Văn xuôi · 30/12/2021

M Ẹ   N G A

Truyện ngắn

 

            Mùa đông năm ấy, trời rất lạnh. Người ta bảo, gần tám mươi năm mới lại có một đợt rét dữ dội, kéo dài đến thế. Ngày cũng như đêm, cái nhiệt kế luôn luôn chỉ trong khoảng âm mười tám đến hai mươi lăm độ. Và trên các đường phố, mái nhà, hàng cây… dường như không phải là tuyết nữa mà một thứ hạt thủy tinh nhỏ li ti, sắc buốt, sáng lên lấp lánh.

            Đối với Hương, một cô gái lần đầu tiên được biết thế nào là mùa đông Nga, những ngày ấy dài như vô tận. Cái rét bao trùm, vây bọc lấy cô từ sáng sớm đến đêm khuya, thậm chí cả trong giấc ngủ. Thế mà trước đây, mình đã từng mong được thấy tuyết đến chừng nào! Và mặc dù đã xỏ đến hai đôi bít tất len rồi mới đi đôi ủng giả da lót lông nhân tạo cao đến gần đầu gối, Hương vẫn bị cái giá lạnh khủng khiếp làm cho các ngón chân cóng cứng ngay khi cô vừa bước ra đường. Nhiều khi cô đã phải tạt vào các cửa hàng, đứng một lát bên dàn sưởi bằng nước nóng[1] cho đỡ rét và đặt lên đó đôi tay phát cước, sưng vù trong lúc chờ tàu điện để về nhà hoặc đến trường.

            May sao, cuối cùng những ngày ấy cũng qua đi. Sang nửa cuối tháng Mười hai, trời ấm dần. Những bông tuyết to và xốp rơi lả tả trong những hôm trời nắng. Những hàng cây trụi lá quanh kí túc xá của Hương dường như cũng bớt co ro, được bao bọc một lớp bông tơ trắng nõn.

            Kì thi đầu tiên của năm học đầu tiên đã trôi qua. Hương cùng với một số bạn người nước ngoài được nhà trường cho đi nghỉ đông, tất nhiên là hoàn toàn miễn phí ở Abramxevô, cách Mátxcơva chưa đến một giờ đi elekt’richka[2]. Khu nhà nghỉ, nghe nói là điền trang cũ của một ông bá tước thời Nga hoàng, gồm toàn những ngôi nhà gỗ hai tầng, không xa ga tàu. Hương biết, cô gặp may vì sinh viên Liên Xô, tuy cũng được nghỉ mười ngày đấy, nhưng làm gì được đi đâu, lại còn miễn phí! Nhiều bạn còn không dám nghỉ mà phải tranh thủ đi làm để kiếm vài đồng, vì học bổng của họ chỉ được ba mươi lăm rúp một tháng, không đủ sống.                  

            Chiều hôm ấy, Hương ra bãi trượt tuyết với mọi người. Sau khi đã ngã, đã cười, đã hò hét chán rồi lại trượt và ngã, cuối cùng Hương tháo bàn trượt, nhờ Thủy, bạn ở cùng phòng đem về trước. Với quyết tâm thử tìm hiểu xem nơi đây có gì lạ và hấp dẫn không, cô theo lối mòn đi thẳng vào rừng với cảm giác hơi mạo hiểm và thích thú, cứ như mình sắp sửa biến thành một Crixtốp Côlômbô mới.

            Giữa mùa đông, rừng Nga có một vẻ đẹp lạ thường. Nắng dịu dàng trên nền tuyết trắng im lìm. Gió lặng. Những cây thông chóp nhọn xanh om, tán lá trĩu nặng vì tuyết phủ như đã biến thành những chú lùn với những cánh tay thọc sâu vào trong tuyết. Thưa thớt những cây bạch dương gày guộc, thân trắng với những vệt đen vươn thẳng lên trời. Trong bóng râm, tuyết ngả sang màu ngọc bích đầy mê hoặc. Và dưới chân chiếc cầu gỗ mảnh mai, một dòng suối nhỏ không bị đóng băng, uốn lượn giữa đôi bờ, bốc lên một làn hơi rất nhẹ.

