Tặng PGS, TS
Nguyễn Ngọc Oanh
Năm ấy, Tân mười bốn tuổi. Cậu vừa thi hết cấp hai[1] và đang nghỉ hè thì được bố là ông Hương cho đi lên Hòa Bình để thăm người anh trai của Tân đang đóng quân ở đấy. Anh Quân, hơn Tân sáu tuổi, đi bộ đội đã được gần ba năm, là lính thông tin báo vụ “mười lăm oát” và chưa được về nghỉ phép lấy một ngày nào nên gia đình cũng hơi sốt ruột. Vì cứ theo như lời người ta nói từ trước đó thì trong thời bình, mỗi năm bộ đội sẽ được về nghỉ phép mười ngày, chưa kể thời gian đi đường. Việc đi thăm này cũng là theo gợi ý của anh Quân vì “Em nó đã lớn rồi, đường tuy hơi xa nhưng cũng dễ đi, thầy mẹ không có gì phải lo. Với lại, cũng nên rèn cho em con cái tính tự lập đi là vừa”… Anh còn căn dặn Tân đủ điều, những là đi đến bến xe nào, mua vé hết bao nhiêu, đến đâu thì xuống, cẩn thận tiền nong ra sao, chiêu đãi sở ở chỗ nào, cần phải chú ý những gì…
Ông Hương hoàn toàn bị thuyết phục bởi đứa con trai lớn nên đồng ý ngay. Còn bà, vốn xưa nay chẳng bao giờ dám trái ý chồng nên mọi việc coi như đã được quyết định. Tân sướng quá, vì từ lâu cậu đã muốn được đi chơi xa một chuyến, nhất là lại được lên Hà Nội. Thủ đô kia mà! Tân muốn tận mắt nhìn thấy cầu Long Biên, hồ Hoàn Kiếm, muốn được thử đi xe điện xem nó như thế nào… Ở nhà ru rú mãi rồi, cũng chán. Nhưng lần đầu tiên nghe nói đến “chiêu đãi sở”, Tân không hiểu đó là cái gì. Cậu hỏi, thì được ông Hương giải thích, rằng đó là nơi các đơn vị quân đội lập ra để đón tiếp bố mẹ, vợ con, anh em của cán bộ, chiến sĩ các nơi đến thăm, giúp họ đỡ phải đi thuê nhà trọ ở bên ngoài. Chứ không phải là chiêu đãi ai cái gì đâu!
Thế thì có lẽ nó cũng giống như quán trọ thôi, Tân nghĩ. Và tuy chưa thỏa mãn với câu trả lời của bố, nhưng cậu cũng không hỏi thêm mà định bụng sẽ hỏi anh Quân. Vì, cũng giống như bao nhiêu đứa trẻ khác, cậu coi người anh trai lớn nhất nhà ấy như thần tượng của mình. Hơn nữa đây là việc liên quan đến quân đội, mà anh lại là lính ở đơn vị ấy thì chắc là phải biết. Tại sao lại gọi là “chiêu đãi sở” chứ không phải gì đó khác? Cái danh từ nghe lạ hoắc lạ huơ, có vẻ đầy bí ẩn. Tuy vậy, trong tâm trí cậu bé mười bốn tuổi từ hôm ấy như hiện ra cả một khu doanh trại bề thế, tường xây mái ngói khang trang như kiểu nơi đóng quân của bộ đội trong thành phố, nơi mà cậu vẫn cắp sách đi học qua hằng ngày.
Tân đi xin giấy thông hành của công an, cắt lấy ba cân tem gạo[2], đủ để ăn trong khoảng năm ngày theo tiêu chuẩn tận mười tám cân một tháng. Còn ông Hương thì rút hai mươi đồng từ sổ tiết kiệm cho con làm lộ phí và chi cho các việc khác trong suốt chuyến đi. Gần một phần ba tháng lương của ông rồi đấy chứ nào có ít ỏi gì! Họ hàng có người hỏi ông sao mà liều thế, đường sá xa xôi, hàng mấy trăm cây số… Thằng bé mới một tí tuổi đầu, đã bao giờ một thân một mình đi xa đến thế đâu! Ông Hương chỉ cười, ừ thì cứ thử xem sao, cho nó quen đi! Chứ chẳng lẽ lại cứ dựa vào bố mẹ mãi à! Thế thì bao giờ mới khôn ra được.
Lúc này, bầu không khí trên miền Bắc đã có vẻ căng dần. Máy bay trinh sát Mĩ đã có lần bay vọt qua bầu trời thành phố, khiến cho pháo cao xạ của ta bắn lên như vãi đạn. Nhiều cơ quan, công sở, trường học… rục rịch chuẩn bị đi sơ tán. Một số hầm hố, giao thông hào đã được đào ngay bên hè đường. Trong khi đó, các cấp chính quyền và công an vẫn ra sức nhắc nhở mọi người cảnh giác, tuyệt đối không được nghe đài địch và những luận điệu phản tuyên truyền, gây hoang mang dư luận. Nhiều người thuộc diện tề ngụy cũ hoặc tư sản, địa chủ không chịu cải tạo và những phần tử được coi là chậm tiến, bi quan, bất mãn lần lượt bị bắt đi. Nhưng họ không bao giờ được đưa ra xét xử. Không bao giờ thành án. Nếu còn sống thì đến một lúc nào đó sẽ được người ta cho về…
Trái với cái không khí căng thẳng, khẩn trương ấy ở xung quanh, Tân không bận tâm suy nghĩ gì nhiều về tương lai của cậu. Học lên cấp ba thì vất vả, mà nếu chiến tranh nổ ra thì không biết sẽ thế nào. Đi trung cấp hay học nghề để ra làm công nhân, thì phải đủ mười sáu tuổi như đám thằng Lộc, cái Vinh, thằng Nam cùng lớp. Đi bộ đội, phải mười tám tuổi. Còn chờ đợi, mà chẳng biết là chờ đợi cái gì thì rõ ràng là chỉ có ăn bám vào bố mẹ… Mười bốn tuổi! Chao ôi, cái tuổi giở giăng giở đèn, chẳng được ai coi ra gì! Thôi thì cứ đi lên Hòa Bình cái đã! Còn việc có vào lớp tám hay không sẽ tính sau.
***
Tân lên đường đi thăm anh Quân như bước vào một cuộc phiêu lưu với cả niềm háo hức, tự hào theo kiểu Hấc Phin[3], tuy mức độ thì không đến thế. Trái lại, cuộc hành trình còn quá đơn giản và dễ dàng là đằng khác. Từ Hải Phòng, cậu đi ô tô thẳng lên Bến Nứa Hà Nội, ngay đầu cầu Long Biên. Chiếc cầu đúng là đẹp thật. Làm bằng sắt lại sơn đen mà trông vẫn mềm mại, thanh thoát lạ thường. Rồi cậu tìm đến hồ Hoàn Kiếm, ngắm nghía cái Tháp Rùa hóa ra rất bé; cầu Thê Húc sơn đỏ và đền Ngọc Sơn nấp dưới tán cây. Cuối cùng, Tân mới đến nhà trọ ở gần hồ Ha Le theo lời anh Quân, ngủ ở đó một đêm rồi sáng hôm sau mua vé ô tô đi Hòa Bình, nhưng còn cách thị xã đến hai mươi cây số đã phải xuống rồi. Một mạch đến nơi, không có gì trục trặc. Phải mỗi tội cái xe chạy tuyến Hà Nội – Hòa Bình cũ quá, anh chàng phụ xe phải mím môi mím lợi quay ma ni ven đến toát mồ hôi nó mới chịu nổ máy phành phành, khói đen phụt ra mù mịt. Đã thế, xe cứ chạy được một quãng lại dừng cho người ta lên xuống. Mấy bà lái buôn, miệng nhai trầu bỏm bẻm nhồi nhét đủ các loại quang gánh, vịt gà, gạo thóc vào gầm ghế và chất đầy cả lối đi, khiến cho cái xe đã chật chội lại càng trở nên ngột ngạt. Ai nấy mồ hôi ướt đầm cả áo.
Mãi rồi cũng đến nơi. Nghe tiếng ông tài quát: “Đồi sim nhớ!”, Tân liền xách chiếc túi du lịch nhỏ, nhảy xuống đường, suýt ngã. Không một tấm biển chỉ dẫn, không dấu hiệu nào cho thấy nơi này có một cái gọi là “chiêu đãi sở”, nhưng anh phụ xe đã nói thì chắc là không sai được. Vì có ngày nào mà anh chẳng đi qua tuyến đường này! Tân đưa mắt nhìn quanh trong khi chiếc xe khách ì ạch nhả khói chạy đi, để lại phía sau nó một đám bụi mù, mãi vẫn không tan ra được.
Tân đứng đó, thừ người ra một lúc. Trái ngược với hinh dung của cậu, không thấy tường xây mái ngói đâu, cũng chẳng có một cái gì gợi nên cảm giác về nơi đóng quân của một đơn vị` bộ đội nào. Hoàn toàn thất vọng! Cậu bé chán nản, xách chiếc túi du lịch theo lối mòn đi lên. Một lúc sau Tân mới thấy được một phần quả đồi sim mua lúp xúp, phủ đầy những bụi. Mấy nóc nhà mái nứa bạc phếch hiện ra, như đang từ dưới đất nhô lên. Sau đó, là vách nhà cũng bằng nứa rồi mới đến những căn nhà hiện ra trọn vẹn trên đỉnh đồi quang đãng. Bảy tám nếp nhà cả thảy, cái to cái bé khác nhau nhưng không có cổng mà cũng chẳng thấy vọng gác nào. Một con chó đen to tướng, không thèm sủa mà chỉ giương mắt nhìn Tân đầy cảnh giác rồi bỗng cụp đuôi chạy mất. Cậu bé lưỡng lự một lúc rồi cuối cùng, đánh bạo bước về phía gian nhà gần nhất, cửa mở toang nhưng không một bóng người.
Đập vào mắt Tân lúc này là bộ bàn ghế mộc đã cũ, bộ ấm chén và cái giành tích đan bằng mây hay tre gì đó. Một chiếc điếu cày lên nước đen bóng đứng dựa vào chân bàn, bên cạnh là chiếc phích Trung Quốc màu đỏ đã bong tróc cả sơn. Một chiếc ghế băng được kê sát vách. Đồ đạc ở gian ngoài chỉ có vậy, nhưng qua cánh cửa thông với phòng trong được ngăn cách bằng một tấm vách nứa, dán đầy những tờ báo ảnh Liên Xô và Trung Quốc in bằng tiếng Việt, Tân nhìn thấy một chiếc giường cá nhân, chăn gối gọn gàng. Phía đầu giường kê chiếc hòm gỗ nhỏ loại rẻ tiền mà người ta vẫn bán đầy các phố và một chiếc áo sơ mi quân đội được treo trên cái đinh đóng ở cột nhà. Tân thấy trên ve áo có gắn quân hàm trung úy. Hai ngôi sao nhỏ đậu ở phía trên cái gạch nhôm màu trắng. Một chiếc đàn ghi ta cũ được treo trên chiếc cột ở phía bên kia.
