Văn xuôi · 13/12/2021

THẤT

Đang vẽ, thấy một bóng tối lờ mờ phủ lên bức tranh, tôi dừng lại. Theo kinh nghiệm từ mấy hôm nay, tôi biết là có người nào đó vừa mới đến, đang đứng ngay ngoài cửa ra vào. Đúng như thế thật.

Bên cạnh tôi, Trọng cũng đã đặt bút xuống. Anh ngẩng lên nhìn rồi cười khà khà, nói thật to:

– Vào đây, vào đây ông bạn! Đi đâu đấy?

Vẫn còn đang chúi mũi vào bức tranh lại ở chỗ tối hơn nên khi nhìn ra ngoài cửa, ngược sáng tôi bị lóa mắt, chỉ thấy một bóng người nhỏ bé, đen sì. Có lẽ một đứa trẻ con. Tôi đoán vậy và vốn dĩ luôn luôn hờ hững với mọi việc xung quanh, tôi lại cầm cây bút vẽ lem nhem những màu bột lên, tiếp tục công việc.

Trọng bắt đầu quay sang hỏi thằng bé. Cái tính của anh là như vậy; với bất cứ hạng người nào anh cũng có thể trò chuyện thoải mái và thân mật được:

– Thế nào? Vẫn khỏe đấy chứ hả?

Có tiếng chân di di xuống nền nhà đất và câu trả lời bẽn lẽn:

– Vâng ạ!

Trọng cười to hơn:

– Hà hà! Khỏe được là tốt đấy mày ạ!

Chú bé cười ngượng ngập. Trọng lại hỏi tiếp:

– Hồi này làm ăn thế nào rồi?

– Dạ, vẫn thế.

– Vẫn thế là thế nào! Có kiếm được kha khá không? Hả?

Hình như chú bé không đủ thông minh để hiểu được Trọng hỏi gì nên lại “dạ” thêm một tiếng. Trọng phải nói rõ ra:

– Có kiếm được con cá con tôm nào không, bán tao một ít!

Biết ngay mà! Anh bạn tôi đang cần mua thức ăn để làm nốt mấy bức tranh cổ động cho triển lãm mà bận quá, không đi chợ được. Mấy ngày nay chúng tôi chỉ toàn ăn cơm với ít rau muống hoặc rau cải luộc chấm muối và một con vịt kho mặn nhưng lại vừa hết rồi. Chú bé đáp:

– Có đây ạ. Dưng mà ít lắm.

Trọng reo lên:

– Có thế chứ! Xem nào!

Anh đứng dậy, lại gần chú bé trong khi chú ta loay hoay tháo chiếc giỏ được đeo rất chặt bên hông bằng một sợi dây chuối.

– Ông Thân này, ông thử xem mình mua món này có được không?

Tôi nhìn qua mấy con cá vừa bị đổ ra nhà, đang giãy giụa trên mặt đất:

– Tùy ông thôi. Chứ tôi thì biết gì mà ông hỏi.

– Thế thì còn nói chuyện gì! – Trọng chặc lưỡi một cái. – Thôi thì mua vậy! Mày định lấy bao nhiêu đây hả?

– Chú giả cháu bao nhiêu?

– Xem nào… Hừm. Thôi, đồng rưỡi. Được chưa?

Chú bé có vẻ ngần ngừ một lát:

– Năm con giếc của cháu to thế này… Lại còn ba con trê nữa…

Trọng cười xòa, thọc ngón tay trỏ vào trong mũi:

– Ôi dào, đắt rẻ một tí thì làm cái gì! Mày có định bán không, hay muốn đem ra

chợ thì cứ việc đem đi.

Chú bé im lặng một lát như để suy tính thiệt hơn rồi mới cả quyết:

– Vâng, cháu bán cho chú đấy. Lỗ vốn của cháu mấy hào rồi.

Trọng lại cười xòa:

– Lỗ với chẳng lãi cái gì. Mày đem ra chợ đã chắc nó giả hơn đấy à? Lúc nào rỗi sang lấy tiền sau nhé!

– Cháu…

Trọng cướp lời thằng bé:

– Mày sợ tao ăn quỵt mất à? Tao đã ăn quỵt của mày lần nào chưa? Đây mày xem, tao chỉ còn có mấy tờ giấy bạc năm đồng với mười đồng thế này, làm gì có tiền lẻ mà giả ngay cho mày được. Hả? Mày có tiền giả lại không?

– Vâng. Thôi thế để mai cháu đến lấy vậy. Nhưng chú đừng để cho bá cháu với dì cháu hay em cháu biết đấy nhớ, không thì cháu chết đấy.

– Ừ, có thế chứ. Được rồi, sáng mai đến đây mà lấy tiền. Cứ yên chí, tao không nói gì với người nhà mày đâu mà sợ.

Chú bé thắt lại cái giỏ bên hông, chào hai chúng tôi rồi đi ra. Bây giờ tôi mới có dịp hỏi Trọng vì cả một sự tò mò từ nãy đến giờ:

– Thằng bé này nó ở đâu ra thế hở ông?

– Hả, thằng bé à? – Trọng hỏi lại tôi lần nữa rồi mới bảo. – Nó không bé đâu. Hai mươi hai rồi đấy.

Tôi ngạc nhiên:

– Thế à? Làm gì đến!

– Ông có vẻ lạ lắm nhỉ. Tính tuổi ta thì nó hăm ba rồi cơ.

– Sao nó lại bé thế?

Trọng hơi nhún vai một cái:

– Ai mà biết được! Có lẽ tại vì nó khổ quá.

Trọng nói vậy rồi cúi xuống nhặt mấy con cá bỏ vào cái rổ.

– Rẻ được gần một nửa lại đỡ phải đi ra chợ.

Tôi vẫn băn khoăn về cậu bé nên lại hỏi:

– Thế tại sao nó lại phải giao hẹn với ông là đừng nói cho người nhà biết việc nó vừa bán cá?

