, không có một cái đèn nào sáng. Cô mở nắp, thì đúng là nước vẫn lạnh nguyên. Thi kiểm tra ổ điện và giắc cắm. Vẫn có điện mà. Bà Tài đắc ý:
– Đấy, cô thấy chưa? Tôi đã bảo mà!
Thi không trả lời vội vì còn thử bấm vào cái nút khởi động trên nắp nồi cơm. Một tiếng “tút” vang lên. Cô lắc đầu và khẽ thở dài ngao ngán:
– Bác nấu thế này thì làm sao mà cơm chín được! Bác mới chỉ cắm điện, chứ đã nhấn nút để nấu đâu! Đây, muốn nấu được cơm, thì phải làm thế này này… Hôm qua em đã dặn đi dặn lại đến mấy lần rồi mà bác không nhớ à?!
Bà Tài trợn tròn đôi mắt nhìn ngón tay cô chủ nhà thoăn thoắt ấn vào nút này nút nọ.
– Đây, bác nhớ là phải bấm cái nút này thì nó mới bắt đầu nấu. Không thì có mà đến sang năm.
– Ha ha ha… – Bà Tài cười phá lên một cách vô tư. – Ai mà biết được nó lại rắc rối lôi thôi thế! Tưởng chỉ cần cắm điện là xong chứ. Như cái ấm đun nước ấy. Ai ngờ…
– Hôm qua em đã nói kĩ với bác rồi cơ mà. Thế ở nhà, bác vẫn nấu cơm bằng bếp gì?
– Thì nấu bằng rơm rạ, củi đuốc chứ còn bằng cái gì! Khiếp, có cái nồi cơm điện mà sao rắc rối thế! Quá như đánh vật!
Vừa buồn cười, vừa tức nhưng Thi vẫn chỉ nhẹ nhàng:
– Đây nhé, trước hết bác phải cắm điện đã này. Sau đó chọn chế độ nấu thì ấn cái nút này, được chưa? Tiếp tục, ấn cái nút này để nấu. Bác nhớ là lúc ấn nút để nấu thì cái đèn này sẽ đỏ lên. Bao giờ cơm chín, thì cái đèn vàng ở đây sẽ sáng. Bác đã nhớ chưa? Em vừa khởi động nấu rồi, bốn mươi lăm phút nữa thì cơm chín. Lúc nãy bác mới chỉ cắm điện chứ chưa nhấn nút nấu nên mới thế.
Xong được cái đận nồi cơm, Thi ngó vào mâm cơm ở trên bàn. Một đĩa thịt rim thái to trắng chợt. Mấy miếng đậu rán vỡ và cháy đen. Một đĩa rau muống luộc đầy có ngọn và đỏ quạch. Một bát ô tô nước rau luộc đen sì.
– Bác rim thịt mà không cho kẹo đắng vào hở bác? Sao nó lại trắng bồm bộp thế này? Mà đây có phải thịt nạc đâu?
– Ấy, tôi quên mất đấy! – Bà Tài lại cười rất hồn nhiên. – Thảo nào, về đến nhà rồi, vẫn cứ ngờ ngợ, không biết mình quên cái gì… Hóa ra là kẹo đắng. Còn thịt, tôi mua thịt ba chỉ, tại vì phải có cả nạc với mỡ mới ngon cô ạ.
– Nhưng bà cụ nhà em có ăn được thịt này đâu! Mà em đã dặn bác là mua thịt nạc vai cơ mà! – Thi bắt đầu nóng mặt.
– Thì thịt này cũng ngon mà. Lại còn rẻ được mấy giá…
– Khổ quá, em có bảo bác mua loại thịt rẻ tiền đâu! – Thi gần như rên lên. – Thế sao đậu lại vừa vỡ vừa cháy thế này?
– Tại cái chảo nhà mình sát quá, mà bếp ga lại cháy to… Vừa mới để một tí đã cháy rồi.
– To thì bác chỉnh cho nó nhỏ xuống chứ. Đây, chỉ cần xoay nhẹ cái núm này… – Thi không đừng được nữa. – Bác làm thế này thì chết. Thức ăn cho người ốm cơ mà! Nước rau thì đen sì sì thế này, nhìn đã mất cảm tình… Bác không vắt chanh vào à?
– Đây, tôi vắt đây! – Bà Tài nói rồi quày quả ra bếp cầm nửa quả chanh vào. Thi lắc đầu:
– Bác đừng vắt luôn vào bát nước rau như thế. Bác vắt vào cái thìa ấy, xong rồi gạn nước chanh vào, bỏ hạt đi. Như thế này này… Chứ làm như bác thì có khi ăn luôn cả hạt chanh đấy.
Bà Tài không cãi nữa, mà chỉ gật đầu:
– Vâng vâng, tôi biết rồi. Tại tôi vẫn quen làm như thế…
Hôm sau nữa, tình hình vẫn gần như không được cải thiện một tí nào. Thi đành phải tự mình đứng bếp với bà Tài bên cạnh để hướng dẫn cho bà. Vất vả độ một tuần, rồi thì người phụ nữ ấy cũng có vẻ quen với mấy cái nút bấm trên nắp nồi cơm điện và chiếc bếp ga hiệu Rinnai. Bà đã biết mua đúng những thứ mà Thi dặn và làm những món cô yêu cầu, tuy chưa được ngon lắm. Đặc biệt, bà rất tốn thời gian cho việc đi chợ và mãi sau, Thi mới biết tại sao. Bà Nghĩa và vợ chồng Thi cũng thấy người giúp việc này có vài cái lạ.