“Chà, lãng mạn ghê nhỉ!”, Tân đưa tay gạt mồ hôi trên trán và thầm nghĩ. Cậu bé đặt chiếc túi du lịch lên mặt ghế băng rồi ngồi xuống ngay bên cạnh. Không hiểu mọi người lại đi đâu hết? Tân tự hỏi và tuy đang khát nước, cậu vẫn không dám tự tiện rót ra mà uống. Nhưng chợt có cảm giác ai đó đang nhìn mình, cậu vội ngước lên và thấy ngay tấm ảnh chân dung Bác Hồ in màu hẳn hoi nhưng lại lồng trong một cái khung làm bằng tre, không có kính.
Không biết làm gì hơn trong khi chờ đợi, Tân đành lục túi du lịch, lấy quyển Đất rừng phương Nam[4] ra đọc. Một quyển truyện rất hay mà cậu vừa mới đọc xong cách đây được mấy ngày. Nhưng vì không có gì đem theo và câu chuyện quá ư hấp dẫn, nên Tân cầm nó đi để còn có cái mà đọc. Tuy nhiên, khi cậu bé vừa mới lật được vài trang thì một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi đã bước vào. Anh ta có dáng người tầm thước, áo may ô ướt đẫm mồ hôi, hỏi bằng cái giọng ồm ồm:
– Sao, mới đến à? Chờ lâu chưa?
– Cháu chào chú ạ! – Tân vội vàng đứng dậy. – Cháu ở Hải Phòng lên đây thăm anh cháu…
– Chú với cháu cái gì, anh thôi. Gọi bằng anh thôi, nhé! – Người đàn ông sửa lại. – Nghe rõ chưa?
– Vâng! – Tân đáp lại một cách rụt rè.
Không để ý gì đến thái độ của vị khách không mời, người đàn ông nhấc ấm tích ra khỏi chiếc giành, rót nước làm một ngụm rồi mới liếc nhìn qua những giấy tờ mà cậu bé vừa đưa.
– Hừm, Nguyễn Đình Tân à… – Anh mày tên là gì, ở hòm thư nào? – Người đàn ông lật đi lật lại tờ giấy thông hành của cậu bé.
– Đây ạ, – Tân chìa ra cái phong bì thư cũ của anh Quân để đỡ phải đọc thuộc lòng số hòm thư.
– Nguyễn Đình Quân, bốn bốn không chín “hát o”… Thôi được rồi. – Ông trung úy trả lại Tân cái phong bì rồi nói sang chuyện khác. – Xuống bếp mà báo cơm đi, mười một giờ đến nơi rồi. Nhà bếp ở ngay bên cạnh cái giếng ấy. Đấy, cái nhà có bảng tài chính công khai ở đầu hồi ấy, nhìn thấy chưa? Hôm nay xe dưới Hà Nội lên hơi muộn, tao vừa mới tranh thủ cuốc mấy luống đất ở sau nhà… Ăn cơm xong rồi hẵng nhận phòng.
– Vâng ạ, – Tân đáp, không lấy gì làm tự tin cho lắm.
Sau bữa cơm trưa với rau muống luộc, tôm rang và đậu rán, thêm bát nước rau đánh dấm bằng quả tai chua[5] đầy những sạn, Tân được chị Xuân, một bà nạ dòng mắt lác dẫn đến nơi trú ngụ. Đó là một gian nhà mái nứa được chia đôi, có cửa ra vào riêng. Trong buồng có sẵn bàn ghế, giường tủ, chậu thau bằng sắt tráng men và một chiếc đèn dầu. Một sợi dây thép chăng ngang buồng để mắc màn và mấy chiếc đinh quấn giẻ đóng ở trên cột có lẽ để tiện cho khách treo quần áo. Tân nhận ra chị Xuân cũng hỏi cậu đúng một câu “Mới đến à?” như ông trung úy, và rất hay “Phải, phải” trong khi nói chuyện, kèm theo những cái gật đầu. Sau, Tân mới biết, chị không phải là quân nhân mà chỉ được thuê vào đây nấu cơm, rửa bát và quét dọn cho chiêu đãi sở. Người ta gọi chị là cấp dưỡng hay nuôi quân thì cũng thế. Nhưng tiếp phẩm, tức là người đi chợ và đạp xe thồ, quản lí cũng như y tá thì lại đều là bộ đội, do đơn vị cử ra. Tất cả đều được đặt dưới sự chỉ huy của ông Kiệm, trung úy mà Tân đã gặp.
– Đấy, chăn màn, ấm chén, phích nước đầy đủ nhớ, làm hỏng hay mất là phải đền đấy! – Người đàn bà ấy nói với Tân. – Đi đâu thì nhớ khóa cửa buồng lại, mà không khóa cũng chẳng sao. Ở đây chưa ai bị mất cái gì bao giờ!
Phải đến tối mịt hôm ấy, Tân mới được gặp anh Quân. Anh đến, đúng vào lúc Tân đang chúi mũi vào quyển Đất rừng phương Nam bên ngọn đèn dầu tỏa khói. Đấy là đoạn tác giả kể chuyện săn cá sấu. Mặc dù đã biết đến tình tiết này từ lần đọc trước, Tân vẫn cảm thấy vừa sợ hãi vừa hồi hộp và căng thẳng. Như hiện ra ngay trước mắt cậu bé hình ảnh người đàn ông đang lặn ngụp nơi rừng đước đặc quánh phù sa, tay cầm cây lao, sẵn sàng đâm thẳng vào họng con cá sấu khổng lồ khi nó há to miệng đớp con vịt sống bị buộc với ngọn đèn được thắp bằng mỡ người để làm mồi nhử. Một thứ mồi săn khủng khiếp! Tân bị ám ảnh mãi bởi cảm giác về những người bị lấy mỡ đem rán để đi săn cá sấu… Thật rùng mình! Con cá sấu, bình thường vẫn ẩn nấp ở đâu đó, ngửi thấy mùi mỡ người liền lao đến đớp mồi…
– Sao, đọc cái gì mà chăm chú thế này?
Tiếng anh Quân cất lên đột ngột khiến Tân không khỏi giật mình. Cậu đứng bật dậy, reo lên mừng rỡ và ôm chầm lấy anh trai. Mới đấy mà đã gần ba năm rồi. Hôm anh lên tập trung ở Khu đội[6], Tân vẫn đi học và cậu cũng không hề nghĩ rằng lẽ ra mình phải đi tiễn chân anh… Còn bây giờ, trong ánh sáng vàng đục của ngọn đèn dầu, cậu vẫn nhận thấy anh có vẻ cao lớn, vạm vỡ hơn hẳn lúc ở nhà. Đúng là ăn cơm bộ đội có khác. Cậu thốt lên thành tiếng.
Anh Quân đẩy Tân ra xa một chút, nắm lấy vai đứa em, lắcthử mấy cái, ngắm nghía kĩ càng từ đầu đến chân rồi mới buông lời nhận xét:
– Mày cao lên nhiều đấy, nhưng mà gầy quá! Bao nhiêu cân rồi?
– Em cao một mét sáu ba, nặng bốn nhăm cân.
– Còn tao thì một mét bảy mươi, nặng sáu nhăm cân. – Anh Quân không giấu được vẻ tự hào. – Tăng được sáu cân so với lúc ở nhà… Mày phải chịu khó tập thể thao đi, chứ chắc là còn cao nữa. Con trai còn cao đến tận năm hăm nhăm tuổi cơ mà. Thầy mẹ hồi này có khỏe không?
– Thì… vẫn thế. À, mẹ có gửi thư cho anh đây này…
Anh Quân gần như vồ lấy lá thư rồi ngấu nghiến đọc ngay lập tức. Còn Tân thì lặng im, không biết nói gì. Không có thư của ông Hương vì rất hiếm khi ông viết cho ai. Vẫn như mọi khi, Tân biết, mẹ chỉ viết ngắn thôi, độ già nửa trang giấy với những dòng chữ to nguều ngoào như kiểu “bình dân học vụ”[7]. Mẹ cũng không kí, mà chỉ viết họ và tên thật rõ ràng: Đặng Thị Ngọ. Một cái tên mà chỉ cần đọc lên thôi đã đủ thấy vất vả rồi.
Loáng cái, anh Quân đã đọc xong. Anh khẽ thở dài, gấp lá thư lại rồi bỏ vào phong bì như cũ. Hình như anh muốn khóc mà không khóc được. Và chính điều này lại làm cho Tân cảm thấy nao lòng. Khóe mắt cậu cay cay. Người anh lớn nhất nhà đây. Đang học dở dang lớp tám thì làm đơn xin đi bộ đội chứ không phải do người ta gọi đi nghĩa vụ… Giờ là lính thông tin chỉ suốt ngày gõ cần ma níp, tạch tạch tè… Anh Quân mở chiếc túi vải đem theo từ nãy, lần lượt lấy ra chiếc khăn vuông len, bộ quân phục mới tinh và một đôi giày bộ đội rồi đưa cho Tân:
– Lúc nào về dưới ấy, mày đưa cho thầy bộ quần áo này. Cái khăn vuông Trung Quốc là của mẹ. Còn đôi giày cho mày. Đúng cỡ ba tám đấy. Tao phải nhờ đứa bạn ở quân nhu tiểu đoàn mãi mới đổi được, vì toàn là giày cỡ to. Thử đi xem có vừa không?
– Ôi, đẹp quá! – Tân reo lên sung sướng. Cậu đưa đôi giày lại gần ánh đèn, xem xét một hồi. Giày vải, cao cổ hẳn hoi, màu lá cây. Đế giày đúc bằng cao su có những cái mấu đa giác khá cao để đi cho đỡ bị trơn. Của này bền phải biết.
Tân loay hoay tháo mối dây buộc hai chiếc giày lại với nhau, xỏ chân vào thử. Cậu rút chặt dây, thắt nút lại cẩn thận rồi đi vài bước. Căn buồng nhỏ chỉ còn tiếng đế giày kêu lộp cộp.
– Được đấy! – Anh Quân tỏ ý hài lòng. – Bây giờ thì có vẻ hơi rộng, nhưng mùa đông đi bít tất vào nữa là vừa. Mà mày đang tuổi ăn tuổi lớn, chân còn to ra nữa, lo gì.
– Vâng.
Tân còn săm soi chán rồi mới cất món quà quý giá ấy vào trong túi du lịch, cùng với chiếc khăn vuông len và bộ quân phục. Lần đầu tiên trong đời, cậu bé có được đôi giày mơ ước. Không, thật ra thì lúc mới lên năm, sáu tuổi cậu cũng đã được bố mua cho một đôi giày da đen bóng, đẹp ơi là đẹp. Nhưng sau cải cách ruộng đất, chẳng biết đôi giày ấy biến đi đâu mất, hay bà Hương đem bán đi để lấy tiền đong gạo cũng nên. Từ đó, cậu chỉ toàn đi chân đất hay guốc mộc. Lên đến lớp bốn rồi cũng thế. Mãi gần đây cậu mới được xỏ chân vào đôi dép cao su, làm từ lốp ô tô cũ.