– Hừ, người nhà nó mà biết thì cứ gọi là chết ngay! Cái bọn ấy là ghê lắm. Ông không biết chứ, dì nó…

– Dì ghẻ à?

Trọng khẽ gật đầu:

– Ừ. Mẹ đẻ nó chết từ lâu lắm rồi. Còn mụ dì ghẻ nó thì ác lắm, mà bố nó thì sợ con ngựa cái ấy một vành.

Trí tò mò của tôi dường như vừa thức dậy, đòi thỏa mãn. Tôi muốn hỏi thêm để được biết rõ hơn về cậu bé.

– Này…

– Thôi, để tao về bên nhà làm mấy con cá này đã để trưa có cái ăn. Tí nữa sang tao kể cho mà nghe.

Nói thế nhưng phải đến hàng tiếng đồng hồ sau Trọng mới quay trở lại. Anh cầm chiếc bút lông đã khô cứng vì trời hanh, tiếp tục công việc. Tôi giục:

– Kể đi chứ!

Trọng ề à, rõ ra người không có gì phải vội vì bản tính của anh xưa nay là thế:

– Nó tên là Thất, năm nay hai mươi hai tuổi.

– Gì nữa?

– Mẹ nó chết lâu lắm rồi, đâu như từ năm năm sáu. Nó có bốn anh em cùng mẹ với ba đứa em nữa là con dì ghẻ…

– Đông nhỉ.

– Đông. – Trọng vẫn nhát gừng như cũ. – Con mụ dì ghẻ nó ác lắm, đánh nó với bọn em nó như ngóe ấy.

Tôi hơi ngạc nhiên:

– Nó lớn tuổi thế mà vẫn còn bị đánh à?

– Úi giời, đánh ác ấy chứ! Nó còn bị đòn nhiều hơn cả những đứa khác nữa cơ. Có lần nó bị đánh bằng gọng dao, có lần bị phạng ghế vào đầu, đủ hết.

– Thế tại sao nó lại bị đánh?

– Chả biết! – Trọng khẽ nhún vai. – Có lẽ vì mụ ấy không làm gì nên buồn chân buồn tay hoặc cho việc hành hạ nó là một trò chơi vui thích chẳng hạn.

Trọng ngừng lời, lùi ra phía sau mấy bước, nheo nheo mắt ngắm tranh. Anh lẩm bẩm:

– Chưa được. Đám này có lẽ phải thêm tí lơ cô – ban[1] nữa cho nó tươi lên… À, quẳng tao cái bát lăng đờ – danh đây mày.

Tôi đưa cho Trọng bát màu trắng và lại tìm cách tiếp tục câu chuyện còn bỏ dở:

– Dì nó với bố nó thì đã đành rồi. Nhưng tại sao nó còn phải dặn là đừng cho em nó biết? Những đứa em cùng cha khác mẹ ấy à?

– Không. Cùng mẹ hẳn hoi. Thế mà hơi một tí chúng nó lại ton hót đủ mọi thứ với mụ dì ghẻ để cho thằng này bị ăn đòn. Có lẽ bị hành hạ nhiều quá, không chịu được nữa nên chúng nó mới hi sinh luôn thằng anh đi để được nới tay một tí.

– Tất cả bọn em nó ấy à?

– Ừ. Nhưng chủ yếu là cái con dưới nó, năm nay cũng phải mười chín hai mươi rồi. Cũng bé tí bé teo như nó lại xấu như điên, chắc là khó mà lấy được chồng.

Tôi chưa biết hỏi gì thêm thì Trọng lại nói luôn:

– Mà đúng thế thật. Từ khi nó tìm cách mách tội anh nó đến giờ, mụ dì ghẻ sai con này làm việc ít hơn mà đánh đập nó cũng ít hơn trước.

– Thế lúc bị đánh nó có phản ứng gì không?

– Có chứ. Đỡ hoặc ôm đầu chạy trốn. Có lần mụ ấy đánh nó đau quá, nó bỏ nhà đi mấy ngày liền sang tận mãi bên Thái Bình chơi làm mụ ấy cuống lên phải nhờ người đi tìm vì việc ở nhà không có ai làm. Con mụ ấy chỉ biết nằm ườn, mà tụi em nó thì toàn là đồ ăn hại.

– Khổ thân thằng ấy nhỉ.

Trọng thở dài:

– Đã bao nhiêu lần tao với những người khác khuyên nó, bảo sợ quái gì cái con mụ ấy! Nó đánh mày, mày đánh trả xem nó làm gì được nào. Con mụ ấy yếu như sên, đẩy một cái ngã ngay ấy mà.

– Có lẽ tại nó hiền lành nhu nhược quá?

– Ừ, – Trọng khẽ gật đầu xác nhận. – Nhưng cái chính, là nó sợ thằng bố nó. Với lại bản chất của nó cũng như những người nông dân ở đây là nhẫn nhục và chịu đựng. Tôi nghiệm thấy đúng như thế ông ạ. Bao nhiêu sự ngang ta trái mắt, bao nhiêu uất ức vẫn cắn răng lại mà chịu đựng. Chứ cứ như ngoài thành phố mà xem. Nó lại không làm toáng lên ngay ấy à.

Câu chuyện không còn chỉ nói về Thất nữa mà đã xoay sang hướng khác. Trọng nói như chứng minh cho nhận xét của anh:

– Đấy, ông mới về đây nhưng ông thử nghĩ xem liệu tôi có nói ngoa không. Đối với người thành phố hay cán bộ, dù là cán bộ cấp thấp đến thế nào, họ cũng cứ thu mình lại, khúm na khúm núm rất buồn cười. Vâng vâng dạ dạ, thưa gửi đủ điều, nghe mà phát sốt cả ruột.

– Đúng đấy. – Tôi đáp. – Hôm tôi mới về, tay cán bộ phụ trách công đoàn hay gì đấy chả biết ở Phòng Công nghiệp và Thủ công nghiệp cứ gọi mình một điều báo cáo anh, hai điều báo cáo anh xưng em làm cho mình ngượng quá, lại cảm thấy lố bịch nữa. Vì chắc chắn là ông ấy hơn tuổi mình nhiều.

