Văn xuôi · 14/01/2022

MỘT TÌNH YÊU

 Truyện ngắn

 

          Trên đời, thật chẳng có gì khổ tâm hơn là chuyện con dại cái mang, cha mẹ dạy dỗ khuyên bảo đủ điều nhưng không được. Đám trẻ cứ suy nghĩ và hành động theo ý của chúng, đinh ninh rằng mình đúng. Để rồi đến lúc va vấp hay hỏng việc, lãnh chịu đủ mọi thứ hậu quả nặng nề, hối hận không kịp nữa thì chính các bậc phụ huynh lại là những người đau khổ, phiền lòng nhất.

          Ông Thừa không biết nên vui hay buồn nữa khi được Ngân, cô con gái út hai mươi sáu tuổi thông báo là nó đã có bạn trai được ba bốn tháng nay rồi. Và cũng như những lần trước, với những sự kiện khác, ông là người cuối cùng trong gia đình được thông báo tin này. Vợ và hai đứa con trai lớn của ông hẳn là đã được nghe chuyện từ lâu nhưng không hề tiết lộ gì. Còn con bé thì mãi đến tối qua, sau khi ăn cơm xong mới rụt rè nói với ông:

          – Bố ạ, con có bạn trai rồi.

          – Ồ thế à? Thế thì tốt quá.

          Ông Thừa khẽ thốt lên và không hiểu tại sao lớp trẻ ngày nay lại gọi người yêu của chúng là bạn, cứ như đùa! Không như thế hệ của ông ngày trước, người yêu ra người yêu, bạn ra bạn, rất rõ ràng. Dù sao, người cha ấy cũng lấy làm mừng vì đây là điều ông mong mỏi đã từ lâu. Con Ngân đâu có còn trẻ trung gì nữa. Bạn bè nó nhiều đứa đã có chồng có con cả rồi. Còn nó… Tuy đã có mấy đứa đặt vấn đề, nhưng không hiểu tại sao con này chỉ lắc. Đến bây giờ… Ông vẫn nhớ, con mình là kết quả sau một lần bà đi chùa Hương và tự dưng lại xoa đầu bà cô ở đó…

          Ông hỏi con Ngân thêm vài câu và được biết thằng kia tên là Hưng, quê ở Ninh Bình, kém nó hơn một tuổi. Đi học nước ngoài về và đã có công ăn việc làm trong một cơ quan Nhà nước. Hai đứa làm quen với nhau ở lớp học tiếng Hàn. Nhưng ông thật sự bất ngờ khi biết người yêu của con gái mình, theo cách nói hiện nay, thuộc vào hàng gia thế khủng. Bố của cái thằng Hưng kia tên là Dụng, bộ trưởng mới về hưu chưa lâu. Bà Oanh, mẹ nó thì đã từng làm phó tổng giám đốc một Ngân hàng Nhà nước. Ông Thừa hơi trầm ngâm một lát:

          – Sao con lại yêu thằng ấy? Chẳng lẽ trên đời này lại hết những người bình thường khác rồi à?

         – Ơ thì… con thấy nó cũng tốt mà! – Con Ngân chưa hiểu ngay ý bố.

         – Tốt hay xấu gì không biết, nhưng con thử nghĩ lại xem, hoàn cảnh gia đình mình thế này làm sao xứng được với bên nhà nó?

         – Thế thì có làm sao đâu, bố!… – Con Ngân hơi đắn đo một lát – Với lại, lúc đầu con có biết là bố mẹ nó làm to thế đâu. Cứ tưởng nhà nó cũng bình thường thôi chứ ai ngờ như thế… Tại vì con không hỏi mà nó cũng chẳng nói năng gì hết. Lúc nào cũng ăn mặc lôi thôi lếch thếch như thằng xe ôm ấy, lại còn đi cái xe Dream cũ rích. Mãi sau con mới biết.