Anh Quân bảo, mỗi năm lính tráng đều được phát hai bộ quần áo dài, hai chiếc quần đùi và hai chiếc áo may ô ba lỗ. Vì thế mà cho đến tận bây giờ, hai bộ quần áo anh mặc từ ngày mới nhập ngũ vẫn chưa bị rách. Mặc không hết thì để dành, gửi về cho thầy thôi… Vải kaki Liên Xô, bền lắm đấy! Còn đôi giày này là của Trung Quốc. Ba năm hai đôi, làm sao mà hỏng được vì còn đi dép nữa… Chỉ có mỗi cái khăn vuông len, tao phải nhờ người mua lại theo tiêu chuẩn phân phối ở bên ngoài chứ không thì bói đâu ra…
Anh Quân cứ thế từ chuyện này nhảy sang chuyện khác. Tân phục lăn người anh trai sớm tỏ ra căn cơ tằn tiện và quan tâm đến mọi người ở nhà. Nhưng đến lúc Tân hỏi về việc đi bộ đội của anh, thì anh bỗng thấp giọng xuống trả lời rất nhỏ sau khi đã ngần ngừ một lát:
– Mày không biết đâu, có nhiều chuyện lắm. Mười tám tuổi rồi, cao nhất lớp mà lại đi học, ngồi với một lũ trẻ ranh, có đứa mới mười ba mười bốn tuổi… Biết đến bao giờ mới hết được cấp ba? Sau đấy thì sẽ làm gì? Học đại học, phải mất bốn, năm năm nữa. Mà lí lịch nhà mình như thế, chắc gì người ta đã cho tao đi đại học. Thầy suýt nữa thì chết trong cải cách[8]… Chính vì thế mà tao phải bỏ học mất hai năm, đi bán nước chè rong với bán kem, mày có nhớ không? Đến khi đi học lại, hóa ra già nhất lớp. Đành thôi vậy, không thì xấu hổ lắm.
Hai anh em Tân nói chuyện đến tận khuya.Thỉnh thoảng, anh Quân lại nhắc em nói nhỏ thôi. Có lẽ anh sợ “tai vách mạch rừng”, có người nghe thấy. Không biết đã mấy giờ đêm, nhưng chắc là muộn lắm rồi nên mới có tiếng gà gáy ở một nơi nào đó. Một lát sau, hàng loạt con khác được nuôi ở chiêu đãi sở cũng phành phạch đập cánh gáy theo. Hơi lạnh từ bên ngoài ngấm vào khiến cả hai anh em phải giũ tấm chăn Nam Định ra đắp. Cuối cùng, anh Quân im lặng thiếp đi, có lẽ là do quá mệt. Anh bận rộn cả ngày, lại phải cuốc bộ hơn hai tiếng đồng hồ từ đơn vị ra đây. Còn Tân thì vẫn đang thao thức vì đã ngủ trưa một giấc rõ dài. Cậu nhìn lên đình màn nghĩ ngợi.
Tân chợt nhận ra, anh Quân không thích thú gì với lí lịch của mình, nên cố gắng tìm cách thay đổi nó. Ông Hương, không tham gia kháng chiến mà lại sống ở vùng tạm chiếm, đến khi cải cách thì bị tố điêu là Việt Nam quốc dân đảng rồi bị bắt… Hôm Tòa xử vụ địa chủ cường hào gian ác Trần Đức Đào và đem ông này ra bắn, cả nhà còn bị người ta lùa đến tận nơi bắt phải xem. Như một kiểu đe dọa hay cảnh cáo cho mà sợ. Chuyện ấy, Tân làm sao quên được! Còn ông Hương, tuy sau đó được thả ra nhưng trong lí lịch của bất kì thành viên nào trong gia đình cũng đều phải ghi rõ là địa chủ được xuống thành phần, đã từng bị bắt giam… Không, thì sẽ bị coi là khai man lí lịch. Tội ấy to lắm đấy!
Bị ám ảnh bởi điều đó nên anh Quân phải ra đi, những mong tìm thấy một tương lai khác cho mình. Cái tương lai mà anh không còn phải sợ ai, cũng không bị soi mói về lí lịch. Không để bị ai đè đầu cưỡi cổ nữa chỉ vì mỗi cái tội trót sinh ra trong một gia đình như thế. Anh đang phấn đấu vào Đảng, hi vọng rồi ra sẽ được đi học sĩ quan. Tuy hơi thiếu một tí về văn hóa, nhưng người ta sẽ cho bổ túc, lo gì. Lên sĩ quan sẽ có lương chứ không phải là phụ cấp như lính tráng, tiền nong dư dả hơn, tiêu chuẩn đãi ngộ cao hơn, được quyền chỉ huy người khác và sẽ có ngày giày da súng ngắn về làng… Nhưng sự đời không đơn giản và liệu mấy ai có đủ khả năng tự quyết định số phận của mình? Khó lắm!
Anh Quân tuy đã được đưa vào diện cảm tình Đảng, nhưng đến bao giờ người ta mới kết nạp cho? Hay là không bao giờ? Việc đi học sĩ quan lại càng khó khăn hơn, vì muốn được đi học thì trước hết phải là đảng viên. Còn đoàn viên chỉ được vào trường quân chính, là nơi đào tạo hạ sĩ quan. Lúc tốt nghiệp sẽ đeo lon trung sĩ hay thượng sĩ, chỉ huy tiểu đội và trung đội. Làm gì có giày da súng ngắn! Ngay cả việc anh được ra đây gặp Tân như thế này cũng đã là may mắn lắm. Nhờ đạt được thành tích cao trong huấn luyện và công tác đấy! Người ta quy định, bắn đạn thật ai đạt ba mươi điểm thì sẽ được thưởng ba ngày phép. Anh chỉ được có hai mươi chín điểm thôi. Nhưng cũng phải thế, anh mới được gặp em vào tối nay và ngày mai, chủ nhật. Tối mai lại phải có mặt ở doanh trại để điểm danh. Như vậy, thời gian hai anh em được ở bên nhau tính ra chưa đầy hai mươi tư tiếng đồng hồ, vì ba rưỡi bốn giờ chiều mai, anh đã phải rời chiêu đãi sở để còn kịp về đến doanh trại trước khi trời tối. Tuy có mượn được chiếc đèn pin đấy, nhưng đường rừng heo hút quanh co, mà có phải chỗ nào cũng dám soi đèn đâu. Như thế thì pin nào cho đủ, mà ngày mai đã là hai mươi âm lịch rồi, trăng sẽ mọc rất muộn.
Tân rùng mình nhớ lại cảnh ông Trần Đức Đào bị trói gô vào cột. Hai anh du kích[9] nghiến răng, siết chặt sợi dây thừng to tướng khiến ông đau quá, nhăn cả mặt nhưng không dám kêu mà chỉ xuýt xoa. Còn kêu gì nữa! Rồi thì súng nổ. Cái đầu ông rũ xuống, cứ như thể nó bị rơi ngay trên tấm ngực gày gò. Có người kể, họ nhìn thấy óc ông phọt ra khi người ta bồi thêm một viên đạn súng ngắn vào thái dương. Cái viên đạn mà sau này Tân mới biết, vẫn được gọi là viên đạn ân huệ hay viên đạn nhân đạo. Hừ, ân huệ với nhân đạo gì đâu! Chỉ là để cho kẻ bị hành hình không thể nào sống sót. Phải chết ngay! Tân sợ hãi khi chợt nghĩ, chỉ chậm một tí nữa thôi thì bố mình cũng bị đem ra bắn. Đến khi sửa sai, ông Trần Đức Đào được minh oan, được công nhận không phải là địa chủ cường hào gian ác. Nhưng không có phép màu nào giúp ông sống lại. Còn những kẻ tố điêu cho ông, đẩy ông vào chỗ chết thì vẫn cứ nhơn nhơn ra đó.
***
Sáng hôm sau, hai anh em Quân rủ nhau đi chợ huyện. Đi chơi, để cho biết thôi chứ không phải là định mua sắm gì, mà phụ cấp của anh cũng chỉ được có mấy đồng. Nhưng nếu không đi, thì cũng chẳng biết làm gì cho hết thời gian ngồi ở chiêu đãi sở. Thế là hai anh em lững thững đi xuống dốc, tìm phía đầu gió để còn tránh bụi vì mỗi khi có một chiếc ô tô nào chạy đến là bụi lại mù lên, tưởng như không bao giờ dứt, bám vàng hết cả mặt mũi, áo quần.
Chợ ở cách Đồi sim khoảng bốn năm cây số. Ấy là do anh Quân áng chừng như thế, căn cứ vào thời gian đi đường. Tân hơi ngạc nhiên vì khác với tên gọi của nó, trên đồi này rất ít sim. Cậu tìm mãi mới được khoảng hơn chục quả, mặc dù đáng ra giữa mùa hè, sim phải chín nhiều rồi chứ! Người ta còn đem về tận thành phố để bán cho bọn trẻ con cơ mà. Những quả sim to tướng, chín mọng và tím ngắt, ăn ngọt lịm, nhưng trong vị ngọt ấy vẫn có cái gì đó hơi chát chát. Năm xu[10] một cốc con, không được bốc thêm. Tân thổi cho hết bụi, khẽ lau qua vạt áo rồi nhấm nháp từng quả sim mà cậu vừa hái được. Không ngon lắm, còn có cả vị hơi chua chua, sít sít nhưng cũng đủ cho lưỡi và môi của cậu bé miền xuôi đen sẫm lại như một lời tố cáo.
Chỉ mất khoảng độ mươi mười lăm phút, hai anh em Tân đã đi được hết một vòng quanh chợ. Cái chợ bé tí, lèo tèo toàn những mái nứa và lá gồi lợp trên bốn cái cột tre khẳng khiu, xiêu vẹo. Có lẽ chỉ cần một cơn gió to là đổ hết. Nhưng người bán kẻ mua cũng khá đông, phần lớn là áo vá chân đất, ngồi chồm hỗm. Có thể tìm thấy ở đây đủ mọi thứ, từ những buồng chuối, củ khoai môn đến măng chua, mớ tôm, con cá, ít gạo nương, chục trứng… Choán mất khá nhiều diện tích là khu vực chất đầy những tranh tre nứa lá, lạt giang. Có chỗ bán thúng mủng, giần sàng, cày cuốc, dao rựa. Quầy khác, là cá khô, mắm muối. Lại có người bán cả thịt lợn rừng, thịt trâu bày trên những tàu lá chuối tươi, nhưng quà bánh thì gần như không có. Mãi ở phía cuối chợ Tân mới thấy vài ba hàng bún, bánh cuốn và bánh rán. Những chiếc bánh ngào đường mía có màu nâu sẫm, to bằng quả táo, cứ thế cho luôn từng cái vào trong miệng. Anh Quân mua mười cái, mất có năm hào. Hai anh em chia nhau, và khi ra đến cổng chợ thì cũng hết luôn. Tân hơi sờ sợ khi nhìn thấy mấy bà người dân tộc gì chẳng biết, mặc váy áo màu đen nhưng lại có những diềm vải hoa văn sặc sỡ. Bà khác thì đầu trọc, đội mũ vải chóp cao màu đỏ, ngồi bán cả đống rễ cây, thân cây gì đó đã được thái nhỏ, băm nát, phơi khô bày trên nhũng tấm ni lông trải trên mặt đất. Hỏi, thì Tân được anh Quân kéo ra một chỗ rồi mới nói:
– Các bà người Mèo, người Mán[11] đấy! Họ đi bán thuốc dấu[12]. Có người còn đem xuống tận Hà Nội, Hải Phòng… Còn mấy cô áo trắng, vấn khăn cũng trắng kia là người Mường.
