Văn xuôi · 25/12/2021

Đ I Ề U K H Ô N G C Ầ N N Ó I

          Quá trưa, chiếc IFA cũ nát được hoán cải thành xe chở khách mới ì ạch bò được về đến bến cuối ở trung tâm huyện. Khoảng hơn chục hành khách, gồm toàn những ông già bà cả tay xách nách mang lục tục kéo theo nhau bước xuống. Trong đám cư dân lam lũ phần lớn quần nâu chân đất ấy, Phong có vẻ như nổi bật lên nhờ cái dáng cao gầy và bộ quân phục với đôi quân hàm ba sao một vạch vàng[1] còn mới. Anh đội chiếc mũ cứng lên đầu, không vội đi ngay mà còn dợm đứng đó, đưa mắt nhìn quanh ra chiều suy nghĩ trong khi mọi người đã kịp tản mát đi đâu hết.

          Bến xe không rộng lắm hoàn toàn trống trải. Tất cả chỉ là một bãi đất lổn nhổn đầy đá sỏi không tường bao, không cả cổng ra vào. Một ngôi nhà ngói cũ là nơi vừa bán vé vừa làm phòng chờ cho khách với mấy cái ghế đá granitô dặt dẹo không còn bóng một ai. Chợt thấy một quán nước đang đứng nép mình vào bức tường bên hông nhà, Phong hơi lưỡng lự một lát rồi mới chặc lưỡi, đi về phía ấy.

          Đón tiếp anh là một con bé khoảng chín, mười tuổi, ăn mặc rách rưới và vẫn thò lò mũi. Nó chả ngạc nhiên tí nào khi nhìn thấy chú bộ đội gầy gò, da xám ngoét bước vào, đặt chiếc ba lô lép kẹp xuống đất và loay hoay tìm chỗ ngồi cho đỡ nắng. Tấm phên tre mục nát không đủ che cho cái quán tuềnh toàng. Một cái bàn gỗ cũ kĩ, trên đó bày mấy chiếc lọ thủy tinh to hình vuông miệng rộng đựng vài ba thứ bánh kẹo rẻ tiền. Một đĩa lạc luộc có lẽ chỉ được hơn chục củ. Vài ba quả chuối tiêu đã thâm đen và mấy củ khoai lang chảy nước. Như đặt dấu chấm hết cho các mặt hàng đạm bạc là một chiếc bánh chưng nhỏ xíu và quả trứng vịt luộc nằm chỏng chơ trên cái đĩa con sứt mẻ. Còn chiếc điếu cày, gói thuốc lào, bó que đóm và ngọn đèn hoa kì cho khách châm thuốc thì không tính.

          – Cho chú chén nước. – Phong nói với con bé rồi đưa tay phủi lớp bụi bám đầy trên bộ quân phục nhàu nhĩ sau một chặng đường dài.

          Vẫn không nói không rằng, con bé nhấc chiếc ấm tích ra khỏi giỏ, rót vào cái chén to cáu bẩn rồi đặt xuống trước mặt vị khách không mời. Phong nhấp thử một ngụm nước chè xanh nhạt thếch cho đỡ khát và lấy làm ái ngại. Đang lúc trưa nắng chang chang, quần áo đẫm mồ hôi lại phải cuốc bộ mấy cây số nữa thì mệt lắm. Mà đến nhà ai vào giờ này cũng bất tiện vì có lẽ người ta đang ngủ trưa rồi. Thôi thì đành phải ngồi đây một lúc vậy. Vội gì! Anh thầm nói với mình.

          Thật ra, Phong đã phải tính toán trước để khi đến nơi, tránh được giờ cơm trưa của gia chủ, sau đó kịp quay về vào lúc hai giờ chiều và hi vọng về đến nhà mình vào lúc trời còn chưa tối, và thế là xong mọi chuyện. Lá thư cuối cùng đưa đến gia đình cuối cùng. Nhưng người tính không bằng trời tính, qua hai bến phà đông nghịt đã mất bao nhiêu là thời gian rồi, cái ô tô lại còn bị thủng lốp. Lái, phụ xe phải loay hoay gần một tiếng đồng hồ tháo ra, tìm chỗ vá nên mãi bây giờ mới đến được đây. Kiểu này thì không biết bao giờ mới đến được nhà người ta, bao giờ mới ra được đến đây để quay về mà chẳng biết lúc ấy còn xe hay không nữa.

          “Nhà người ta” ở đây, là nhà thằng Sơn, bạn cùng đơn vị với Phong ở chiến trường. Anh phải chuyển đến cho gia đình cậu ta lá thư theo lời hứa trước lúc được ra Bắc an dưỡng. Cũng lạ, vì dường như đám lính Bắc ở miền Nam, anh nào cũng muốn bạn cùng đơn vị về đến nhà mình, đưa thư tận tay rồi lại còn phải biên thư gửi vào, kể lại chuyện mắt thấy tai nghe ở gia đình họ. Hiếm ai muốn nhờ gửi qua bưu điện, bất kể đường sá xa xôi cách trở đến thế nào và đồng đội của mình sẽ vất vả ra sao. Có anh còn cẩn thận vẽ cả sơ đồ đường đi cùng những lời chỉ dẫn.  

          Nhưng điều đáng ngại hơn, Phong đã thấm thía từ hơn một tháng nay, là những người như anh chẳng biết nói gì với gia đình của các đồng đội còn đang ở trong kia. Chẳng lẽ cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc, anh ấy khỏe, công tác tốt, đang phấn đấu hăng lắm, sắp được vào Đảng đến nơi rồi? Còn câu hỏi quan trọng nhất, là liệu bao giờ chiến tranh kết thúc, liệu bao giờ người gửi thư kia được ra Bắc thì không ai trả lời được. Đời lính sống nay chết mai, làm sao mà nói trước được điều gì. Phong biết, không ít người đã chết trong lúc thư còn chưa được chuyển đi. Nhiều gia đình chỉ nhận được thư sau khi người thân của họ không còn nữa. Mà Phong thì không dám bịa ra hay nhắm mắt nói bừa vì anh không thể nhẫn tâm gieo vào lòng những người đang chờ đợi dù chỉ một niềm ảo vọng nhỏ nhoi nào đó.

          Luồng suy nghĩ của Phong bị cắt ngang khi một thiếu phụ khoảng trên dưới ba mươi xuất hiện và nói với con bé bán hàng:

          – Để đấy mẹ trông cho, về mà ăn cơm đi kẻo đói.