           Hương lặng lẽ, say sưa ngắm cảnh. Xung quanh, vẫn không một bóng người. Rừng tĩnh mịch, không một tiếng gió thổi, lá reo, như đã trở lại thời hồng hoang của nó. Khác hẳn những khu rừng rậm rịt, đủ các loài cây và dây leo ở Việt Nam, đầy côn trùng và rắn rết, lại còn lên dốc xuống đèo.

           Bất chợt, một bụm tuyết từ trên cao rơi bộp ngay xuống bên cạnh Hương, vỡ tan ra như bụi phấn. Cô giật mình, ngước lên nhìn còn kịp thấy mấy con sóc nâu tinh nghịch đuổi theo nhau chạy vào sau vòm lá. Thêm một cơn mưa tuyết rào rào. Hương mỉm cười, nắm một vốc tuyết rõ to rồi lấy hết sức ném về phía đàn sóc tinh ranh. Chẳng ăn thua gì! Viên đạn tuyết của cô chỉ bay được lên đến lưng chừng cây đã rơi xuống, lăn vài vòng trên tán lá rồi vỡ vụn.

           Có một tiếng còi tàu vang lên từ xa, như nhắc cho Hương biết cô đã đi quá phạm vi quy định của nhà nghỉ. Nhưng điều đó không làm cho Hương sợ hãi. Trái lại, cô còn lấy làm sung sướng với cảm giác hơi mạo hiểm, tuy rằng cô thừa biết, ở xung quanh đây chắc chắn là không thể đào đâu ra được một con sói, và vì thế, cô cũng chẳng thể nào biến thành cô gái quàng khăn đỏ. Cô yên tâm hít một hơi dài đầy căng lồng ngực thứ không khí lạnh lẽo, hơi nhàn nhạt và thoáng mùi rêu của rừng Nga rồi khép vạt áo măng tô lại và bước tới.

 

 

          Bây giờ thì Hương đã lạc thật rồi. Cô nhận ra điều ấy khi nghe thấy tiếng còi tàu từ rất xa vọng tới phía sau lưng chứ không phải là bên trái nữa. Đúng là cầu được ước thấy nhé! Ai bảo tự nhiên lại nổi cơn hâm lên, muốn đi dạo một mình ở trong rừng. Biết làm thế nào để về được trại đây. Mùa đông, trời sẽ sập tối xuống rất nhanh. Lại sắp sửa đến giờ ăn tối nữa… Hương nhớ ra điều đó tuy cô chưa hề thấy đói. Không khéo người ta lại phải đi tìm mình thì thật là phiền. Cô đưa mắt nhìn xung quanh, nhưng những lối nhỏ ngoằn ngoèo không dấu chân người không thể mách bảo được điều gì. Ánh nắng, vừa mới lúc nãy còn rực rỡ chảy tràn khắp chỗ và đọng vàng trên những thân cây thì lúc này đã biến đi đâu mất. Một bóng xám mờ, rất nhẹ đã loang ra, choàng lên cảnh vật.

          Tuyết đã biến thành màu xanh biếc. Dưới những gốc gây, nơi bóng tối đang tỏa ra chầm chậm, nó trở nên sẫm lại. Cái im lặng lạnh lùng và bí ẩn của rừng khiến cho Hương cảm thấy hơi hoang mang một chút. Nhưng vốn không phải là người nhút nhát, cô vẫn mạnh dạn tiến lên phía trước. Có lẽ mình lạc từ ngã ba ở dưới kia, Hương thầm nghĩ. Lẽ ra rẽ trái, thì mình lại đâm sang phải vì tin rằng nhà nghỉ ở phía này. Bây giờ thì không quay lại được nữa, vì đã đi xa quá rồi. Hi vọng là đường ở đây  chạy theo hình vòng thúng, rồi sẽ quay lại được.