          Ông Thừa khẽ lắc đầu:

          – Không bình thường đâu con ạ. Kể ra nếu chênh lệch nhau ít thôi thì còn được. Đằng này, bố nó là bộ trưởng, mà muốn làm bộ trưởng thì dứt khoát phải là ủy viên Trung ương Đảng. Mẹ nó làm phó tổng giám đốc Ngân hàng, chắc cũng hàm vụ trưởng. Đấy là người nhìn đâu cũng thấy tiền, như kiểu bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn đâu cũng ra tội phạm. Còn cái bọn cán bộ lãnh đạo thì dù chỉ là ở cấp thấp như xã, phường… cũng đã coi dân như cỏ rác rồi. Trong khi đó bố mẹ làm gì, con có biết không?

          Cô con gái xịu ngay mặt xuống:

          – Thì con biết làm thế nào… Mà bây giờ, có còn ai đánh giá gì chuyện ấy nữa đâu, bố!

          – Vẫn đánh giá đấy, con ơi! Thậm chí còn hơn cả ngày xưa nữa, bởi vì chưa bao giờ con người ta lại thực dụng như bây giờ, khi đồng tiền là trên hết. Rất nhiều người như thế đấy. Mọi thứ đều căn cứ vào tiền nong và địa vị. Nhiều đôi trai gái yêu nhau chỉ vì tiền. Có những đứa lại còn đem tiền bạc và vị thế gia đình của nó ra như một thứ mồi nhử… Con không sợ nó nghĩ, con đến với nó là vì nhà nó quá ư là giàu có và ở tận trên tít mù cao à? Rồi bố mẹ nó nghĩ về con như thế nào? Liệu có chắc là người ta không cho là con có ý đào mỏ nó không?

          – Con không biết. Nhưng có lẽ không đến nỗi như thế đâu. – Ngân có vẻ không được tự tin cho lắm.

          – Nếu đã thật sự yêu nhau, thì đó là điều con phải biết. – Ông Thừa vẫn ôn tồn nói. – Mà con cũng nên biết, nó đến với con vì lí do gì: sắc đẹp, tiền tài hay danh vọng? Và liệu con có đáp ứng được những tiêu chí ấy của nó không? Lại còn hơn tuổi nó… Đừng bao giờ để cho người ta nghĩ mình đũa mốc chòi mâm son, ham muốn địa vị gia đình nhà nó hay tìm kiếm lợi ích vật chất sau này. Biết đâu nó lại chẳng yêu con như một sự ban ơn hay trông xuống? Mà nếu thế thì chỉ có chia tay nhau sớm.

          – Thế bây giờ làm thế nào? Bố thử nói đi! – Có vẻ như con Ngân không giữ được bình tĩnh nữa, đâm ra cáu.

          Hừ, con này láo thật! Ông Thừa nghĩ. Trước, thì chẳng chịu nói năng gì với bố, đến bây giờ mới báo tin như một sự đã rồi, lại còn quát lên như thế. Ông giận lắm nhưng vẫn chỉ nói một cách nhẹ nhàng:

          – Con thử xem, nếu chưa gắn bó gì sâu lắc lắm thì nên dừng lại, may ra còn kịp. Chứ nhà mình không hợp với nhà nó đâu.

          – Bố thật đúng là… – Ngân đỏ mặt, vùng vằng đứng dậy, không nói thêm một câu nào nữa.

          Ông Thừa khẽ lắc đầu chán nản. Cũng y như mọi khi, trong mọi chuyện, con gái ông sẽ không để ý gì đến lời khuyên bảo hay nhắc nhở gì của bố. Cái bản tính ương bướng của nó xưa nay vẫn thế. Nó lại đang đắm chìm trong một mối tình đầu khá muộn màng và chắc chắn thằng kia đã làm cho nó mờ mắt mất rồi. Ông thầm lo lắng cho con Ngân, nhưng không biết làm thế nào cho nó hiểu. Lớp trẻ ngày nay dường như chỉ biết nghĩ đến mình và luôn luôn cho mình là đúng. Mà xã hội thì có biết bao nhiêu là cạm bẫy chết người.