          Con bé đứng dậy, quệt ngang mũi một cái và vẫn chẳng nói gì. Đúng lúc ấy, người mẹ túm luôn nó lại trong một giây cùng với câu nói nửa như nhắc nhở, nửa như trách móc:

          – Quần với áo thế này!

          Chị nhanh tay kéo cái quần đen bạc phếch của con lên ngang bụng nó, phủi phủi liền mấy cái và chưa kịp buông ra, con bé đã xoay người chạy ù đi. Phong nhìn theo, chỉ thấy một cái đuôi gà tóc đỏ hoe như lông bò, mảnh áo nâu rách và chiếc quần đen ngắn cũn trên đôi bắp chân rám nắng.

          – Anh đi đâu trưa thế? – Người chủ quán nước cầm chiếc quạt mo lên, vừa phe phẩy vừa nhìn Phong, hỏi.

          – À, tôi đang định đến nhà một người bạn ấy mà.

          – Chắc cũng là bộ đội, đang ở chiến trường à?

          – Vâng. – Phong khẽ gật đầu xác nhận.

          – Anh ấy tên là gì hở anh? Ở đội mấy? – Người phụ nữ hỏi dồn.

          – Tên là Sơn, nhà ở đội ba, thôn Hải Bằng, – Phong đã có vẻ hơi khó chịu. Cứ như là bị tra vấn không bằng. – Con nhà ông Lưu. Vợ tên là Khuê…

          Chị chủ quán hơi nhổm người lên một cái:

          – Anh mới ở trong Nam ra à?

          – Vâng.

          – Anh ấy… có khỏe không anh? – Chị ta hỏi gặng.

          – Khỏe… – Phong hơi chột dạ nhưng vẫn cố tỏ ra bình thản. – Tôi đem thư của anh ấy gửi về cho gia đình.

          Người phụ nữ thở phào một cái như thể vừa trút xong gánh nặng:

          – Thế thì em yên tâm rồi. Nhà em ở ngay bên cạnh đấy… Anh uống nước đi. – Chị rót thêm nước cho Phong và anh nhận thấy, như một số phụ nữ nông thôn khác, bà chủ quán này vẫn xưng “em” mặc dù anh chắc chắn là mình ít tuổi hơn. – Hôm nay trời nóng thế không biết! Không có một tí gió nào… Nhưng mà sao anh đi muộn thế? Mọi khi, xe vẫn về đến đây lúc mười một giờ…

          – À… xe bị hỏng lốp dọc đường. Chờ mất bao nhiêu là lâu.

          – Thảo nào! – Chủ quán khẽ chép miệng. – Ở đây chỉ có đúng hai chiếc xe, mà hôm nào cũng thế, không hỏng cái này thì cái khác. Hết lốp lại đến máy rồi xăng với cả dây cu doa… chẳng mấy khi được yên lành, chạy đúng giờ…

          – Thế chuyến cuối cùng ở đây về ngoài kia chạy vào lúc mấy giờ hở chị? – Phong vội hỏi.

          – Cũng còn tùy. Bình thường, thì cứ bao giờ cái xe ở ngoài kia vào đến đây, thì xe ở đây mới chạy đi. Nhưng mà có hôm xe kia phải chờ phà lâu quá, lại đông khách  rồi thì xe ở đây vẫn chạy sớm. Nhưng hôm nay thì có lẽ ông tài sẽ phải quay ra muộn vì không có khách. Chắc cũng phải đến năm giờ chiều.

          Thế thì tốt rồi, Phong thầm nghĩ. Chứ không thì chẳng còn biết ăn ở đâu ngủ ở đâu. Trời lại nóng. Mình đã tính đến khả năng xấu nhất, đem theo cả quần áo để có cái mà thay, nhưng dù sao về được luôn vẫn tốt hơn. Ở lại bất kì nhà ai cũng đều bất tiện, vì đang lúc khó khăn này…

           – Cái bánh chưng này bao nhiêu tiền đây chị? – Phong hỏi, khi nhận thấy bụng mình lại vừa sôi lên lần nữa.

           – Có hai hào[2] ấy mà. Anh ăn đi, chứ từ sáng đến giờ, chắc là đói lắm rồi còn gì. Thêm quả trứng luộc nữa, em vừa mới luộc đấy.

           Không cần phải chờ được mời đến lần thứ hai, Phong đã với tay cầm chiếc bánh chưng lên, cẩn thận ngửi đi ngửi lại đến mấy lần. Chưa bị thiu, có lẽ là bánh mới. Anh từ từ bóc lá, ngửi thêm lần nữa rồi cắn thử một miếng. Cũng được, tuy hơi nhạt. Kinh nghiệm cho Phong biết, đi đâu, chớ có dại mà ăn những thứ có nước, phải dùng đến bát đũa như phở, cháo hay hay canh bánh đa gì đó. Cứ nhìn vào chậu nước rửa bát, cái khăn lau, con dao hay cái thớt của người ta mà xem. Kinh lắm! Không cẩn thận, đang trên đường đi lại bị Tào Tháo đuổi thì nguy.

          Trong lúc Phong ăn chiếc bánh chưng, chị chủ quán vẫn không ngừng phe phẩy cái quạt mo và thỉnh thoảng lại quạt cho anh vài nhát. Qua những lời chị kể, Phong mới biết bố mẹ của Sơn vẫn khỏe. Hai ông bà có bốn người con, đặt tên là Giang, Sơn, Hải, Hà. Sơn có một bà chị cả và cô em gái út. Trước khi đi bộ đội, anh làm công tác đoàn ở xã. Còn Hải, em của Sơn thì đã tốt nghiệp trung cấp kĩ thuật, đang công tác ở phòng nông nghiệp bên An Lão, cuối tuần mới về. Tất cả anh chị em trong nhà đều vợ chồng, con cái hết rồi. Ông Lưu, bố Sơn ngày xưa đi buôn trâu, có thời gian làm đội phó sản xuất của hợp tác, nay đã nghỉ. Bà mẹ tên là Nẫm, chạy chợ và quanh quẩn việc nhà. Vợ Sơn là cô giáo cấp một, dạy ngay ở trong thôn, hai người cưới nhau được đâu độ hơn một tháng thì anh ấy đi bộ đội.