           Lại một con sóc nào đó chạy qua trên đầu, làm cho những hạt tuyết nhỏ li ti rơi xuống. Hương không để ý gì đến nó vì trước mắt cô hiện ra một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, hệt như trong truyện của Anđécxen mà cô đã đọc từ thuở nhỏ. Cô suýt nữa reo lên mừng rỡ khi nhìn thấy những ô cửa sổ của ngôi nhà phủ đầy tuyết ấy sáng ánh đèn. Từ mái hiên, những nhũ băng chảy dài xuống, ngược chiều với làn khói mong manh đang uốn éo bay ra từ ống khói. Tuyết đọng dày trên nóc hàng rào gỗ sơn xanh và chiếc thùng thư gắn trên cột cổng nhưng lối đi vào nhà thì vẫn sạch sẽ phong quang, vì tuyết đã được cào gọn, vun lên thành từng đống.

           Có tiếng kẹt cửa, rồi một bà mẹ người Nga đi đôi ủng dạ to tướng bước ra. Một đôi mắt xám còn rất sáng, long lanh dưới tấm khăn vuông len nâu với khuôn mặt phúc hậu, ửng hồng. Một thân hình hơi đẫy đà trong chiếc măng tô da lộn, cổ lót lông. Hai người nhìn nhau trong giây lát và Hương có cảm giác hình như bà không ngạc nhiên vì sự xuất hiện của cô. Hương liền lúng túng chào.

           – Cháu là người Việt Nam à? – Bà mẹ người Nga hỏi, với nụ cười hiền hậu

           – Vâng ạ. Cháu đi chơi và bị lạc…

           – Chà, lại còn đi lạc nữa kia à? – Bà mẹ hỏi lại, như không tin vào điều đó. – Có một cô bé Việt Nam đi lạc… Cháu đang nghỉ ở nhà nghỉ Abramtxevô có đúng không?

           – Vâng ạ.

           – Hay nhỉ. – Bà đưa bàn tay đi găng hai ngón to tướng lên, gạt cổ tay áo lông bên trái để xem đồng hồ, mắt hơi nheo lại. – Mới có bốn giờ hai mươi… Còn sớm chán! Vào trong này đã, cháu. Lát nữa rồi bác sẽ chỉ đường cho mà về.

           – Thế từ đây về khu nhà nghỉ có xa không ạ? – Hương lo lắng hỏi.

           – Gần. – Bà mẹ lại mỉm cười rồi xoay người, mở cửa.

           – Cháu cám ơn bác!

           Hương giậm giậm chân trên bậc thềm mấy cái để giũ tuyết trên giày. Thoáng đọc thấy nỗi băn khoăn, ngần ngại trong ánh mắt của Hương, bà mẹ liền nói ngay một cách chân tình:

           – Vào đi cháu, không có ai cả đâu! Vào đây nghỉ ngơi đôi chút cho đỡ lạnh rồi hẵng về. Bác đảm bảo cháu sẽ kịp giờ ăn tối. Nhà nghỉ của cháu chỉ cách đây có mấy bước chân ấy mà!

           Theo chân bà mẹ, Hương bước vào trong nhà. Ngôi nhà, thì ra không đến nỗi nhỏ như cô tưởng. Có lẽ nó phải có đến bốn năm phòng gì đó, phảng phất mùi thơm của bánh mì, hoa quả tươi và cả mùi gỗ thông. Trong ánh đèn vàng ấm áp, mọi thứ đều có vẻ ngăn nắp, gọn gàng, từ tấm thảm trải sàn, rèm che cửa sổ cho đến chiếc đồng hồ quả lắc to tướng mà Hương biết rõ là mỗi tiếng lại có con chim thò cổ ra hót một lần. Nhưng cái làm cho cô lạ nhất lại chính là cảm giác hình như một thời gian nào đó xa xôi lắm, cô đã từng đến đây, vào chính ngôi nhà này và gặp đúng bà mẹ này. Cảm giác ấy dường như càng được tăng thêm khi cô nhìn thấy mấy chiếc khung ảnh cỡ lớn trên tường.

           Gây ấn tượng nhất là bức ảnh chân dung một người đàn ông mặc quân phục sĩ quan Liên Xô và bà mẹ khi còn trẻ. Một số khung ảnh khác, trong đó có ảnh ông, đầu đội mũ sắt đang đứng bên một bệ tên lửa phòng không. Những cây chuối cũng như hình ảnh cánh đồng và lũy tre ở phía xa đã cho Hương biết ngay đó là đâu. Ảnh một chàng trai mặc áo bông quân đội, mũ lông có ngôi sao đỏ búa liềm[3], ngồi thõng chân trên tháp pháo của một chiếc xe tăng to tướng bên khu rừng bạch dương đầy tuyết trắng.