Đầu tiên, là bà Tài không chịu ăn quà sáng. Hỏi, thì được trả lời là bà ăn sáng bằng cơm nguội và thức ăn còn thừa từ tối hôm trước. Thế thì đúng là tiện quá còn gì! Vì có mấy gia đình nấu bữa nào ăn hết ngay bữa ấy được đâu. Bây giờ, nếu đã định trước, người giúp việc chỉ cần nấu quá lên một ít vào bữa chiều là xong. Nhà lại có tủ lạnh, nhét cái gì vào đấy mà chẳng được! Sáng hôm sau, cứ việc lấy ra ăn, đỡ phải ra chợ hay ngồi vỉa hè mà bún với cháo sườn hay trứng vịt lộn cho khỏi phải lôi thôi nhé! Mỗi tháng bỗng nhiên có thêm một trăm năm mươi nghìn đồng! Ở quê, làm gì để có thêm được một trăm rưởi ấy!
Thi đem chuyện ấy nói với chồng. Luận cười, gạt đi:
– Có lẽ bà ấy ở quê, ăn uống đơn giản quen rồi. Thì ngày xưa, mình là dân thành phố mà cũng thế đấy thôi. Với lại, người ta nghèo, cũng muốn dành dụm được thêm đồng nào hay đồng ấy.
– Thêm với chả nếm cái gì! – Thi vẫn còn hơi hậm hực. – Mọi thứ đều là tiền, mình phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được chứ có phải là từ trên trời rơi xuống đâu! Anh biết không, bà ấy còn bảo là tháng nào ba mươi mốt ngày thì tính ra là không đủ năm nghìn đấy. Tại vì em nói, tiền ăn sáng mỗi ngày là năm nghìn, mỗi tháng một trăm năm mươi nghìn và đã ứng trước cho bà ấy một trăm nghìn rồi đấy.
– Thế à? – Luận ngạc nhiên. – Em trả lời bà ấy thế nào?
– Em bảo, bác ơi, tiền công của bác làm ở đây là tính theo tháng chứ có phải theo ngày đâu! Cũng như tiền lương lúc bác còn đang dạy học ấy. Làm gì có chuyện tháng ba mươi mốt ngày thì được nhiều thêm. Lại còn tháng hai, thường chỉ có hai mươi tám ngày, thì bác cũng vẫn lĩnh đủ tiền đấy thôi.
– Sau đấy thì sao? Bà ấy còn nói thêm gì nữa?
– A, bà ấy còn cãi, là ba tháng hè chẳng làm gì, chỉ chơi thôi mà vẫn được nguyên lương. Ý là bà ấy kêu vất vả, lại không được nghỉ thứ bảy chủ nhật gì.
Luận tròn mắt lên nhìn vợ:
– Sao lại thế? Em đã giao hẹn rõ ràng với bà ấy ngay từ hôm đầu tiên rồi cơ mà? Hay bà ấy đòi tăng lương?
– Tăng là tăng thế nào! Anh không biết chứ, trước khi bà ấy đến đây, em đã hỏi chán ra rồi. Có người chỉ trả đúng hai triệu rưỡi tiền công kia kìa, không có tiền ăn sáng đâu nhé. Mà bà ấy còn nói trắng ra rằng ăn cơm nguội cho đỡ lãng phí và còn để dành tiền. Lãng phí gì. Không có bà ấy, thì mình vẫn ăn những thức ăn còn thừa từ hôm trước đấy thôi, chứ có đổ đi đâu! Mà bà ấy làm ở đây mới được chưa đầy nửa tháng thì đòi tăng cái nỗi gì!
Luận khẽ lắc đầu:
– Đúng là quá đáng thật! Mà lương của bà ấy ở quê có được bao nhiêu đâu; hình như là được rót về từ ngân sách huyện, lại còn tính theo công điểm, có khi chậm đến vài tháng ấy. Làm gì có thứ tiền nào gọi là tiền ăn sáng! Lại còn rát cổ bỏng hỏng suốt ngày. Dạy cấp một là mệt lắm. Thế mà chưa gì đã được đằng chân lân đằng đầu…
Vợ chồng Luận không biết, tuy mới ra thành phố chưa được bao lâu, nhưng bà Tài cũng đã kịp làm quen với Hà, một cô giúp việc trẻ tuổi ở cách đó vài bước chân. Cô này mắt hiếng, khôn ngoan đủ điều và tinh ranh có hạng. Cô rất hay buôn chuyện và cũng đã đôi ba lần lân la bế đứa con nhỏ của gia đình bên ấy sang chơi với bà Tài. Cô khuyên bà cựu giáo viên đòi hỏi thêm được cái gì hay cái ấy để gia chủ phải nhượng bộ mình; cách tiết kiệm tiền nong thế nào và mềm nắn rắn buông ra sao. Nghe những lời khuyên của người đi trước, bà Tài bỗng thấy mình bị hớ trong hợp đồng làm việc với chủ nhà và phục cô kia sát đất. Vì thế bà mới có động thái thăm dò Thi xem như thế nào.