Cả hai chúng tôi cùng cười. Trọng lại tiếp:

– Ấy thế mà họ đối với nhau cũng chẳng ra làm sao đâu. Cũng người nọ chèn ép, bắt nạt người kia, cũng kéo bè kéo cánh, đạp đầu đạp cổ nhau để leo lên. Mà khốn nạn, leo có được đâu cơ chứ. Muốn gì thì gì, vẫn cứ là ông nông thộn cổ cày vai bừa thế thôi. Còn trong những chuyện khác ấy à, tính toán chi li từng tí nhé! Từng lẻ gạo thìa cơm một ấy. Khiếp lên được!

– Ờ… Chả thế mà người ta lại có câu “Đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm”, – Tôi phụ họa theo. – Có lẽ tại vì họ nghèo quá, tất cả mọi thứ đều trông chờ vào hạt thóc, mà thóc lúa lại phụ thuộc vào công điểm.

– Không phải, mà do tính bủn xỉn keo kiệt nó quen đi rồi… Có bao giờ nhìn xa hơn được lũy tre làng đâu. Có người, cả năm còn không lên đến huyện… Mà cách nói năng xưng hô của họ mới thật buồn cười. Ông có biết không, mỗi khi gặp nhau họ lại nhẹt mồm, dài giọng ra: “A, chào bác phó”! Ai cũng là bác phó! Chả biết là bác phó gì. Phó mộc, phó rèn hay phó cối… Mà danh giá gì hai cái chữ ấy cơ chứ! Cứ làm như không có từ ngữ nào hay hơn hay sao ấy!

Tôi bật cười vì cách chuyện trò của Trọng. Hình như anh đã bốc lên, nên không còn kiểu nhát gừng câu một như lúc nãy nữa mà làm luôn một mạch:

– Lố bịch, kệch cỡm không thể tả được cơ ông ạ. Có thằng làm xong cái nhà mới, đặt mình vẽ cái tranh sơn thủy để treo. Đến lúc đem tranh về rồi, sướng quá lại lên đây gặp mình. Ngồi nói chuyện một lúc nó gãi đầu gãi tai rồi bảo: – “Báo cáo anh, em nói thế này khí không phải, hôm nay mời anh đến xơi cơm muối với gia đình em, gọi là mừng cái nhà mới mấy lị treo bức tranh của anh luôn thể”. Mẹ khỉ! Đã dốt lại hay nói chữ. Từ trên xuống dưới, thằng đếch nào cũng sính dùng từ “báo cáo”. Cái gì cũng đều báo cáo! Không khéo lúc nó làm việc ấy với vợ nó, cũng “Báo cáo bu nó, tao đang định làm một phát đây! Mày thấy thế nào”?

Trọng nhại giọng của một người nào đó y như thật, khiến tôi buồn cười quá đến nỗi đánh rơi cả cái bát đựng màu làm cho nó vỡ thêm lần nữa. Trọng liếc nhìn sang rồi nói bằng giọng tỉnh queo:

– Lấy cái khác ở kia kìa. Mình nghe nó nói, chỉ còn thiếu cái nước bò ra mà cười. Ai đời, cái bánh rán bột mì to như nắm đấm, rắn như đá ấy cũng không biết gọi là gì, lại gọi là bánh bao. Miến nấu thì gọi là phở, cái nồi nhôm dù to đến mấy cũng nhất loạt là xoong. Con cá bé như mắt muỗi ấy, đem rán lên thì biến ngay ra thành cá rô ti ông ạ!

Tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo vì thái độ khôi hài của Trọng. Nhưng vẫn cãi, xem may ra vớt vát được phần nào.

– Có lẽ không phải họ không biết đâu. Chẳng qua là tiếng địa phương, mỗi nơi một khác thôi mà.

– Biết cái gì! – Trọng trề môi khinh bỉ. – Lại còn nói ngọng líu cả lưỡi vào nữa chứ! Cái thằng Thất ấy, có lần tôi về Hải Phòng mấy ngày, đến lúc sang nó khoe luôn là nhà cháu mới bán con tâu được ba tăm tám. May mà mình ở đây đã lâu nên cũng hiểu được nó nói gì. Hóa ra là nhà cháu bán con trâu được ba trăm tám. Khổ chưa!

Tôi và Trọng cười sặc sụa. Ngừng một lát, anh lại tiếp tục:

– Còn các em ở đây thì lạ lắm. Sứt môi lồi rốn xấu bỏ mẹ đi được mà cũng điệu đà lắm nhé. Lại còn hay làm đỏm. Chịu khó soi gương lắm. Mê hát chèo. Mà mỗi lần hát thì cứ như đấm vào tai người khác. May mặc cái gì cũng rặt một màu đỏ, trông tức mắt kinh lên được. Còn rủ nhau đi mua khăn đỏ, vì cái thứ ấy bán tự do mà, về khâu các loại xi líp xu chiêng đủ kiểu. Mỗi khi đến đây xem mình vẽ thì cứ “Sao chú không thêm tí đỏ vào cho nó nổi”? Không có đỏ thì lại chê là là tối, là xấu. Sướng không?

Hai chúng tôi lại cười phá lên như nắc nẻ. Vừa lúc đó thì một thanh niên bước vào cùng với lời chào có vẻ rụt rè. Bằng một giọng thản nhiên đến tỉnh khô, Trọng lặp lại chính cái câu mà anh vừa lôi ra giễu cợt:

– A, chào bác phó! Mời bác vào. Gớm, lâu lắm rồi mới thấy mặt. Vẫn khỏe đấy chứ, hả? Đây, ngồi đây này… Thế, được rồi.

Trong khi cậu thanh niên kia còn đang mỉm cười ngượng ngập, loay hoay với chiếc ghế đẩu ở ngay cạnh chủ nhà thì tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật ra tiếng cười không đúng lúc.