           – Cậu bé nhà tôi đấy. Nó đi bộ đội, đang đóng ở Xibêri. – Bà mẹ nói, không giấu được vẻ tự hào. – Tên nó là Bôrix. – Còn đây là nhà tôi. – Bà mẹ chỉ vào khung ảnh lớn. – Ông ấy mất đã sáu năm nay rồi.

           – Thế… bác trai đã từng sang phục vụ ở Việt Nam ạ? – Hương vội hỏi.

           – Đúng rồi. Từ năm sáu nhăm đến sáu tám. Về nước được có mấy năm thì ông ấy bị bệnh rồi qua đời.

           – Cháu xin lỗi, cháu không biết… – Hương hơi lúng túng và tự hỏi, không biết trong suốt cuộc chiến tranh trên miền Bắc Việt Nam, đã có biết bao nhiêu chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp chúng ta đánh Mĩ.

           – Ồ, ai rồi cũng chết mà! – Bà mẹ phẩy tay một cái, ra vẻ không có gì quan trọng. – Cháu đã uống trà pha bằng ấm xamôvar[4] bao giờ chưa?

           – Chưa ạ.

           – Nếu vậy thì bây giờ uống thử. – Bà mẹ đặt chiếc ấm kim loại to tướng và bóng loáng lên bàn rồi cắm điện. Hương mỉm cười, thấy cũng hay hay vì cô nhớ, hồi xưa đọc sách dịch của Liên Xô, mãi vẫn không hình dung được chiếc ấm này như thế nào. Bây giờ lại có cả xamôvar điện và nó khiến cô liên tưởng đến một chiếc cúp gì đó hoặc cái lư hương của ông ngoại cô ở Mễ Trì.

           Hai người bắt đầu uống trà, ăn bánh mì phết bơ và mứt anh đào do bà tự làm. Có lẽ do mới sang đây chưa được bao lâu, cũng không rành rẽ gì về đồ ăn thức uống của người Nga, nên Hương không biết chiếc ấm xamôvar có gì đặc biệt. Nhưng ngụm nước trà nóng vừa uống vào cũng đủ giúp cô tỉnh hẳn cả người, còn mứt anh đào thì đúng là ngon thật. Bà mẹ Nga hơi ngạc nhiên khi biết rằng ở Việt Nam, mứt khô chứ không ướt và người ta thường chỉ làm vào dịp Tết. Hương không nói cho bà biết, rằng nó cũng được bán theo phiếu như rất nhiều thứ khác, mỗi gia đình chỉ được mua một hộp nửa cân thôi. Bà càng ngạc nhiên hơn khi Hương, tuy vẫn tự hào là người có vốn tiếng Nga kha khá, lúc này cũng phải dùng đến điệu bộ để diễn tả thêm về không khí Tết ở Việt Nam. Bà cười phá lên vui vẻ:

           – Hay quá nhỉ, thế mà tôi không biết. Trước đây, ông Vaxili Xecgâyêvisch nhà tôi biên thư về, chỉ toàn nói đến bom đạn và chết chóc thôi, chứ không kể gì đến Tết của Việt Nam cả. Ông ấy cũng khoe là bên ấy có rất nhiều chuối, muốn ăn bao nhiêu cũng được, làm cho tôi phát thèm… Nhưng bây giờ chúng tôi cũng nhập khẩu được rồi, từ Braxin, tuy không phải lúc nào cũng có thể xếp hàng mua được.

           Qua câu chuyện, dần dà Hương biết được rằng Valerija Pavlovna Xvetaieva là nhân viên kế toán tài vụ của một nông trang ở gần đây. Bà có ba con, anh cả và chị thứ hai đã có gia đình, đang sống ở Mátxcơva. Riêng Bôrija[5], mười chín tuổi thì thậm chí người yêu cũng chưa có. Thế thì ông kễnh này còn kém mình hai tuổi. Nhưng sao mà trông già thế! Hương thầm nghĩ và suýt nữa nói ra điều ấy. Cô cũng nhận thấy, bà mẹ luôn luôn dành những lời lẽ thật trìu mến để nói về chàng út, hết “dũng sĩ của tôi” lại “chàng chiến binh của tôi”, vì cái tên Bôrix cùng gốc với từ bôrext, có nghĩa là người chiến đấu. Rồi cả “niềm tin của tôi”, “vầng mặt trời của tôi” nữa. Các bà mẹ người Nga hay thật!