          – Anh ấy có một đứa con gái, năm nay học lớp hai, cùng lớp với con bé Thùy nhà em vừa nãy ngồi ở đây ấy. – Giọng chị chủ quán vẫn đều đều. – Còn em tên là Thủy, nhà ngoại ở ngay bên kia đường, nên mới có cái quán nước này. Em lấy chồng, làm hàng xóm nhà anh Sơn. Hai nhà cách nhau đúng một cái hàng rào, lại còn có họ với nhau nữa đấy.

          À, ra thế, Phong thầm nghĩ và cầm quả trứng luộc lên, khẽ đập vào cạnh bàn để bóc vỏ. Thấy vậy, Thủy liền đẩy về phía anh chiếc đĩa con đựng những hạt muối đen sì, to tướng. Phong đưa quả trứng lên miệng, hơi băn khoăn không hiểu tại sao lúc nãy chị chủ quán này lại có vẻ giật mình khi anh nói mình mới từ chiến trường ra. Hay chị ấy biết chuyện gì đã xảy ra rồi? Nhưng ngay lập tức, Phong lại gạt đi. Vô lí! Sao mà nhanh thế được! Chẳng lẽ lại có người đánh được điện ra à?

          Quả trứng, loáng một cái đã được Phong giải quyết xong. Thủy bảo anh rửa tay luôn vào cái xô nước đen đen, lềnh bềnh những bã chè. Anh duỗi cái chân bị thương ra một lúc cho đỡ mỏi, rồi lấy bao thuốc Tam Đảo, châm một điếu. Sau đó, vừa phì phèo phun khói qua hai lỗ mũi, Phong vừa nghĩ xem nên nói năng thế nào với gia đình của Sơn về chuyện xảy ra đúng hai ngày trước khi anh lên đường ra Bắc. Dù sao, họ cũng đáng được nghe chuyện ấy để biết được người thân của họ đã chết như thế nào vì không phải ai cũng đều chết trong chiến đấu.                      

          Do bị vết thương gãy chân và rò xương mãi không khỏi, Phong được cho ra Bắc. Nghe nói, những người như anh sẽ được an dưỡng khoảng hai tháng, được đi viện chữa bệnh và mổ lại nếu cần. Sau đó, người ta sẽ tổ chức khám xếp loại thương tật, giải quyết chế độ và cho ra quân; phục viên hay chuyển ngành, tùy theo nguyện vọng. Cả một sự may mắn lớn, vì đây là đơn vị tuyến sau và nhiều người bị thương như Phong thậm chí là nặng hơn vẫn còn phải cầm súng ở đơn vị chiến đấu kia. Nhưng anh, mới công tác ở đó được hơn một năm thì có đợt giám định thương tật và cho ra Bắc luôn. Hình như ta đang rục rịch chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô lớn hay sao đó.

          Như đã thành thông lệ, mỗi khi đơn vị có người được thuyên chuyển đi đâu đó lại có liên hoan chia tay, tuy mọi thứ đều đơn giản. Một bữa ăn tươi, nghĩa là có thịt cá rau dưa do anh em tự nuôi trồng, giăng câu hay đặt bẫy được. Thêm bi đông rượu, mấy ấm trà và ít kẹo lạc tự làm nữa là xong. Thế mà cũng bịn rịn kẻ ở người đi ra phết, vì chẳng ai biết được, rồi ra, số phận mình sẽ thế nào. Đối với những trường hợp được ra Bắc, thì thế nào cũng có người xúm lại ghi sổ tay lưu niệm, chúc tụng, căn dặn đủ điều và nhờ đem thư đến gia đình. Ai cũng mong có ngày gặp lại nhau trên miền Bắc, nhưng không ai nghĩ đến hoặc nói ra việc mình có thể chẳng bao giờ được trở ra ngoài ấy. Tại sao ư? Thiếu gì lí do và dù sao, đây vẫn là chiến trường; sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

          Nói cho đúng ra, số lượng thư từ mà mỗi người phải đem theo ra Bắc cũng không nhiều lắm. Thường chỉ có anh em nào đồng hương cùng tỉnh hay huyện mới gửi nhau thôi, vì ai cũng biết, việc đi lại ở ngoài ấy chẳng dễ dàng gì. Lại còn qua sông qua đò, cơm đường cháo chợ, bao nhiêu thứ phiền hà. May mắn cho Phong là anh chỉ có hơn chục lá thư cần phải chuyển đến tận nhà, nhưng chủ yếu ở khu vực nội thành. Ngoài ra còn mấy lá thư khác, chỉ cần mua tem dán vào phong bì rồi gửi qua bưu điện. Phong đã làm xong những việc đó từ lâu, nhưng riêng lá thư của Sơn thì anh cứ đắn đo, chần chừ mãi chưa đem đi được vì đường xa, lại phải qua hai cái phà lúc nào cũng đông rất mất thời gian. Mặt khác, anh còn phải đi mổ lại vết thương nên đến tận gần sát ngày ra quân mới có điều kiện thực hiện lời hứa của mình.

          Phong và Sơn vốn không phải là chỗ thân tình mà quen biết nhau cũng chưa lâu. Bởi vì Phong ít hơn một tuổi, đi bộ đội muộn hơn, lại ở bên tham mưu. Còn Sơn thì đã có tới bảy năm ở chiến trường, trong đó hai năm đầu là lính chiến, năm năm sau làm cán bộ quân nhu thuộc phòng hậu cần. Tính cách và điều kiện sống của hai người cũng khác nhau. Nếu như Phong đơn giản, xuề xòa, hoàn toàn vô sản thì Sơn lúc nào cũng tỏ ra cầu kì, kiểu cách và có vẻ hơi khinh khỉnh. Anh ta thường hút những loại thuốc lá thơm như Ruby, Capstan, uống trà Củ măng hoặc Blao[3], trên tay có cả nhẫn vàng lẫn đồng hồ Thủy quân lục chiến[4] cộng thêm vào đó là chiếc đài bán dẫn Hitachi to tướng dùng để nghe tin tức và ca nhạc.

          Ba bốn ngày trước khi Phong ra Bắc, Sơn đến gặp anh và đưa một cái phong bì dày cộp, nhờ chuyển hộ với lời căn dặn, ông cố gắng đưa tận tay cho bố mẹ tôi đấy nhé. Trong này còn có cả thư cho vợ tôi. Muộn cũng được, nhưng đừng gửi qua bưu điện. Tôi cảm ơn ông nhiều lắm… Nếu may mắn còn sống trở về, thế nào tôi cũng đến thăm ông. Tôi có đứa em họ năm nay tròn hai mươi tuổi, xinh lắm nhé! Nhà nó ở ngay bên cạnh. Nếu ông không chê gái nhà quê thì tôi giới thiệu cho.