– A, thế thì Tân biết rồi. Nghe nói các bà ấy còn bán cả bùa ngải gì đấy, hiệu nghiệm lắm. Ai đã bị bỏ bùa thì chỉ có chết với các bà! Tân lại nhớ lúc còn bé tí, có lần cậu cùng lũ bạn chạy theo xem các bà bán thuốc rong, quần ống chẽn ngắn ngang bắp chân đi vào trong ngõ. Thỉnh thoảng các bà ấy lại lắc chiếc lục lạc nhỏ trong tay kêu xủng xoẻng thay cho lời rao. Thế mà cũng hấp dẫn ra phết nhé! Tân cứ chạy theo các bà, mắt nghếch lên, vừa sờ sợ lại vừa thinh thích. Đến khi biết chuyện, bà Hương liền mắng cho con một trận. “Ai bảo mày dại thế, bọn mẹ mìn đấy! Nhỡ chúng nó cho mày ăn bùa mê thuốc lú rồi bắt đi mất thì sao? Mà bắt được rồi á, chúng nó mổ bụng mày ra, nhồi thuốc phiện vào giấu ở trong ấy đem đi bán… Mày có giỏi thì cứ chạy theo nữa đi!” Từ bấy giờ, Tân đâm cạch các bà. Không ngờ đến hôm nay lại gặp, tuy từ lâu cậu đã biết là mẹ chỉ dọa thế thôi chứ làm gì có chuyện ấy.
Nhìn thấy cái quán nhỏ với một mảnh gỗ treo trước cửa viết hai chữ CHỤP ẢNH nguệch ngoạc màu đen, anh Quân liền kéo Tân vào đó. Một người đàn ông đầu tóc bù xù, râu ria tua tủa từ buồng trong bước ra, mau mắn:
– Chụp ảnh à?
– Vâng, anh chụp cho em…
Anh Quân chưa kịp nói hết câu thì ông phó nháy ấy đã cắt ngang:
– Bốn sáu, hai đồng tư. Sáu chín, ba đồng rưỡi[13]. Mỗi kiểu ba ảnh, một sau tuần thì lấy. Sao? Định chụp thế nào hở anh bộ đội?
– Vâng, anh chụp cho em hai kiểu bốn sáu, – Anh Quân quyết định rất nhanh. – Một kiểu sáu chín.
Ông chủ hiệu ảnh cười, tỏ ra am hiểu:
– Hai kiểu bốn sáu, là chụp riêng từng người, đúng không? Còn sáu chín, chụp chung. Được đấy!
Anh Quân lại “Vâng” thêm lần nữa. Ông chủ hiệu ảnh bước vào buồng trong, lục sục một lát rồi mới trở ra với chiếc máy ảnh cũ rích trong tay. Trong khi đó Tân đã kịp nhìn hết cả buồng ngoài. Một cái bàn mộc lem nhem với hai chiếc ghế tựa. Một chiếc ghế đẩu. Tấm vải hoa bạc phếch căng trên vách có lẽ là để làm phông nền cho bất kì ai đến đây chụp ảnh. Còn lưng chừng cột nhà là một chiếc gương hình chữ nhât vuông, cỡ bằng quyển sách giáo khoa và chiếc lược gỗ đặt trên giá có lẽ cũng là để dành cho khách “sửa sang sắc đẹp”.
Anh Quân lấy cái lược gỗ, chải đầu cẩn thận, sau đó lại chải cho cả đứa em trai và chỉnh đốn quần áo nghiêm chỉnh theo lời ông thợ ảnh.
Không có đèn chiếu sáng, cũng chẳng có gì khác ngoài ánh nắng từ ngoài cửa chính và cửa sổ hắt vào, đọng thành những vệt dài. Ông thợ ảnh cong lưng tiến tiến lùi lùi đến mấy lần để điều chỉnh khoảng cách và độ nét. Ông nheo mắt, méo cả miệng đi rồi cũng bấm được hai kiểu. Đến kiểu thứ ba, chụp chung cho hai anh em xong, ông khẽ lắc đầu:
– Chắc là không được đẹp lắm đâu, mà có khi hỏng mất! Mày nhìn đi đâu thế hở?
Tân không trả lời nhưng quả là trong khi người thợ ảnh chậm rãi hô “Hai… ba này!” thì có một bà người Mán đi ngang qua cửa. Cậu bé không cưỡng lại được nên liếc mắt nhìn theo đúng vào lúc người đàn ông bấm máy… Không dừng lại được. May mà anh Quân không những cho qua, lại còn nói như động viên ông thợ ảnh, rằng không sao đâu và cũng không cần chụp lại, tức là thêm kiểu khác.
Ra khỏi hiệu ảnh, hai anh em Tân tạt vào bưu điện rồi sau đó là hiệu sách. Anh Quân chỉ làm được mỗi một việc, là bỏ mấy lá thư vào thùng giúp các bạn cùng tiểu đội (để đỡ phải qua quân bưu), ngoài ra thì chẳng có gì để mà mua. Trong hiệu sách chỉ lèo tèo vài quyển kĩ thuật chăm sóc bèo hoa dâu, nuôi cá nước lợ, làm hố xí hai ngăn và mấy quyển truyện tranh cũ quăn cả mép bày bên cạnh sách tiếng Nga. Thị trấn cũng không có nổi lấy một cái rạp chiếu phim, mà nếu có, chắc gì đã chiếu ban ngày. Điện đâu mà chiếu! Tháng nào người ta đem phim lên đây thì lại dùng mấy nổ. Hai anh em đành phải quay về.
Bây giờ thì Tân đã biết chiêu đãi sở là cái gì rồi. Cậu cũng được anh Quân giải thích, đó là do ta học tập Trung Quốc thôi. Nhưng thật ra chiêu đãi sở chỉ đón tiếp người nhà của các cán bộ từ cấp trung đội trở lên là chính, vì phần lớn các ông ấy đều đã có vợ có con mà các bà các cô lại hay nghĩ đến việc thăm chồng. Lính tráng, toàn một lũ mười tám đôi mươi, người yêu còn chưa có, nói gì đến vợ với chả con để đến thăm. Bố mẹ, thì nhiều người đã lớn tuổi, thậm chí là già cả lại bận rộn, khó khăn, nên có muốn cũng không dễ gì đi được. Như thầy mẹ nhà mình ấy… Nhưng thủ trưởng trung đoàn thì không bao giờ đến chiêu đãi sở. Vì các “cụ” ấy được hưởng chế độ đãi ngộ riêng. Có ai đến thăm là được đưa thẳng vào doanh trại và ở luôn trong đó, có người phục vụ đàng hoàng.
Đến đây thì Tân được biết thêm, rằng đại táo có nghĩa là cái bếp to phục vụ đông người, thường ở cấp đại đội, theo tiêu chuẩn sáu hào tám một ngày. Trung táo, không phải là cái bếp vừa vừa đâu, nhưng nấu cho ít người ăn hơn, phải từ cỡ cán bộ tiểu đoàn, quân hàm thượng úy trở lên hoặc những người đang an dưỡng. Một đồng hai một ngày. Cơm đã nhiều thịt, nhiều cá hơn và không phải chỉ có đúng ba món như đại táo. Nhưng cán bộ tiểu đoàn ít ai dám ăn theo tiêu chuẩn này vì còn phải để dành tiền lương nuôi vợ nuôi con chứ! Riêng tiểu táo hay đặc táo là như thế nào thì anh Quân cũng không biết. Chắc là có người nấu ăn riêng, bưng đến tận nơi và thức ăn ngon lắm. Thì tiêu chuẩn cấp cao mà! Có phải ai cũng được hưởng đâu!
Hai anh em Tân về đến nơi thì cũng vừa đến giờ cơm trưa. Chị Xuân vẫn áo nâu, chân đất, quần ống thấp ống cao gõ một hồi kẻng rõ dài, lại còn thêm tiếng gọi rõ to “Cơm nhớ! Các cụ các bác ơi!”. Nhưng cũng phải đến năm bảy phút sau người ta mới lục tục đi vào, khiến cho nhà ăn ồn hẳn lên. Đầu tiên là một đôi vợ chồng già, khoảng trên dưới sáu mươi. Ông thì nhỏ thó, quần áo nâu, tóc vẫn hoa râm nhưng chòm râu cằm bạc trắng. Bà, thấp bé, cũng áo nâu, quần thâm đi guốc mộc. Ngay bên cạnh ông là một anh trạc tuổi anh Quân, chắc là con của hai ông bà, dáng người vạm vỡ. Một chị khoảng mười tám mười chín tuổi, có nước da bánh mật nhưng lại mặc áo trắng, sau Tân mới biết tên là Mai qua câu chuyện làm quen giữa anh Quân và chị. Thật buồn là chị lên đây thăm anh trai, nhưng anh lại đi công tác đột xuất đến tận chiều mai hoặc ngày kia mới về. Tha hồ mà chờ đợi, chả biết có được gặp hay không. Thêm bốn năm người nữa cả nam lẫn nữ đều đã đứng tuổi, và cũng bằng chừng ấy anh lính trẻ, trông cứ na ná như nhau. Tất cả ngồi thành ba mâm ở ba bàn.
Tân để ý thấy một chị cỡ ngoài ba mươi, có lẽ là đi thăm chồng ngồi riêng một chỗ ở bàn bên với vẻ bồn chồn ngóng đợi. Trước mặt chị là hai cái bát ăn cơm, hai đôi đũa và bốn năm đĩa bát thức ăn, trong đó có cả mấy miếng thịt gà luộc. À, trung táo đây! Chả trách hôm qua, anh quản lí chiêu đãi sở hỏi Tân muốn ăn theo chế độ nào, tiểu táo hay trung táo. Tân chỉ dám đăng kí đại táo thôi. Mình là con nhà nghèo, không thể chơi sang được! Mà trước lúc lên đây, thầy đã dặn là phải thật tiết kiệm rồi. Còn phải để dành tiền cho lúc về…
Nhìn thấy người đàn ông cao lớn từ ngoài đang lừng lững bước vào, chị phụ nữ ấy liền đứng bật dậy, reo lên mừng rỡ:
– Anh Hùng!
Anh Hùng bước tới, không có quân hàm trên ve áo nhưng khẩu súng ngắn đeo sệ xuống một bên hông, trông thật oai phong và bệ vệ.
– Em lên lâu chưa? – Người đàn ông ấy hỏi một cách ân cần.
– Em lên đây từ sáng. Anh ăn cơm đi kẻo đói.
– Ờ… – Anh Hùng ngồi xuống, chỉnh lại bao súng ngắn bên hông cho đỡ vướng. Rồi anh bỗng cau mày. – Em mua làm gì mà nhiều thức ăn thế này?
