Văn xuôi · 05/01/2022

MÙA HOA PHƯỢNG TÀN

Truyện ngắn

 

          Người đàn ông tuổi năm mươi đang ngồi xem ti vi và mỗi lúc một thêm ngán ngẩm trước mấy cô ca sĩ mắt xanh mỏ đỏ, uốn éo đung đưa với những Bước chân trên dải Trường Sơn Bài ca bên cánh võng[1] thì chuông điện thoại bỗng réo lên ầm ĩ. Anh hơi giật mình đứng dậy, đến bên chiếc tủ li[2] rồi nhấc ống nghe. Từ đầu dây bên kia, một giọng đàn ông lạ lẫm xen với tạp âm vọng tới như từ một nơi nào xa lắm:

          – A lô, ông Duy đấy à? Có phải Duy không?

          – Vâng, tôi đây. – Duy với tay, tắt ti vi. – Xin lỗi, ai đấy ạ? –  Anh…

          – Hừm… Không nhận ra bạn cũ nữa à? – Giọng nói trong máy có vẻ hơi thất vọng.

          – Không. Anh là…

          – Ừ, lâu quá rồi còn gì… – Thêm một tiếng thở dài, không vui mà cũng chẳng buồn. – Ba mươi mấy năm rồi…

          Một tia chớp bỗng lóe lên trong óc. Duy kẽ kêu lên thảng thốt:

          – A, Đại phải không?

          Từ đầu dây bên kia vọng đến một tiếng cười xác nhận:

          – Đại đây! Đại sứt đây! Ông hồi này có khỏe không? Công việc thế nào?

          – Tôi vẫn khỏe. Ông đang ở đâu đấy? Làm sao ông lại có số điện thoại của tôi? Có việc gì không?

          – Ờ, chuyện thì dài lắm. – Đại không cười nữa. – Mãi tôi mới tình cờ tìm được ra số của ông. Khiếp, ông trốn đi đâu mà kĩ thế… Ông nghe tôi nói nhé…

          Đại vắn tắt cho Duy biết là từ mấy năm nay, cái lớp mười của anh thời chống Mĩ thường tổ chức gặp mặt nhân dịp hai mươi tháng mười một, kết hợp đi thăm các thầy cô. Đại được giao nhiệm vụ liên hệ với mọi người. “Nhưng năm nay, tôi muốn mấy đứa chúng mình gặp nhau trước đã rồi hẵng tính chuyện của lớp sau, vì tôi sắp phải đi nước ngoài chừng một tháng. Chờ đến lúc về thì sợ muộn. Nhưng cái chính, là tóm được ông đây rồi thì tại sao lại không gặp nhau sớm hơn! Tôi đang định tập trung vào chiều chủ nhật sau, mồng một tháng mười. Ông thử xem thế nào, có về được không để tôi còn thu xếp”?

          – Thế… gặp nhau ở đâu và gồm có những ai? – Duy bỗng hơi hồi hộp.

          – Thì… ở ngay nhà tôi chứ còn đâu! Tất cả có bốn người là ông, tôi, cái Huyền với cái Trâm thôi. – Đại nói bằng giọng nghiêm trang. – Cái Huyền nó vẫn nhắc đến ông đấy và bao nhiêu lần nó cứ bắt tôi tìm cách xác minh xem liệu ông còn sống không, đang ở đâu và liên hệ với ông…

          “Cái Huyền”! Duy lặng người đi một lát vì nhớ đến cô bạn cũ, hoa khôi của lớp ngày xưa. Thế ra nó với thằng Đại không lấy được nhau! Vì nếu hai đứa là vợ chồng thì Đại đã không gọi Huyền như thế, mà có khi là bà xã hoặc nhà tôi gì đấy. Anh vội hỏi xem tình hình của cô bạn gái hiện nay như thế nào, cũng là để kiểm tra lại phỏng đoán của mình nhưng Đại chỉ thông tin vắn tắt:

          – Nó vẫn khỏe, có hai con và góa chồng đã mấy năm nay rồi. Nhưng mà để lúc khác đi, chứ nói chuyện qua điện thoại không hết được đâu. Sao, liệu ông có về được không?

          Thế là rõ rồi, không cần phải hỏi gì thêm nữa! Duy gật đầu quả quyết:

          – Có chứ! Ông cứ yên tâm, chắc chắn là tôi sẽ về…

          – Thế thì thế này nhé, – Đại đọc số điện thoại và địa chỉ gia đình anh cho Duy ghi lại, dặn lúc nào về đến Hải Phòng thì báo để anh ra đón. Duy đồng ý và sau đó hai người cúp máy. Cũng chỉ đến lúc ấy, Duy mới nhận ra mình đã quên không hỏi han gì đến cuộc sống và gia đình của Đại.

          Cú điện thoại bất ngờ như hòn sỏi ném xuống mặt ao khiến Duy bỗng cảm thấy lòng mình xao động. Anh bật lửa, châm điếu thuốc rồi chậm rãi đẩy khói ra đằng mũi, mắt hơi nheo lại. Thời gian trôi nhanh thật và đúng là không ai có thể bỏ qua được quá khứ của mình. Ba mươi hai năm! Lúc ấy mình mới mười tám tuổi mà bây giờ đã sắp sửa năm mươi rồi. Không biết tại sao Huyền lại góa chồng sớm thế. Nếu anh ta có hơn cô ấy đến mười tuổi đi chăng nữa, thì lúc chết cũng mới chưa đến sáu mươi. Chắc là do ốm đau bệnh tật gì thôi. Rất có thể là ung thư. Bây giờ nhiều người chết vì bệnh ấy lắm. Duy thầm nghĩ.

 

          Bấy giờ là tháng Chín năm sáu bảy. Máy bay Mĩ đang đánh phá miền Bắc ngày càng dữ dội và thành phố Hải Phòng là một trong những mục tiêu được ưu tiên của  chúng. Nhà máy xi măng, Sở dầu, khu vực Sáu kho, Nhà máy sắt tráng men nhôm và những chiếc cầu nối thành phố với bên ngoài đều đã bị trúng bom, có nơi bị đánh đi đánh lại đến mấy lần. Lâu đài Mácti gần Cầu quay, từng có trường học sinh miền Nam cũng bị bom san phẳng. Nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học… phải sơ tán ra ngoại thành. Gia đình Duy cứ chần chừ mãi rồi cuối cùng mới đồng ý cho cậu về Vân Quang, một xã ở cách thành phố khoảng gần hai mươi cây số.

          Năm học mới được khai giảng muộn mà cũng chỉ có đúng hai lớp tám, sau dồn làm một vì không có đủ giáo viên và chỗ học. Hai lớp chín thì vẫn được giữ nguyên cùng với một lớp mười có hơn ba chục cô cậu đang tuổi mười bảy mười tám ăn chưa biết no, lo chưa tới. Trừ nhóm ở nội thành chưa đến chục người, còn lại toàn là dân địa phương. Và cũng rất nhanh chóng, một “bộ tứ” chơi thân với nhau được hình thành, gồm Huyền, Trâm là hai đứa con gái với Duy và Đại sứt. Gọi như thế vì nghe nói năm mười ba tuổi, cậu ta trèo cây chẳng may bị ngã, rách môi và gãy mất một chiếc răng cửa chưa trồng lại được, trông rất ngộ.

          Tuy mới làm quen với nhau nhưng Duy đã có cảm tình ngay với Huyền. Không phải vì học chung một lớp, ở cùng một tổ và lại còn học nhóm với nhau. Cô bé mới mười bảy tuổi, có nước da trắng, gương mặt tròn và đôi môi cắn chỉ, lúc nào cũng như đang chực mỉm cười. Giọng nói của Huyền nhỏ nhẹ và trong khi không ít cô cậu chính hiệu Hải Phòng vẫn “đi lấy cái lồi lấu cơm” thì Huyền không bao giờ nhầm lẫn hay “lói ngọng” en nờ với e lờ. Cô xởi lởi, tốt bụng và rất biết quan tâm đến người khác. Huyền không ngần ngại giục Duy đi cắt tóc cho đỡ bù xù; chứ các ông các bà ở đây ghét kiểu đầu tóc này lắm đấy. Cô cũng vui vẻ vá luôn miếng rách trên áo giúp cậu và đơm lại cả chiếc cúc áo mà Duy làm đứt từ lúc nào chẳng biết.

          Cái lớp mười duy nhất ấy được bố trí học ngay tại nhà kho của hợp tác xã. Sân trước, rộng mênh mông là nơi xuân thu nhị kì người ta vẫn thường đập lúa, hội họp, xem phim và tổ chức liên hoan tổng kết. Sân sau nhỏ hơn được dùng làm bến thuyền, chủ yếu là thuyền nan chở lúa, phân bón và các loại vật tư cho hợp tác. Một dòng mương thủy lợi chạy thẳng từ cánh đồng vào đó.

          Những ngày đầu ở nơi sơ tán, Duy và các bạn không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ. Người dân địa phương tỏ ra thông cảm, sẵn sàng đón nhận các cô các cậu học sinh đến ở nhờ và nhường từ chiếc giường, manh chiếu đến căn buồng cho những người xa lạ. Họ cũng chia sẻ từng củ khoai, quả chuối cho đám dài lưng tốn vải nhưng lại xét nét từng li từng tí một và rất ghét lũ con gái quần chùng áo dài, guốc cao gót bảy tám phân, õng à õng ẹo. Duy đoán, người ta có thái độ như thế vì ở đây tất cả đều quần đen áo vá và chân đất. Suốt ngày cặm cụi ở ngoài đồng thì guốc với chả dép cái gì! Guốc dép chỉ được dùng trong những lúc đi chơi, đi họp hay có sự kiện gì quan trọng. Nhiều người ngay cả trước khi lên giường đi ngủ cũng chỉ xoa xoa đập đập mấy cái vào chân cho hết đất hết cát là xong.