          Ông già về hưu ấy thừ người ra suy nghĩ. Sẽ thật là nguy hiểm nếu con Ngân lại tưởng rằng nó đã tìm được người có thể hoàn toàn tin cậy và xa hơn, là đảm bảo cho cuộc sống của nó sau này. Nó có biết, một gia đình như thế chắc phải giàu có lắm, quan hệ rất rộng và có khả năng chi phối luôn cả nhiều người khác? Lại nữa, thói quen ăn trên ngồi trốc, bắt người khác phải phục tùng đã ngấm vào máu thịt rồi, và bệnh gia trưởng không thể nào thay đổi… Ngay cả sau khi họ đã về hưu! Nếu con ông về làm dâu nhà ấy thì sẽ ra sao? Nó sẽ là một thứ ô sin hay nô lệ thời hiện đại? Lần đầu tiên, ông Thừa lấy làm tiếc vì mình không có một chức vụ gì cao hơn là anh phó quản đốc quèn, còn vợ làm trưởng phòng tài vụ, cùng trong một nhà máy chẳng mấy ai biết tiếng.

          Theo nếp nghĩ từ xưa, rất tự nhiên, ông thấy một người như mình thì không thể nào ngồi cùng mâm với một ông bộ trưởng hay bà vụ trưởng nào đó được. Và cho dù không nói ra thì chắc chắn họ cũng chẳng coi ông, thậm chí là cả gia tộc nhà ông ra gì. Mà xét cho cùng, mọi mối quan hệ trên đời đều rất cần sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nếu không thì chẳng bao giờ có được điều gì tốt đẹp. Ngay cả trong quan hệ gia đình hay thông gia với nhau cũng thế.

          Con Ngân không biết, từng có chuyện một ông cán bộ lãnh đạo cấp rất cao không bao giờ dàn mặt thông gia, còn vợ ông thì chỉ tiếp họ trong căn bếp kiêm phòng ăn của gia đình. Tất nhiên, cái bếp hay phòng ăn của vị lãnh đạo ấy chắc chắn phải rộng rãi khang trang gấp bao nhiêu lần ngôi nhà của một thường dân. Nhưng dù sao, bếp vẫn không phải là phòng khách! Mà ông thông gia bất hạnh kia là đại tá quân đội, còn vợ ông là một danh ca chứ nào có phải thường dân. Con trai ông, vào lúc hai gia đình chưa kết thân đã nổi tiếng học giỏi và đang làm nghiên cứu sinh ở Trường đại học Lômônôxốp.

          Ông Thừa càng ngại hơn khi biết thằng Hưng là con một. Của ấy được nuông chiều phải biết! Có lẽ không khác gì những cậu ấm ngày xưa. Và hẳn là một tấm thảm đỏ đã trải dài trước mặt nó ngay từ khi mới vào lớp một. Chả thế mà hết lớp chín, nó đã đi du học Úc, sau đó vào đại học rồi làm luôn cao học. Về nước, ngay lập tức nó trở thành cán bộ của một cơ quan rất quyền uy và chỉ một năm sau đã chuẩn bị đi làm nghiên cứu sinh bên Hàn Quốc.   

          Tối hôm ấy, ông Thừa đem những suy nghĩ, băn khoăn của mình chia sẻ cùng với vợ. Bà, không những không đồng cảm thì chớ, lại còn tìm cách gạt đi:

          – Ôi dào, ông chỉ toàn nghĩ quẩn. Chênh lệch thì đã làm sao! Con mình yêu là yêu cái thằng Hưng ấy, chứ có phải yêu bố yêu mẹ nó đâu! Việc gì ông phải tỏ ra mặc cảm như thế? Người ta là người, mình cũng là người chứ sợ gì?