Kiểu ăn uống của bà Tài kể cũng hơi đặc biệt. Thi không biết nên gọi đấy là sự đơn giản, xuề xòa hay ẩu tả và tùy tiện. Đã có lần cô thấy bà ăn sáng bằng cách đổ luôn mấy thứ thức ăn thừa từ tối hôm trước gồm rau muống xào, tôm rang và nước mắm vào trong nồi cơm điện, trộn lên rồi dùng thìa xúc thẳng từ đó, đứng ăn luôn ở trong bếp. Đúng là ăn từ trong bếp ăn ra! Thi hỏi tại sao bác không lấy ra bát mà ăn thì bà trả lời rất hồn nhiên:
– Ôi giời, việc gì mà phải đũa với bát! Tôi ăn thế này cho tiện, lại đỡ phải rửa thêm bát đũa.
Thi im lặng vì cô không còn biết nói gì. Đến tối hôm ấy cô còn lạ hơn khi thấy bát canh rau cải cúc nấu thịt nạc lại có màu nước đen sì và vị hơi đăng đắng. Cô chưa kịp hỏi thì Luận đã lên tiếng:
– Sao món canh này lạ thế hở bác? Bác cho cái gì vào đây thế?
Bà giúp việc mỉm cười:
– À, tôi tráng cái xoong kho thịt vào đấy cho khỏi phí ấy mà. Có được không hở chú? Ở nhà, tôi vẫn làm thế này mà.
Lại “ở nhà”! Thi bực lắm nhưng không nói gì vì chồng cô đã làm việc đó:
– Bận sau, bác đừng làm như thế nhé! Tiếc gì một ít cấn nồi. Không cẩn thận lại còn có đầy những sạn… Hay nếu bác tiếc thì cứ làm riêng ra một bát để bác ăn thôi, chứ cả nhà em thì không quen ăn kiểu ấy. Bác nhớ như thế nhé!
– Ờ thì tôi cứ tưởng… – Người phụ nữ ấy còn chưa kịp chống chế thì đã bị Luận choang luôn:
– Tưởng cái gì hở bác? Nhà toàn những người khảnh ăn, lại hai đứa trẻ con… Bác phải chú ý hộ em với chứ. Như em đây này, em làm đầu bếp mà nếu cứ nấu theo ý thích của mình thì liệu còn ai dám ăn. Mình phải chiều khách hàng chứ, đâu phải bắt khách hàng chiều theo mình… Thế thì có mà chết! Đấy, bác xem mấy lần em đem các thứ ở do chính tay em nấu ở khách sạn về, bác ăn có thấy ngon không?
– Vâng! Tôi biết rồi!
Bà Tài buông một câu như thế với vẻ hơi tự ái nhưng đến tối hôm sau thì lại xảy ra chuyện khác. Vừa mới gắp được mấy ngọn rau muống luộc run rẩy đưa lên miệng, bà Nghĩa đã tỏ ý ngạc nhiên:
– Quái, sao hôm nay rau ngọt thế? Cô cho cái gì vào đấy?
– Em cho mì chính đấy chị ạ. Ngon lắm, chị thấy có được không? – Bà Tài mau mắn với đầy vẻ tự hào, cứ như người vừa có một phát minh quan trọng.
– Nó cứ lờ lợ thế nào… – Bà Nghĩa lúc lắc cái đầu. Ở nhà tôi chẳng ai làm như thế này bao giờ. Mà… ăn nhiều mì chính có ích lợi gì đâu. Chẳng qua là nó đánh lừa vị giác thôi.
– Thế mà ở quê em, bác không biết chứ, có người còn bán trứng gà mua mì chính để bồi dưỡng cho con đấy!
– Ở quê bác, người ta vẫn cho mì chính vào rau muống luộc à? – Thi hơi mỉa mai nhưng bà Tài không nhận ra điều đó. – Lúc mới đến đây, bác có làm thế đâu!
Bà Tài có vẻ thật thà:
– Không, có được tí mì chính, mọi người quý lắm. Mỗi lần nấu cái gì, muốn cho thật ngon, người ta mới thêm một tí mì chính vào thôi… Đây là tôi nghe cô Hà cô ấy mách. Cứ nghĩ cô ấy làm ở đây lâu, có nhiều kinh nghiệm rồi. – Bà Tài phân trần. – Tôi mới cho mì chính vào rau luộc đến hôm nay là bữa thứ hai…
Hai mẹ con bà Nghĩa liếc nhìn nhau và khẽ lắc đầu.
– Ở đây, thì không ai cho mì chính vào rau luộc đâu… Có chăng là lúc nấu canh. Còn luộc rau, thì chỉ cho vài hạt muối hay ít bột canh để cho rau nó xanh thôi. – Thi nói. – Chắc hôm nọ bác cho còn ít nên không ai biết. Hôm nay cho nhiều hơn, có đúng không?
– Vâng. Hôm nọ tôi cho nửa cùi dìa vào món rau cải luộc. Hôm nay, cho luôn cả cùi dìa.
– Chết chết chết, có phải cái gì cũng cho đẫy mì chính vào được đâu. Thuốc bổ mà uống quá nhiều cũng còn có hại nữa là… Thôi được rồi, từ nay trở đi, lúc luộc rau cô đừng cho mì chính vào nữa nhé! – Bà Nghĩa nói như kết luận. – Cô cứ nghe tôi, chứ đừng có nghe cô Hà cô hiếc gì nữa, nhé.
– Thì em cũng chỉ muốn cho mọi người được ăn ngon thôi mà… – Bà Tài hậm hực bực mình ra mặt.
– Nhưng cũng phải “lành” nữa chứ! Với lại, nhà này có ai thích ăn nhiều mì chính đâu. – Bà Nghĩa đành phải nói thêm. – Có nấu nướng cái gì, chỉ cần cho bột canh vào là đủ vì trong ấy cũng đã có mì chính rồi.