          Ngoài địa chỉ đã được ghi nắn nót, rõ ràng ở phía trước phong bì, Sơn còn vẽ cả đường đi từ bến xe về nhà anh, khoảng gần hai cây số với những chú giải rõ ràng, như dòng mương, rặng bạch đàn, cây đa cổ thụ và những lời lẽ hơi cải lương một chút: Đường về quê mẹ, Phong ơi! Trời! Cái bộ phim được đem từ ngoài Bắc vào chiếu cách đây đến nửa năm rồi mà vẫn để lại ấn tượng mạnh ghê. Đúng là nhờ có Hiệp định Paris có khác! Tết Giáp Dần năm bảy tư vừa rồi, cả đơn vị của Phong đã được uống chè Ba Đình, mỗi người lại còn được một điếu Điện Biên bao bạc[5] và hai cái kẹo mềm Hải Châu ngon tuyệt cú mèo!

 

 

          Không ai có thể tưởng tượng được, Sơn lại lăn ra chết một cách bất ngờ đến thế. Chiều hôm ấy, anh ta đang trên đường đi đâu đó về thì bỗng vang lên một tiếng nổ long trời. Cành cây, đất đá rụng xuống ào ào. Phong đứng ngu ngơ trước lán, vô tình ngước mắt lên còn thoáng nhìn thấy cái đầu gã phi công địch trong chiếc máy bay gần như sà xuống sát ngọn cây. Thấy rõ cả những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên thân và cánh máy bay với những giá bom trống trơn và nòng súng hơi ngọ nguậy.

          Nỗi sợ hãi kinh hoàng khiến Phong đứng chôn chân tại chỗ, không thể chạy đi đâu được và phải mất một lúc sau, anh mới biết mình vừa thoát chết trong gang tấc. Một mảnh bom dài cỡ mươi mười lăm phân còn nóng rẫy và bốc khói cắm phập xuống đất, cách anh khoảng chưa đầy nửa mét. Không ai biết tại sao chiếc máy bay ấy lại lao xuống và chỉ ném đúng một quả bom, không dấu hiệu nào báo trước, cũng chẳng thấy OV 10 hoặc L 19 trinh sát vè vè chỉ điểm. Rất có thể thằng giặc lái cũng đã nhìn thấy Phong, nhưng ở khoảng cách ấy, góc bắn bằng không nên hắn chẳng làm gì được. Hơn nữa, máy bay lại đang lao đi với tốc độ rất cao.

          Sơn bị một mảnh bom phá vỡ khớp xương hông và ghim luôn ở đó. Khi mọi người chạy đến tìm cách băng bó cho anh thì Sơn vẫn còn rất tỉnh, nói chuyện bình thường. Khổ nỗi, mảnh bom làm đứt luôn động mạch chủ và không có cách nào cầm máu được. Không thể garô. Vitamin K thì đã tiêm rồi. Cũng không thể rút mảnh bom ra. Bác sĩ Mười Quân, phụ trách bệnh xá sư đoàn cho biết, nếu làm như vậy, nạn nhân sẽ càng chóng chết hơn. Có đưa đến bệnh viện miền cũng chẳng làm gì được vì không có đủ điều kiện để mà cứu chữa. Ông đành phải sai y tá ấn gạc vào vết thương rồi băng ép lại, nhưng cô ý tá vừa rời tay thì cả mấy vòng băng đã đầy sũng máu. Máu đọng thành vũng trên võng của Sơn và nhỏ thành từng giọt xuống nền nhà. Anh cứ thế lả dần đi, mặt trắng bợt, và câu cuối cùng mà Sơn phải khó nhọc lắm mới thốt ra được là anh cảm thấy rét và buồn ngủ quá. Bác sĩ Mười Quân khẽ gật đầu như thể động viên, kéo tấm đắp lên ngang ngực cho Sơn. Nhưng rồi chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, ông nhẹ nhàng che luôn cả mặt anh lại và nói nhỏ:

          – Ừ, thôi ngủ đi.  

          Vị bác sĩ già khẽ vỗ vỗ lên vai Sơn mấy cái rồi lặng lẽ quay đi. Khoảng hơn một giờ sau, cái võng của kẻ không may đã hoàn toàn bất động trong khi những giọt máu đặc quánh vẫn còn nhểu xuống. Cô y tá mở tấm đắp, kiểm tra thêm lần nữa rồi lại còn thử bắt mạch cho Sơn, sau đó mới lắc đầu và khẽ thở dài.

          Không tận mắt chứng kiến, nhưng Phong vẫn không khỏi rùng mình sởn gai ốc. Nếu như anh chỉ bước thêm một bước nữa về phía trước thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu chiếc máy bay ấy vòng lại và bắn phá? Có lẽ mình cũng đã chết ngóm rồi! Phong biết, lính tráng có hàng trăm kiểu chết khác nhau, nhưng phần lớn đều tan xương nát thịt, chứ chẳng mấy người còn nguyên vẹn hình hài. Ai đó chậm được chôn thì chỉ vài ba ngày sau là đã thối inh lên, bị các loại thú dữ và côn trùng ăn nham nhở. Lại còn giòi bọ lúc nhúc, ruồi nhặng bám đầy… Nhưng chết như Sơn thì có cái gì đó thật tức tưởi, chua xót quá! Lúc ấy cậu ta còn đang mặc chiếc áo blouson giả da đen bóng, mới toanh, trong một tâm thế vô cùng thoải mái và thậm chí là thỏa mãn, không hề nghĩ rằng mình sẽ chết chỉ sau đó vài giờ.