– Em có mua đâu! – Người vợ khẽ phân trần. – Em đăng kí tiêu chuẩn trung táo để bồi dưỡng thêm cho anh một tí. Toàn những thứ anh thích mà.
– Bồi với chả dưỡng cái gì! – Vị thủ trưởng ấy hơi nhăn mặt. – Tùng tiệm thôi, chứ tiền đâu mà cứ bày vẽ ra… Anh ăn thế nào chẳng được! Bầm ở nhà có khỏe không? Thằng cu Dũng thế nào?
Người vợ, hình như hoàn toàn bị bất ngờ trước thái độ của chồng, xịu ngay mặt xuống:
– Em không biết! Anh về mà hỏi bầm với con anh ấy!
Đúng là hai vợ chồng thật! Đến đây thì Tân đoán được anh chị này ở Vĩnh Phúc hay Phú Thọ gì đấy, nên mới gọi mẹ là bầm. Những người ở nơi khác không gọi thế. Mà phải mẹ, u, bu hay mợ cơ. Tố Hữu có bài thơ Bầm ơi nổi tiếng được đưa vào trong sách giáo khoa, biết bao nhiêu lứa học sinh đã học… Tân thấy giọng anh Hùng hơi chùng xuống như để làm lành:
– Em… lạ thật! Là anh nhắc em như thế… Mà em thử nhìn xem xung quanh người ta ăn uống như thế nào, mình mâm cao cỗ đầy sao tiện. Đúng không?
– Tôi không biết! – Người vợ vẫn vùng vằng.
Bất giác, Tân nhìn lại mâm cơm của cậu. Trưa nay cũng chỉ đúng ba món là canh khoai môn hầm xương nước trong veo gần như không váng mỡ, rau muống xào tỏi và mấy miếng thịt kho tàu. Nhưng đối với nhiều người, được như thế cũng đã là sang lắm vì ở nhà, có khi cả tuần cũng không được biết đến một miếng thịt nào. Anh Hùng xới cơm đưa cho vợ và nhắc chị ăn đi. Tân không theo dõi được câu chuyện tiếp theo của hai người vì anh Quân vừa huých nhẹ cho cậu một cái như ra hiệu. Tân liền bưng bát lên, mời mọi người cho có lệ rồi bắt đầu ăn một cách ngon lành.
Lấn cấn mãi, nên phải đến hơn bốn giờ chiều, anh Quân mới tạm biệt được Tân để về đơn vị. Phải đi nhanh, tăng tốc độ lên thôi, không thì tối mất! Chị Mai cũng đi tiễn chân anh vài bước. Qua lời anh Quân, Tân biết thật ra chị lên đây thăm người yêu tên là Lẻn chứ không phải anh trai. “Nó khoe với tao hàng tháng nay rồi! Mong từng ngày một nhé!” Anh Quân nói. “Nhưng chẳng biết tại sao con bé này lại nói thác đi như thế”. Có lẽ là sợ người ta dị nghị, anh đoán vậy vì thân gái dặm trường mà chiêu đãi sở cũng ngại vì không biết quản lí thế nào, ngộ nhỡ sểnh ra… Còn nếu là vợ chồng, thì phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh, chứ không phải muốn nói thế nào cũng được. Nếu đúng, thì chiêu đãi sở sẽ xếp cho hai người ở “phòng hạnh phúc”, là cái gian nhà ở kia kìa!
Theo hướng anh Quân chỉ, Tân nhìn thấy một ngôi nhà cũng làm bằng nứa, ở cách đó không xa lắm. Y hệt những ngôi nhà khác, chỉ được mỗi cái là hơi biệt lập. Vợ chồng anh Hùng đã được bố trí vào một gian buồng ở đấy và chị ấy có thể sẽ ở đây vài ngày, vì anh là sĩ quan lại có xe đạp, tối đến có thể ra với vợ mà không gặp khó khăn gì. Sáng hôm sau lại về, công tác bình thường. Tất nhiên, trong trường hợp có nhiều bà vợ lên thăm chồng một lúc, thì những gian nhà khác sẽ được biến thành phòng hạnh phúc trong một thời gian. Nhưng trường hợp ấy nói chung là rất hiếm.
Tân đi cùng với anh Quân một quãng xa. Anh cầm tay em trai như kiểu dung dăng dung dẻ, dặn dò đủ thứ. Từ việc phải chịu khó mà học lên, cố gắng vào đại học chứ đừng bỏ dở đi làm công nhân, khổ lắm, đến việc chú ý kèm cặp thằng Quyết, vì nó mải chơi, lại còn hay trốn học… Anh hẹn tuần sau, lúc nào lấy được ảnh sẽ gửi về cho Tân ngay. Lại còn khoe, mới làm quen với một cô trung cấp bưu điện ở thị xã Hòa Bình, xinh lắm. Nhưng tuyệt không một lời kêu ca về nỗi vất vả của mình, cũng không hối hận vì đã đi bộ đội. chỉ thương bố mẹ suốt một đời vất vả, chẳng biết rồi sẽ thế nào. Chứ ngày xưa ấy, nhà mình cũng vào loại có của ăn của để, hoành phi câu đối, sập gụ tủ chủ chè đủ hết.
– Thì em vẫn nhớ mà. – Tân khẽ gật đầu phụ họa. – Thầy cũng vẫn còn giữ được một ít đồ đạc từ hồi ấy đấy.
Tân không biết nói gì thêm với anh trai, nhưng đúng là cậu không quên gia cảnh của mình. Không hiểu tại sao qua bao nhiêu biến cố kinh hoàng, ông Hương vẫn giữ được mấy thứ ít nhiều gợi nhở đến một thời dĩ vãng. Đó là hai cái bát hương cỡ lớn bằng đồng được làm rất công phu, chạm khắc tinh xảo hình ảnh lưỡng long tranh châu rất đẹp. Không biết bàn tay tài hoa nào đã làm nên hai chiếc bát hương ấy, nhưng riêng hình viên ngọc giữa vầng lửa được người ta đúc nổi hẳn lên. Tân chưa bao giờ thấy ở đâu có những bát hương như thế. Bên cạnh đó là chiếc mâm bồng đựng hoa quả trên ban thờ và mấy chiếc đĩa con men xanh, chén đựng nước cúng… tất cả đều là đồ cổ. Một chiếc điếu dõng, ông Hương vẫn dùng để hút thuốc lào. Chiếc điếu lạ ở chỗ, nó được làm bằng gỗ mun hình trụ tròn, cao khoảng hơn một gang tay. Bát điếu bằng sứ nằm vừa khít trong lớp vỏ đen bóng, trên đó có hình khóm trúc, đôi chim khổng tước và một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán được khảm trai óng ánh. Mỗi lần hút thuốc, ông Hương lại phải vịn cong chiếc xe điếu dài cỡ gần một mét được làm bằng loại trúc gì đó to như ngón tay, có rất nhiều đốt, mỗi đốt chỉ độ vài ba phân là cùng.
Ông Hương cũng sở hữu một chiếc ấm pha chè men trắng vẽ nhiều màu hình cô tiên váy áo thướt tha và mấy dòng chữ Hán. Chiếc ấm được đặt trong giành tích đan bằng mây có lót nhung màu huyết dụ và khóa nắp, tay xách bằng đồng, nghe nói là đồ sứ Giang Tây, Trung Quốc. Một bộ quân cờ gỗ gụ, hai mặt khảm trai khắc chữ chìm rất công phu. Tất cả được xếp gọn trong một cái hộp cũng làm bằng gỗ gụ hình vuông, nắp trượt, trên đó chạm nổi một chùm nho và con sóc. Đẹp ơi là đẹp! Ông Hương coi mấy thứ ấy như của gia bảo nên cất kĩ trong tủ, không dám lấy ra dùng. Chỉ tiếc là có một chiếc chén ngọc màu trắng thì Tân lại lỡ tay làm vỡ mất, khiến ông thờ thẫn đến mấy ngày liền. Bây giờ, anh Quân lại nhắc đến chuyện ngày xưa. Nhưng cái “ngày xưa” ấy hóa ra còn rất gần, mới chỉ chín mười năm về trước. Sự thật là trong khi những người khác không có nổi lấy một bộ áo quần tử tế, thì ông Hương, cùng với mấy chiếc áo the, khăn xếp lại có cả bộ com lê cà vạt đàng hoàng. Sau khi thoát nạn trong cải cách, ông buộc lòng phải đem bán bộ quần áo ấy đi còn được hơn ba vạn bạc[14], đủ cứu đói cho cả nhà trong vòng nửa tháng.
… Anh Quân lấy từ trong túi áo ngực ra một mảnh giấy báo được gấp lại cẩn thận như chiếc phong bì, đưa cho Tân và dặn:
– Trong này có ba mươi đồng tao để dành được. Mày giữ thật cẩn thận, đừng có giở ra mà xem dọc đường, kẻo bọn trộm cắp nó móc mất! Đem về, đưa cho thầy mẹ hai mươi nhăm đồng, bảo là tao gửi biếu các cụ. Còn năm đồng, cho mày để mà mua sách vở vào năm học mới… Nghe rõ chưa? Đừng có tiêu vào việc khác!
– Anh làm gì mà có nhiều tiền thế? – Tân ngạc nhiên thật sự.
– Tao mới được lên hạ sĩ, kể cả phụ cấp và thâm niên được mười hai đồng một tháng. – Anh Quân không giấu được vẻ tự hào. – Nhớ đấy!
Nói đến đây, giọng anh bỗng nghẹn lại rồi thật bất ngờ, anh khóc. Tân không biết nói gì hơn là “vâng” một tiếng, nhìn anh ái ngại. Anh Quân khẽ đập nhẹ vào vai cậu bé thay cho lời từ biệt rồi vừa lấy mu bàn tay quệt nước mắt vừa quầy quả bước đi như chạy.
Tối hôm ấy, không đừng được, Tân mở gói tiền ra xem. Hai tờ giấy bạc loại mười đồng, màu đỏ. Hai tờ năm đồng, xanh. Tất cả đều còn mới, được vuốt ve phẳng phiu, không biết anh Quân để dành từ bao giờ. Cậu bé khẽ thở dài, cất tiền đi rồi lại lôi bộ quân phục, chiếc khăn vuông len và đôi giày bộ đội ra ngắm nghía. Hình như tất cả những gì được làm ra để phục vụ quân đội đều đẹp và bền thì phải. Tân thấy từng đường kim mũi chỉ đều rất cẩn thận và chắc chắn, có mặc đến rách cả áo cũng không bị đứt cúc hay sứt chỉ cũng nên. Còn chiếc khăn vuông len màu huyết dụ là hàng Trung Quốc thì lại càng không thể chê vào đâu được. Mùa đông này mà mẹ đội nó thì chắc là ấm lắm. Tân nghĩ thế và thêm một lần nữa thấy anh Quân đúng là một người chu đáo. Chắc giờ này anh đã về đến nơi, đang ăn cơm và sắp sửa điểm danh. Chỉ tiếc là Tân phải đi gần hai trăm cây số, mất mấy ngày giời mà hai anh em gặp nhau được có hơn chục tiếng đồng hồ. Trưa mai, cậu lại phải ra về vì có muốn cũng không ở lại được. Anh Quân bảo, từ sáng mai, đơn vị anh sẽ phải đi kiến tập. Tân không biết kiến tập là gì, nhưng việc quân sự phải giữ bí mật nên cậu không dám hỏi. Mà có hỏi, chắc gì anh đã nói!