Đến đây thì không ai nói năng gì nữa. Sau bữa cơm, trong lúc bà Tài bưng mâm bát ra ngoài bếp, bà Nghĩa liền cầm tờ lịch cũ đặt trên nóc tủ li lên xem. Bà Tài đã tận dụng mặt sau của tờ lịch để ghi tiền chợ. Nhưng vừa liếc qua tờ giấy ấy, bà cựu giáo viên toán đã mủm mỉm cười và khẽ lắc đầu. Thì ra, trong bản kê tiền chợ của bà Tài có nguều ngoào xiêu vẹo vài dòng như thế này:
Rau muống 1 mớ:1000 đ
Tranh 3 quả: 1000 đ
Lạc vai 3 lạng: 16500 đ
Trứng vịt 10 quả:10000 đ
Bí xanh : 1500 đ tổng cộng : 19500 đ
(Mười chín ngìn năm trăm đồng chẵn)
Còn thừa 5500 đ (năm nghìn năm trăm đồng chẵn)
Bà Nghĩa vẫy Thi lại gần rồi chìa cho cô tờ giấy. Xem xong, Thi cũng cười nhếch mép và thì thào với mẹ chồng:
– Bà ấy vẫn viết như thế này mà, mẹ! Nói, thì bà ấy bảo viết thế đúng rồi.
Bà Nghĩa lại lắc đầu thêm lần nữa:
– Thế này thì chết rồi! Tao không biết nó dạy dỗ con nhà người ta kiểu gì. Mang tiếng cô giáo mấy chục năm mà đến quả chanh, thịt nạc cũng viết sai, hàng chữ số thì xộc xà xộc xệch. Tổng cộng lại viết cùng một dòng với khoản kê. Chữ nghìn thì lúc sai lúc đúng!
– Thế mà bà ấy rất tự hào là đã làm nghề làm giáo viên, mẹ ạ. – Thi khẽ nhún vai một cái
– Ờ thì giáo viên cũng có nhiều loại chứ! Ngày xưa, có lẽ vì thiếu người quá nên nhà nước mới cho đào tạo giáo viên theo kiểu bảy cộng một để ra dạy cấp một, bảy cộng ba ra dạy cấp hai nên chất lượng nó mới ra như thế. Hơn nữa, chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm thì làm sao mà khá được! Bà này, chắc cũng là dân bảy cộng một đấy thôi. Làm sao đòi hỏi gì hơn được. May mà còn chưa “dau muống, bí sanh” cho “chọn vẹn”.
Bà Tài là người có thể nói được suốt ngày, hết chuyện nọ sang chuyện kia mà không biết mệt. Lúc đầu, Thi lấy làm mừng vì mẹ chồng cô có người để bầu bạn chuyện trò cho đỡ buồn vì chả gì họ cũng là đồng nghiệp. Nhưng không ngờ chỉ sau đó mấy hôm bà Nghĩa đã phải than phiền về những câu chuyện không đầu không cuối rất linh tinh của bà Tài. Từ việc đời sống người dân nông thôn khổ như thế nào, ông chồng của bà thô bạo, cục cằn ra sao cho đến chuyện liên hoan ở trường tiểu học của bà, mọi người thường mua chó về giết thịt, bà tay dao tay thớt ngon lành… Có cả những việc Thi hoàn toàn không biết, nhưng bà Tài lại tỏ ra rất am tường.
Ở ngay gần đầu ngõ nhà Thi có một chân rác rõ to, là nơi hằng ngày mọi người vẫn đem đủ các loại rác ra đổ. Chiều tối, có xe rác đến xúc, đem đi. Tất nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những ngày xe rác không đến và vì thế, rác càng ùn ứ lên khủng khiếp. Một ngày, bỗng có người đem máy xúc đến gạt rác sang một bên rồi đào bới như thể để tìm kho báu. Buổi sáng, khi đi làm qua, Thi thấy người ta mới bắt đầu xúc những gầu đất đầu tiên. Chiều về, đất đã được lấp lại nham nhở trong khi đống rác lại cao thêm, bốc mùi nồng nặc.
Bà Tài hào hứng cho biết, có một gia đình đi tìm hài cốt của người thân. Theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, họ thắp ba nén nhang, đi dọc theo ngõ. Đến chỗ nào mà khói hương bay thẳng như chiếc đũa chứ không uốn éo lượn vòng thì cứ việc đào xuống độ hơn một mét là sẽ thấy. Con cháu của người đã khuất làm đúng theo lời thầy phán, đến bên chân rác này thì khói hương bay thẳng căng lên thật. Mọi người dừng lại một lúc lâu, nhưng khói hương gần như vẫn đứng chỉ thiên. Thế là mấy hôm sau, người ta xôi gà, hoa quả vàng hương lễ bái, sau đó bắt đầu đào bới. Nhưng đào mãi, đào mãi đến tận chiều, sâu xuống đến gần ba mét, rộng bốn năm mét vẫn chẳng thấy gì. Mọi người đành phải lấp lại, ra về.