          Phong quyết định bằng bất kì giá nào cũng phải giữ đúng lời hứa với Sơn, đem thư đến tận nơi và thuật lại những giây phút cuối cùng của cậu ta cho cả gia đình ấy biết. Không hiểu bố mẹ Sơn sẽ đón nhận cái tin ấy như thế nào, liệu có đến nỗi lăn ra ngất lịm đi không. Cậu ta vào Nam từ cuối năm sáu bảy, chiến đấu hàng chục trận thì không sao. Đến lúc có Hiệp định[6] rồi, tưởng là sẽ được sống yên ổn cho đến khi kết thúc chiến tranh thì lại thế…

          Sáng hôm sau, cả đơn vị phải di chuyển gấp sang căn cứ dự phòng, sẵn sàng chiến đấu. Nhưng điều đáng nói là bên phòng hậu cần đã kiểm tra đồ đạc, quân tư trang của Sơn để gửi ra ngoài Bắc. Thật bất ngờ, là trong chiếc hòm gỗ cũ của anh ta, ngoài mấy bộ quần áo và những đồ dùng thiết yếu của con nhà lính, ít thư từ, sổ sách… còn có cả một đống vàng, gồm hoa tai, nhẫn và dây chuyền được gói bọc cẩn thận cùng với mấy ngàn đồng tiền Sài Gòn, đựng trong một cái hộp sắt tây. Đó là chưa kể chiếc đồng hồ đeo tay, đài bán dẫn và số tiền trong ví của Sơn dính đầy những máu.

          Trời! Có ai đó thốt lên. Phụ cấp của lính mình ở cả miền Đông Nam bộ chỉ có năm trăm đồng một tháng. Nhưng số tiền ấy cũng đủ để mua một kí thịt heo, hộp kem đánh răng Hinos, gói trà và bao thuốc lá. Không biết Sơn làm thế nào có được nhiều của thế? Đó là chiến lợi phẩm, hay cậu ta đã từ lâu tìm cách buôn bán, dành dụm được? Không ai muốn làm rõ hay kết luận vụ này, vì dù sao, Sơn cũng đã không còn nữa. Phong không biết người ta sẽ xử lí số tài sản ấy ra sao.

 

 

          Con đường liên thôn thẳng tắp, chạy song song với dòng mương thủy lợi rất to. Bên bờ mương, một hàng cây bạch đàn cao vút. Phía bên kia bờ mương, cánh đồng lúa bắt đầu vào vụ gặt. Còn bên này là nhà cửa, vườn tược với những nét sổ thẳng của cau, hơi bị vít cong của tre, khum khum tròn là những đống rơm và um tùm cây ăn quả. Đôi chân đi dép cao su của Phong cứ như bị những lớp rơm phơi trên đường níu lại trong mùi thơm lúa chín.

          Cảm thấy có ai đó đang theo dõi, Phong liếc nhìn sang phía hàng rào cúc tần bên đường, còn kịp bắt gặp một phụ nữ trẻ vội quay mặt đi chỗ khác. Thêm vài bước nữa là một bà cụ già nheo nheo mắt nhìn anh. Khổ, có lẽ họ nghĩ người thân của mình về đây, hoặc đơn giản là thử nhìn xem anh bộ đội này đi đến nhà nào. Phong thầm nghĩ và anh biết, những người như mình có thể đem đến cả tin lành và dữ, mà lành hay dữ thì không ai đoán trước được. Biết đâu… Tất cả đều phấp phỏng đợi chờ. Nhưng hình như chính quyền địa phương thì không muốn thế, nên họ theo dõi gắt gao tất cả những người lạ mặt. Vì thế mới có chuyện, tuần trước, Phong đem một lá thư sang bên Thủy Nguyên, vừa mới vào đến nhà còn chưa kịp nói năng gì đã bị công an xã ập vào hỏi giấy tờ.

          Thêm vài trăm mét nữa đến gần cây đa ở ngã ba, theo đúng sơ đồ mà Sơn đã vẽ. Phong ngạc nhiên thấy hai đứa con trai, trong đó có một đứa cởi trần trùng trục, bùn đất lấm lem đang lặn lội ở bên đường. Chả biết chúng nó mò bắt cái gì giữa lúc nắng đến vỡ cả đầu này! Vừa mởi vô tình ngẩng lên nhìn thấy Phong, thằng bé cởi trần đã vội vàng quẳng ngay cái giỏ xuống đất, hét toáng lên mừng rỡ:

          – A, bố tao về! Bố ơi!

          Nó chạy ào về phía anh nhưng mới được vài bước đã khựng lại, nhìn anh trân trối và không còn thốt lên được lời nào nữa. Phong lặng đi. Tội nghiệp cho thằng bé! Nó gầy trơ cả xương sườn, và ngay đến cái quần đùi đen mà nó đang mặc cũng có vài miếng vá. Giỏi lắm cũng chỉ mới mười một mười hai tuổi! Thằng bé lủi thủi quay đi, vẻ như muốn khóc trong lúc bạn nó vẫn đứng yên dưới ruộng lại nhe răng ra cười. Phong bỗng cảm thấy mình như người có lỗi. Ừ, liệu bố của đứa trẻ này đang ở đâu, còn sống hay đã chết? Thế mà mình thì áo quần lành lặn, chỉnh tề, quân hàm quân hiệu thế này! Anh cúi đầu đi thẳng trong khi thằng bé kia có vẻ như đang trề môi trêu bạn nó:

          – Sướng chưa? Không chạy theo bố mày đi à?                                         

          Một tiêng “bốp” khô khốc vang lên cùng với câu chửi đầy tủi hận và uất ức. Hai đứa bé xông vào đánh nhau, khiến nước ruộng bắn lên tung tóe. Phong quay lại, cố tìm cách can chúng ra nhưng phải một lúc sau mới túm được thằng bé cởi trần, rồi đứng chen vào giữa hai đứa trẻ.

          – Thôi đi các cháu! Ai mà chẳng có lúc nhầm. Thôi! Nghe chú bảo…

          Cả hai vẫn còn hậm hực, cay cú lắm, vẫn muốn xông vào nhau và phải mãi đến khi Phong rát cổ quát to đến mấy lần chúng mới chịu lầm lũi mỗi đứa đi về một hướng. Phong ứa nước mắt nhìn theo thằng bé vừa lầm tưởng anh là bố nó. Do cái dáng cao gầy của mình chăng? Hay là tại bộ quân phục có vẻ rất chính quy này? Kể cũng lạ, vì người ta lại phát quân hàm quân hiệu mới toanh cho đám thương bệnh binh sắp sửa ra quân và bắt phải đeo đầy đủ cứ như trong ngày lễ!