 

***

 

Sáng hôm sau, vẫn đầu đội nón mê, chân đi đất, Thất đến chỗ chúng tôi từ sớm. Có lẽ vì thức khuya, ngủ muộn nên Trọng vẫn chưa dậy. Tôi bảo Thất:

– Cậu ngồi đây một lát. Có lẽ anh ấy sắp dậy đấy.

– Vâng.

Thất ngồi ghé lên cái ghế tựa mà Trọng vẫn ngồi làm việc bên cạnh giá vẽ. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn Thất ở một khoảng cách gần. Trời rét và hanh khô mà trên người Thất chỉ có đúng một chiếc áo cánh nâu rách vá, chiếc quần đùi đen bạc phếch, để lộ những cẳng chân cẳng tay khẳng khiu gầy guộc và đen cháy. Hai bàn chân cậu ta rất to, dính đầy bùn đất có lẽ vì vừa mới lội ruộng về, in dấu lên nền nhà mới quét. Đôi chân đôi tay ấy nứt nẻ và mốc trắng.

Khuôn mặt Thất già câng, già hơn cái tuổi hăm hai của cậu nhiều. Trên khuôn mặt quắt queo ấy là đôi môi hơi dày, đen sịt, chiếc mũi tẹt mà lại hếch. Còn đôi mắt thì… Trời ơi, tôi không dám nhìn lâu. Bởi vì nó là một cái gì đó tôi chưa tìm ra tên gọi, đầy đau khổ và ám ảnh. Ấy thế mà nó vẫn là một đôi mắt hẳn hoi, đôi cửa sổ của tâm hồn! Tôi không thể diễn tả chính xác về đôi mắt ấy vì nó lở loét, ướt nhèm, rụng hết cả lông mi, đến nỗi muốn nhìn một cái gì cậu ta cũng phải giương to hai mi mắt sưng mọng ấy lên. Đôi mắt đỏ hỏn như một vết thương chưa lên da non khiến tôi ghê sợ đến rùng mình, mặc dù vẫn biết rằng có lẽ đó là do hậu quả của bệnh đau mắt hột hay lông quặm lâu ngày không chữa. Hay là chữa nhưng không khỏi?

Không để ý gì đến thái độ của tôi, cậu bé bất hạnh ấy hơi cúi xuống, mân mê sợi dây chuối buộc chiếc giỏ bên sườn. Tôi nhìn xuống và bất chợt nhận ra, Thất vừa run lên vì rét. Tôi buột miệng:

– Sao ăn mặc phong phanh thế? Trời lạnh thế này…

– Cháu… không rét. – Thất nở một nụ cười méo xệch trong khi hai hàm răng cậu ta va vào nhau lập cập. – Chú mới ở ngoài Hải Phòng về đây ạ?

Tôi gật đầu:

– Vâng, tôi mới về giúp anh Trọng vài hôm. Ngoài ấy đang ít việc.

– Chú Trọng chú ấy hay tìm thêm người về làm với chú ấy lắm. Chú… còn làm ở đây lâu nữa không?

– Có lẽ một tuần nữa là cùng. Này, tớ bảo thật, đừng gọi là chú nữa. Tớ chỉ hơn đằng ấy độ năm sáu tuổi thôi mà.

– Cháu gọi thế nó quen rồi.

Nhớ lại những chuyện Trọng kể hôm qua, tôi hỏi:

– Thất này, cậu ở nhà hay bị đòn lắm à?

– Ai bảo chú thế? – Thất có vẻ giật mình, nhìn lên làm tôi phải quay đi.

– Anh Trọng. – Tôi trả lời ngay vì nghĩ đây là chuyện có lẽ nhiều người biết nên không cần phải giấu. – Đúng không?

Thất thở dài não nuột, giọng như muốn khóc:

– Vâng.

– …

– Dì cháu ác lắm. Nhiều khi chẳng có tội tình gì bà ấy cũng đánh chửi cháu. Cứ thích lên là đánh thôi. Còn thì toàn bắt cháu làm thật là nhiều. Lắm hôm cháu phải chăn đàn vịt hàng mấy trăm con rồi chiều tối còn phải gánh một gánh cỏ nặng cho trâu. Tối về lại còn phải xay thóc giã gạo… Rồi lúc nào cũng phải đeo giỏ để bắt rốc[2]hay tôm cá. Mỗi ngày phải có đủ một trăm rốc, nếu thiếu thì không được ăn no. Còn ngày nào đi kéo vó thì phải được nhiều hơn thì không kể.

Tôi hơi ngạc nhiên vì cái chỉ tiêu mà Thất được giao.

– Thế… có hôm nào bắt không đủ một trăm con rốc không?

– Có chứ. Dưng mà ít lắm. Còn thì cháu bắt chỉ loáng cái là đủ. Đủ rồi thì cháu trốn đi chơi cả buổi mới về, không thì bắt thêm đem bán lấy tiền tiêu. Nhưng phải giấu kĩ cơ, chứ nếu bà ấy biết thì chỉ có mà chết.

A, thế thì tay này cũng khôn đấy chứ! Tôi thầm nghĩ và hỏi sang chuyện khác:

– Nghe nói… Mẹ cậu mất rồi à? Đã lâu chưa?

– Lâu lắm rồi, chứ nếu bu cháu còn thì cháu đã không phải khổ.

– Thế những lúc cậu bị đòn, bố cậu không nói gì à?

Thất hơi lắc đầu:

– Không. Bá cháu sợ dì cháu lắm. Có khi bà ấy còn chửi cả bá cháu nữa ấy chứ. Mà dì cháu đánh thì ác ơi là ác. Có khi lấy cả gọng dao rựa chém vào mắt cá chân, lấy ghế đập vào đầu… Cháu mà bỏ chạy thì bạ cái gì cũng vớ lấy quẳng theo.