          Duy và các bạn không hòa nhập được ngay với cuộc sống nông thôn vốn chỉ có đèn dầu, nước ao, ăn uống tắm giặt đều trông vào đấy vì không nhà nào có giếng. Mùa mưa, nhiều nước thì còn đỡ, chứ mùa khô ao cạn, đến là khổ. Tối đến, làng xóm tối đen như mực vì cả xã (mà có lẽ là cả huyện cũng nên) đều không có điện. Ai muốn đi đâu đều phải xách theo một chiếc đèn bão hoặc đèn hoa kì, còn đèn pin là một thứ xa xỉ phẩm, không phải ai cũng có. Bầu không khí yên tĩnh dễ dàng bị phá tan bởi tiếng chó sủa từ đâu đó, rất nhanh chóng biến thành một dàn đồng ca nối theo nhau như phản ứng dây chuyền, mãi vẫn không dừng lại. Nhiều nhà chỉ có con gà trống làm đồng hồ báo thức hoặc dựa theo tiếng kẻng từ sân kho hợp tác để làm mọi thứ. Nhưng đáng kể nhất đối với bọn Duy lại là việc, ra đường dù gặp bất kì ai cũng đều phải chào hỏi cho tử tế nếu không muốn bị mang tiếng khinh người.

          May mắn, là Duy cũng thuộc loại dễ nuôi. Cậu có thể ăn ngon lành từ lá sắn, rau khoai lang, lá bắp cải hoặc su hào gìà luộc chấm nước mắm cáy là những món ăn chủ yếu và quen thuộc của gia đình bà chủ nhà. Tuy vậy, không bao giờ cậu có thể làm quen với đỉa. Cái sinh vật mềm nhũn và trơn tuột thuộc loại thân đốt ấy nhiều khi làm cậu hết hồn; nhất là những lúc Duy vừa thò tay xuống nước đã thấy ngay đến bốn năm con ngùng ngoằng xuất hiện. Nhưng, có một thứ còn đáng sợ hơn, là bệnh ghẻ. Tất cả bọn nội thành không đứa nào thoát khỏi bệnh này, kể cả lũ con gái thường được coi là sạch sẽ, vệ sinh hơn bọn con trai. Có đứa lại còn bị hắc lào, và nhiều khi đang ngồi trong lớp cũng đua nhau gãi.

 

          Nhưng mọi cái rồi cũng qua. Cũng đã qua, cả một năm học vất vả đi đi về về, tay xách nách mang từng cân gạo, lọ mỡ, chai nước mắm… sang nơi sơ tán. Không báo đài, vài ba tháng mới được xem phim một lần ở sân kho hợp tác rồi thỉnh thoảng còn phải đi lao động giúp dân. Vẫn phải học, phải kiểm tra, thi học kì, và kết thúc bằng kì thi hết cấp ba trong tiếng bom theo đúng nghĩa đen. Vẫn đánh bóng chuyền, tập văn nghệ và diễn kịch. Náo nức mong chờ qua chiến dịch Mậu Thân đợt một sau đó là đợt hai cực kì ác liệt. Cả lớp đã có ba bạn nam phải đi bộ đội và sắp tới chắc sẽ còn nhiều bạn khác lên đường…

          Đã đến lúc rời khỏi nơi sơ tán, nên mọi người đều ít nhiều bịn rịn. Chẳng gì cũng chín mười tháng trời ở nơi này… Tiến, một anh lái đò hợp tác rủ nhóm của Duy đi chơi tối bằng thuyền trước khi tạm biệt nơi này. Ban ngày thì không được vì tất cả mọi người đều bận mà thuyền cũng còn phải chở lúa. Sáng kiến ấy được hoan hô nhiệt liệt. Vừa may, sau mấy ngày mưa, cả cánh đồng liên xã đều mênh mông nước nhưng hôm nay lại trời quang mây tạnh, có lẽ là trăng sẽ sáng. Cả bọn bàn tán với nhau như thế và đúng là trời không phụ lòng người thật. Mới hơn bảy giờ tối, lưỡi liềm trăng bàng bạc đã lên lấp ló ngọn tre, tỏa ánh sáng xanh dìu dịu.

          Cả bọn kéo nhau xuống thuyền. Cái thuyền nan chả biết tải trọng bao nhiêu, nhưng chỉ có đúng năm người đã chật. Trong lòng thuyền, nước còn đọng thành vũng và vương vãi những dẻ lúa thoảng hương. Không đứa nào kêu ca gì hết vì được đi chơi bằng thuyền là sướng lắm rồi. Chờ đám bạn ngồi xuống xong xuôi, Tiến mới nhổ sào, cho thuyền quay mũi.

          Lần đầu tiên được đi thuyền trên cánh đồng, cả bọn đều háo hức, hồi hộp như đi thám hiểm. Càng ra xa, trời đất như càng rộng thêm và tầm nhìn cũng thoáng đãng hơn. Gió mát như đàn. Có chỗ, con thuyền lướt qua một đầm sen thơm ngát. Có đoạn lại đi theo dòng nước giữa đám cỏ năn cỏ lác mọc đầy. Nhưng phần lớn lộ trình là qua cánh đồng vụ chiêm đang vào kì thu hoạch, nhiều chỗ lúa đổ chìm trong nước. Tất cả đều như được ướp trong hương lúa. Và cùng với tiếng róc rách mạn thuyền, thỉnh thoảng lại có một con cá nhỏ quẫy đuôi, tung mình lên khỏi mặt nước khoe tấm thân ánh bạc dưới trăng. Trâm, Huyền và cả Duy đều không khỏi trầm trồ thích thú. Bất chợt, Trâm lên tiếng:

          – Này, bọn mình hát đi!

          – Ừ, ông Đại đâu, hát đi!

          – Hát bài gì bây giờ?

          – Bài gì chẳng được! Nhưng mà hát bài Liên Xô ấy, chứ bài hát Việt Nam thì nghe mãi rồi, chán lắm!

          Huyền nói thế vì Đại có giọng hát khá hay. Cậu ta còn biết một số ca khúc nổi tiếng của Liên Xô nhờ có ông bố đi học ở Mátxcơva về, đem theo rất nhiều đĩa hát và một cái máy quay đĩa to đùng. Đại nghe mãi thành quen, đến mức có thể hát bằng cả tiếng Nga, cái thứ tiếng còn xa lạ với rất nhiều người.

          – Đúng đấy! – Cả Trâm và Duy đều hưởng ứng ngay. – Được không hở ông Tiến? Đồng ý không?

          Tay vẫn đều đặn chống sào, Tiến khẽ mỉm cười:

          – Tùy các ông các bà chứ tôi làm sao mà biết được! Nhưng mà không sợ dân quân nó nghe thấy, tưởng nhạc vàng[3] nó lại tóm cổ à?

          – Sợ cái quái gì! – Trâm cãi. – Bọn mình đang ở giữa cánh đồng như thế này… Mà nhạc vàng là nhạc vàng chứ làm sao lại nhầm với nhạc Liên Xô được! Ông Đại đâu, cứ hát đi. Hát bằng cả tiếng Nga nữa nhé!

          – Ờ, nhưng mà không có đàn… – Đại bỗng hơi lưỡng lự.

          – Cần quái gì đàn! – Duy nói. – Mọi khi ông vẫn hát không đàn đấy thôi!

          – Cũng được. – Đại gật đầu đồng ý. – Mình sẽ hát cho các bạn nghe bài Chiều Mátxcơva nhé.

          – Hoan hô!      

          Tiếng vỗ tay lộp bộp vang lên. Đại e hèm lấy giọng rồi bắt đầu hát bài Chiều Mátxcơva bằng giọng nam trung ấm áp. Không ai biết, tại sao giọng hát của Đại tối nay lại lay động lòng người đến thế. Hay bởi vì tất cả đang cùng mang một nỗi niềm chung, là ngày mai sẽ xa trường, xa lớp, xa thầy cô và bao nhiêu kỉ niệm… Cái bài ca tha thiết du dương ấy dường như đã đưa nhóm thanh niên mới lớn đến một đất nước vừa xa lạ vừa quen thuộc từ lâu không còn biết đến chiến tranh, chết chóc và người dân không còn phải chịu cảnh đói nghèo. Trong giây lát, tất cả đều đã quên đi những vất vả lo toan trong cuộc sống hằng ngày, những bữa cơm gạo hẩm độn mì sợi đen sì hoặc khoai khô mốc và cũng quên luôn cả việc rồi ra tương lai sẽ thế nào. Chỉ còn lại lời ca lên bổng xuống trầm kể về những buổi chiều ở Mátxcơva, những hàng cây soi bóng trong đêm khuya giá lạnh và tình yêu của những lứa đôi trong hạnh phúc thanh bình… Và giọng hát của Đại cũng loang loáng trôi theo dòng nước.

                           Trời thanh vắng về khuya, âm thầm gió rì rào

                           Hàng cây nghiêng nghiêng bóng suốt canh thâu

                           Em có nhớ những ngày trong tình yêu nồng thắm

                           Mátxcơva, đêm lạnh giá thanh bình…

           – Hoan hô! – Tất cả đều đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Riêng Huyền lại hơi thắc mắc, nhìn Đại với vẻ nghi ngờ:

          – Này, ông sửa lại lời bài hát đấy à? Nghe cứ là lạ làm sao ấy.                                    