 

 

          Đúng như lời Thủy nói, Phong đến được nhà Sơn không một chút khó khăn. Anh hơi ngạc nhiên thấy lối đi sạch sẽ, phong quang và hai cánh cổng tre mở rộng. Hàng râm bụt, hoa nở đỏ tươi như máu. Nhà ngói, sân gạch, bể nước hẳn hoi, gia đình này cũng vào loại khá giả đây! Nhưng trong khi anh còn đang nhìn trước ngó sau chưa kịp đánh tiếng xem gia chủ có nhà không thì một ông trên dưới sáu mươi đã xuất hiện, cười rất tươi và nói oang oang oang như lệnh vỡ:

          – Vâng, chào anh! Cả nhà chúng tôi đang chờ anh đây!

          Phong bước vào và thấy ngay là ông già không hề nói quá lên. Trên bộ tràng kỉ được kê ngay ngắn ở giữa nhà trước ban thờ, có một bà lão chắc là mẹ Sơn. Cô trẻ hơn, khoảng hăm bảy hăm tám tuổi ngồi bên cạnh. Một bộ ấm chén, điếu hút thuốc lào đã sẵn sàng. Phong hiểu ra ngay mọi chuyện khi anh nhìn thấy con bé bán nước và một đứa khác cùng độ tuổi với nó, có lẽ là con của Sơn đang thập thò ở cửa buồng bên. Trời, sao nó nhanh thế nhỉ? Chả trách ông già chờ từ bao giờ!

          Ông Lưu niềm nở giới thiệu cho khách biết, đây là bà lão nhà tôi, đây là vợ của cu Sơn này, còn con gái nó kia… Lúc nãy, nghe con Thùy nó nói, có một chú bộ đội đang ngồi ở quán nước nhà nó, cả nhà tôi mừng quá, đoán ngay là khách của nhà mình. Cứ như có linh tính báo hay sao ấy! Ông già cười hể hả, phô cả hai hàm răng chiếc còn chiếc mất.

          Sau vài câu đưa đẩy cho phải phép, Phong mở ba lô, lấy lá thư ra đưa cho ông Lưu. Ông lão gần như vồ ngay lấy và xé luôn một cạnh phong bì, lôi tất cả mọi thứ trong đó ra, mắt sáng lên. Nhưng, trái với suy nghĩ của Phong, không hề có lá thư nào, mà thay vào đó là một mảnh giấy báo được cắt xén vuông vắn và gấp lại theo chiều ngang, trong đó chứa những tờ giấy bạc mười đồng[7] màu đỏ. Phong ngẩn người ra một lát trong khi hai phụ nữ im lặng nhìn nhau, còn ông Lưu thì cẩn thận dấp nước bọt vào ngón tay, đếm đi đếm lại đến mấy lần. Có mười tờ tất cả. Trời đất ơi! Tận một trăm đồng!

          Không hiểu bằng cách nào Sơn lại có thể tìm kiếm, tích trữ được một số tiền lớn đến như thế? Bởi vì lính đi B, mấy ai có tiền đem theo người đâu! Mà nếu có, cấp trên cũng quán triệt, bắt bỏ lại ngoài miền Bắc hết. Rồi qua hàng ngàn cây số dọc Trường Sơn, anh nào may mắn còn giấu được vài đồng thì cũng đem ra mua hết thức ăn chứ giữ lại làm gì. Thế mà thằng cha này có hẳn đến mười tờ giấy bạc loại mười đồng. Bằng hơn ba tháng phụ cấp của Phong! Gần bằng hai tháng lương thiếu úy. Thóc, bây giờ khoảng độ hai hào rưỡi một cân. Như vậy là mình đã đem về hộ nó một lúc đến bốn tạ thóc cơ đấy nhé! Phong nhẩm tính.

          Ông Lưu vạch phong bì ra xem lần nữa rồi khẽ gật đầu, vẻ hài lòng. Không còn tiền, nhưng lại có một mảnh giấy trắng, trên đó cũng không có lấy một chữ nào, chắc là dùng để lót ở phía trong. Lá thư của Sơn gửi về cho gia đình của anh ta là như thế đấy! Phong hơi choáng váng, không hiểu tại sao anh ta lại không thèm viết, dù chỉ một vài dòng? Thảo nào nó cứ dặn đi dặn lại, là phải đem đến tận nhà đấy nhé. Tuyệt đối không được gửi qua bưu điện! Phong bỗng cảm thấy tiếc cho công sức mình đã bỏ ra, vượt gần năm mươi cây số đến đây dưới trời nắng gắt, lại còn phải nát óc nghĩ xem nên nói với bố mẹ, vợ con của nó thế nào…

          Ông Lưu kẹp chiếc phong bì vào giữa một quyển sổ to, cất vào trong tủ chè rồi khóa lại. Sau đó, ông còn kiểm tra bằng cách khẽ lay lay, kéo thử cánh cửa tủ xem đã đúng là đã khóa rồi hay chưa. Phong thấy ông có cả một chùm chìa khóa đeo ở bên người, có lẽ là không lúc nào rời.

          Chủ và khách bắt đầu nói chuyện với nhau, nhưng câu chuyện của họ rời rạc và tẻ ngắt, dường như chỉ gọi là cho có, xoay quanh tình hình sức khỏe và công tác của Sơn, chiến sự ở miền Nam, việc Mĩ đưa quân trở lại… Phong dè dặt nói từng câu một, phần vì anh không phải là người khéo léo trong giao tiếp, phần vì không cưỡng lại được cảm giác mình vừa bị một vố lừa. Anh cũng nhận thấy hình như cô vợ trẻ của Sơn có vẻ hơi bứt rứt bồn chồn thế nào đó, đôi ba lần muốn xen vào nhưng lại thôi. Hay là cô ấy muốn nhường lời cho bố mẹ chồng? 

          Nghe tin nhà ông Lưu có khách từ miền Nam ra, một vài người hàng xóm đã lục tục sang chơi, có lẽ với một chút hi vọng, may ra thì biết được tin tức về con em của họ chăng. Phong thầm cảm ơn những ông già bà cả ấy vì nhờ có họ mà anh thoát khỏi câu chuyện nhạt nhẽo, đầy vẻ chiếu lệ với chủ nhà. Anh vui vẻ trả lời câu hỏi của mọi người, tất nhiên là theo cách nghĩ của anh và trong phạm vi những gì mà anh biết được, ví dụ như việc quân địch lấn chiếm vùng giải phóng, khả năng quân Mĩ can thiệp trở lại ở miền Nam, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc… Có người khẽ gật đầu tán thưởng, có người lại tỏ ý ngạc nhiên nhưng cũng có người chỉ lừ lừ con mắt đầy cảnh giác.