           Ngoài trời đã tối hẳn, nhưng dưới ánh đèn đường, những bông tuyết to và xốp đang rơi lả tả. Có lẽ ngay mai, trời sẽ ấm. Hương đứng dậy, vén màn cửa sổ nhìn ra ngoài một lát rồi nói với bà mẹ mới quen:

           – Valerija Pavlovna, cháu phải về đây kẻo muộn. Cảm ơn bác ạ!

           – Chờ tôi một lát!

           Valerija Pavlovna nói, rồi mặc dù bị Hương ngăn lại, bà vẫn nhanh chóng xỏ chân vào đôi ủng dạ và mặc áo măng tô cùng với lời giải thích:

           – Để tôi đưa cháu đi. Cũng gần ấy mà! Với lại, tôi cũng có việc cần phải đi về phía ấy.

           Cả hai người cùng bước ra ngoài. Bà mẹ không quên khóa cửa nhà và nói thêm với Hương:

           – Chúng ta sẽ đi lối tắt cho gần. Tôi không muốn để cháu đi một mình, vì chẳng may lại lạc nữa thì nguy. – Bà cười giòn khanh khách, một giọng cười rất trẻ, khiến Hương phải ngạc nhiên.

           Họ rẽ vào một lối nhỏ đầy tuyết mà nếu không để ý thì không ai nhận thấy. Trong tiếng bước chân lạo xạo, Valerija Pavlovna vui vẻ kể cho cô gái Việt Nam rằng bà có tới gần nửa tá cháu nội và cháu ngoại, gái trai đủ cả và nghịch như quỷ sứ. Hè nào chúng cũng về đây để quấy phá bà, và thỉnh thoảng, mỗi khi có dịp, bà lại lên Mátxcơva thăm các cháu. Bà cũng chẳng lạ gì ngôi trường và khu kí túc xá của Hương. Cô nghe, không lấy gì làm chăm chú lắm vì còn đang mải nghĩ, thì ra các bà mẹ trên toàn thế giới này đều giống nhau ở chỗ rất thương con và đến một lúc nào đó, là thương yêu các cháu. Một bản năng tự nhiên và rất con người.

           Đã ra tới bìa rừng. Valerija Pavlovna vỗ vỗ đôi tay đi găng len dày cộp vào nhau và bảo:

           – Đến nơi rồi, cháu gái ơi!

           Không hiểu tại sao Hương cảm thấy hơi thất vọng vì chặng đường ngắn thế. Cũng không ai biết mình biến mất! Thế này thì có khi đi lạc đến mấy ngày chúng nó cũng chẳng thèm đi tìm đâu… Giời ạ!

           Từ xa nhìn lại, những căn nhà gỗ hai tầng sáng ánh đèn nom thật bé nhỏ, lấp ló sau những cây thông trĩu tuyết. Tất cả đều có cái gì đó thật gần gũi và quen thuộc. Rất bình yên. Thế mà mình cứ tưởng là đã lạc được một trận ghê gớm lắm, lại còn quyết định là thế nào cũng phải viết thư khoe khoang với mọi người ở nhà nữa chứ! Hương mỉm cười, giễu cợt chính mình sau khi đã cảm ơn bà mẹ người Nga tốt bụng.

           – Ơ này, thế nhưng mà chiến tranh ở nước cô đã kết thúc chưa? – Valerija Pavlovna hỏi như vừa sực nhớ.

           – Dạ, lâu rồi mà bác! – Hương ngạc nhiên, không ngờ lại có một người hỏi cô như thế. – Việt Nam đã hòa bình, thống nhất từ năm bảy mươi nhăm rồi ạ!

           – Ôi, xin lỗi, thế mà tôi không biết. – Valerija Pavlovna choàng tay ôm lấy Hương và khẽ vỗ lên vai cô mấy cái.