Thật bất ngờ, Tân được chị Mai rủ ra ngoài sân chơi vì mới chưa đến tám giờ, ngủ làm gì vội. Có kẹo lạc và bánh chè lam, ngon lắm. Cậu bé theo chị đi ra thì thấy trên cái sân đất rộng mênh mông đã lố nhố mấy người ngồi trên hai chiếc ghế băng kê hai bên cái bàn chắc là mượn của nhà bếp. Ngọn đèn bão đặt ở giữa bàn giúp Tân nhìn rõ hai ông bà già, anh con trai của họ và chị vợ anh Hùng.
– Ra đây uống nước, cháu! – Bà cụ già niềm nở.
– Vâng ạ, – Tân lễ phép ngồi xuống chỗ chị Mai vừa chỉ cho cậu.
– Cậu này là… – Người phụ nữ trẻ nhìn Tân như dò hỏi. Chị Mai liền mau miệng nói luôn:
– Giới thiệu với chị, đây là Tân, em của anh Quân. Còn đây là chị Vân, vợ anh Hùng. – Chị chìa tay về phía ông già râu bạc, cười tinh nghịch. – Đây là bác Trường, bác Tấm, thầy bu của anh Tuệ, chắc là em chưa biết.
Anh Tuệ nhìn Tân, nói như giải thích:
– Anh được thủ trưởng cho ở lại đây thêm đêm nay và cả ngày mai vì các cụ ở mãi tận Thái Bình lên, được ưu tiên. Sao, buồn không chú mày?
– Dạ, không ạ, – Tân ngượng nghịu sửa lại dáng ngồi, hai tay đan vào nhau ở trong lòng.
Chị Mai cầm chiếc ấm tích, rót nước vối vào các chén và đẩy dịch chiếc đĩa đựng mấy thanh kẹo lạc và ít chè lam về phía hai bậc cao niên.
– Cháu mời hai bác ạ!
– Cám ơn cô, nhưng răng tôi kém lắm, không kham được thứ này. – Bà Tấm khẽ lắc đầu, đẩy đĩa kẹo lạc ra giữa bàn.
– Thế thì bác xơi chè lam đi ạ. Cái này cũng ngon mà lại mềm… – Chị Mai lại mời tiếp.
– Cám ơn cô, cô cứ mặc tôi.
Câu chuyện giữa những người xa lạ đã trở nên rôm rả hơn. Ông Trường, vốn là một xã đội trưởng từ thời chống Pháp, hiện đang làm bí thư đảng ủy nhưng sang năm sẽ nghỉ. Bà, hơn ông hai tuổi, trước kia là cán bộ phụ nữ huyện Kiến Xương. Tức là còn to hơn cả ông. Anh Tuệ, con trai út của ông bà, vừa tròn hai mươi nhưng đã có vợ và một đứa con trai từ lúc chưa đi bộ đội. Hai ông bà có tới gần chục đứa cháu cả nội lẫn ngoại rồi. Chị Vân thì cho biết, chị là giáo viên cấp hai ở ngay thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú, trước đây gọi là Vĩnh Phúc. Anh Hùng, chồng chị, cũng trung úy nhưng công tác ở trên trung đoàn bộ. Gần một năm rồi, không thấy anh được về tranh thủ[15] chị cũng sốt ruột, đành phải lên thăm. Còn bây giờ, anh mệt nên đã đi ngủ trước.
– À, chắc là tại cô cũng muốn kiếm cho thằng cu Dũng một đứa em nữa chứ gì? – Ông Trường khẽ vuốt râu, cười tinh quái.
– Dạ, không đâu ạ. Cu Dũng nhà con đã chín tuổi rồi mà ông… – Chị Vân có vẻ thẹn thùng.
– Thì thế mới lại càng cần phải gặp ông ấy chứ, đúng không? Tôi còn lạ gì các chị!
Mọi người cười phá lên vui vẻ. Đến lượt mình, chị Mai tự giới thiệu nhà ở phố Hàng Than, Hà Nội. Năm nay mười tám tuổi, là chị cả của ba đứa em, đứa nhỏ nhất mới lên sáu tuổi. Đã học hết lớp mười và vừa thi vào đại học nhưng còn đang chờ kết quả, chưa biết thế nào. Bố mẹ chị đều là cán bộ, công nhân viên nhà nước.
– Ơ, anh tưởng em ở phố Hàng Bột hay Hàng Đường gì chứ? – Anh Tuệ vội kêu lên. – Lúc chiều em bảo…
– Không, – Chị Mai khẽ lắc đầu. – Anh nhớ nhầm rồi. Em có nước da trắng nõn như than Hòn Gai thế này, thì phải ở Hàng Than chứ!
Tất cả lại cùng cười vui vẻ. Không trốn đi đâu được, Tân đành phải nói về mình, nhưng cậu nghĩ chẳng cần phải đem khoe hết mọi chuyện ra làm gì nên chỉ ấp úng được vài câu về bố mẹ anh chị em và thế là xong. Thật may là không ai hỏi gì thêm mà bắt đầu uống nước và ăn kẹo lạc do chị Mai tự làm lấy, đem từ Hà Nội lên. Còn bánh chè lam là của chị Vân. Thật khéo, khi ông quản lí chiêu đãi sở ghép bố con anh Tuệ vào một buồng (cũng có nghĩa là nằm chung một giường), bà Tấm và chị Mai ở buồng bên cạnh. Riêng Tân được ở một mình vì không có ai thêm nữa. Những người khác đều đã ra về hết từ chiều cả rồi.
Sau màn nhập đề ấy, mọi người chuyện trò với nhau cứ như là những người đã quen biết từ lâu. Họ nói về đủ mọi thứ, từ thời tiết, mùa màng đến vụ máy bay C 47 chở bọn biệt kích bị bắn rơi ở Ninh Binh, vụ đảo chính anh em nhà Ngô Đình Diệm, chuyện bè lũ xét lại ở Liên Xô… Chị Mai bỗng nảy ra sáng kiến đề nghị mọi người cùng liên hoan văn nghệ cho vui. Tất cả đều đồng ý nhưng cứ đùn đẩy nhau mãi, chẳng ai chịu nổ phát súng đầu tiêncả. Cuối cùng, cũng chính chị gợi ý nên dựa theo nguyên tắc kính lão đắc thọ, mời luôn ông Trường và bà Tấm. Trái với dự đoán của Tân, ông làm ngay một câu gọn lỏn:
– Được thôi, hát thì hát chứ sợ gì!
Ông từ từ đứng dậy, e hèm một tiếng, vuốt lại nếp áo cánh nâu rồi ưỡn ngực, cố gắng hát rõ to luôn hai bài Hành quân xa và Hò kéo pháo. Kể cũng được, nhưng mà nghiêm chỉnh quá. Đúng tác phong quân đội, Tân thầm nghĩ. Đến lượt bà, tất nhiên là bà từ chối, vì thế mà sau khi lại đùn đẩy thêm một hồi, ông đành phải hát thay bà vậy. Bài Trống cơm, dân ca quan họ Bắc Ninh. Ai nấy đều khen nức khen nở ông già, chỉ mỗi mình Tân thấy sao mà buồn cười thế nhưng cậu không dám nói ra.
Đến lượt mình, chị Vân đứng lên tình nguyện hát bài Lên ngàn với điều kiện sau đó phải được về luôn để còn đi ngủ. Hơn chín giờ rồi. “Thì ông ấy đang chờ mà lại!”, ông Trường cười tủm tỉm bổ sung. Mọi người thấy lí do chính đáng nên cũng đồng ý. Nhưng đến khi chị cất lên tiếng hát, một giọng nữ cao hơi phảng phất buồn, thì tất cả lại đâm ra tiếc, bèn yêu cầu chị hát thêm. Hơi ngần ngừ một lát rồi chị cũng đành phải chấp nhận hát bài Lăm tơi [16] nữa vậy. Ai cũng xuýt xoa vì giọng hát rất hay. Riêng anh Tuệ lại còn khẽ vỗ tay và gõ bàn theo.
– Hay thế nhỉ, nghe cứ như cứ như là Tường Vi[17] ở trên đài ấy! – Một giọng đàn ông vang lên sau khi những tràng vỗ tay vừa dứt.
Tất cả quay hết lại nhìn, thì ra là thủ trưởng Kiệm. Không khí bỗng ồn ào hẳn lên và thỉnh thoảng, chị Mai lại cười giòn khanh khách chẳng cần giữ ý tứ gì. Ông trung úy này cũng người Hà Nội và chị Mai đã lên đây hồi năm ngoái nên hai người quen biết nhau. Anh Kiệm góp mặt hơi muộn vì bận tí việc phải đi vào trong xóm đến bây giờ mới xong mặc dù đã được chị Mai mời từ chập tối.
Mọi người chuyển sang trò chuyện, ăn bánh và uống nước. Trăng đã lên, hao khuyết và rất mờ lại nấp sau mây, nên chỉ tỏa ra được một thứ ánh sáng nhờ nhờ, hơi huyền ảo hòa lẫn với màn sương từ đâu đó đang chầm chậm lan ra, bò cả vào sân chiêu đãi sở. Không nhìn thấy bóng người đổ dưới trăng. Không khí trở nên mát lạnh. Thỉnh thoảng người ta lại nghe tiếng gì đó sột soạt lúc gần lúc xa ngay phía sau nhà, khiến con chó mực cứ hộc lên chạy đuổi theo. Anh Kiệm bảo, đấy là lũ chồn và cáo, có hôm nó còn chạy cả vào nhà. Rồi anh đứng dậy, đi lấy cây ghi ta ra đệm cho chị Mai hát.
Cái giọng nữ trung hơi khàn khàn của chị Mai hóa ra có một sức hấp dẫn đặc biệt. Nhờ tiếng đàn ghi ta đệm theo, nó lại càng hay hơn. Có lẽ cũng vì thế mà chị lần lượt, say sưa hát từ Xibêri nở hoa đến Cây thùy dương, Đôi bờ và Chiều Mátxcơva. Toàn những bài hát Liên Xô đang được mọi người rất thích. Anh Kiệm cũng hát hai bài Bêxammê và Trở lại Xurientô của Ý. Đến lúc này thì ông Trường và bà Tấm cáo lui để đi nằm cho lưng nó đỡ đau. Anh Tuệ tất nhiên là phải theo bố mẹ, nhưng rõ ràng là vẫn còn tiếc lắm. Chỉ có điều, không biết anh tiếc vì phải bỏ dở cuộc vui, hay vì không được tiếp tục ngồi bên cạnh chị Mai nữa.
Còn lại ba người, “nghệ sĩ” tiện tay lướt qua mấy sợi dây đàn, nhưng bỗng nhiên phựt một cái, dây sol bị đứt.