          – Tôi không sợ mà cũng chẳng có mặc cảm gì hết! – Ông Thừa cãi. – Nhưng đấy rồi bà xem, liệu tôi nói có đúng không. Xã hội nào cũng có sự phân chia đẳng cấp. Mình đi xe đạp cà tàng thì không thể sánh với người ngồi trên ô tô con được. Hơn nữa, thiên hạ thiếu gì người mà con Ngân nó lại phải yêu một thằng như thế. Thằng ấy nên để dành cho những đứa con nhà đại gia đi xe Mercedes hay Lexus cơ… Còn nhà mình ấy à, cứ lấy con nhà cỡ trưởng phó phòng gì đó hay thậm chí là xe ôm hay tắc xi cũng được rồi.

          – Thôi đi ông ơi, ông lẩm cẩm quá đi mất! Thế bây giờ, chẳng lẽ lại bảo con gái mình cắt đứt đi à? Suốt bao nhiêu lâu, mình vẫn mong cho nó sớm có nơi có chốn, đến bây giờ mới có được thằng này… Mà nghe nói nó cũng có vẻ nghiêm túc, và đã hỏi con Ngân nhà mình, là em có đồng ý lấy anh không đấy!

          Hừm… Hai mẹ con bà này hay thật! Lời nói nào cũng đều có thể là chót lưỡi đầu môi, biết đâu mà tin được! Cái quan trọng là hành động như thế nào. Ông ngạc nhiên thấy vợ mình sao lại dễ tin người đến thế! Hay cái chức danh bộ trưởng đã được bà ấy coi như một thứ bảo chứng cho đạo đức và tư cách của thằng kia? Bộ trưởng cũng có dăm bảy đường bộ trưởng… Có thằng đương chức hẳn hoi còn bị khai trừ Đảng, lôi ra tòa kết án tù mọt gông đấy thôi! Bà không xem ti vi à? Ông cố gắng thuyết phục bà lần nữa:

          – Chuyện nó nói thế nào tôi không biết, nhưng điều quan trọng, là nó nghĩ như thế nào. Hơn nữa, lời nói gió bay ấy mà! Bao nhiêu cặp đôi lúc mới yêu thì thề non hẹn biển, cuối cùng vẫn cứ bỏ nhau huống chi là con nhà mình. Mà cái thằng Hưng này lại là con một. Tôi sợ ngay từ khi còn nhỏ nó đã nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ rồi, muốn gì được nấy, đừng có ai làm trái ý nó. Thậm chí, có khi nó đánh vỡ đầu con nhà người ta, thì bố mẹ cái đứa bị đánh kia còn phải đến tận nhà nó mà xin lỗi! Bà thử nghĩ xem, giả sử có một lúc nào đó vợ chồng mình gặp mặt bố mẹ nó, thì biết nói gì? Chuyện nhân sự trong kì Đại hội sắp tới à? Hay là chuyện chơi gôn, rồi mua bao nhiêu héc ta đất ở chỗ nọ chỗ kia? Kinh doanh vàng bạc và đá quý? Hai bà thông gia sẽ nói gì cho hết thì giờ?

          Bà Thừa, tên thật là Luyến, trả lời chồng bằng sự im lặng. Ông biết vợ mình không phải là người ham hố danh vị hay tiền bạc, trái lại dường như bà chỉ cho đi mà không màng nhận lại bao giờ. Nhưng riêng trong chuyện này, có lẽ bà hơi ảo tưởng. Cũng có thể do bà cả tin, cộng thêm vào đó là niềm hi vọng, rằng con mình kiếm được một nơi tử tế. Mà xét cho cùng, có ông bố hay bà mẹ nào không muốn thế đâu! Chỉ có điều, mong là như vậy, nhưng thành được hay không lại là chuyện khác. Ông Thừa bỗng thở dài đánh sượt. Thật khó mà có thể thay đổi suy nghĩ của hai mẹ con cái bà này.