– Dã man thế! – Tôi buột miệng. Thì ra Trọng không cường điệu một chút nào. Tôi gai hết cả người lên khi chính kẻ bị hành hạ kia kể lại bằng cái giọng đều đều những hình phạt mà cậu ta phải chịu. Thất cúi đầu lại gần tôi, chỉ lên một vết sẹo khá to:

– Đây này, lần ấy cháu chạy xong bị bà ấy rút luôn thanh củi đang cháy ở trong bếp ném theo làm cháu bị vỡ đầu, phải đưa lên huyện khâu gần chục mũi. Chảy bao nhiêu là máu. Mãi gần chục ngày sau mới khỏi.

– Thế đối với các em của cậu thì sao? Bà ấy có hay đánh không?

– Có, dưng mà ít thôi. Còn con bà ấy thì ăn sung mặc sướng, chẳng phải làm gì cả, cũng chẳng bao giờ bị đòn.

Tôi chép miệng:

– Khổ quá! Thế cậu học lớp mấy rồi?

– Cháu… Cháu có được đi học đâu. Hồi xưa, bu cháu còn sống, cháu mới đi học được đến hết vỡ lòng[3]. Sau rồi bu cháu chết, bà ấy về không cho đi học nữa, giờ cháu quên sạch hết cả chữ rồi. Không xem được báo. Mà đọc cái gì cũng phải đánh vần lâu lắm.

Thất mỉm cười méo mó. Tôi xót xa nhìn cậu ta mà không biết nói gì. Hai mươi hai tuổi, người bé như đứa mới lên mười. Giỏi lắm cũng chỉ cao chừng mét ba, mét tư.  Không biết chữ. Rồi thì cuộc đời cậu ta sẽ ra sao? Tôi buột miệng:

– Sao lại thế?

– Dạ… – Thất hấp háy đôi mắt lở loét, nhìn tôi không hiểu.

– Ý tôi là, tại sao bà ấy không cho cậu đi học?

Thất lại lắc đầu thiểu não:

– Cháu không biết. Bà ấy muốn bắt cháu phải ở nhà trông em rồi thì đi làm. Các em cháu cũng thế, bà ấy cũng định không cho đi học đâu. Phải có người đến tận nhà nói mãi rồi còn mua cả sách vở cho… Mà cũng chỉ được hết lớp bốn. Bảo là con gái học làm gì nhiều. Học nhiều để mà đánh đĩ theo giai à…

– Tưởng cậu đã học hết cấp hai thì đi học lấy cái nghề gì đó mà làm cho đỡ khổ, chứ sống thế này thì chẳng bao giờ khá được.

– Nhưng cháu có được học hành gì đâu! Mà học cũng dốt nữa cơ. Mất tận hai năm vỡ lòng mà bây giờ cũng quên hết cả rồi. Có cái thư cũng không viết được.

– Thế mới khó.

Tôi nói vậy và liếc nhìn người đối thoại, đúng vào lúc cậu mỉm cười. Nụ cười mới héo hon, tàn tạ làm sao! Nó để lộ những chiếc răng cáu bẩn lô xô và đùn lên những nếp nhăn dúm dó, trông cứ như người đang mếu. Không thể diễn tả cái cười ấy đau khổ đến chừng nào, vì trời hanh, da mặt cậu ta dường như cũng sắp sửa nứt hết ra nên cậu không dám cười hết cỡ. Rách môi, chảy máu ngay. Giá như Thất cứ thở dài, than vãn còn hơn. Nhưng cũng lạ, cậu ta không hề tỏ ra đau khổ cho số phận của mình.

– Mãi chú ấy vẫn chưa dậy nhỉ, – Thất nói bâng quơ nhưng rõ ra là cậu đang sốt ruột.

– Bây giờ thì có lẽ dậy rồi đấy nhưng chắc còn đang đánh răng rửa mặt. Cố chờ thêm một tí.

– Vâng.

– Này, thế cậu thấy anh ấy thế nào? – Tôi buột miệng hỏi một câu mà từ mấy hôm nay tôi vẫn băn khoăn về ông bạn vong niên.

– Chú Trọng ấy ạ?

– Ừ.

– Cháu cũng chả biết. Nhưng mà vào xem chú ấy vẽ thì không được nghịch ngợm gì cơ. Nếu nghịch chú ấy đuổi ra ngay.

Thấy Thất không hiểu ý mình, tôi đành hỏi thẳng:

– Nhưng theo cậu, anh ấy là người như thế nào, liệu có tốt không?

– Cũng… bình thường. Có hôm cháu sang đây gặp chú ấy đang ăn quà, chú ấy cũng cho. Nhưng nhiều khi mua cái gì của cháu chú ấy mãi vẫn không giả tiền, làm cháu phải đòi. Mà đòi mãi chú ấy cũng chẳng giả đủ. Bây giờ chú ấy vẫn còn thiếu của cháu hai hào từ cách đây đến mấy tháng rồi.

– Thế ấy à? – Tôi ngạc nhiên và nhẩm tính trong đầu. Hai hào, ở đây mua được ít nhất là năm mớ rau muống hoặc nửa lít nước mắm hoặc bát phở không người lái[4]. Bằng một đĩa bánh cuốn và đủ cho hai người lớn đi xem phim bãi[5]. Nhưng không phải là số tiền nhỏ đối với một cậu bé nghèo ở như Thất.

– Thôi được, lát nữa tôi nhắc anh ấy cho.

– A, thằng này ghê thật! Mày đã đến đòi nợ tao đấy à?

Trọng bất ngờ xuất hiện cùng với giọng nói oang oang như lệnh vỡ. Anh bước vào trong nhà, tay xách theo một nải chuối và cái túi vải căng phồng. Thất còn đang im lặng không dám nói gì thì Trọng đã đá thêm luôn:

– Biết ngay mà! Thành ra tôi phải đi đổi tiền lẻ về để nộp cho ông đây!

Vừa nói, Trọng vừa móc túi lấy tiền ra đếm. Thấy vạy tôi liền nhắc:

– Còn cả hai hào từ đợt trước.