          – Không phải tôi, mà là bố tôi. Ông ấy bảo, người ta dịch sai, nên sửa lại. Tại vì đúng ra không phải là chiều Mátxcơva chung chung đâu, mà chính xác là chiều ngoại ô Mátxcơva… – Đại phân trần. – Thậm chí nói là chiều cũng không đúng hẳn, vì lúc bấy giờ đã khuya rồi, còn lạnh cóng nữa cơ mà… Mà trong tiếng Nga, “buổi chiều” kéo dài đến tận mười giờ tối. Đêm, thì phải mười một mười hai giờ. Bố tôi bảo, dịch lời bài hát là rất khó, vì nó bị gò theo từng nốt nhạc.

          – Đúng đấy! – Duy thủng thẳng xen vào. – Mà tiếng Việt lại nhiều dấu nữa. Càng khó thêm.

          Cả bọn lại xuýt xoa thán phục anh chàng ca sĩ. Rộn lên câu hỏi, sao bài hát này hay thế, chép lại cho tớ có được không… Đại nheo nheo mắt giả vờ làm một người mù, chìa chiếc mũ cối bẹp dúm về phía hai cô gái làm động tác xin tiền:

          – Con lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, ông bớt chén nước bà bớt miếng giầu, quên, ông đừng xơi thịt chó, bà nhịn cái bánh giò cho con năm xu một hào cứu bố con ơi…

          Huyền và Trâm né sang một bên, đấm thùm thụp vào lưng Đại và cười như nắc nẻ trong khi Duy và Tiến cũng phá lên cười sặc sụa khiến cả cái thuyền cũng tròng trành một lúc.

          – Nào, bây giờ đến lượt Huyền và Trâm. – Đại nhắc. – Bạch Long Vĩ đảo quê hương đi.

          – Không. – Huyền khẽ lắc đầu. – Đằng ấy còn phải hát hai bài nữa.

          – Sao nhiều thế? Người ta vừa hát rồi còn gì?

          – Mặc kệ, tôi không biết! Quá tam ba bận. Ông còn thiếu hai bài Đôi bờ Kachiusa nữa. – Huyền vẫn tỏ ra kiên quyết. – Đã giao hẹn từ lâu rồi mà!

          Chả biết có ai giao hẹn thật không và giao hẹn như thế nào nhưng sau khi tranh cãi thêm một lúc, cuối cùng Đại cũng đành phải hát thêm hai bài ấy. Tiếng vỗ tay lại vang lên, nhưng lần này cậu ta không giả bộ xin tiền nữa, và cả nhóm cũng chỉ ngồi im lặng, người nào cũng dường như còn đang bận đuổi theo suy nghĩ của riêng mình.  

          – Ờ, giá mà bọn mình được sang Liên Xô nhỉ! Bên ấy chắc là sướng lắm. – Duy đang mơ màng từ nãy bỗng thốt lên thành tiếng.

          – Chả biết đâu! – Đại nói. – Như bố tôi đấy, có ai ngờ lại được đi học tận năm sáu năm bên ấy… Bọn mình cứ học giỏi thì chắc là có cơ hội thôi.

          – Thôi ông ơi, ông mê ngủ đấy à? – Trâm lên tiếng như thể không đừng được nữa. – Xét lí lịch ba đời đấy ạ! Nếu ông nội nhà ông không làm to thì liệu bố ông có đi được không? Năm nay không phải thi đại học[4], chỉ căn cứ vào học bạ thôi nhưng ai mà biết được thế nào… Có mà đi bê, đi xê[5] ấy! Liên với chả Xô!

          Câu nói của Trâm như một gáo nước lạnh giội lên đầu khiến mọi người tỉnh lại. Như một sự tình cờ, cả Huyền và Duy đều khẽ thở dài. Đơn xin đi đại học đã nộp rồi, nhưng không ai biết số phận của mình sẽ ra sao dù có học giỏi đến thế nào chăng nữa. Trong đó, lí lịch gia đình là quan trọng nhất. Nhà ai chẳng may có người đi giày nhầm[6] hay địa chủ, tư sản xem! Thậm chí chỉ cần bị xếp vào loại bất mãn hay tiêu cực thì cũng đừng có mong mọc mũi sủi tăm gì được nữa. Dù có học giỏi bằng giời!

          Không khí bỗng ắng đi một lúc. May mà con thuyền đã trôi chậm lại rồi từ từ ghé vào bên dưới một lũy tre đen sì vì ánh trăng không rọi tới. Nhà Tiến đây rồi!

          – Mời các bạn lên nhà nghỉ ngơi, uống nước. – Tiến nói rồi nhảy lên bờ trước, giữ thuyền cho mọi người lên sau.   

          Cả bọn lục tục lên bờ, bước vào khoảng sân đất khá rộng. Anh chàng chủ nhà hiếu khách mau mắn trải chiếc chiếu rách ra giữa sân, đặt ấm nước vối và mấy cái bát lên đó rồi cuối cùng là rổ khoai lang luộc còn nguyên hơi nóng. Tự nhiên Trâm lại đưa ra nhận xét:

          – Ơ, hôm nay không thấy có báo động nhỉ. Chẳng lẽ bọn nó ném hết bom rồi?

          – Bom với đạn cái gì! – Đại cười hóm hỉnh. – Bọn Mĩ thấy chúng mình đi chơi thuyền, nó cũng phải nể chứ!

          Tất cả cùng cười vui vẻ. Riêng Tiến thì lại cứ băn khoăn mãi về món quà được đem ra đãi khách:

          – Chúng mình ngồi đây cho mát. Khoai em tôi nó vừa luộc đấy! Ăn đi. Củ không được to nhưng cũng ngọt. Thôi thì các bạn thông cảm cho mình…

          Thấy con trai đưa cả lũ bạn về chơi, bố mẹ Tiến có vẻ mừng lắm. Nhưng cả hai ông bà đáp lễ xong xuôi liền vào hết trong nhà để cho cánh thanh niên được tự nhiên. Cô bé giáp Tiến, người vừa luộc khoai, lí nhí chào các anh các chị rồi cũng tìm cách cáo lui, bước đi lệch hẳn sang bên có lẽ là do một chân bị liệt. Miếng khoai trong miệng Duy bỗng trở nên đắng ngắt.

          Tiến bảo, cậu chỉ lo đùng một cái phải đi bộ đội thì không biết cả nhà xoay xở thế nào. Ông bố, mới ngoài bốn mươi thì không nói làm gì. Nhưng bà mẹ, hơn ông hai tuổi, mắc chứng đau bụng kinh niên, không làm được việc nặng. Ba đứa em, đứa lớn nhất thì tàn tật, hai đứa kia còn bé. Vụ mùa năm ngoái, mỗi ngày công của xã viên hợp tác được ba lạng thóc; nhà Tiến sáu khẩu nhưng chỉ có hai lao động chính, được cân đối[7] ba tạ rưỡi, mới qua rằm tháng giêng đã hết. Vụ chiêm năm nay, lúa xấu thế này, có khi còn được ít hơn…

          Lưỡi liềm trăng đã lên đến đỉnh đầu và có vẻ sắp tàn, mọi người bèn tìm cách cáo từ. Vất vả lắm Tiến mới thuyết phục được các bạn để cậu đưa về. “Có ngày nào mà tớ chẳng phải chống thuyền nên đã quen rồi. Với lại, các bạn có muốn đi bộ cũng không được đâu, vì có nhiều đoạn đường bị ngập nước, có chỗ sâu ngang ngực đấy”! Thế là cả bọn lại đành chấp nhận.

          Không khí trở nên trầm lắng vì tất cả dường như đều đã chìm vào trong những suy tư về cuộc chia tay không thể nào tránh được, không cách gì trì hoãn được. Cuộc chia tay đầu tiên trong đời của mỗi con người đang có mặt trên thuyền. Đại cũng lặng im, mặc dù cậu vẫn thường hay pha trò trong những lúc như thế này. Bỗng Huyền đập đập tay liền mấy cái vào mạn thuyền để mọi người chú ý:

          – Này, các cậu nghe thằng Đại nó hát mãi rồi, giờ có muốn nghe tớ hát không?

          – Có chứ! – Duy vỗ tay hưởng ứng luôn. – Thế mà cứ giấu tài mãi. Hát đi!

          – Hoan hô bạn Huyền! – Trâm cũng reo lên tán thưởng.

          – Nhưng mà hát bài gì đấy? – Tiến hơi thắc mắc. – Có hay không?