Lúc khác, bà giúp việc ấy lại tỏ ra có những so bì rất buồn cười. Bà không hiểu tại sao lương hưu của bà Nghĩa dạy toán cấp ba mà được đến gần sáu triệu. Chú Luận nhà mình chỉ là đầu bếp thôi mà lương lại còn cao hơn. Cô Thi thì hai triệu tám. Sao mà sướng thế! Tiêu gì cho hết! Hai vợ chồng lại mỗi người một xe máy, mỗi cái hàng mấy cây vàng trong khi nhà bà chẳng có cái nào. Lương hưu của bà, sau ba mươi năm đứng trên bục giảng được hơn một triệu! Thi nhẹ nhàng giải thích cho người giúp việc ấy hiểu, rằng tại vì như thế này… Mà ở ngoài thành phố cái gì cũng đắt đỏ, cái gì cũng phải tiền, nên thu nhập như thế cũng cũng chỉ đủ sống thôi chứ có để ra được đồng nào đâu nhưng xem ra bà Tài vẫn không xuôi lắm. Và như để có thêm thu nhập, bà rất chịu khó thu gom sách báo cũ để bán giấy vụn đồng thời xin quần áo cũ của cả nhà. “Đem về quê quý lắm đấy! Còn mặc được lâu.”
Không chỉ hay chuyện, bà Tài còn rất thích xem ti vi. Thi có cảm giác, nếu như không bận việc gì, bà có thể xem ti vi suốt ngày được. Nhà chỉ có một chiếc máy thu hình hiệu Samsung đã cũ từ mẹ chồng đến hai đứa con Thi giỏi lắm cũng chỉ xem được khoảng vài ba chục phút là phải dừng, nhưng với bà Tài thì lại khác. Bà chuyển hết kênh này sang kênh kia, chương trình nào bà cũng thấy hay, nội dung nào cũng hấp dẫn vì thế mà bà cứ cười giòn khanh khách. Thi ngạc nhiên khi vào một buổi tối, sau khi đã cười chán chê rồi, bà lặng lẽ lau nước mắt trước màn hình vô tuyến. Hỏi, thì mới biết bà đang xem người ta chiếu vở Giông tố của Nam Cao. Hẳn là bà xúc động lắm nên mới sụt sùi như thế. Thi liếc nhìn qua màn hình và hiểu ngay bà đã bé cái sự nhầm. Đấy không phải vở nào hết, mà là bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng. Thi đã học trích giảng văn học từ hồi cấp hai, đã từng đọc Giông tố nên biết chắc là như thế. Tuy vậy, cô vẫn không nói gì để bà Tài hoàn tất cơn xúc động trước một cảnh đời ngang trái.
Bà Tài có một điểm cộng là giọng hát khá hay. Bà khoe, mỗi lần ở trường hoặc thôn xã có việc gì, người ta đều đề nghị bà lên hát. Thi cũng đã nhiều lần được nghe bà hát trong khi rửa rau, vo gạo và cả lúc lau nhà. Nhưng cô không khỏi giật mình khi bà tâm sự, rằng giá như nhan sắc khá hơn thì bà đã đi văn công từ lâu rồi. Lại còn thế nữa! Thi bỗng nhớ đến câu ngạn ngữ Pháp: “Với một chữ “nếu”, người ta có thể đóng chai được cả Paris!” Đúng là trí tưởng tượng của bà này siêu thật.
Nghe con dâu thuật lại chuyện ấy, bà Nghĩa chỉ còn biết cười phá lên rồi bảo:
– Có những người không biết mình là ai đâu! Nhưng theo mẹ, chỉ có hai loại người lúc nào cũng rất tự tin, nghĩ mình là ghê gớm lắm. Một, là những người thật sự thông minh và có khả năng. Hai, là những kẻ ngu dốt, ếch ngồi đáy giếng.
Được độ hơn một tháng kể từ khi đến làm giúp việc, bà Tài ngỏ ý muốn cho hai đứa con của bà ra chơi và thử xem điều kiện ăn ở, làm việc của bà như thế nào để còn về báo cáo cho chồng bà biết. Bà Nghĩa và vợ chồng Luận đồng ý tuy họ nghĩ chẳng mấy ai lại làm như thế. Đi giúp việc ở nhà người ta, công việc rõ ràng, tiền nong đầy đủ lại còn xem xét cái gì! Rách việc! Dù sao, không ai trong gia đình bà Nghĩa nói ra điều đó.
Khách đến vào buổi sáng chủ nhật, định đến chiều sẽ về luôn. Con Thủy mười tám tuổi, khá xinh và trắng trẻo, không đến nỗi tướng đàn ông như mẹ. Thằng Trung khỏe mạnh, nom có da có thịt với nước da bánh mật và má lúm đồng tiền nhưng hơi thấp, có lẽ là giống bố. Thi đoán chừng, rất có thể cậu bé chết tên là Trung chỉ vì bố mẹ nó khi đi làm khai sinh đã nghĩ rằng phải vết thế mới là đúng, hoặc viết thế nào chẳng được. Họ không biết, thủy chung hay chung thủy mới đúng là từ có nghĩa, chứ thủy trung thì khó mà hiểu được như thế nào! Chả trách hai đứa con của Thi, ở nhà vẫn gọi Nu và Na, được bà Tài biến luôn thành Lu và La, mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Nghe người ta gọi hai đứa cháu nội của mình như thế, bà Nghĩa đã nhẹ nhàng chỉnh lại đến mấy lần nhưng không được nên cuối cùng đành phải lắc đầu bất lực, chịu thua bà nguyên giáo viên cấp một.