           – Có gì đâu, bác! – Hương vội đáp và hẹn bà mẹ Nga tiện lúc nào về Mátxcơva thì rẽ vào chơi chỗ cô.   

           – Ồ, chắc chắn rồi! – Valerija Pavlovna mỉm cười và khẽ gật đầu trước lúc quay lưng. – Tạm biệt cháu!

           – Cám ơn bác nhiều! – Hương nói và giơ tay lên vẫy.

 

 

            Những ngày sau, Hương và các bạn đồng hành đắm mình trong các hoạt động chung của trại nghỉ, đi tham quan một nông trường ở gần đó, được ngồi xe tam mã vượt qua cả một cánh đồng rộng lớn. Mọi người tuy khác màu da, ngôn ngữ nhưng đều vui vẻ hòa chung tiếng Nga qua bài dân ca, mà nếu dịch đúng từng từ, sẽ phải là Kìa, chiếc xe tam mã chở thư phóng vút qua. Bài hát có cái gì đó hơi phảng phất buồn, vang lên trên bối cảnh này thật hợp, mặc dù có người vẫn đang cười khanh khách. Hương trầm trồ trước cỗ xe thật đẹp, ba con ngựa to lớn và rất khỏe, chạy băng băng trong tiếng nhạc leng keng. Người đánh xe, một chàng trai vạm vỡ râu quai nón, mũ lông, găng tay da có vẻ rất ngang tàng thỉnh thoảng lại vung roi thúc ngựa chạy nhanh hơn một chút. Nghe nói, ở khắp Liên Xô và nước Nga hiện nay, chỉ còn rất ít người biết cách thắng ngựa vào xe tam mã.

           Trong giây lát, giữa cánh đồng tuyết mênh mông, Hương như thấy hiện ra trước mắt cô hình ảnh Pugatsov, một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa và kết thúc bi thảm của ông trong truyện Con gái viên đại úy. Từ tác phẩm nổi tiếng của Puskin, người ta đã làm một bộ phim cùng tên cũng rất hay. Hương đã đọc truyện và xem bộ phim ấy. Anh chàng đánh xe này có cái gì đó hơi hơi giống Pugatsov trong phim thì phải. Đúng rồi! Cũng dáng vẻ ngang tàng ấy, cũng bộ râu quai nón xồm xoàm và chiếc mũ lông không kéo hai tai xuống…             

           Hương và các bạn kết thúc kì nghỉ bằng lễ hội tạm biệt mùa đông Nga. Lửa trại được đốt lên, mọi người nhảy nhót, reo hò, ca hát. Một số sinh viên nước ngoài và các cô ở nhà nghỉ hóa trang thành những thiếu nữ Nga trong trang phục dân tộc cùng biểu diễn một điệu múa dân gian mới tập, trong tiếng đàn balalaica và phong cầm Nga trầm bổng. Cuộc vui chỉ kết thúc khi đống lửa đã tàn, nhưng Hương chưa vội đi ngủ ngay. Cô còn đứng đó một lúc, nghiêng má đón lấy những bông tuyết mềm, đợi cho nó tan ra trên gương mặt nóng bừng vì cô biết, những dịp vui như thế này thật khó mà lặp lại.

           Hương trở về Mátxcơva, tiếp tục học. Tình yêu đến với cô một cách thật nhẹ nhàng, như lẽ tự nhiên phải thế. Các môn học, bài kiểm tra, kì thi… cuốn cô đi. Bãi cỏ sau kí túc xá của cô đã nở đầy những bông oduvalchik vàng rồi sau đó là romaska trắng. Mùa hè đã thật sự đến rồi! Những ngày nghỉ ở Abramtxevô đã trở thành chuyện cũ. Hình ảnh ngôi nhà gỗ trong rừng và Valerija Pavlovna dường như đã không còn chỗ trong kí ức của cô dù chỉ như một trong những kỉ niệm xa xôi.