          – Không biết! – Huyền khẽ lắc đầu và hắng giọng. – Từ ngày mai, bọn mình sẽ chia tay. Không biết bao giờ mới có dịp cùng nhau gặp lại. Mình xin hát tặng các bạn bài này…

           Cô gái cất giọng hát bài Mùa hoa phượng, một bản nhạc vàng bị cấm khiến tất cả khẽ ồ lên. Không biết bằng cách nào Huyền lại có được bài này. Và ngay từ những câu chữ đầu tiên, Duy đã ngạc nhiên thấy cô bạn cùng lớp hát hay đến thế. Một chất giọng trong veo, nhưng lúc này thấm đẫm biết bao nhiêu hoài niệm. Hình như Huyền đã gửi hết tình cảm của mình vào đó:

                            Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn

                            Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương

                            Giờ đây xa cách hai đứa hai nơi

                            Phút gần gũi nhau hết rồi

                            Tạ từ là hết người ơi…

          Không ai để ý là Tiến đã ngừng tay sào, ngẩn ngơ theo từng câu hát của Huyền. Ba cô cậu còn lại cũng chỉ biết im lặng lắng nghe. Một nỗi buồn thấm thía từ từ dâng lên, nhấn chìm tất cả mọi người. Huyền hơi nhắm mắt, mơ màng như đang trút hết niềm tâm sự của chính mình vào đó:

                            Màu hoa phượng thắm như máu con tim

                            Mỗi lần hè thêm kỉ niệm                      

                            Người xưa biết đâu mà tìm…

          Tất cả ngồi thừ ra sau khi nghe những câu chữ cuối cùng. Còn nói gì được nữa, trong khi ai nấy đều ngổn ngang những nỗi niềm và bài hát đã nói hộ mọi người tất cả. Ông nhạc sĩ miền Nam xa lạ đã rất giỏi khi làm việc đó. Ngày mai, nhóm bạn này sẽ chia tay. Quyển vở cuối cùng của đời học sinh đã mở sang trang mới, dù chưa ai biết mình sẽ viết gì lên đấy. Rồi sau này ai sẽ nhớ, sẽ quên! Và ai còn, ai mất sau cuộc chiến? Đường đi mới bắt đầu, mà cái đích thì quá ư mờ mịt. Không ai có thể đoán biết được số phận của mình sẽ thế nào.

          – Trời, Huyền hát hay thế mà bây giờ mới cho mọi người biết nhé! – Tiến trầm trồ đầy thán phục rồi lại chống sào cho thuyền đi tiếp.

          – Chuyện! Người ta có giọng ca vàng thì phải cất giấu kĩ càng chứ! Đem ra khoe để có mà mất mác đi à? – Đại nói như chống chế cho Huyền. – Tôi học với nó bao nhiêu lâu mà vẫn còn không biết đây này. Thôi, ông Tiến ơi, ông dừng lại đi! Để tôi nhảy xuống đây chết luôn đi cho xong, chứ cái Huyền nó hát hay như thế thì tôi còn sống làm gì nữa hở giời?

          – Ấy, để tôi đưa ông ra sông! – Tiến vờ hoảng hốt kêu lên. – Ở đây nước nông lắm, chỉ đến ngang đầu gối thôi, làm sao mà chết được! Chờ tí, sông cũng ở gần đây mà! Ngoài ấy chỗ sâu nhất phải được đến bốn năm sải tay đấy nhé!

          Cả bọn phá lên cười nghiêng ngả. Trâm vội xua xua tay, nói:

          – Đừng, Tiến ơi! Ra sông làm gì cho mất thì giờ! Chúng mình cứ dìm nó xuống đây, rồi tớ giẫm lên người nó một lúc là được thôi chứ gì? Đồng ý chưa?

          Những tiếng cười vô tư lại vang lên rõ dài, loang xa trên đồng nước. 

          – Ối ông công an xã ơi, các ông các bà dân quân ơi, đến đây mà bắt ngay cái Huyền đi này! – Bất chợt, đến lượt Duy gào lên khe khẽ y như thật. – Nó vừa mới hát nhạc vàng hay lắm!

          – Ối các ông các bà ơi! – Trâm cũng làm ra vẻ vào hùa. – Còn thằng Duy nó nghe không bỏ sót chữ nào… Tôi thì thích ơi là thích, đang muốn nghe thêm nữa đây. Các ông các bà có muốn nghe không?

          Cả bọn lại cười thêm trận nữa và nhờ thế, nỗi buồn trước lúc chia tay dường như đã được quên đi trong giây lát. Tiến còn muốn bắt Huyền hát thêm nhưng cả Đại và Duy đều gạt đi vì đã về gần đến nhà mà trời cũng khuya rồi. Gã trai làng đành phải cho thuyền cập mạn vào bên con đường liên thôn để Đại và Trâm lên trước vì nhà chủ của hai đứa ở gần đó. Lát sau, đến lượt Duy và Huyền. Cô gái bước lên trước, còn Duy nhảy theo sau nhưng chẳng biết hậu đậu thế nào, anh chàng trượt chân rơi ùm xuống mương. làm cho nước bắn lên tung tóe. Huyền giật mình quay lại thì đã thấy Duy đang lóp ngóp bước lên bờ trong khi Tiến chẳng giúp được gì thì chớ, lại còn mỉm cười rất vô tư và bảo:

          – Không sao đâu! Thế để cho các bạn nhớ mãi chuyến đi này… Nhớ nhé! Hôm nay là thứ hai, mồng ba tháng sáu năm sáu tám. Biết đâu mươi mười lăm năm nữa, chúng mình gặp lại nhau… Có khi vợ chồng con cái đầy đàn đầy đống cả rồi. Lúc ấy thì chắc là vui lắm. Mà chẳng biết đến lúc ấy đứa nào làm cái gì nữa nhỉ!

          – Cám ơn Tiến nhé! Lúc nào rỗi, bọn tớ nhất định sẽ về thăm cậu, hoặc là sẽ viết thư… – Huyền nói, chắc như đinh đóng cột. – Chiến tranh rồi cũng sẽ phải qua thôi chứ chẳng lẽ kéo dài hết cuộc đời chúng mình à? Còn đứa nào làm cái gì thì… cứ chờ đến lúc ấy rồi sẽ biết. Chứ bây giờ, nói trước làm sao được. Đúng không? Cám ơn Tiến nhiều!

          – Có gì đâu, ngày nào mà tớ chẳng phải chống thuyền! Bốn đứa các cậu cũng mới chỉ hơn hai tạ, nhẹ không ấy mà! Làm sao nặng được bằng một cái thuyền đầy lúa… Được rồi, lúc nào rỗi nhớ về đây chơi nhé! Đừng có mà quên đấy.

          Tiến cho thuyền đi được một quãng rồi còn ngoái đầu nhìn lại và giơ tay lên vẫy. Dưới ánh trăng đang mờ dần, hình ảnh cậu ta với mái tóc bù xù, dáng người vạm vỡ nom thật đẹp, có cái gì đó hơi lãng tử và hiên ngang như một anh hùng Lương Sơn Bạc. Duy nghĩ thế đúng vào cái lúc, không hiểu tại sao một con chó nhà nào đó bắt đầu sủa ầm lên. Ngay lập tức, cả một đàn chó từ đầu làng đến cuối xóm hùa sủa theo nhau dữ dội, tưởng không bao giờ dứt.

 

          Hai người đàn ông đứng tuổi nhận ra nhau không chút khó khăn, có lẽ vì từ tuổi thanh niên sang trung niên, người ta ít thay đổi về diện mạo. Vừa nhìn thấy Duy trong đám hành khách tỏa ra từ ga tàu, Đại đã mỉm cười bước tới, giơ tay ra bắt. Không ngạc nhiên, không vồn vã, như thể họ vừa mới xa nhau ngày hôm qua chứ không phải là hai người đã để lại sau lưng hơn ba chục năm trời. Chỉ có Duy thoáng cảm thấy nao lòng một chút. Mình đã xa thành phố này quá lâu rồi.

          Đại không còn sứt nữa. Vết sẹo trên môi đã mờ đi và chiếc răng sứ được trồng rất khéo, không thể biết được là răng giả. Mái tóc dày, đen mượt thì chắc chắn là nhờ thuốc nhuộm, khác hẳn với Duy bù xù những sợi đen sợi trắng. Đại đèo Duy bằng chiếc Vespa Spring, chầm chậm qua vài con phố và chỉ một lúc đã dừng lại. Duy hơi bị choáng ngợp trước ngôi nhà năm tầng bề thế cửa kính chạy dài suốt mặt tiền ở ngay giữa một phố Tây ngày xưa. Anh biết, không phải người giàu có, không thể mơ ở đó. Thằng Đại nó làm thế nào tài thật!

          Bây giờ, họ đã ngồi trong phòng khách, ghế nệm bọc da êm ái. Cô giúp việc khoảng ngoài ba mươi nhanh chóng pha chè, đặt lên bàn rồi rặng lẽ bước ra ngoài. Đại khẽ hất hàm về phía Duy và hỏi:

          – Sao, ông đi đường có mệt lắm không?                                                                                                          

          – Có gì đâu mà mệt! – Duy đáp, trong khi mắt vẫn không rời được bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ một chiếc tàu buồm châu Âu đang nghiêng ngả trong sóng dữ treo trên bức tường đối diện. – Tôi lên tàu là ngủ suốt ấy mà.

          – Một anh bạn tôi vẽ đấy. Nó tặng tôi lúc mình mua cái nhà này. – Ông thấy thế nào?

          – Quá đẹp! – Duy nói ngay không một phút chần chừ. – Mà có lẽ cũng giống như cuộc đời của mỗi con người đấy nhỉ.

          Đại không trả lời mà chỉ lặng lẽ đẩy tách nước chè về phía Duy bảo uống đi rồi họ bắt đầu nói chuyện. Thì ra ông doanh nhân thành đạt này cũng trải qua nhiều nỗi truân chuyên, lên thác xuông ghềnh. Sau khi tốt nghiệp ngành chế tạo máy ở Liên Xô về, Đại đã từng làm một số việc khác nhau, có lúc còn tham gia công tác đoàn trước khi nhảy sang công ti Vosco rồi phất lên từ đấy. Hiện nay anh là chủ một công ti xuất nhập khẩu tổng hợp tiếng tăm trong thành phố, ngoài ra còn góp vốn vào một số công ti khác. Hai đứa con trai của Đại đều đang đi học ở nước ngoài. Vợ anh, có một thời buôn bán ở chợ Sắt nhưng nay đã nghỉ, thời gian rỗi rãi chỉ dành để đi chơi, lễ chùa và gặp gỡ bạn bè. Duy nhận thấy ông bạn ngày xưa không hề tỏ ra hợm mình, khoe của mà chỉ có sao nói vậy, tất nhiên là với đôi chút tự hào không giấu diếm.