 

          Ba bốn ngày sau cuộc đối thoại giữa vợ chồng ông Thừa thì thằng Hưng xuất hiện. Chiều ấy, con Ngân đi làm về dẫn theo một thanh niên vạm vỡ, ăn mặc đúng kiểu cán bộ văn phòng: sơ mi trắng cắm thùng, quần xanh tím than là phẳng nếp và đôi giày da đen bóng. Cố làm ra vẻ tự nhiên, Ngân nhẹ nhàng nói với ông Thừa:

          – Đây là Hưng, bạn con.

          – Cháu chào bác ạ! – Thằng kia tỏ ra khá mau mồm mau miệng.

          – Chào cháu! – Ông Thừa khẽ gật đầu rồi đứng dậy bắt tay Hưng. Cái bắt tay không chặt cũng không lỏng, thể hiện thái độ không vồ vập nhưng cũng không lạnh nhạt.

          – Cháu ngồi đây. 

          – Vâng ạ. Cám ơn bác.

          Trong khi con Ngân đang bận pha nước uống, ông Thừa đành phải tiếp chuyện cậu con trai mà mới chỉ thoáng nhìn qua đã có cảm giác nó hơi già trước tuổi. Không thể tin được mới hăm lăm! Ông già hưu thầm nghĩ. Nếu không biết trước, mình đã đoán nó ba mươi, thậm chí nhiều hơn.

          Hưng đưa mắt nhìn quanh gian phòng một lượt rồi khen theo kiểu lấy lòng:

          – Nhà bác đẹp thế!

          – Đẹp gì đâu cháu. – Ông Thừa nhếch mép cười, đi guốc vào bụng nó. Khổ, căn nhà chỉ có mặt sàn hơn năm chục mét vuông, đồ đạc đơn sơ lại lọt thỏm giữa một con ngõ nhỏ. Xây đã lâu, làm sao mà đẹp được. Đâu phải căn biệt thự ba mươi tỉ của một nguyên bộ trưởng nhà mày ở Mĩ Đình!  

          – Mà bộ bàn ghế này cũng rất hài hòa với gian phòng… Gỗ gụ đây hở bác? Kiểu cách đẹp ghê. Cháu chưa thấy ở đâu có bộ bàn ghế như thế này. Tưởng đơn giản nhưng vẫn sang trọng. – Gã thanh niên lại hót.

          – Ờ… Uống nước đi cháu. – Ông Thừa đẩy về phía Hưng cốc nước sấu đá mà con Ngân vừa đem ra. – Con ngồi đây này.

          Ngân kéo ghế, ngồi xuống bên cạnh thằng Hưng. Một so le thấy rõ. Gã trai to khỏe, da trắng mặt tròn, có vẻ khá cao. Còn con bé này thì lại hơi gầy gò, dỏng dớt, trông không đẹp đôi một chút nào. Không hiểu tại sao hai đứa lại có thể đến được với nhau.

          Ba người bắt đầu nói những chuyện không đầu không cuối. Ông Thừa tránh không hỏi đến bố mẹ thằng Hưng, những là bao nhiêu tuổi, công tác ở đâu, quê quán, nhà cửa thế nào… Phần thì ông đã biết qua lời kể của con Ngân, phần ông không muốn để cho người đối thoại nghĩ rằng ông quan tâm nhiều quá đến gia đình nó. Vì thế, ông chỉ đưa đẩy dăm câu ba điều rất chung chung về chuyện học hành, công việc của thằng Hưng.

          Gã trai trả lời đúng những gì ông đã hỏi. Không một lời khoe khoang về gia thế, nhưng cũng kịp nói đến chuyện nó sắp đi làm nghiên cứu sinh bốn năm bên Hàn Quốc. Ông Thừa chỉ ừ hữ cho qua vì đối với ông, điều đó nào có nghĩa gì đâu! Con Ngân thì đã quyết định dừng lại sau tấm bằng thạc sĩ do Anh quốc cấp. Hai ông bà thấy con mình không nhất thiết phải đua chen hơn nữa, nên cũng không ép nó. Để bù lại, nó học thêm piano vào những khi rỗi rãi.