          Ông Lưu, rõ ra là không giấu được vẻ tự hào khi thấy Phong nhận xét là Sơn trông rất giống ông, và hiện đã là đại đội bậc phó rồi. Phiên sang cấp bậc ở ngoài này là thiếu úy, làm công tác hậu cần nên rất an toàn. Người cha của Sơn không biết, là vừa nói xong câu ấy, Phong đã ngượng với chính mình. Ông Lưu sướng lắm, nhưng cũng nhận xét là Sơn đi bộ đội đã tám chín năm, đến bây giờ mới lên được thiếu úy thì hơi chậm, nhưng thế cũng là tốt lắm rồi. Miễn sao sau chiến tranh cứ còn sống để trở về với bố mẹ, vợ con là được. Quan nhất thời, dân vạn đại, cần cái quái gì! Làng này có đến ba bốn ông trung úy, thượng úy cũng về cuốc ruộng kia kìa.

          Nghe ông Lưu nói, Phong không khỏi cảm thấy thật mỉa mai cay đắng cho  Sơn và cho cả cái công cuộc tích trữ làm giàu của cậu ta. Chỉ riêng việc sưu tầm, đổi chác, gom góp được bằng ấy tiền miền Bắc cũng đã là đáng nể lắm rồi. Nhưng than ôi, để làm gì chứ! Chỉ một mảnh bom thôi, và thế là xong! Qua những lời lẽ rời rạc của ông bà Lưu, Phong hiểu ra rằng, ngay sau khi được anh nhận lời đem thư ra Bắc, Sơn đã kịp nhờ người gửi một lá thư khác theo đường bưu điện, thông báo cho gia đình biết. Đoàn ấy lên đường còn trước cả khi đơn vị bị trúng bom. Trong thư, Sơn đã cung cấp địa chỉ của Phong, có lẽ để phòng khi anh không đem cái phong bì quý giá kia đến nhà thì mọi người còn biết chỗ mà đi đòi. Lá thư ấy đã đến tay ông bà Lưu hơn chục ngày, trước khi Phong xuất hiện ở đây. Có lẽ vì thế mà họ không một chút ngạc nhiên và cũng chẳng cần hỏi thêm gì nhiều nữa.

 

 

         Rồi thì cũng đến lúc phải cáo từ. Phong se sẽ xoay mình, gượng đứng lên. Ông bà Lưu cứ khẩn khoản mời anh ở lại. “Tối nay, em Hải nó về. Anh ở lại chơi, xơi bữa cơm muối với vợ chồng tôi, để cho cả gia đình tôi được hầu chuyện anh một thể. Nhà nó ở cách đây có mấy bước chân ấy mà. Hôm nay là thứ bảy, mai chủ nhật, chắc là anh vẫn còn được nghỉ, vội gì!”. Nhưng Phong vẫn kiên quyết chối từ với lí do sáng ngày kia, anh phải có mặt ở đoàn an dưỡng để nhận quyết định ra quân.

         Không làm sao giữ được khách nên cuối cùng, ông bà cũng đành phải chịu. Ông sai bà đem biếu Phong chục trứng, nhưng anh cũng từ chối luôn vì sợ đem đi dọc đường, chẳng may vỡ mất thì phí lắm.

         Được ông Lưu nhắc, Khuê lặng lẽ đứng dậy, thay mặt bố mẹ chồng tiễn Phong ra cổng. Đột nhiên cô hỏi anh một câu rất bất ngờ:

         – Nhà em thế nào hở anh?

         – Thì… anh ấy vẫn khỏe và công tác tốt mà! – Phong hơi giật mình, vội đáp như cái máy. Và anh chợt hiểu ra thái độ của cô lúc nãy. Thảo nào…

         – Không đúng! – Khuê khẽ lắc đầu, miệng méo xệch đi như muốn khóc. – Anh nói thật đi cho em biết, chứ em lo lắm…

         – Tôi nói thật mà.

         – Không phải! – Khuê lại lắc đầu lần nữa. – Ông bà nhà em thì chưa biết đâu, nhưng ở xã bên, người ta đồn ầm lên là nhà em bị làm sao ấy… Một cô ở trường em nói lại với em…

          Đúng là cô ấy còn chưa biết gì thật, Phong thầm khẳng định. Vì nếu biết, chắc chắn cô ấy đã không hỏi thế. Vậy thì mình lại càng không nên nói là hơn. Bởi lẽ, bây giờ có nói ra cũng chẳng để làm gì nữa. Gia đình người ta đang yên ổn thế kia… Hơn nữa, mình có tư cách gì để mà báo cái tin dữ ấy? Bạn thân không phải, cấp trên lại càng không. Chỉ là đồng hương cùng đơn vị. Đằng nào thì người chết cũng đã chết rồi. Có làm cách nào cho Sơn sống lại được đâu!

          – Với lại, vừa mới cách đây mấy ngày, em nằm mơ thấy nhà em về… – Khuê tiếp tục nói với đôi mắt đã ầng ậng nước. – Anh ấy đội mũ mềm, mặc cái áo gì màu đen, trông lạ lắm, mình mẩy đầy những máu. Mà em hỏi cái gì cũng không nói, chỉ khẽ lắc đầu rồi biến mất.

          Bỗng nhiên Phong lạnh toát hết cả người. Chẳng lẽ người chết về báo mộng thật ư? Đúng là trang phục của Sơn hôm ấy! Không hiểu tại sao qua bao nhiêu năm ở chiến trường mà Sơn vẫn giữ được chiếc mũ Triều Tiên, đi đâu cũng đội. Loại mũ ấy còn gọi là mũ bình thiên, được may rất đẹp. Sau này, quân nhu ta bắt chước, nhưng may không đẹp bằng mà chất lượng vải cũng thua xa. Còn áo đen… Đó chính là chiếc áo bludông giả da, Sơn mới mua trước đó ít ngày. Khuê không biết, ở miền Đông Nam bộ lính mình ăn mặc rất lung tung. Có thể, do quân nhu miền Bắc không với được vào, mà cũng có khi là một tính toán kĩ càng. Người ta dùng tiền Sài Gòn hoặc đồng riel của Campuchia, mua tất cả mọi thứ nhu yếu phẩm ở ngay cửa khẩu, trong đó có vải may quân phục với đủ các chất liệu và màu sắc khác nhau. Chỉ có kiểu cách lúc may là không đổi. Nhưng áo khoác ngoài thì cứ thoải mái có gì mặc nấy.