          Sang đến chuyện Thu Huyền, Đại cho biết chị làm cán bộ của Sở Y tế, không hiểu tại sao đến tận năm ba mươi tuổi mới lấy chồng. Anh này cũng người Hải Phòng, là cán bộ nhà máy Xi măng nhưng sau chưa đầy hai chục năm chung sống đã chết vì ung thư phổi, có lẽ là do hút thuốc quá nhiều. Mà cũng có thể là do bụi từ nhà máy hoặc cả hai nguyên nhân ấy. Đứa con trai lớn của Huyền khoảng mười bảy mười tám tuổi. Đứa con gái mười hai, vừa mới vào lớp sáu. Cái Trâm thì học trung cấp sư phạm ra, đi dạy cấp hai, nói chung là cũng vất. Chồng nó làm ở bên cơ khí Duyên Hải, cũng hai con. Bất chợt, Đại nhìn Duy và hỏi:

          – Hồi xưa, ông với cái Huyền yêu nhau đấy à?

          Duy hơi giật mình nhưng vội vã chối ngay:

          – Không. Chẳng qua là chúng nó ghép đôi mình với cái Huyền thôi, vì thấy hai đứa ở trọ cùng một xóm lại có vẻ thân nhau. Ông còn lạ gì nữa! Mà đúng là tôi cũng quý cái Huyền, nhưng sao ông lại hỏi thế?

          – Thì… tôi cứ ngờ ngợ thế thôi. Biết đâu được đấy! – Đại mỉm cười ranh mãnh. – Tôi thấy ông có vẻ quan tâm đến nó lắm mà?

          – Thế không phải là chính ông bảo với tôi, rằng ông yêu nó à? Ông có nhớ cái lần tôi đến chơi nhà ông trước khi tôi đi bộ đội không? – Duy hỏi lại.

          – Nhớ chứ, quên làm sao được! Lần ấy chúng mình còn ăn cơm với nhau mà.

          – Đấy… Ông cho tôi ăn cơm với canh rau đay và tôm rang. Xong, đến lúc tôi về, ông còn nói với tôi là ông đang tìm cách cưa cái Huyền, có đúng không?

          – Đúng. – Đại gật đầu và khẽ thở dài. – Nhưng nó không yêu tôi. Vì thế, tôi mới nghĩ hay nó yêu ông rồi. Mà… bọn lớp mình chúng nó đồn, vì cái Huyền nó cứ chờ ông mãi nên mới lấy chồng muộn đến như thế. Chứ không thì…

          – Vớ vẩn! – Duy gạt đi, nhưng tim anh bỗng nhói lên. – Làm gì có chuyện ấy! Ông không nhớ là sau khi bọn mình ở Vân Quang về thì tôi bị gọi đi khám sức khỏe luôn à? Độ hơn chục ngày sau, chính xác là hai mươi tháng sáu tôi đã đi bộ đội. Đến gặp nó cũng không thì còn yêu với đương gì!

          – Nhớ chứ! – Đại gật đầu xác nhận và lại khẽ thở dài lần nữa. – Nhưng mà ông biết không, cái Huyền nó đi tìm ông đến mấy lần không gặp vì cái ngõ làng nhà ông rắc rối bỏ mẹ đi được; bao nhiêu là ngóc với ngách, hỏi mãi không ra… Đến hôm ông đi bộ đội nó cũng tìm cách đi tiễn chân, nhưng biết tin muộn quá, mà xe đạp thì cứ bị tuột xích cùng đường. Lúc đến được Khu đội[8] thì các ông đã đi mất từ bao giở bao giờ… Những chuyện khác như thế nào không biết. Nhưng khi tôi ở Liên Xô về thì ông đã đi B lâu rồi.

          Duy khẽ thở dài, im lặng. Đúng là lối vào nhà anh hồi ấy rất khó tìm, vì nó ở sâu trong một cái làng, đến những năm năm mươi mới dần dần biến thành khu ngoại ô, toàn những dân giang hồ tứ chiếng đến ngụ cư hầu như không giao thiệp với nhau. Vì thế mà có người đã đến nhà Duy rồi, bận sau vẫn còn đi lạc. Hỏi, thì đến hàng xóm cũng lắc đầu không biết. Cuối những năm bảy mươi, vẫn còn đầy bóng tre và nhà gianh vách đất, những rặng cúc tần, râm bụt bên các lối đi nhỏ hẹp. Nhiều đoạn đường mới chỉ đươc lát những tấm bê tông ở giữa. Chưa có nước máy và một số nhà vẫn còn giữ được cả ao rau muống hoặc mảnh vườn nho nhỏ.

          Duy ngồi thừ ra một lúc. Đại làm sao mà biết được những gì xảy ra đêm hôm ấy, khi bốn người đã tách đôi. Duy ướt như chuột lột nhưng vẫn đưa Huyền về đến đầu ngõ vì phải qua chỗ cô rồi mới đến chỗ cậu đang tạm trú, mà Duy cũng không muốn chia tay vội. Mặt trăng đã biến đi đâu mất, chỉ để lại một thứ ánh sáng mờ mờ huyền ảo bao trùm khắp xóm làng. Duy cảm thấy hơi lạnh vì bộ quần áo ướt dính chặt vào người, khiến cậu trông như một cành cây vừa nhúng nước. Tuy nhiên, bất chấp cái bộ dạng thật tức cười của mình và cũng chẳng xấu hổ xấu hùm gì hết, trong bóng tối dưới hàng tre, Duy hồi hộp cầm lấy tay bạn gái:

          – Tạm biệt Huyền nhé! Thật không ngờ đằng ấy lại hát hay đến thế!

          – Có gì đâu! Thế… cậu không gọi công an với dân quân xã đến bắt tớ nữa à? – Huyền khẽ mỉm cười, hỏi lại.

          – Ờ… Bây giờ Huyền có hát đâu mà gọi! Mà công an với dân quân cũng đi ngủ hết rồi.

          – Hay nhỉ.

          – Mai Huyền về Hải Phòng đấy à?

          – Ừ. Mọi thứ xong hết rồi, mình còn ở lại đây làm gì nữa đâu.

          – Mấy giờ?

          – Không biết. Có lẽ khoảng tám chín giờ gì đấy, bố mình sang đón. Cụ không muốn để mình đi bộ.

          – Được rồi, mình có mặt vào lúc ấy để tiễn chân Huyền nhé.

          – Đừng! – Huyền vội vàng ngăn lại. – Bố mình cấm đấy!     

          – Nếu thế thì mình sẽ có mặt vào lúc sáu giờ! – Duy nói cứng.

          – Không cần đâu, Duy ơi! Lúc ấy thì sớm quá, có khi tớ còn chưa ngủ dậy…

          – Thế thì làm thế nào gặp được Huyền?

          – Thì cứ về Hải Phòng đi đã!

          Duy khẽ thở dài não nuột:

          – Chán thật! Thôi thì đành vậy. Tạm biệt Huyền!

          – Mau mà về thay quần áo đi, không lại bị cảm thì chết.   

          Huyền se sẽ rút bàn tay ra khỏi tay Duy. Nhưng chẳng biết thế nào, anh chàng lại liều lĩnh đến mức dám ôm lấy mái đầu của người bạn gái rồi hôn cô một cái rõ dài, khiến Huyền bỗng giật mình, nhắm nghiền mắt lại. Thêm một bất ngờ nữa đối với cả hai, là cô không đẩy Duy ra và qua cái ôm thật chặt, cậu nhận thấy rất rõ đôi vú thanh tân mới chỉ hơi nhu nhú nhô lên dưới áo của người bạn gái. Một cảm giác đê mê, sung sướng lạ kì rạo rực lan khắp người Duy. Mãi rồi cậu mới buông Huyền ra và nhắc lại thêm lần nữa:

          – Tạm biệt!

          Huyền im lặng vuốt lại mái tóc rối bù rồi mở cổng, bước vào sân. Con chó nhà bà chủ vốn đã không sủa từ nãy, giờ chỉ vẫy đuôi mừng rỡ. Còn Duy, không hiểu tại sao bỗng ớn lạnh toàn thân, đến nỗi răng đánh vào nhau lập cập. Cậu cắm đầu cắm cổ chạy liền một quãng dài, làm cho cả một lũ chó đang náu mình đâu đó đua nhau sủa điên lên dữ dội.

          Về đến nhà, Duy chỉ kịp giội qua vài gáo nước, thay quần áo rồi chui vội vào màn. Nhưng cậu không tài nào ngủ được vì vẫn còn chưa hết run và trái tim cứ đập loạn lên từng nhịp. Một cảm giác hoàn toàn mới lạ xâm chiếm suy nghĩ của Duy. Cậu ngỡ ngàng không hiểu thực hay mơ nữa ánh trăng thanh, con thuyền trên đồng nước và nhất là bàn tay, bộ ngực của Huyền, hơi thở bỗng trở nên gấp gáp của cô và nụ hôn đắm đuối…

          Sáng hôm sau, Duy đến chỗ Huyền thì cô không còn ở đấy nữa. Bà chủ nhà bảo, mới độ hơn bảy giờ sáng, bố cô đã đến đèo cô về Hải Phòng rồi. Dư thầm nghĩ, đáng đời nhé, ai bảo mày dậy muộn! Nhìn bóng nắng trên thềm, cậu đoán lúc này khoảng chín giờ. Như thế có nghĩa là Huyền đã đi được đến một nửa đường. Bố Huyền sang đón con gái sớm, có lẽ vì ông sợ nắng và báo động. Duy bần thần tiếc đến ngẩn ngơ và cậu bỗng lo mình chẳng bao giờ gặp Huyền được nữa.   