– Ừ nhỉ. Suýt nữa thì quên. Mà nó lại còn nhờ cả mày đòi hộ nữa cơ à? Đây, đồng bảy còn mới tinh nhé! Để dành tha hồ được lâu.

Thất bẽn lẽn nhận tiền, vuốt cho từng tờ giấy bạc phẳng phiu rồi mới cẩn thận gấp lại, cho vào trong túi áo, cài kim băng cẩn thận. Trong khi đó, Trọng cầm nải chuối lắc mạnh liền mấy cái cho quả rụng hết ra và khẽ lắc đầu:

– Khiếp quá, mình mới nợ ông ấy từ hôm qua đến giờ mà ông ấy đã phải đòi ngay, không thì sợ mất… Ăn đi, ăn đi mày.

Tôi đưa một quả chuối cho Thất. Giục mãi cậu ta mới cầm rồi đội chiếc nón mê lên đầu, chào:

– Thôi hai chú làm nhớ. Cháu đi không muộn.

Đợi cho Thất đi ra, Trọng mới lấy từ trong túi xách mấy chiếc bánh rán và hai gói xôi. Anh giục:

– Ăn đi mày. Ăn đi còn lấy sức mà làm việc. Vừa rồi nó ở đây, tao không dám bỏ ra. Bánh bao của nhà chúng nó đây… Nó cứ tưởng là mình giàu có lắm.

Hai chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi bảo:

– Cái thằng Thất này nó khổ quá nhỉ. Hăm hai hăm ba tuổi mà có lẽ còn gầy yếu hơn cả những đứa lên chín lên mười.

Trọng gật gù nhưng lại nói:

– Ừ, mà tướng mạo nó như thế thì chắc sau này cũng chẳng vợ con gì được. Đấy, mày nhìn mắt nó mà xem. Sợ không? Mà nó cười thì cứ như là mếu ấy. Bọn trẻ con ở đây nó cũng coi khinh thằng này lắm. Bắt nạt luôn. Đứa lên mười, mười hai cũng mày tao chi tớ chứ có gọi nó bằng anh đâu! Tại thằng này vừa hèn lại vừa ngu si đần độn quá mà! Nghe nói nó còn bị mụ dì ghẻ bắt phải giặt cả quần áo lót cho mụ ấy nữa đấy! Mà cái đồng bảy vừa rồi ấy à, không cẩn thận là mụ ấy lại tịch thu luôn! Đừng có tưởng…

– Trời, lại còn thế nữa! – Tôi kêu lên khe khẽ. – Sao mà có người kinh khủng thế!

– Chưa hết đâu! Mụ ấy còn thường xuyên khám túi áo và cả cạp quần của thằng này nữa nhé! Đến nỗi có mấy đồng nó giấu ở mái chuồng lợn mà mụ ấy cũng tìm ra.

Tôi im lặng vì không biết nói gì thêm. Bữa ăn sáng cũng đã xong. Trọng vứt vỏ chuối và lá gói xôi vào một góc nhà rồi nhấc giá vẽ ra chỗ sáng. Tôi ngồi xuống ghế trong khi đầu óc vẫn đang suy nghĩ vẩn vơ về Thất và những người như cậu. Còn Trọng thì đã cầm bút vẽ lên và khe khẽ hát một câu trong vở cải lương nào đó:

Em Lan ơi, vì sao mà em phải…

                                                                             đọa đầy?…

Thêm một tuần nữa trôi qua. Công việc đã xong xuôi. Những bức tranh và pa nô cuối cùng dùng để trưng bày trong triển lãm của huyện đã được giao cho khách hàng. Bây giờ tôi chỉ còn chờ lĩnh tiền nữa là về thẳng.

Không còn việc gì nữa để làm, cơm cũng đã nấu xong chỉ còn chờ Trọng về ăn, tôi bèn chắp hai tay sau lưng đủng đỉnh ra ngoài cầu chơi. Chiếc cầu nhỏ được bắc bằng những cây luồng ghép lại hắt bóng xuống dòng mương đang gợn sóng. Trên cầu, Thất đang vặn mình kéo chiếc vó quá to so với khổ người.

Vẫn chiếc quần đùi đen và áo nâu rách vá, vẫn chiếc nón mê tùm hụp trên đầu, Thất đón tôi bằng một nụ cười đau khổ. Tôi bước đến bên cậu ta và hỏi thay cho lời chào:

– Thất đấy à? Sao lại kéo vó vào lúc giữa trưa này?

– Người ta đang bơm nước, tôm cá nó cũng theo vào chú ạ. Cháu phải tranh thủ… Đấy, có cả mấy con rạm kia kìa, chú có nhìn thấy không?

– Ừ nhỉ. Thế đã được nhiều chưa?

– Dạ, chưa được con nào.

– Sao không đứng bên này cho vững. Đứng chênh vênh như thế lại ngã bây giờ.

– Đứng bên ấy ngược gió, nó tạt nước vào người ướt hết.

– Ừ nhỉ.

Tôi ngồi xổm trên cầu nhìn dòng nước. Mặt nước gợn những vòng sóng cứ loang dần, loang dần ra mãi. Mấy bụi cỏ mọc sát bờ mương khẽ rung rinh rồi lại lặng im bình thản trên làn nước phẳng lờ cho đến khi Thất kéo vó lên. Lần này đã có vẻ khá hơn, vì có đến dăm sáu con cá to bằng ngón tay, vài con tép và cả mấy con cua bé tí nằm trong đó. Thất nhanh nhẹn bắt cả lũ bỏ vào giỏ trước sự ngỡ ngàng thán phục của tôi rồi lại thả vó chìm xuống nước. Xong, cậu quay sang tôi hỏi:

– Chú sắp về Hải Phòng đấy à?

– Ừ, công việc ở đây xong rồi.

– Chú Trọng chú ấy đi đâu hở chú?

– Anh ấy đi lên huyện lĩnh tiền, có lẽ cũng sắp về.