Hai chị em Thủy có vẻ bẽn lẽn, nói ít và cười cũng ít. Có lẽ chúng hơi ngại vì mẹ đi làm cái việc mà ngày xưa người ta vẫn gọi là con ở. Bà Tài thì trái lại, nói to, cười to, vui vẻ hỏi hết chuyện này sang chuyện khác ở nhà. Những là bố có khỏe không, dì Tình (em ruột bà) thế nào, bác Tính, bác Toán (hai anh bà) hồi này làm ăn có khá không, hai con bò của nhà có lớn thêm được tí nào không hay lại gầy giơ xương ra rồi…, cứ như là bà đã xa quê lâu lắm. Thi nghe thấy hết trong lúc cô đứng bếp để ba mẹ con hàn huyên tâm sự với nhau và hơi ngạc nhiên khi thấy bà Tài hỏi han tỉ mỉ, kĩ càng như thế, vì bà rất chăm gọi điện thoại về quê thông qua một gia đình hàng xóm. Chỉ có điều, nhiều lúc bà gọi nhưng không có ai nhấc máy hoặc phải chờ người ta đi gọi chồng con bà. Thi biết được điều này là nhờ cái giọng oang oang rất vô tư của bà; có khi bà nói ở trong nhà mà người đi ngoài đường cũng nghe thấy. Chả trách tiền điện thoại nhà cô bỗng nhiên tăng vọt.
Mâm cơm được dọn ra. Cả chủ và khách ngồi vào bàn. Bà Tài có vẻ hả hê sung sướng cho các con thấy điều kiện sống của bà ở Hà Nội là như thế nào. Phòng riêng, tủ đựng quần áo, lại có đủ cả quạt máy, ti vi, tủ lạnh. Đun bằng bếp ga hẳn hoi nhé, chứ đâu có như nhà mình… Bà ân cần gắp thức ăn cho thằng Trung, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Còn nó thì lại tỏ ra ngượng ngập trước sự chăm sóc, cưng nựng hơi thái quá của mẹ trong lúc ở nhà người khác. Nhưng bà Tài không để ý gì đến điều đó mà cứ bô lô ba la suốt. Hai đứa bé nhà Thi lạ lẫm, cứ nghếch mắt lên nhìn hết bà Tài lại đến anh và chị mà chúng mới thấy lần đầu, khiến Thi phải giục ăn đi.
Đến tối, Thi mới được bà Tài cho biết thực chất của việc hai đứa con của bà ra đây là như thế nào. Cái Thủy, có người tìm hiểu và đang định đặt vấn đề với bên này. Cậu chàng kia là người cùng xã, hai mươi tư tuổi đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm. Được cái, kinh tế gia đình khá giả, nên cậu ta muốn lấy vợ cho xong. Nhà trai cũng đã định ngày ăn hỏi và làm đám cưới rồi. Cô bé Thủy nhà này thấy cũng được, nên sau khi báo cáo ông bố vốn chỉ biết an phận bù nhìn canh dưa, bèn ra đây xin ý kiến của bà. Ba mẹ con đã chuyện trò rất lâu trong suốt buổi trưa và cả lúc bà Tài tiễn con ra bến ô tô. Bà đã đi đến quyết định cuối cùng và bây giờ, xin phép luôn mọi người ở đây cho bà nghỉ độ mươi hôm bắt đầu từ ngày kia để về quê lo việc cho con gái.
Bà Nghĩa và vợ chồng Luận đồng ý. Mà không đồng ý cũng chẳng được. Việc quan trọng thế cơ mà! Chỉ tiếc là bà mới làm chưa được bao lâu, lại xin nghỉ đến tận mười ngày. Luận lo Thi sẽ vất vả, nhưng cô vui vẻ gạt đi vì mọi việc từ trước đến nay cô cũng vẫn làm đấy thôi, có sao đâu. Thế là đúng như đã hẹn, Luận dùng xe máy chở bà Tài ra bến xe về quê kèm theo cái phong bì hai trăm nghìn của bà Nghĩa và vợ chồng anh để mừng đám cưới. Lần này thì hành trang của bà là cái ba lô con cóc to đùng mà Luận đem về sau cuộc chiến ở biên giới phía bắc. Trong đó có mấy bộ quần áo gần như còn mới tinh của bố anh để lại sau khi ông qua đời, không ai mặc nữa mà bỏ đi thì phí. Ngoài ra là những thứ linh tinh vặt vãnh và ít túi ni lông các loại chả biết bà Tài đã nhặt nhạnh tích cóp được từ bao giờ, với lời giải thích đem về quê, dùng được vào nhiều việc ra phết đấy!
Nói thì thế, nhưng phải hơn hai tuần sau, đến tận lúc vợ chồng Luận tưởng bà đã bỏ việc thì bà Tài mới lại xuất hiện. Bà xin lỗi vì ở nhà lắm việc quá nên không tài nào dứt áo đi ngay được. Đám cưới của con Thủy phải lui lại mấy hôm vì ông thầy bảo không được ngày. Đành phải chấp nhận như thế. Thi chỉ hơi lạ, vì bà không gọi điện ra báo tin, hay bà không gọi nhờ hàng xóm được? Bà biếu bà Nghĩa một khoanh giò gọi là có tí quà mừng cho cháu nhà em. Rồi khoe ngay là nhà ông bà thông gia giàu lắm. Mẹ chồng con Thủy cho nó tận ba chỉ vàng ngay trong đám cưới. Cô dì chú bác nhà chồng nó cũng mỗi người cho một chỉ. Tổng cộng là được tròn một cây cơ đấy! Em thì chẳng có được chỉ nào mà cho con, chị ạ! Nói đến đây bà bỗng dân dấn nước mắt, làm cho cả bà Nghĩa và Thi đều cảm thấy mủi lòng.