          Không làm thế nào liên lạc được với Huyền, nhưng nỗi nhớ cồn cào đã khiến Duy đánh liều tìm đến nhà cô, tuy biết bố mẹ Huyền cực kì nghiêm khắc. Hai ông bà chỉ muốn con gái tập trung hết vào việc học nên quản lí Huyền rất chặt, không cho đi chơi vào buổi tối mà cũng chẳng cho đứa bạn trai nào của cô đến nhà. Thật không may cho Duy lần ấy, là Huyền đi vắng và bà mẹ cô đã ngọt nhạt đủ điều, ngầm nhắc khéo rằng con gái bà còn phải lo chuyện học hành. Mà thanh niên bây giờ, đang lúc chiến tranh ác liệt này, làm sao lại nghĩ đến chuyện yêu đương vội chứ!

          Lần sau, Duy nghĩ ra cách là rủ Đại cùng đến, may ra đỡ bị nghi ngờ. Chẳng gì cậu ta cũng là học trò cũ của mẹ Huyền, lại học cùng lớp với cô suốt mấy năm. Nhưng Đại từ chối vì cậu ta đang bận. Cho đến trước khi đi bộ đội mấy ngày, Duy đến gặp Đại lần nữa. Nhưng cậu choáng váng như vừa bị ai đánh cho một cú rất mạnh vào đầu khi thấy Đại thản nhiên khoe là đang tìm cách cưa Huyền và cô cũng đã xuôi lòng. Phải cố gắng lắm, Duy mới che giấu được cơn giận dữ, ghen tuông đang bùng lên dữ dội. Huyền ơi là Huyền! Sao lại có thể thay đổi nhanh đến thế? Vừa mới cách đây chưa đến hai tuần… Bao nhiêu hoài nghi, tức tối choán hết tâm trí của Duy đến nỗi cậu không còn nghĩ ngợi gì được nữa.

          Duy cay đắng trước sự thật chẳng gì chúng nó cũng là bạn lâu năm, thằng Đại con nhà giàu lại có nhiều tài lẻ, bố mẹ đều làm cán bộ… Đến khi Duy về phép để đi B thì Đại đã lên đường đi học ở nước ngoài. Lần đầu tiên, anh lính mười tám tuổi cảm nhận được nỗi đau của một kẻ thất tình và thua kém người khác về mọi mặt.

          Duy không nghĩ đến việc liên hệ với Huyền nữa, thậm chí còn căm ghét cô. Nhưng quên được nhau nào có dễ đâu! Ngay cả khi đối mặt cái chết ở chiến trường. Có một tấm ảnh nhỏ xíu cỡ ba bốn được Huyền bí mật tặng hôm tổng kết năm học, thỉnh thoảng Duy vẫn lấy ra ngắm nghía. Tấm ảnh ấy chỉ bị anh buộc lòng phải vứt đi sau khi ngã xuống sông trong một lần hành quân đêm ở Long An. Mọi thứ giấy tờ, sổ sách, thư từ bị nhòe ướt, mủn nát hết vì ngâm nước. Vẫn đinh ninh hai đứa chúng nó yêu nhau…

          Thế mà hôm nay, sau mấy chục năm, Đại lại cho anh biết sự thật hoàn toàn khác. Duy thẫn thờ như kẻ bị mất hồn, lặng người đi một lát.  

          Có tiếng chuông cửa vang lên. Đại liếc nhìn đồng hồ treo tường rồi bảo:

          – Ông chờ tôi một tí nhé. Có lẽ nó đến đấy!

          Duy đứng dậy, nhìn ra phía cầu thang, chờ đợi. Từ dưới nhà loáng thoáng vọng lên tiếng cười của Đại xen lẫn giọng nói mà cho dù có xa cách bao lâu Duy cũng không thể nào quên được. Trái tim anh bỗng đập thình thình. Và đây, cùng với tiếng giày cao gót gõ đều đều trên thang gác như báo hiệu, Huyền hiện ra với gương mặt tròn và mái tóc dày điểm bạc. Mối tình đầu của Duy đây. Người yêu dấu bao nhiêu năm của anh đây… Thoáng nhìn qua, Duy cũng thấy chị đẫy đà hơn trước với bộ ngực tròn căng đội cả áo lên. Đi sau Huyền mấy bước, Đại đang mỉm cười tinh quái:  

          – Đây, đây! Nhìn xem là ai nào! Liệu đã thỏa lòng mong ước bấy lâu chưa? Đừng có mà quên trả công tôi đấy nhé!

          – Chào! – Duy lên tiếng trong khi vẫn đứng yên một chỗ. Và, trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của anh, Huyền bước tới, véo tai Duy một cái:

          – Đi gì mà lâu thế hở? Ai lại bỏ rơi bạn bè đến mấy chục năm trời!

          – Ờ… – Duy cười lảng. – Tại cái số của mình nó thế…

          – Thôi được rồi, uống nước đi đã này… – Đại rót cho Huyền tách nước. – Bây giờ, hai ông bà ngồi nói chuyện với nhau, để tôi đi ngó xem cơm nước thế nào. Chiều nay bà xã nhà tôi đi vắng.

          – Đừng, không cần đâu, ông Đại ơi! Tí nữa tôi phải đi đám cưới. – Huyền quay sang nói nhỏ với Duy. – Con An, vợ nó lại đi đánh bạc đấy.

          Duy giật mình:

          – Thế ấy à?

          – Ừ, vợ chồng nó giàu lắm! Vì thế nó mới bắt con An nghỉ việc buôn bán, thỉnh thoảng lại cho vợ cả một đống tiền đi đánh bạc cho vui. Hôm nay là chủ nhật, chắc giờ này nó đang ở trong sới rồi.

          – Tôi cũng không ăn đâu nhé! – Duy nói với theo Đại. – Sáu giờ tàu đã chạy rồi.

          – Sao vội thế? Ông không ở lại chơi vài ngày được à? – Huyền nhìn Duy đầy vẻ bất ngờ.

          – Không. – Duy lắc đầu. – Ngày mai đầu tuần, tôi phải có mặt ở cơ quan. Tí nữa tôi đi Hà Nội. Mười giờ lại lên tàu đi Lào Cai. Sáng sớm mai là có mặt ở trên ấy rồi.

          – Khổ! – Huyền chép miệng. – Thế thì về làm gì cho mất công ra!

          – Khổ cái gì đâu! Tôi mua vé giường nằm, lên tàu chỉ cần ngủ một giấc là đến nơi. Mình vẫn còn nhiều dịp khác nữa mà…

          Ắng đi một lúc như cả hai đều không biết nói gì. Duy khẽ khàng cầm lấy bàn tay của Huyền và thấy chị chỉ liếc nhìn anh một cái trong im lặng. Bàn tay ấy ngày xưa sao mềm mại, nuột nà nhưng bây giờ lại thô tháp và hơi chai cứng. Dấu ấn của thời gian và cuộc sống gia đình đây! Duy khẽ xoay người, dùng cả hai tay để ấp lấy bàn tay ấy. Mái tóc Huyền cũng đã trở nên khô xác, được cắt ngắn, uốn quăn chứ đâu còn mượt mà buông xuống ngang lưng như cái thời nhiều buổi tan học về, Duy cố tình tụt lại phía sau, ngắm trộm… Anh khẽ thở dài thương bạn, thương cho cả chính mình và len lén buông tay Huyền ra khi thấy Đại trở lại với một đĩa táo đầy.

          – Thôi, nếu không ở lại ăn cơm được thì ăn táo đi vậy. Táo Trung Quốc đấy, nhưng loại này ăn cũng được. Tôi vừa rửa sạch rồi, nhưng nếu hai người không thích ăn cả vỏ thì dao đây, tự gọt lấy nhé.

          – Ơ, thế cái Trâm đâu hở Huyền? – Duy chợt nhớ ra.

          – Nó bận, không đến được. Tôi đã nói với ông Đại rồi mà!

          – Thì ba chúng mình cũng thành một nhóm được rồi. – Đại pha trò. – Như cái kiềng ba chân ấy. Quên không nói cho ông Duy biết là cái Trâm nó bận.

          Câu chuyện giữa ba người đã có vẻ tự nhiên hơn. Đến lúc này Duy mới kể cho Đại và Huyền chuyện tháng Tư năm bảy hai, ngôi nhà của gia đình anh bị trúng bom. Không ai chết hay bị thương, nhưng có gì mất hết. Sau đó mọi người phải sang bên Ngọ Dương và ở đấy luôn cho đến tận bây giờ. Còn Duy thì đi thẳng một mạch vào mãi tận miền Đông Nam bộ, đánh nhau bao nhiêu trận mà không có nổi một cái sẹo nào. Đến cuối năm bảy nhăm mới được ra Bắc rồi thi đỗ vào Đại học Mỏ – địa chất, nhưng lại trở thành anh cán bộ trồng rừng. Giờ làm trưởng một cái phòng có chưa đến chục người. Thỉnh thoảng về thăm bố mẹ và anh chị em trong gia đình, nhưng lần nào cũng vội vội vàng vàng, chẳng còn nhớ được gì đến bạn bè ngày trước. Với lại, cứ nghĩ ai nấy đều vợ chồng con cái cả rồi, chẳng nên khuấy động cuộc sống của nhau làm gì. Chuyện ngày xưa, thôi thì cứ để cho nó là kỉ niệm. Nếu không có cú điện thoại của Đại, thì Duy cũng đâu có mặt ở đây hôm nay.