Thất lại cúi xuống, mím môi, ưỡn người ra phía sau kéo vó. Chiếc vó từ từ lên khỏi mặt nước. Ở giữa vó, lần này lấp lánh, nhảy nhót mấy con cá mương xấu số. Thất sung sướng kéo cạnh vó vào gần, chộp lấy. Rồi mọi động tác lặp lại y như cũ. Mặt nước gợn sóng loang ra. Thất lại hỏi tôi:

– Chú Thân này, chú làm nhiều tiền thế sống có đủ không?

Hơi ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ từ một người như Thất, tôi đâm ra lúng túng.

– Biết làm sao cho đủ được! Mà thói đời, anh nào kiếm ra được nhiều tiền là lại phải tiêu nhiều. Ở ngoài phố, chúng tớ thức một đêm để làm là có thể kiếm được mấy chục rồi. Nhưng tiền cà phê, thuốc lá, bánh trái cũng có khi phải mất đến mười đồng ấy. Khổ nỗi, có phải lúc nào cũng kiếm được đâu. Có khi chơi dài hàng tháng trời, phải ngửa tay xin việc khắp nơi… Tớ về đây phụ giúp anh Trọng cũng là vì thế.

– Vâng.

– Cho nên, theo tớ thì làm việc gì ít tiền thôi cũng được, miễn là nó có đều.

– Nhưng mà làm như các chú vẫn thích hơn chứ.

– Thích cái quái gì! Khổ bỏ xừ đi ấy, nhiều khi còn phải thức đêm thức hôm lại còn lắm chuyện lôi thôi nữa.

– Nó nhàn chú ạ.

– Chả nhàn đâu. Suốt ngày chúi mũi vào vẽ đến hoa cả mắt. Chỉ được mỗi cái không phải dầm mưa dãi nắng thôi.

Thất lại nhấc vó. Lần này được nhiều hơn; có lẽ phải đến vài chục con vừa cá vừa tôm sa lưới. Nhặt bỏ giỏ xong, Thất ngập ngừng:

– Chú Thân này, cháu… muốn học vẽ có được không?

– Được chứ, sao lại không? Chỉ cần vài tháng là biết thôi. Nhưng cậu định học để làm gì?

– Để làm nghề như các chú.

À, ra thế! Tôi vội xua tay:

– Thế thì không được rồi. Phải mấy năm mới làm được. Đi kiếm cơm thiên hạ có phải dễ đâu. Cậu tưởng đơn giản lắm à?

Thất thở dài não nuột có lẽ vì thất vọng rồi không hỏi thêm gì nữa. Cậu ta làm sao hiểu được những người như tôi và Trọng sống ra sao. Vẻ ung dung nhàn hạ chỉ là cái vỏ bề ngoài. Như tôi, lẽ ra cũng không phải mò về cái xó nông thôn hẻo lánh này làm gì. Nhưng vì mấy tháng nay không có việc làm, hai đứa con thơ lại thêm bà vợ đang to bụng nên đành phải đi xa kiếm tiền nuôi mấy cái máy nghiền cơm ấy. Và còn biết bao nhiêu nỗi cơ cực khi tôi nhận mình là thợ vẽ để đi xin việc làm… Có lúc còn phải nhận quét vôi. Những đồng tiền tôi moi được ở túi người khác nào có dễ. Tôi phải đổ bao nhiêu giọt mồ hôi vô hình vào đấy.

Thế mà Thất lại mong có được cuộc sống như tôi. Cậu ta không hiểu được một lẽ giản đơn là mỗi người chỉ khác nhau cảnh khổ chứ chẳng ai sung sướng hoàn toàn. Thất làm sao biết được đã bao nhiêu lần tôi muốn chuyển sang nghề khác, làm người nhà nước để có đồng lương ổn định hơn. Còn ở trong môi trường hiện tại ư? Tất cả mọi cái đều cạnh tranh khủng khiếp, chèn ép lẫn nhau, thậm chí là lừa lọc.

Tôi biết, không riêng gì Thất mà nhiều người cũng có ước mơ tương tự. Thế nhưng cái ước mơ rõ ràng là chẳng lấy gì làm cao xa ấy vẫn cứ viển vông vì chẳng bao giờ họ có thể biến nó thành hiện thực. Bởi vì từ họ đến cây bút vẽ là cả một khoảng cách xa, hơn nữa chẳng ai có lấy một tí cái mà người ta vẫn thường gọi là hoa tay hay năng khiếu. Cũng không ai có đủ tiền bạc và sự kiên trì để theo đuổi mục đích của mình. Vì thế, ước mơ ấy chỉ dừng lại ở những cái chép miệng thở dài và lắc đầu bất lực.

Tôi vẫn còn đang nghĩ ngợi vẩn vơ như thế thì Thất bỗng reo lên:

– Ơ, chú Trọng chú ấy về kia kìa!

Theo hướng nhìn của Thất, bên kia bờ mương đúng là Trọng đang đạp chiếc xe cà tàng về thật. Có cảm giác, quần áo tay chân của anh bám đầy những bụi đường. Còn gương mặt thì không biểu lộ cảm xúc gì rõ rệt.

– Chẳng biết đã có tiền nong gì chưa? – Tôi băn khoăn thành tiếng.

– Thế nào mà chẳng có! – Thất nói cứ như động viên tôi.

– Chưa chắc. Thôi nhé, tớ về đây.

– Vâng.

Trọng vác chiếc xe đạp qua cầu. Tôi đứng ở đầu bên này, hỏi ngay khi anh vừa đặt chân lên bờ cỏ:

– Thế nào, có chưa ông?

Trọng lắc đầu chán nản:

– Chưa! Nó bảo là trên chưa rót về. Tao đã nói mà! Cái bọn cán bộ nông thôn này làm ăn như rùa bò ấy! Có được tích sự gì đâu.