Mọi việc bỗng rối tung cả lên theo cái cách mà không ai lường trước được. Đùng một cái, trong khi vợ chồng Thi đi làm còn chưa về, một thanh niên mặc thường phục đến gặp bà Tài, tự giới thiệu là cảnh sát hình sự quận. Trước mặt chủ nhà, anh ta hỏi bà Tài về vụ mất trộm tiền và vàng ở nhà hàng xóm, liên quan đến cô Hà. Bà Tài, lúc đầu thì ngạc nhiên, sau mặt xám ngoét lại, run rẩy và sợ hãi. Thì ra gia chủ bên ấy phát hiện mình bị mất đến hơn chục triệu đồng và hai chỉ vàng dành dụm đã từ lâu. Họ rình bắt được Hà và đưa cô ra ngay đồn công an, rồi từ vụ này, truy sang vụ khác. Cô Hà, lúc đầu thì còn chối, nhưng bị quay ghê quá nên cuối cùng cũng phải nhận và khai ra chỗ cất giấu ở ngay trong nhà chủ. Người ta tìm lại được năm triệu đồng và một chỉ vàng, vẫn còn thiếu hơn ba triệu và một chỉ. Hỏi mãi, thì Hà trả lời là đã cho bà Tài vay để làm đám cưới cho con.
Bà Nghĩa choáng váng trước thông tin ấy. Làm sao lại có thể một lúc đi vay cả số tiền và vàng lớn như thế chứ! Làm sao tin được, một cô giúp việc mà lại có sẵn đến ba triệu bạc và một chỉ vàng trong người để cho vay một cách dễ dàng! Ba triệu, tức là gần một cây vàng rồi chứ ít à! Ở ngay giữa Hà Nội này, liệu đã mấy ai có sẵn trong nhà số tiền và vàng như thế! Liệu có sự thông đồng gì với nhau ở đây không? Bà Tài khóc lóc, thề thốt không hề vay mượn gì của cái nhà cô Hà ấy. Cũng không biết chuyện tiền nong nào cả. Bà còn viện dẫn đến danh dự của người giáo viên nhân dân để khẳng định cho sự trong sạch của mình. Nếu không tin, các anh cứ về quê tôi mà điều tra thì sẽ biết ngay. Đến cả trường tôi mà hỏi.
May mắn làm sao, sóng gió cũng nhanh chóng qua đi. Ngày hôm sau, vẫn tại đồn công an, cô Hà đã phải thú nhận là ba triệu và cái chỉ vàng bị thiếu ấy là do cô lấy trộm từ lâu, đã đem về cho bố mẹ xây nhà. Còn số chôn giấu ở đây là cô mới lấy, nhưng chưa có điều kiện để đem đi đâu cả. Hóa ra cô rất khôn nhưng không ngoan mấy. Thấy vợ chồng gia chủ là dân buôn bán, tiền bạc xông xênh, lại được tin tưởng qua mấy năm giúp việc nên cô lặng lẽ ăn trộm mỗi ngày một ít. Ban đầu, gia chủ không phát hiện được. Nhưng đến một lúc nào đó, nghi ngờ trước một số cọc tiền bị rút ruột và kiểm đếm lại số nhẫn vàng, họ mới bàn nhau giăng bẫy. Hà bị bắt quả tang khi cô ăn trộm mẻ cuối cùng gần năm trăm nghìn, còn đang giấu ở trong người.
Tất nhiên, những thông tin này đến với gia đình Luận và bà Tài muộn hơn đôi chút, và công an cũng chỉ đến làm việc với bà Tài có đúng một lần. Cũng chẳng ai biết, tại sao cái cô Hà quý hóa kia lại bịa ra việc cho bà Tài vay tiền. Định đổ vấy cho người khác chăng hay vì một mưu đồ gì đó? Dù sao, vợ chồng Luận cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy bà Tài không liên quan đến vụ việc tai tiếng ấy. Còn bà thì trở nên trầm lặng hơn và không còn thấy sang nhà hàng xóm, không còn kể chuyện gì về cô Hà hay giao du gì với ai trong cái khu này nữa.
Thật không ngờ là bà Nghĩa lại bị thêm một cơn tai biến, ngay vào đợt gió mùa đông bắc đầu tiên và lần này thì bà quỵ hẳn. Bà liệt một bên người, nói năng ú ớ, suốt ngày chỉ còn biết làm bạn với chiếc xe lăn hoắc chiếc giường. Nhưng cũng còn may, là bà vẫn nghe và hiểu được người khác nói gì. Bà Tài, do đó mà đâm ra bận hơn, ngay cả việc xem ti vi cũng bị hạn chế rất nhiều.