          Huyền đưa tay sửa lại mái tóc và chậm rãi cho Duy biết, sau chiến tranh đã có lúc chị cũng muốn đi tìm anh nhưng không biết hỏi ai, mà cũng chẳng ai biết gì ngoài chuyện nhà Duy bị trúng bom, mọi người chuyển đi nơi khác lâu rồi. Cứ lo, ông đã thành liệt sĩ. Mà nếu thế thì cũng phải xác minh xem sao chứ! Huyền hơi nghẹn ngào kể lại, rằng sau chuyến đi chơi bằng thuyền hôm ấy không lâu, Tiến cũng đi bộ đội. Cậu ấy đã lên đến chức đại đội trưởng hay tiểu đoàn phó gì đấy và hi sinh ở ngay cửa ngõ Sài Gòn.

          Duy hơi gai người nhớ lại lời hẹn và cũng là mong ước của Tiến đêm hôm ấy: “Biết đâu mươi mười lăm năm nữa, chúng mình gặp lại nhau… Có khi vợ chồng con cái đầy đàn đầy đống cả rồi. Lúc ấy thì chắc là vui lắm”. Nhưng chưa đến bảy năm sau thì nó đã hòa mình vào cát bụi phương nam… Rất có thể cho đến khi nằm xuống, Tiến vẫn canh cánh nỗi lo không biết gia đình cậu được chia bao nhiêu thóc và làm sao đủ ăn đến vụ sau… Duy lại nhớ đến rổ khoai lang luộc còn nóng hổi. Toàn những củ mới chỉ to bằng cỡ chuôi liềm và cũng chưa ngọt lắm, chắc là Tiến đã phải dỡ vội để có cái mà đãi khách. Chẳng biết sau ngần ấy năm, cô em gái tật nguyền của cậu ấy thế nào… Không một ai trong nhóm bốn người ngày ấy về thăm lại ông bà nhà Tiến. Buồn nhất là gia đình không có tiền để đi tìm hài cốt của cậu ấy, mà trông chờ vào nhà nước thì chẳng biết đến bao giờ…

          Người đàn ông ấy ngồi thừ ra một lúc rồi bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm:

          – Xem nào… Lớp mình có mười ba thằng con trai thì tám thằng đi bộ đội. Năm thằng đi nước ngoài nước trong còn sống nhăn răng đến hôm nay. Ba thằng thương bệnh binh, sống cũng coi như đã chết. Năm liệt sĩ. Nếu có thêm tôi vào đấy nữa thì là sáu. Vừa đúng một mâm!

          Chưa kịp dứt lời thì Duy đã ối lên một tiếng vì bị Huyền đấm ngay cho một quả vào vai.

          – Chỉ được cái nói gở!

          – Ơ thì đúng là như thế mà! – Duy vừa nói vừa né vội sang bên để tránh quả đấm tiếp theo.

          Ba người chia tay nhau sau khi đã thống nhất về cuộc gặp gỡ năm nay, hình thức và địa điểm tổ chức lễ mừng thọ thầy giáo cũ. Có gì đáng phải bàn bạc nhiều đâu! Đại thân chinh xuống tận dưới nhà mở cửa, dắt xe cho Huyền. Anh giữ ý, không đưa Duy ra ga khi thấy chị bảo, thôi ông cứ ở nhà mà lo cơm nước cho bà ấy. Một mình tôi đi tiễn ông bạn vàng này cũng được. Hai người đàn ông bắt tay nhau tạm biệt. Duy giành lấy phần cầm lái chiếc Dream của Huyền, vì anh không quen ngồi sau lưng người khác giới.

          Mua vé xong, Duy kéo Huyền lại ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây phượng vĩ, trong nắng cuối thu vàng dịu. Đã sang ngày đầu tiên của tháng Mười, trên mặt đất chỉ còn bết lại những cánh hoa khô xác, mỏng manh cùng trăm nghìn mắt lá li ti.

          – Trông ông không khác ngày xưa là mấy. Thế mà đã có lúc tôi tưởng không bao giờ còn gặp được ông nữa cơ.

          – Còn Huyền thì vẫn xinh và đáo để… – Duy lựa lời để bạn khỏi mếch lòng. – Nhưng đúng là không ngờ bọn mình lại xa nhau lâu đến thế. Loáng một cái mà đã mấy chục năm rồi. Quá nửa đời người.

          – Thì tóc ông cũng muối nhiều hơn tiêu còn gì.

          – Ừ… – Duy ngần ngừ một lúc rồi mới hỏi. – Này, sao bà lấy chồng muộn thế? Mà từ lâu rồi, tôi cứ tưởng bà và thằng Đại yêu nhau.

          – Làm gì có chuyện ấy! – Huyền ném cho anh bạn vô tâm một cái nhìn trách móc. – Ông không biết là trước đấy nó đã từng yêu cái Trâm à? Còn tôi thì rất ghét cái trò bắt cá hai tay của nó.

          – À…

          Huyền vuốt lại món tóc bên thái dương rồi tiếp tục:

          – Tôi đã để ý hỏi thăm tin tức của ông, thậm chí còn nghĩ là nếu ông chết thì cũng phải có người biết chứ. Thế mà mãi vẫn không thấy. Không hiểu ông biến đi đằng nào mất. Không một tin tức gì. Mãi đến năm tám mươi, bà cụ nhà này giục ghê quá nên mình mới đành phải đi lấy chồng cho xong chuyện. 

          – Vẫn còn sớm hơn tôi được năm năm. – Duy buột miệng đùa và ngay lập tức đã biết mình lỡ lời nhưng không chữa lại được nữa.

          – Ông đừng so sánh thế làm gì, vì ba mươi tuổi của chúng tôi rất khác với các ông. Ông có hiểu không? – Huyền nhìn Duy, có vẻ hơi thương hại.

          Người đàn ông lục túi tìm bao thuốc Vina rồi lặng lẽ châm một điếu trong khi Huyền hơi cau mày, quay mặt sang phía khác. Duy từ từ phả khói ra đằng mũi và khẽ nói bằng giọng buồn rầu:

          – Sáng hôm ấy, mình đến chỗ Huyền thì nghe nói cụ đã sang đèo Huyền về Hải Phòng rồi. Sau đấy mình cố tìm cách gặp Huyền mấy lần nhưng không được. Rồi đi bộ đội và thế là bặt tin luôn…

          – Tôi biết. Nhưng bố tôi bất ngờ sang đón mà tôi không làm sao báo cho ông biết được. Còn sau đấy… – Huyền mỉm cười buồn bã. – Mẹ tôi cấm cửa ông, rồi thằng Đại nó lại nhảy vào, có đúng không?

          – Sao Huyền nghĩ thế?

          – Ông không biết là chính thằng Đại nó tìm cách ngăn cản không cho tôi gặp ông à? – Huyền hơi đắn đo một lát. – Lần cuối cùng, lúc ông đến tạm biệt nó để đi bộ đội, ông còn ghi cho nó địa chỉ, nhưng nó lờ đi, có cho tôi biết đâu! Hỏi, thì nó chỉ nói, ở ngõ ấy ngõ nọ, còn đường đi lối lại thế nào thì nó kêu không biết, vì chưa đến nhà ông bao giờ. Thế thì làm sao mà tìm được! Ngay cả đến khi ông tập trung ở Khu đội, nó cũng không hề nói gì hết nhé! Tôi chỉ biết được tin ấy qua cái Trâm thôi, vì cái Trâm nó cũng có đứa em con bà dì cùng đi bộ đội đợt ấy với ông.

          – Thằng Hải, có thời gian cùng trung đội với tôi ở ngoài Bắc. Chết ở Bình Long năm bảy hai…

          – Đấy, ông đã hiểu chưa? Vì thế mà lúc tôi đến nơi, thì ông đã đi mất rồi… Tôi gặp cái Trâm vẫn còn đang đứng khóc ở gốc cây mà.

          – Thế mình có khóc không?

          Huyền lườm Duy một cái và giơ nắm tay lên:

          – Tôi lại đấm cho ông một quả nữa bây giờ! Ông tưởng tôi có nhiều nước mắt lắm đấy à?     

          Duy khẽ thở dài, không đùa nữa:

          – Thế mà thằng Đại nó lại bảo, xe của Huyền bị tuột xích cùng đường nên mới đến muộn.

          – Tuột cái gì! Lúc ấy bố tôi mới mua cho tôi cái xe đạp mới tinh thì làm sao mà tuột được xích! Có mà tuột cái mồm nó ấy! Nó không muốn tôi gặp ông. Hiểu chưa?

          – Nó còn khoe là nó cưa Huyền…

          – Thì đúng là nó cưa mình thật! Nhưng ông thử nghĩ xem, liệu có thằng con trai nào định yêu một đứa con gái lại đem chuyện ấy nói cho người khác biết không? Cho dù là bạn thân đi nữa! Chắc chắn là phải giấu như mèo giấu… cái gì ấy chứ! Vì sợ bị người khác phá mà. Còn thằng Đại thì ngược lại. Nó nói như thế là để thăm dò xem ông thế nào và ngầm nhắc ông tránh sang một bên. Để làm gì thì ông biết rồi đấy.

          Duy khẽ nhún vai một cái:

          – Lúc nãy nó còn bảo tôi là cả lớp vẫn đồn…

          – Là tôi chờ ông mãi chứ gì? – Huyền khẽ ngắt lời Duy. – Không hẳn như thế đâu! Có lẽ là do số mình muộn chồng nên mới thế. Nhưng lẽ ra ông phải tin tôi chứ! Ông không biết thằng Đại là chúa xạo à?