          Sau buổi ra mắt đầu tiên ấy của thằng Hưng đến mấy ngày, con Ngân mới dè dặt hỏi ông:

          – Bố thấy thằng Hưng nó thế nào hở bố?  

          – Thế nào là thế nào?                                           

          – Thì… bố thấy nó có được không? Người ngợm, tính nết thế nào…

          Ông Thừa hiểu, con gái đang mong đợi điều gì. Nhưng chính vì thế ông lại không muốn nói vì sợ con hụt hẫng hay thất vọng. Nó muốn ông tán thành sự lựa chọn của nó và cho một nhận xét tích cực để nó có thể yên tâm mà bước tới. Tuy nhiên, ông không thể cho phép mình nói dối con. Vì thế ông đành phải chọn giải pháp nửa đùa nửa thật:

          – Được, người ngợm thì cũng được. Đẹp trai. Nhưng mà con có biết không, càng đẹp trai thì lại càng dễ lăng nhăng, không tin được đâu. Còn tính nết như thế nào thì chưa biết. Phải có quá trình… Thì bố nói chuyện với nó mới được có năm mười phút ấy mà.

          Sau này, ông Thừa biết thêm là thằng Hưng cao một mét bảy mươi, nặng sáu mươi lăm cân. Và ngay từ lúc mới bước vào cơ quan nó đã được bố mẹ mua cho chiếc Camry, ngang với tiêu chuẩn bộ trưởng thời đương chức. Còn ông “nguyên” kia thì đã tự sắm lấy một con Mercedes S 500 trước lúc về hưu. Điều đáng nói, là tài sản hai ông bà đều của ai, người ấy giữ, trừ những thứ đã được họ chung vốn, góp tiền. Tất cả đều có giấy tờ công chứng đàng hoàng và lập di chúc hết rồi.

           Mỗi khi đi đâu xa, dù trong hay ngoài nước, thằng Hưng cũng đều mua vé máy bay hạng thương gia. Còn hằng ngày, lúc đi làm, nó lại khiêm nhường tự biến mình thành lái xe riêng của sếp là một trưởng phòng chưa đầy bốn mươi, đưa đón anh này cẩn thận. Song le, do mắt cận nhưng chẳng biết vì lí do gì lại không chịu đeo kính hay tay lái còn non nên nó đã va quệt đến mấy lần, may mà chưa gây tai nạn. Cách đây không lâu, trong lúc chở con Ngân đi chơi, nó vô tình lao vào đường ngược chiều, bị cảnh sát giao thông lập biên bản và giữ giấy tờ. Xin xỏ mãi không được, nó chỉ buông một câu gọn lỏn:

           – Được thôi.

           Con Ngân không ngờ chỉ sau đó hai ngày, một Trung tá áo vàng đã đem toàn bộ giấy tờ xe của thằng Hưng đến nhà nó trả lại cùng với lời xin lỗi:

           – Hai bác thông cảm, cậu ấy mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm… Lãnh đạo đội cháu đã nhắc nhở và hủy biên bản đi rồi.

           Cũng trong lần tiếp xúc đầu tiên, ông Thừa đã thấy thằng Hưng có vẻ bạo dạn, tự tin hơi thái quá. Cái tự tin của một kẻ nghĩ rằng mình có đủ sức làm mọi việc và chân lí luôn luôn thuộc về mình. Phải mỗi tội dáng dấp của nó thì lại hơi thô kệch, trong khi cái lưng gấu quá dài. Về mặt tướng số mà nói, đấy là một kiểu người xảo trá, hay thay lòng đổi dạ và nhiều thủ đoạn. Hơn nữa, việc nó tình nguyện đưa đón sếp hằng ngày mang ý nghĩa thế nào nếu không phải là một cách lấy lòng hay toan tính kĩ càng, thậm chí của cả gia đình nó?    