Cái Tết Canh Thìn đã thập thò trước ngõ. Vợ chồng Luận càng lo lắng thêm cho sức khỏe của bà mẹ. Người ta đang bàn tán xôn xao về sự cố Y 2K và tranh cãi với nhau, năm hai ngàn đã phải là thế kỉ hai mươi mốt chưa. Người bảo rồi, người lại chưa, vì năm một chín linh một mới mở đầu thế kỉ hai mươi mà. Báo chí và truyền hình thì đua nhau đưa tin về việc kỉ niệm những ngày lễ lớn trong năm hai nghìn. Thi cảm thấy lạ lùng, khi người ta định tổ chức kỉ niệm chín trăm chín mươi năm Thăng Long – Hà Nội một cách thật hoành tráng; xây bảo tàng, làm phim, ra sách, tổ chức triển lãm, mít tinh, mở hội… Đặc biệt, còn định tổ chức một đám cưới tập thể cho chín trăm chín mươi cặp đôi tại sân vận động Hàng Đẫy, có máy bay lên thẳng phun quà xuống tặng mọi người, lập danh sách theo dõi xem bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra sau đám cưới khổng lồ này để chuẩn bị cho đại lễ một nghìn năm… Toàn những ý tưởng cao siêu đáng được gọi là vĩ đại. Nhưng liệu đào đâu ra được chín trăm chín mươi đôi trai gái yêu nhau, đồng ý làm đám cưới trong cùng một lúc? Cũng không biết, người ta có định lên kế hoạch xem có bao nhiêu đôi sẽ bỏ nhau, bao nhiêu người bị vô sinh qua đúng mười năm?
Luận cười phá lên vui vẻ khi vợ anh chia sẻ về chuyện ấy. Ôi dào, chẳng qua là do người ta muốn tiêu tiền của nhà nước thôi, mình quan tâm làm gì cho mệt. Có lo, là lo chuyện bà đây này. Thi nghe ra, liền bàn với chồng tìm cách thuyết phục bà Tài ở lại đây ăn Tết và trông nom bà nội của lũ trẻ, vì thế nào mà vợ chồng cô chẳng phải về quê chúc Tết ông bà chú bác hai bên. Mọi năm, bà Nghĩa còn khỏe thì không sao, nhưng năm nay lại khác. Không thể bỏ bà ở nhà một mình mà đi đâu được. Thôi thì cứ nói khó với bà Tài, rằng con cái bà ấy đã lớn, việc nhà đã có người lo, và trả thêm cho bà ấy ít tiền công trong những ngày Tết, may ra bà ấy đồng ý thì tốt quá.
Hai vợ chồng bàn nhau chán chê rồi thống nhất là đúng vào dịp cúng ông Công ông Táo thì cho bà Tài nghỉ ba ngày để về quê lo liệu việc nhà, sắm sửa tết nhất cho chồng con. Thi cũng sẽ xin nghỉ mấy ngày ấy để trông nom bà cụ. Hôm bà Tài ra thì đã là hăm lăm tháng Chạp và nếu cần, thì sau Tết lại bố trí cho bà ấy về lần nữa. Hai vợ chồng cũng nhất trí, trong ba ngày Tết sẽ trả thêm cho bà Tài mỗi ngày hai trăm nghìn, cộng với tiền lương tháng tức là gấp ba ngày thường.
Thi và Luận đem chuyện ấy nói với bà Tài. Sau khi suy nghĩ đắn đo, bà đồng ý. Vợ chồng Luận mừng quá, bắt tay ngay vào kế hoạch sắm Tết và chuẩn bị quà cho bà cựu giáo viên gồm một bộ đồ mặc trong nhà, hộp mứt rõ to và hai trăm nghìn toàn những tờ giấy bạc loại năm nghìn mới cứng để bà còn mừng tuổi. Rồi đúng sáng thứ sáu hăm hai tháng Chạp, Luận lại làm xe ôm đưa bà ra bến xe, tin rằng bà có đủ thời gian để chợ búa, mua sắm và làm cỗ cúng ông Công ông Táo vào hôm sau.
Mọi chuyện có vẻ thông đồng bén giọt. Đúng hẹn, bà Tài lại có mặt ở nhà Luận với thái độ vui vẻ. Bà khoe, ông nhà bà không những không phản đối mà còn nói bà cứ việc đi, muốn bao lâu cũng được, miễn là đem tiền về. Còn việc tết nhất, mình ông lo được hết. Bây giờ có phải như ngày xưa nữa đâu, sắp sửa sang thiên niên kỉ mới rồi. Nghe bà nói thế, vợ chồng Luận càng yên tâm lo chuyện hợp đồng xe để về quê vào sáng mồng một Tết và mua quà biếu các ông già bà cả ở nhà.
Rồi thì ngày ba mươi Tết cũng đến. Vợ chồng Luận túi bụi làm cỗ cúng tất niên. Bà Nghĩa thì vẫn nằm một chỗ, không có chuyển biến gì rõ rệt. Chị em con Nu con Na ngồi xem phim hoạt hình vidéo Tom và Jery, thỉnh thoảng lại cười khanh khách. Mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát. Tết đã đến ngay trước cửa đây rồi.
Mâm cỗ cúng đã được bày biện xong xuôi. Luận đưa mắt nhìn quanh một lượt xem liệu còn thiếu gì không. Đủ hết rồi. Anh xoa hai tay vào nhau, chuẩn bị làm lễ. Nhưng đúng vào lúc ấy, Luận bất chợt thấy bà Tài đang đứng dựa lưng vào tường, vẻ mặt buồn như sắp khóc. Anh chột dạ, bước đến bên và khẽ hỏi:
– Bác làm sao thế? Có chuyện gì xảy ra à?
Như chỉ chờ có thế, người đàn bà ấy liền giậm chân thình thịch xuống sàn nhà rồi gào lên khóc rõ to:
– Ối giời đất ơi, tôi nhớ các con tôi! Hu hu… Hôm nay là ngày bao nhiêu rồi mà tôi vẫn phải ở đây thế này hở giời?! Hu hu… Ối giời ơi là giời!…
2001
(Bút danh Văn Nguyên Hậu)
[1] Mức tiền công phổ biến của người giúp việc vào những năm chín mươi.