– Thôi xong rồi! – Anh Kiệm khẽ giật mình, xem đi xem lại chiếc ghi ta rồi thở dài tiếc rẻ: – Chán quá! Đúng là đang vui thì đứt dây đàn…
– Thôi thì lúc nào đấy mua dây khác, anh! – Chị Mai ngước nhìn anh, nói như an ủi.
– Ở đây không có đâu! Phải chờ có người về Hà Nội mới nhờ mua hộ được cơ.
– Ơ, thế thì dễ quá, mai ngày kia em về rồi, em sẽ mua và gửi lên cho. – Chị Mai tỏ ra sốt sắng. Nhưng anh Kiệm lại khẽ lắc đầu:
– Ừ thì cứ cho là em mua được đi, nhưng gửi ai lên đây? Em tưởng dễ lắm à? Mà… anh cũng sắp sửa chuyển đi nơi khác rồi.
Chị Mai hơi giật mình thảng thốt:
– Ơ thế ạ? Anh chuyển đi đâu?
– Thì… sang đơn vị khác. Có quyết định rồi. Nhưng mà bí mật đấy, em không được nói cho ai biết đâu nhé!
– Vâng.
Không khí ắng lặng đi một lúc. Rồi chị Mai chợt hỏi:
– Anh Kiệm này, anh có biết bài Hoa mộc miên không?
Hai tay vẫn ôm chiếc ghi ta, anh Kiệm hơi nhăn trán và hỏi lại:
– Hoa mộc miên à? Nó như thế nào ấy nhỉ?
– Nó như thế này này, – Chị Mai bắt đầu khe khẽ hát:
Mộc miên hoa ơi, mỗi khi qua cầu biên giới
Thấy hoa mộc miên nở
Lòng những bồi hồi…
Tân tròn mắt nhìn chị Mai. Lần đầu tiên cậu được nghe bài hát này. Giai điệu thiết tha, sâu lắng của nó dường như gợi nên một nỗi buồn man mác nhưng không hề bi lụy chút nào. Cũng tuyệt nhiên không mạnh mẽ, hào hùng như hành khúc hay ướt át theo kiểu nhạc vàng mà một số người vẫn thường lén lút hát vì bị cấm. Hoa mộc miên… Một cái tên rất gợi. Nhưng tại sao anh Kiệm lại không biết bài này?
Hồng Hà ơi, Dương Tử ơi, đôi ta mang mối tình trong trắng
Đem theo phù sa tới bốn phương trời
Có phải rằng xưa nơi đây mọc lên cây hoa mộc miên
Đời đời còn nhớ mối tình giữa đôi ta…
– Hay thật! – Anh Kiệm gật gù sau khi chị Mai đã hát xong. – Nhưng mà em có biết bài hát này của ai không?
– Hình như của Huy Du[18]. – Chị Mai trả lời. – Nghe nói ông ấy sáng tác hồi bộ đội mình sang bên Trung Quốc, phối hợp với Hồng quân chống lại bọn Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ở khu vực Thập vạn đại sơn… Khoảng năm bốn chín năm mươi gì đấy.
– Ơ nhưng mà hoa mộc miên là hoa gì hở chị? – Tân rụt rè xen vào giữa hai người. – Có đẹp không?
Chị Mai hơi lắc đầu tiếc rẻ:
– Chị không biết. Có người bảo, đấy là hoa gạo, nhưng chị nghĩ có lẽ là không phải. Vì hoa gạo thật ra không đẹp mà cũng chẳng thơm. Chỉ được mỗi cái màu hoa đỏ! Nó là một loài cây thân gỗ, cao lênh khênh, mọc hoang, đi đâu mà chẳng gặp. Không ai trèo được lên những cái cây cao hàng chục mét hái hoa… Với lại có trèo được lên mà hái thì cũng chẳng biết để làm gì. Không thể cắm lọ cắm bình gì được.
– Ừ, đúng rồi! Hoa nó cứ nở bung ra rồi tự rụng xuống thôi… Cũng đẹp đấy, nhưng là khi còn ở trên cây đứng giữa trời. Đỏ rực hết lên… Từ xa hàng cây số cũng có thể nhìn thấy nó. – Anh Kiệm khẽ gật đầu, liếc nhìn đồng hồ đeo tay và giật mình. – Thôi chết, đã mười rưỡi rồi đây này! Thôi đi ngủ, mau! Nào, khiêng bàn ghế vào trong nhà đi nào!
Ba người đứng dậy, khiêng bàn ghế vào xếp lại trong nhà ăn rồi ai về chỗ nấy. Tân đã kéo chăn lên đến cổ nhưng chưa ngủ được ngay. Hoa mộc miên là hoa gì? Cậu vẫn băn khoăn tự hỏi. Có lẽ không phải là hoa gạo thật, vì gì chứ hoa gạo thì Tân không lạ. Cũng giống như cây đa, nó có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ bến đò, bờ đê, sườn núi, vườn nhà… Ngay đầu làng cũ của cậu cũng có một cây to tướng. Cứ vào khoảng tháng hai tháng ba âm lịch, hoa lại nở đỏ cả một khoảng trời. Đến khi rụng xuống, màu hoa vẫn không phai, trông như có ai trải cả một tấm thảm đỏ to tròn dưới gốc cây. Những sợi bông của nó cứ theo gió mà bay đi mãi. Còn thân gỗ thì chẳng làm gì được, kể cả chẻ ra làm củi. Cái loài cây lạ thế!
Khoảng quá trưa hôm sau, Tân rời khỏi chiêu đãi sở. Xe khách Hà Nội – Hòa Bình mỗi ngày chỉ có hai chuyến. Đây là chuyến xe sáng từ Hà Nội lên, đến bến cuối là thị xã. Lái xe nghỉ ngơi cơm nước chán chê rồi mới xếp khách xuôi Hà Nội nên có muốn cũng không thể đi sớm hơn được. Chuyến sau, phải ba bốn giờ chiều, về đến Hà Nội thì trời vừa tối. Tân không muốn đi chuyến ấy.
Chị Mai tiễn chân cậu bé. Hai chị em đứng bên đường, chốc chốc lại ngó về phía xa, đợi đến sốt cả ruột. Chị cho Tân địa chỉ, đúng là ở phố Hàng Than thật, hẹn thế nào cũng viết thư. Cậu cũng đã ghi địa chỉ cho chị nhưng thầm nghĩ, chắc gì chị đã viết cho mình. Trong ánh nắng, lần đầu tiên cậu bé nhận thấy mỗi khi chị Mai cười lại để lộ đôi má lúm đồng tiền và chiếc răng khểnh, trông cũng xinh ra phết. Nhưng lúc này chị có vẻ buồn buồn cho Tân biết, sáng nay ông Trường đã đến gặp anh Kiệm, góp ý về chuyện tối qua. Rằng sao lại hát toàn những bài ẽo ợt, lả lơi như thế của bọn xét lại Liên Xô. Nghe không có một tí khí thế nào! Ta thiếu gì những bài ca cách mạng rất hay, sao không hát? Anh Kiệm bảo, Liên Xô là anh cả trong phe xã hội chủ nghĩa, là bạn của Viêt Nam mà! Ông ấy lắc đầu nói, đấy là chuyện ngày xưa rồi, chứ bây giờ, cái thằng Khơ rút xốp[19] ấy nó phản động lắm, nó chống cả Xít ta lin, đừng có mất cảnh giác mà tin vào nó. Nó phản bội chủ nghĩa Mác Lênin, đòi chung sống hòa bình với phe đế quốc rồi! Sợ chiến tranh… Muốn đi theo chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Ăn phải cái bả phồn vinh giả tạo… Nguy hiểm chưa? Chúng tôi đã được học tập rồi, quán triệt rồi. Đích thân đồng chí trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy giảng bài đấy nhé! Đồng chí ấy vừa đi học ở Trung ương về… Thế mà các đồng chí ở đây, bộ đội hẳn hoi mà lại không được học tập, phổ biến gì hết à? Lạ nhỉ! Cứ thế này thì chết! Lập trường tư tưởng đâu, quan điểm đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp đâu?
Chị Mai vừa nói đến đây thì nghe thấy tiếng còi xe ô tô từ xa vọng đến cùng với đám bụi cuộn lên và tiếng máy nổ ầm ầm mỗi lúc một gần. Hai chị em vội vã chia tay nhau rồi Tân hớt hải lên xe, trong lúc chị vẫn đứng bên đường, giơ tay lên vẫy vẫy có vẻ lưu luyến lắm. Vào cái giây phút ấy, cả hai chị em cũng như rất nhiều người khác đều không thể nào tưởng tượng được rằng chỉ hơn chục ngày sau, Mĩ sẽ ném bom miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại bắt đầu và kéo dài đến gần mười năm, gây ra mất mát đau thương cho hàng triệu người Việt Nam vô tội.
***
Năm mươi nhăm năm đã trôi qua.
Tân đã thành một ông giáo già, về hưu đã lâu và sắp sửa bảy mươi. Cuốn tiểu thuyết cuộc đời đã đến gần trang cuối. Mỗi khi ngoái nhìn lại quá khứ, ông có cảm giác nhiều sự việc, sự kiện như vừa mới xảy ra, nếu không phải hôm qua thì cũng tuần trước hay tháng trước. Và cuộc đời của mỗi con người thật ra đâu có phải là dài.
Cậu bé Tân, anh Tân rồi ông Tân lần lượt nếm trải, chứng kiến và cảm nhận những diễn biến, đổi thay dữ dội về địa chính trị cả trong nước và quốc tế. Có những người bạn của ta đã biến thành kẻ thù rồi lại được coi là bạn. Có kẻ thù, ngược lại, không còn là thù nữa, mà hóa thành bạn ta. Việt Nam đã “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước” trên thế giới.
Cũng như rất nhiều người khác cùng thế hệ, Tân đã từng đi bộ đội. Vào Nam. Bị nước lũ cuốn trôi trên đỉnh Trường Sơn, may mà được đồng đội của mình cứu thoát. Bị sốt rét ác tính tưởng không qua khỏi. Đã tước đi mạng sống của một số người ở phía bên kia và suýt nữa thì bị giết đến mấy lần. Từng đi tàu liên vận qua Trung Quốc để đến Liên Xô học tập và đặt chân lên Tiệp Khắc… Rồi kinh qua một vài công việc khác nhau trước khi làm giảng viên đại học cho đến lúc về hưu.
Sau chuyến đi của Tân gần năm tháng, anh Quân được về phép thăm nhà. Vào cái thời điểm ấy, không ai biết, chỉ ít ngày sau anh sẽ đi làm nhiệm vụ đặc biệt là vào Nam chiến đấu, gọi tắt là đi B. Lúc đó, người ta vẫn khẳng định trước toàn thế giới, rằng không có người lính Bắc Việt nào xâm nhập miền Nam, mà chỉ có những người dân miền Nam tự vũ trang, đứng lên chiến đấu chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn, giành quyền sống.