Bọn nào mà chả thế! Tôi thầm nghĩ nhưng không nói ra với Trọng, mà lo lắng không biết lấy tiền đâu đem về cho bà xã ở nhà. Trọng liếc nhìn đồng hồ đeo tay rồi kêu lên thảng thốt:

– Bỏ mẹ! Gần hai giờ rồi đây này. Thôi về ăn cơm đi rồi còn đón xe ra ngoài kia chứ không thì muộn đấy! Mấy cái thằng, làm ăn chán quá. Mà giờ đến cuối tháng, tôi còn bao nhiêu thứ phải lo.

Tôi chậm chạp đi theo Trọng. Chẳng biết làm thế nào… Mâm cơm đã dọn ra, hai chúng tôi im lặng ngồi ăn. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, nào ai biết người khác nghĩ gì. Hai đứa con, thêm vào một người vợ không có việc làm chỉ trông chờ vào tôi. Ngược lại hoàn toàn với Trọng bình chân như vại vì tuy hơn tôi mấy tuổi nhưng anh lại chưa có vợ. Đúng ra là đã có, nhưng lại chia tay lâu rồi, vì thế anh mới bỏ thành phố về đây sinh sống.

Bữa cơm đã xong. Tôi xách túi đồ của mình ra bến xe sau khi đã thống nhất với Trọng việc đòi tiền và hẹn ngày về lấy. Bến xe, may mắn là cách chỗ tôi tá túc chỉ chưa đầy cây số và kiểu gì tôi cũng phải ngược chiều qua đây một lần nữa trên đường về Hải Phòng. Đoạn đường chạy dài theo bờ mương xanh vút phi lao trông thật đẹp. Nó sẽ càng đẹp hơn nếu không bụi mù lên vào những ngày nắng và nhoe nhoét bùn lầy lúc trời mưa. Trọng vẫn khen là cảnh vật ở đây thật nên thơ, phù hợp với những người có tâm hồn nghệ sĩ như anh.

May cho tôi, vì đã là chuyến xe cuối cùng trong ngày nên ông tài không có gì phải vội. Trái lại, ông còn cố ngồi nán bên bàn cờ tướng được vẽ trên mảnh giấy vỏ bao xi măng đã cũ. Nhờ thế, hơn một tiếng đồng hồ sau, từ trên chiếc ô tô hành khách cũ kĩ cuốn bụi đường mù mịt, tôi lại nhìn thấy Thất. Cậu ta đang đứng chênh vênh trên cầu, ưỡn người kéo vó. Cái thân hình còm cõi ấy in lên nền trời chiều đang ngả màu đỏ rực. Nhìn thấy chiếc xe chở khách và có lẽ đoán biết tôi đang ngồi ở trong, Thất mỉm cười rồi giơ tay lên vẫy vẫy.

 

***

 

Hơn một tháng sau, tôi lại phải vào chỗ Trọng để lấy tiền. Thì ra không riêng gì mấy vị cán bộ huyện, những người thuê chúng tôi vẽ tranh mà ngay cả ông bạn vàng cũng muốn gây khó dễ cho tôi về món tiền chưa thanh toán. Suýt nữa thì anh đã lĩnh và tiêu luôn hộ tôi gần hai trăm đồng ấy nếu như tôi không làm già, tìm mọi cách để đòi cho bằng được.

Thế là xong; mọi việc đều đã ổn thỏa cả. Tôi nhét tiền vào túi áo trong cẩn thận và nghĩ đến lúc hai đứa con được ăn uống thả phanh mà nở nang từng khúc ruột. Môi chúng sẽ nhờn bóng lên toàn những mỡ và bữa ăn ấy hẳn sẽ rất vui, đầy ắp tiếng cười. Tất nhiên tôi không quên bớt lại một ít cho Trọng và cả những người đã tạo cho tôi cơ hội làm ăn ở nơi này. Nhân tiện, tôi cũng hỏi thăm Trọng về tình hình của Thất và giật mình khi được biết cậu đã bỏ nhà đi đâu mất từ hơn một tuần nay. Mọi người đã chia nhau đi tìm nhưng chưa thấy.

Thất đi đâu được nhỉ? Tôi tự hỏi khi bước lên chiếc cầu tre mà hai chúng tôi đã cùng đứng trò chuyện hôm nào. Một thanh niên như thế liệu có thể đi được đến đâu, làm gì để sống? Ai có thể đứng ra chứa chấp cậu ta? Biết bao nhiêu chuyện có thể xảy ra với Thất! Cậu ta bỏ đi, phải chăng là để giải thoát cho mình? Có lẽ đã đến lúc không thể chịu đựng hơn được nữa. Nhưng chỉ còn chưa đầy một tháng là đã lại Tết rồi. Thất sẽ làm gì và trôi dạt về đâu?

Tôi lại nhớ đến nụ cười nhăn nhúm và méo mó của Thất. Nhớ những lời cậu ta kể về cuộc sống của mình và nhớ cả đôi mắt bị bệnh tật làm cho trở nên đáng sợ. Và sau cùng, tôi thở dài buồn bã nhớ tới hình ảnh Thất đang ưỡn người kéo vó. Thân hình nhỏ bé của cậu trên chiếc cầu ọp ẹp như đang đánh đu với cái vó để kéo nó lên, trong một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo.

Có lẽ ít hình ảnh nào làm cho tôi động lòng đến thế. Than ôi, cũng là một kiếp người! Trước mắt tôi lại như hiện ra một Thất bằng xương bằng thịt trong bộ quần áo rách vá, chênh vênh trên chiếc cầu tre nhỏ hẹp mà chỉ cần sơ ý hay quá tay một tí là đã có thể lộn cổ xuống mương bất cứ lúc nào.

Cái thân hình ấy hiện ra trong ánh ngày xam xám của mùa đông, in lên nền trời chiều đang ngả màu đỏ rực.

 

Xong ngày 21 – 12 – 1970

Sửa chữa và chép lại từ 05 đến 14 – 10 – 1975

(Bút danh Hoài Thu)

[1] Xanh da trời.

[2] Cua.

[3] Tương đương lớp 1 sau này.

[4] Phở không có thịt.

[5] Phim chiếu ở ngoài trời.