          Khuê đưa bàn tay lên quệt ngang dòng nước mắt, trong lúc Phong không biết nói gì. Mà anh còn có thể nói gì được nữa! Chỉ thấy tội cho cô. Mới cưới nhau chưa được bao lâu thì Sơn đã đi bộ đội rồi sau đó đi B, may mà vẫn còn có chục ngày nghỉ phép và đứa con… Tại sao Khuê lại có thể miêu tả chính xác đến cả chiếc mũ và áo của chồng, nếu cậu ấy không về báo mộng? Đúng là con người ta có linh hồn thật hay sao? Và tại sao Sơn lại nhờ Phong chứ không phải ai khác đem lá thư đặc biệt ấy về? Phong rùng mình thêm lần nữa.

          Một bà hàng xóm từ trong nhà chậm chạp đi ra. Phong vội chào Khuê rồi cố bước thật nhanh. Thế mà cứ bảo là đừng duy tâm! Người chết cách xa đến hàng ngàn cây số… Anh lẩm bẩm một mình. Cây đa đây rồi. Đến kia rẽ trái, đi khoảng bảy tám trăm mét nữa… Nhưng lần này Phong biết, sẽ chẳng còn ai thập thò đâu đó đứng nhìn ra. Cũng không có đứa trẻ nào nhầm tưởng anh là bố nó. Tự nhiên, Phong cảm thấy buồn khủng khiếp. Một nỗi buồn đến cháy lòng, không thể nào nói được nên lời. Có ai ngờ, chuyến đi này của anh lại diễn ra như thế! Một lá thư kì dị, không một chữ nào và một trăm đồng…

          Phong khập khiễng bước đi rất chậm vì cái chân bị thương bỗng lại nhói lên. Anh cũng không có gì phải vội. Còn sớm mà! Chị hàng nước đã cho biết, đến tận năm giờ chiều mới có chuyến xe cuối cùng về thành phố. Bây giờ, có lẽ mới chỉ độ ba rưỡi, bốn giờ. Mình ngồi ở nhà thằng Sơn chỉ khoảng bốn mươi, bốn lăm phút thôi chứ mấy!

          Một cơn gió thoảng qua, xua đi phần nào cái nóng. Phong tự nhủ, thôi mình không còn phải băn khoăn gì nữa. Lời hứa với Sơn đã được thực hiện xong. Giờ này hẳn cậu ta cũng đã biết rồi. Gia đình Sơn đã nhận được tiền và với một trăm đồng ấy, họ có thể sống ung dung trong ít nhất là năm, sáu tháng. Thừa sức chờ đến khi thu hoạch vụ mùa. Chỉ khổ thân mẹ con Khuê; cô không biết mình đã trở thành góa phụ từ mấy tháng nay. Còn con bé lại càng không biết rằng nó đã mồ côi bố.

          Thêm một lần nữa, Phong cảm thấy buồn và tiếc cho Sơn. Không hiểu ý nghĩa cuộc đời của cậu ta là như thế nào? Và ẩn ý của Sơn qua lá thư để trống? Một con người tưởng như lúc nào cũng chừng mực, chỉn chu, rất biết lo toan cho cuộc sống của mình. Âm thầm vun vén, góp nhặt để làm giàu, cứ như là để sống vài ba cuộc đời khác nữa. Chỉ có điều, những thứ ấy ở đâu ra? Liệu ông bà Lưu có bao giờ nghĩ đến không? Còn Phong, anh thừa biết, nếu đó không phải là chiến lợi phẩm bị chiếm đoạt một cách bất minh thì cũng do bớt xén, tham ô hay buôn bán gian lận mà có được. Cán bộ quân nhu, có điều kiện thường xuyên nắm giữ tiền nong hàng hóa, tiếp xúc với đủ loại người mà!

          Đến một lúc nào đó, người ta sẽ báo tử thôi. Mình không cần phải làm việc đó. Không nên làm việc đó! Cũng chẳng vì bất kì một lí do gì. Nói ra bây giờ e là còn quá sớm, mà không cẩn thận lại còn bị vu cho cái tội gây hoang mang dư luận thì nguy. Sơn sẽ được công nhận là liệt sĩ hay tử sĩ gì không biết, nhưng hãy cứ để cho mọi người nghĩ rằng cậu ta đã hi sinh đúng như một người lính ở chiến trường. Cả gia đình ông Lưu hẳn là sẽ đau khổ lắm, nhưng rồi mãi cũng phải nguôi ngoai. Khuê cũng sẽ đi bước nữa vì cô ấy còn quá trẻ. Thôi thì cứ đào sâu chôn chặt những gì mình đã biết. Coi như không có chuyện gì xảy ra. Coi như không có những Tà Chay, Mi Mốt, Cần Đăng, Suối Ngô, trảng Ba Chân… Không có cả những ngày măng le, rau tàu bay, sắn, khoai và đậu phộng[8] triền miên vì không có gạo. Ai biết được, đã có lúc gạo trở thành của quý, chỉ thương bệnh binh mới được ăn… Cũng coi như không có cả một buổi chiều định mệnh và một quả bom bất ngờ rơi xuống. Tất cả những gì mình định nói về Sơn đều đã không cần thiết nữa rồi.

         Phong xốc lại chiếc ba lô rồi tập tễnh bước nhanh hơn khi anh nhìn thấy cái bến xe đã hiện ra trước mặt.

 

 

 

                                                                                         Mátxcơva, tháng 12 năm 1977

                                                                                             Viết lại, tháng Tư năm 1996

                                                                                                  (Bút danh Hoài Thu)

 

 

 

 

[1] Thượng sĩ.
[2] Giá cả trong khoảng giữa những năm bảy mươi.
[3] Những loại trà ngon ở miền Nam thời đó.
[4] Đồng hồ Orient của Nhật, rất được ưa chuộng trong và sau chiến tranh chống Mĩ.
[5] Loại thuốc lá do miền Bắc sản xuất, được coi là ngon hơn loại không có lót bao làm bằng giấy bạc.
[6] Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Viêt Nam, kí ngày 27.1.1973.
[7] Loại giấy bạc có mệnh giá lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời đó.
[8] Lạc