 

 

           Đêm chủ nhật ấy, Hương đi chơi về rất muộn. Có lẽ mọi người đã ngủ hết rồi nên từ tầng một lên đến tầng mười ba, chiếc thang máy chở cô không phải dừng lại một lần nào. Hương nhẹ tay mở cửa và rón rén bước vào phòng, không dám cả bật đèn lên vì sợ ảnh hưởng đến người khác. Liuđa đang ngủ say, mái tóc dài của nó xõa ra trên gối. Một quyển sách nằm úp xuống sàn nhà. Hương nhặt quyển sách lên, đem để lại bàn và chỉ lúc ấy cô mới thấy trên đó có một lọ mứt và chiếc túi lưới đựng mấy quả táo. Cô bật chiếc đèn ngủ ở đầu giường.

           Trong quầng sáng vừa tỏa ra, Hương nhìn thấy một mảnh giấy với nét bút bi hơi nguều ngoào với những con chữ rất to như một đặc trưng của người Nga mà cô, dù có muốn cũng không bắt chước được. Trong giấy viết:

           Hương yêu quý,

           Nhân tiện lên Mátxcơva, bác ghé vào đây thăm cháu, nhưng tiếc là cháu lại không có nhà. Bác đem cho cháu lọ mứt anh đào và mấy quả táo hái ở vườn nhà. Lúc nào rỗi nhớ gọi điện cho bác và nếu có thể thì về chơi nhé. Chúc cháu mọi sự tốt lành! V.X.

          Hương giật mình chợt nhớ ra, bà mẹ Nga đã gửi một tấm bưu thiếp hẹn cô từ tuần trước mà cô quên mất. Có lẽ Liuđa đã nhận quà và đem giúp lên đây. Chứ mấy bà già gác cửa ghê gớm lắm, có cho người lạ lên phòng của sinh viên bao giờ! Chữ V.X, là viết tắt họ tên của Valerija Xvetaieva, không có phụ danh. Nhưng sao bà lại phải vất vả đến thế làm gì! Khổ ghê! Lần đầu tiên, Hương nhận thấy cô vô tâm đến thế nào. Làm sao mà gọi được điện để cảm ơn bà mẹ người Nga, khi mảnh giấy ghi số điện thoại của Valerija Pavlovna, cô đã vứt đi đâu mất. Còn tự nhiên vác xác đến nhà bất kì ai cũng là điều không nên. Người Nga không bao giờ làm như thế. Mà nếu đi theo kiểu ấy thì chắc gì đã gặp được bà.  

           Hương tắt đèn để cho ánh trăng từ đâu đó ngoài cửa sổ rọi vào phòng. Và từ tít trên cao, cô nhìn thấy một chiếc tàu điện có lẽ là chuyến cuối cùng trong ngày đang sầm sầm chạy nhanh qua ở dưới đường, thỉnh thoảng lửa xanh lại lóe lên trên cần dẫn điện. Trong cả hai toa tàu hình như chẳng có lấy một bóng người.

           Hương vẫn đứng đó, bên cửa sổ, suy nghĩ vẩn vơ. Cô biết, dù có đi nằm ngay bây giờ, cũng không tài nào ngủ được. Làm thế nào để gọi điện được cho Valerija Pavlovna? Tấm bưu thiếp của bà, Hương cũng để lẫn vào đâu rồi chẳng biết. Như vậy thì làm sao mà có được địa chỉ để gửi thư. Sáng ra thử tìm lại xem, không biết có thấy không. Tấm bưu thiếp có in hình những bông hoa cẩm chướng. Những dòng chữ to tròn bằng mực tím… Ôi, mẹ Nga! Hương khẽ thốt lên. Mình… đúng là chán thật! Cô gái tự trách mình như thế và quyết định sẽ phải bằng mọi cách liên hệ lại với Valerija Pavlovna cho bằng được.

 

 

                                                                                                                                                                                                                                                                     

                                                                                                                               8.1995

                                                                                                        (Bút danh Hoài Thu)

 

[1] Loại lò sưởi dùng nước nóng ở các quốc gia hàn đới.

2 Loại tàu hỏa chạy điện, hoạt động trên những tuyến đường ngắn.

[3] Quân hiệu của Hồng quân Liên Xô.

[4] Loại ấm của người Nga có bộ phận giữ nhiệt cho nước trà được nóng.

[5] Cách gọi thân mật, âu yếm người có tên là Bôrix.