          – Thì tại nó nói là nó yêu Huyền…   

          – Thế nó có nói là tôi yêu nó không? Sao lại có người ngốc thế cơ chứ!

          Đến đây thì Duy không còn biết nói gì được nữa. Anh nhận ra mình đã cả tin, nhầm lẫn đến mức nào. Sao số phận lại trớ trêu đến thế! Chỉ vì toàn những chuyện không đâu mà hai đứa lạc nhau lâu đến thế! Chỉ có đúng một lần cầm tay và một cái hôn… Nhưng cũng vẫn còn may, là có buổi chiều nay. Anh lại được ngồi đây dưới bầu trời rất thanh bình, nhìn vào đôi mắt đen thăm thẳm ngày xưa mà nghe Huyền nói. Cứ như chưa hề có một cuộc chiến tranh vô cùng tàn bạo và sau lưng hai người không phải là khoảng cách mấy chục năm trời. Và cây phượng vĩ già, có lẽ được người Pháp trồng từ khi họ mới xây dựng nhà ga này, đã đứng đây chờ đợi tự thuở nào…

          Nắng đã tắt và trời trở nên dịu mát. Một bông hoa phượng vĩ từ đâu đó trên cao nhẹ nhàng rơi xuống trước mặt đôi bạn cũ. Cái màu hoa đỏ rực như lửa cháy đã từng làm bao nhiêu thế hệ học trò nôn nao trong dạ lúc hè về, khiến Duy bồi hồi xao xuyến không chỉ một lần. Nhưng từ lâu lắm rồi, anh đã không còn để ý gì đến nó. Bây giờ, vào lúc mùa hoa phượng đã tàn, thì lại có một bông có lẽ là cuối cùng dường như vẫn cố thắp lên một lời nhắc nhớ.

          Có tiếng loa ậm oẹ vang lên mời hành khách đã có vé vào ga, lên tàu. Cả Huyền và Duy cùng đứng dậy.

          – Thôi, chuyện cũng đã lâu rồi, chúng mình chỉ cần biết thế thôi. Dù sao, thằng  Đại nó cũng là người tốt. Bao nhiêu lần có việc gì của cả lớp nó đều đứng ra lo liệu hết đấy. Mừng thọ, cưới xin, ma chay… đủ cả. Rất có trách nhiệm, nhiệt tình và chu đáo. Giờ, nó lại đang tìm cách giúp gia đình thằng Tiến đi tìm hài cốt. Nó quen một nhà ngoại cảm. – Huyền nói rồi chìa bàn tay cho người bạn trai một thuở. – Còn chuyện yêu đương ấy mà, có ai lại không ích kỉ, thậm chí là giả dối hay lừa mị người khác đâu! Thế nó mới hi vọng là chiếm được người mình yêu chứ! Đi mạnh khỏe nhé, thỉnh thoảng nhớ gọi điện cho mình… Bận sau về, đến nhà mình chơi. Đừng có lặn mất tăm nữa nhé! – Chị bỗng cười như mếu.

          – Ừ, Huyền cũng đi đám cưới đi kẻo muộn.

          – Làm gì có đám cưới nào! – Người phụ nữ hơi ngạc nhiên giây lát rồi mới chợt nhớ ra. – Lúc nãy tôi nói như thế là vì mình không muốn ăn cơm nhà thằng Đại. Chứ ông thử nghĩ xem, vợ nó đi vắng, mình lại ăn cơm ở đấy thì còn ra cái kiểu gì? Mà… ông có biết tại sao cái Trâm nó không đến đây hôm nay không?

          – Không. – Duy ngơ ngác lắc đầu.

          – Nó không muốn gặp thằng Đại. Vì những chuyện ngày xưa ấy mà! Với lại, nó cũng muốn để hai chúng mình nói chuyện với nhau được tự nhiên… Nó gửi lời hỏi thăm ông đấy.

          – Trời! – Duy chợt hiểu. – Thế thì Huyền cũng cho mình hỏi thăm nó nhé. Để lần sau gặp vậy.

          Anh lúng túng bắt tay Huyền và thêm một lần nữa cảm nhận rõ sự thô tháp, chai sần của bàn tay chị. Trái tim anh như se lại. Không biết nói gì hơn, Duy nhìn Huyền với tất cả sự chân thành:

          – Tạm biệt! Thỉnh thoảng mình sẽ về và có gì sẽ thông tin cho Huyền biết.

          – Đừng có mà quên đấy!

          – Không. Mình sẽ đến thăm Huyền và còn phải về thăm cả gia đình thằng Tiến nữa. Đã qua bao nhiêu lần ngày mồng ba tháng sáu rồi… Huyền có nhớ không?

          – Nhớ chứ! Làm sao mà quên được. – Người đàn bà đứng tuổi ấy khẽ gật đầu và không nói thêm gì nữa.

          Duy buông tay Huyền ra rồi vội vã lên tàu. Ngổn ngang trong đầu óc anh là những sự việc trong mấy tiếng vừa qua. Mấy tiếng đồng hồ soi tỏ bao nhiêu là góc khuất. Nhưng Duy biết, từ nay thành phố này sẽ không còn bị anh cố tình quên đi nữa. Anh cũng không còn trốn trong ổ kén của mình. Và cho đến tận lúc tàu chuyển bánh, Duy vẫn chưa rứt ra khỏi được suy nghĩ, giá như có thể quay ngược được thời gian, trở lại với những tháng năm xa lắc. Chỉ một lần cầm tay và một nụ hôn… Không ai nói với nhau điều gì hết. Liệu đó đã phải là tình yêu thật sự chưa? Duy không biết. Ngày ấy, cả hai đứa đều còn quá trẻ. Đã cùng nhau hẹn ước gì đâu! Nhưng giá như anh gặp được Huyền vào buổi sáng hôm sau. Giá như Huyền gặp được Duy vào cái ngày anh đi bộ đội. Và… giá như bom Mĩ đừng rơi trúng nhà Duy… Hẳn tất cả đều đã khác.

          Người đàn ông ấy bỗng như lạc vào một vùng sương khói của biết bao nhiêu hoài niệm. Đầu óc anh trở nên mụ mị. Thời gian trôi qua đã quá lâu rồi. Người bạn trai chống thuyền đêm ấy cũng không còn nữa. Tất cả đều đã tan biến đi như ảo ảnh. Chỉ còn lại dư âm bài nhạc vàng kia… Tên gọi đúng của nó là Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn. Một bản nhạc bị cấm suốt nhiều năm, cũng như bao nhiêu thứ khác từng bị cấm để rồi sau chiến tranh lại trở nên phổ biến. Rất nhiều người yêu thích vì nó quá hay. Thế mà cả cái miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt một thời không có nổi lấy một bài hát nào nói về tình yêu tuổi học trò; chỉ toàn những trường những lớp, yêu Tổ quốc, yêu quê hương và ca ngợi công ơn của Đảng… Nhưng yêu nhau thì không. Cũng chẳng có buồn thương, thất vọng, nước mắt hay nhớ nhung gì hết! Tất cả đều phải vui tươi, sôi nổi, hào hùng. Không có chỗ cho những gì bị coi là riêng tư, yếu đuối và ủy mị.

          Duy chợt nhận ra, Nỗi buồn hoa phượng ấy dường như đã vận vào số phận một con người, không cách gì thay đổi được. Tất cả đều quá muộn mất rồi, không làm gì được nữa. Giờ đây, còn đọng lại mãi trong Duy là niềm day dứt khôn nguôi và một nỗi buồn thấm thía. Như hiện ra theo nhịp bánh con tàu một Thu Huyền mười tám tuổi thật hồn nhiên pha chút ngây thơ. Gương mặt tròn với đôi môi lúc nào cũng như chỉ muốn cười. Một đôi mắt đen trong sáng. Mái tóc cặp ngang lưng đung đưa theo mỗi bước chân. Và nhất là giọng hát đầy cảm xúc đêm nào… May mà Huyền cũng đã có chồng, có con cho dù hạnh phúc ấy, tiếc thay lại không trọn vẹn. Những ca từ nghe sao thật thổn thức và da diết:

                        Màu hoa phượng thắm như máu con tim

                        Mỗi lần hè thêm kỉ niệm

                        Người xưa biết đâu mà tìm…

          Huyền ơi!

          Hai khóe mắt Duy bỗng cay cay.

          Anh khẽ cắn môi, cố nghĩ sang chuyện khác.

 

 

                      

                                                                                               8.2009                       

                                                                                          (Bút danh Văn Nguyên Hậu)                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

 

 

[1] Những bài hát nổi tiếng ở miền Bắc thời chống Mỹ.

[2] Một loại tủ gỗ thường thấy trong các gia đình thành thị ở miền Bắc thời bao cấp.

[3] Những ca khúc được sáng tác dưới thời chính quyền Sài Gòn bị cho là bi lụy, suy đồi hay phản động, bị cấm ở miền Bắc trong những năm chiến tranh.

[4] Trong chiến tranh phá hoại của Mĩ trên miền Bắc, có thời gian không tổ chức thi đại học để đảm bảo an toàn cho thầy và trò ở các địa phương.

[5] B, C: Chiến trường miền Nam và Lào.

[6] Chỉ những người từng phục vụ trong quân đội hoặc chính quyền tay sai Pháp trên miền Bắc cho đến năm 1954.

[7] Còn gọi là ăn chia, tức số thóc được chia cho mỗi người trong một gia đình, tùy theo từng vụ.

[8] Sau này gọi là Ban chỉ huy quân sự quận.