Anh Quân đi như thế nào, không ai biết vì việc ấy được giữ bí mật cho đến phút cuối cùng. Rất lâu sau, gia đình mới nhận được lá thư anh gửi vội dọc đường, dính cả nước mưa và đất cát. Đến cuối năm bảy ba thì nhận được cái tin rụng rời: anh đã hi sinh từ năm sáu chín, hơn bốn năm sau ngày anh về phép thăm nhà. Hình như chẳng có “chữ thọ to tướng” nào trên lưng như anh đã nói với Tân. Lính báo vụ thường có phải trực tiếp tham gia trận mạc gì đâu! Nhưng chiếc xe com măng ca chở anh cùng ba người nữa bị hất tung xuống vực vì một quả bom nổ rất gần. Đấy cũng chính là lí do không bao giờ và không ai tìm thấy các anh. Vực thì sâu, cây cối um tùm nhanh chóng che khuất đi tất cả. Phương tiện đâu, dụng cụ đâu để mà tìm kiếm ngay cả giữa thời bình, huống hồ đang lúc chiến tranh vô cùng ác liệt!
Tân không hiểu tại sao sau khi anh Quân mất, gương mặt của anh trong bức ảnh chụp chung với cậu ở Hòa Bình cứ mờ dần, đến nỗi không nhìn rõ nữa. Trong ảnh, hai anh em, mỗi người lại nhìn về một phía khác nhau. Như một điềm báo trước. Có cái gì bí ẩn về mặt tâm linh ở đây chăng? Anh chưa được vào Đảng và đi học sĩ quan, nhưng thay đổi cuộc đời thì có. Từ một thanh niên đẹp trai, anh đã trở thành liệt sĩ. Không biết anh đã kịp yêu cô gái nào chưa? Mỗi khi nghĩ đến điều này, Tân lại cảm thấy ngậm ngùi. Thương cho anh và mơ ước của anh, nhưng chẳng làm gì được. Lúc gặp Tân ở chiêu đãi sở, anh mới hai mươi tuổi. Cái tuổi vẫn được cho là bồng bột và suy nghĩ nhiều khi chưa chín chắn. Vì thế anh mới không biết rằng, thà đeo quân hàm binh nhất trở về còn hơn là vào Đảng, làm chỉ huy nhưng không bao giờ về nữa! Than ôi, có biết bao nhiêu người lính từng mơ ước như anh!
Tháng Chín năm ấy, chị Mai có gửi cho Tân một lá thư, báo tin chị đã được gọi vào đại học Sư phạm Hà Nội và có lẽ sẽ phải đi sơ tán lên Bắc Thái[20] cùng với nhà trường. Anh Lẻn, người yêu của chị thật ra nào có phải đi công tác đột xuất gì đâu! Nhưng chẳng biết tại sao, thủ trưởng đại đội lại giấu biệt việc chị lên thăm và không cho anh ra chiêu đãi sở… Có lẽ người ta sợ anh phân tán tư tưởng không chịu yên tâm công tác. Thăm gì mà thăm lắm thế! Vừa mới năm ngoái đã lên đây rồi. Anh Quân thì bị cấm, không được nói ra sự thật. Và thế là người yêu chị bỗng nhiên phải “đi công tác đột xuất” thôi! Chị Mai uất ức đến lặng người rồi òa lên khóc khi anh Kiệm tiết lộ thông tin ấy để chị ra về, đỡ phải mất công chờ đợi.
Tân không viết thư trả lời chị Mai vì cậu ngại quá, không biết viết thế nào. Nhưng tiếng cười giòn khanh khách và giọng hát của chị thì Tân không thể nào quên được. Cùng với đó là cái đêm trăng suông ở chiêu đãi sở ngày nào. Một nhóm người tứ xứ cùng nhau ngồi hát trong bầu không khí sao mà huyền ảo. Xung quanh yên tĩnh đến lạ lùng…
Trong lần gặp gỡ một phó giáo sư, tiến sĩ sinh năm sáu mươi nhăm, cựu giảng viên Tân được hỏi, anh có biết gì về chiêu đãi sở không. Ông vui vẻ kể lại tất cả những gì mà mình đã trải nghiệm qua hơn hai ngày ở chiêu đãi sở tại Hòa Bình năm ấy. Vị phó giáo sư chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại “Thế ạ? Ồ, thế à?” một cách chân thành. Thì ra ông này vừa mới đọc xong một cái truyện dài, trong đó có chi tiết nói về chiêu đãi sở. Sau khi hỏi thêm một vài điều, cuối cùng, phó giáo sư ấy nói:
– Anh có biết không, em được sinh ra là nhờ một lần mẹ em đi thăm chồng đấy! Nhưng không phải ở Hòa Bình đâu, mà mãi tận trong Thanh Hóa cơ. Ông nội em, đoán là bố em sắp đi B, nên đã tự mình đưa con dâu vào trong ấy thăm con giai của cụ cho bằng được. Vất vả ơi là vất vả! Hai bố con cơm đùm cơm nắm, mất ba bốn ngày trời, hết đi bộ lại ô tô, tàu hỏa rồi lại đi bộ mãi mới đến nơi… Chả là cụ cũng lo, nhỡ bố em không về nữa. Mà mẹ em lúc ấy mới mười chín hai mươi tuổi, lấy chồng chưa được bao lâu… Người ta bố trí cho ở chiêu đãi sở được mấy ngày. May, là sau chuyến đi ấy, mẹ em có bầu và đẻ ra em… Nhưng còn may hơn nữa, là sau chiến tranh, bố em vẫn còn sống để trở về.
– Hay nhỉ! Nhà mình thế là tốt phúc lắm đấy!
Ông giáo Tân không biết nói gì hơn, nhưng trước mắt ông như lại hiện ra những ngôi nhà mái nứa ở Đồi sim. Những căn buồng được gọi một cách hoa mĩ là phòng hạnh phúc. Quá đơn sơ, thậm chí là hơi tạm bợ và mỗi gian nhà như thế đều có thể đổ sập sau một mùa mưa bão. Nhưng đó đã là nơi gặp gỡ của biết bao nhiêu cặp vợ chồng! Biết bao nhiêu đứa trẻ được tượng hình từ những cuộc sum họp vội vàng và ngắn ngủi? Tại sao điều đó lại gây ấn tượng mạnh đến thế đối với phó giáo sư này? Liệu có phải đơn giản chỉ vì anh được hoài thai ở đấy?
Người cựu giảng viên ấy lại nhớ đến anh Kiệm, chị Xuân và nhất là chị Mai với tiếng cười giòn giã, cái răng khểnh và bài hát Hoa mộc miên của Huy Du. Hoa mộc miên đúng là hoa gạo thật, thế mà mãi sau này Tân mới biết, mới tin điều đó. Cái giỏi của người nhạc sĩ tài hoa là ở chỗ, ông đã đem lại cho những bông hoa ấy một vẻ đẹp thật nên thơ và sang trọng mang tính biểu tượng không hề có thật ở ngoài đời. Nhưng trong suốt một thời gian dài, người ta đã không hát bài hát ấy vì những thay đổi quay cuồng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhân một lần đi công tác ở Hòa Bình, Tân đã thử để ý tìm xem liệu cái chiêu đãi sở ngày xưa nằm ở đâu nhưng không tài nào xác định được vì cảnh quan nơi ấy đã thay đổi quá nhiều. Ông cũng không biết, qua suốt cuộc chiến tranh và sau chừng ấy năm vật đổi sao dời, những người mà ông đã từng gặp gỡ tại Đồi sim giờ đây ai còn ai mất (mà chắc chắn là nhiều người đã mất rồi), và cuộc sống của những người khác ra sao. Chị Mai nếu còn, có lẽ cũng đã lên bà nội bà ngoại từ lâu.
Nhưng ông lại tự nhủ, ồ, mình lẩm cẩm quá, nghĩ làm gì chuyện ấy! Có ai cưỡng lại được quy luật của tự nhiên đâu! Hãy cứ để cho mọi thứ chìm vào trong dĩ vãng, đúng như nó cần phải thế. “Không ai có thể tắm được hai lần trên một dòng sông”. Từ lâu lắm rồi, chiêu đãi sở đã không còn tồn tại ở bất kì một nơi nào nữa mà đã biến thành những nhà khách khang trang, hiện đại. Có đầy đủ giường nệm, ti vi, tủ lạnh và cả máy điều hòa nhiệt độ hẳn hoi. Không ai còn phải nộp tem gạo cho nhà ăn nữa. Cũng không còn ai nấu cơm bằng bếp củi khói mù… Thì chính ông cũng đã từng viết trong một bài thơ sau khi đã về hưu đấy thôi:
Ta đã là quá khứ
Giữa cuộc đời hôm nay
Ta đã thành chuyện cũ
Cho gió đùa, mây bay
Hay!
Hà Nội, tháng Ba 2019
(Bút danh Văn Nguyên Hậu)
[1] Hệ trung học phổ thông thời gian này được chia làm 3 cấp. Cấp I: từ lớp 1 đến lớp 4. Cấp II: từ lớp 5 đến lớp 7. Cấp III: từ lớp 8 đến lớp 10.
[2] Một loại phiếu mua lương thực được trích ra từ sổ mua lương thực theo định lượng của hộ gia đình hoặc cơ quan.
[3] Huck Finn, nhân vật trong cuốn truyện dành cho thiếu nhi Những cuộc phiêu lưu của Tom Savvyer (1876) của Mark Twain, nhà văn nổi tiếng người Mĩ (1835 – 1910).
[4] Tác phẩm nổi tiếng về đề tài thiếu nhi của nhà văn Đoàn Giỏi (1925 – 1989), quê Mĩ Tho – Tiền Giang. Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (1957).
[5] Một loại cây rừng, quả chín có vị chua và ngọt.
[6] Sau này gọi là Ban chỉ huy quân sự quận.
[7] Phong trào Diệt dốt xóa mù chữ, được mở ra từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.
[8] Cải cách ruộng đất, diễn ra ở miền Bắc trong khoảng thời gian từ 1953 đến 1956.
[9] Sau này gọi là dân quân. Ở các thành phố, thị xã, cơ quan đoàn thể thì gọi là tự vệ.
[10] Đơn vị tiền tệ nhỏ nhất ở miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ. Mười xu là một hào, mười hào là một đồng.
[11] Sau này gọi là người Mông và người Dao.
[12] Thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao miền Bắc Việt Nam.
[13] Cỡ ảnh phổ biến thời đó (4×6 và 6×9).
[14] Tiền cũ, trước khi người dân miền Bắc được sử dụng loại giấy bạc do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành năm 1958.
[15] Nghỉ phép ngắn ngày không chính thức, được kết hợp với những chuyến đi công tác.
[16] Dân ca Lào.
[17] Nghệ sĩ nhân dân, sinh năm 1938. Nổi tiếng với những bài hát như Cô gái vót chông, Tiếng đàn ta lư, Bóng cây Kơnia…
[18] Nguyễn Huy Du (1926 – 2007). Tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III. Tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Lá xanh, Nổi lửa lên em…
[19] N. X. Khrussiov (1894 – 1971), nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô (1953 – 1964).
[20] Sau này lại tách ra thành Bắc Cạn và Thái Nguyên, như trước khi sáp nhập.