          Trái ngược với chồng, bà Luyến lại có vẻ yên tâm lắm. Bà khen thằng Hưng có vẻ rất chững chạc, đàng hoàng, mặc cho ông cãi thế nào. Bỏ ngoài tai những lời lẽ của ông, bà đã nghĩ đến việc cho con Ngân căn hộ mà hai ông bà có được ở Nha Trang để thỉnh thoảng vào nghỉ mát. Lại còn định lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cái nhà này, mua thêm đồ đạc và đổi cho nó cái xe máy mới. Chứ cái xe này nó đã đi suốt từ khi vào đại học đến giờ…

          Ông Thừa lơ đãng nghe vợ nói nhưng không phản bác mà cũng chẳng đồng tình. Than ôi, bà đã nghĩ đến chuyện đường dài cơ đấy. Muốn cho con mở mày mở mặt với nhà kia. Nhưng liệu có sớm quá không, khi mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu cả. Giới trẻ ngày này yêu thì cứ yêu thôi, thậm chí là sống thử với nhau đến chán chê, có cả con ra đấy nhưng đâu phải vì thế mà chúng nó sẵn sàng cho cuộc sống gia đình. Thật đúng là ảo tưởng!

          Thằng Hưng chăm đến nhà hơn. Vợ chồng ông Thừa coi đó là chuyện bình thường, còn con Ngân thì ngày càng chú ý đến việc trang điểm, làm tóc và cái kho thời trang với hàng trăm bộ áo quần của nó đã được bổ sung thêm nhiều món đồ mới. Mỗi lần gã kia đến, hai đứa lại quấn quýt lấy nhau rồi thằng Hưng, đúng như một thanh niên có giáo dục, lại xin phép hai bác đưa em Ngân đi đâu đó, như ăn tối, uống cà phê hoặc đi xem phim, nghe hòa nhạc… Cái từ “em” nó dành cho con Ngân mới ngọt làm sao; cứ như không phải nó kém con Ngân một tuổi.

          Tất nhiên, ông Thừa và bà Luyến không có lí do gì để ngăn cản mà chỉ biết nhắc con nên cẩn thận giữ mình, đừng có đi xa quá. Cái Ngân vâng vâng dạ dạ rồi vui vẻ ôm vai bá cổ bạn trai một cách rất tự nhiên. Ông Thừa khẽ thở dài, biết rằng lời nhắc nhở của hai ông bà già sẽ bị nó vứt lại ở ngay đầu ngõ nhưng chẳng làm gì được. Cứ nhìn ánh mắt đắm đuối và thái độ của nó với thằng kia thì biết! Thế mà còn dám nói với mẹ rằng thằng Hưng nó giết con mất, vì con không yêu nó bằng nó yêu con. Nghe bà kể chuyện ấy, ông chỉ đáp lại rằng, bà phải nghĩ ngược lại đi, chẳng qua nó làm ra vẻ sĩ diện thế thôi. Ra vẻ ta đây cao giá một tí thôi, chứ chẳng lẽ lại “Con yêu thằng Hưng quá mất rồi” à?

          Thằng Hưng không giết con Ngân. Nó không có lí do gì để làm việc đó. Nhưng mỗi lần hai đứa đi với nhau, ông Thừa lại thấy hơi gờn gợn thế nào. Gã trai, trông cứ như một vận động viên, cao hơn con này gần một cái đầu. Còn con bé mảnh mai chỉ gợi nên sự yếu đuối, cần che chở.

           Được cái, không bao giờ hai đứa về muộn quá mười một giờ đêm. Một sự khôn ngoan, chừng mực của thằng Hưng chăng, hay là nó muốn tỏ ra tôn trọng bố mẹ người yêu? Tính cả chặng đường từ đây về đến Mĩ Đình? Ông Thừa không biết, nhưng điều đó đâu có gì quan trọng. Trong cái thời buổi ra ngõ là gặp ngay nhà nghỉ, cách vài bước chân lại có một hotel đủ loại; nhiều đứa học sinh phổ thông cứ thản nhiên mặc nguyên đồng phục chui vào đó hú hí với nhau giữa ban ngày rồi lại còn í ới nói cười, thì chuyện gì chẳng có thể xảy ra! Mà đám con gái bây giờ còn mấy đứa nghĩ đến chuyện giữ gìn trinh tiết. Ông Thừa từ lâu đã biết lớp trẻ ngày nay hiện đại lắm rồi, nhưng vẫn không khỏi sốc khi thấy mấy cô công nhân trẻ trong phân xưởng của ông vừa đi vừa nói oang oang như để cho cả thiên hạ cùng nghe thấy:

          – Mẹ, yêu nhau mà không ngủ với nhau thì yêu làm đéo gì cho nó mệt!

          Ông không nghĩ con Ngân lại táo tợn và sống sượng đến mức ấy, nhưng bây giờ nào có như ngày xưa. Chẳng ai ngăn được lớp trẻ ăn trái cấm, mà y học cũng cho rằng không nên cấm làm gì. Đã thế, sách vở lại nhiều, vidéo clip nhiều, chỉ mấy cái nhấp chuột hay quệt ngón tay trên màn hình điện thoại, chúng nó đã tiếp cận được ngay bao nhiêu thông tin, hình ảnh đủ loại về tình dục và kĩ thuật phòng the. Hơn nữa, cả bọn lúc nào cũng sôi sục muốn phá toang mọi thứ rào cản đạo đức và luân lí nhằm thỏa mãn nhu cầu của chúng. Các loại thuốc men và dụng cụ tránh thai thì chỗ nào cũng có, lại còn quảng cáo khắp nơi. Thế thì làm sao mà chúng nó không thử liều mình khám phá!

          Có vẻ như thằng Hưng đã quá quen với gia đình ông Thừa. Nó cũng hay ở lại ăn cơm, không đợi phải mời. Món nào nó cũng ăn một cách rất nhiệt tình và khen ngon rối rít. Lúc đầu, ông Thừa nghĩ hay là nó “diễn”, cũng như lúc ở lớp học tiếng Hàn. Đã có cô vừa mới làm quen đã bắt nó đưa đi chơi rồi lại đòi quà tặng, bị nó đuổi ngay thẳng cẳng. Còn bây giờ thì nó luôn luôn gật gù, làm ra vẻ tán đồng mọi ý kiến của ông.

          Ông Thừa hơi dị ứng với cái cách ứng xử của thằng Hưng nhưng cũng thấy  đúng là nó dễ nuôi thật khi gã trai không cần hỏi ai đã thản nhiên vét sạch bát sắn hầm chân giò cà chua còn thừa ở trên bàn. Đấy là món mà ông, lần đầu tiên được ăn là trong một bữa cỗ từ hồi đi sơ tán, đến bây giờ vẫn thỉnh thoảng lại làm như để nhớ về một thời gian khó. Lần khác, thấy bà Luyến vừa đem món nem rán ra, nó đã gắp và cho luôn vào miệng, suýt nữa thì bị bỏng. Đến nỗi phải hớp hớp không khí liền mấy cái cho nguội bớt chứ không dám nhè ra. Ông nhìn nó, không tránh được cảm giác hơi thương hại:

          – Ê, thế là bị mất điểm rồi đấy nhé!

          Thực ra, nhà thằng Hưng chả thiếu thứ gì lại có cả người giúp việc hẳn hoi nhưng bố mẹ nó không muốn mất thời gian nấu nướng. Kể cũng phải, vì chỉ gọi một tiếng là đã có ngay mọi thứ sơn hào hải vị đem đến tận nơi; tuần nào cũng kéo nhau đi ăn hiệu, lúc được mời, lúc lại mời người khác. Nhưng những món ăn dân dã hình như cũng có sức hấp dẫn riêng, kiểu như rau lang luộc hay cá bống kho khô trong những gia đình giàu có.

          Bây giờ thì ông Thừa đã biết thêm, bố Hưng năm nay sáu mươi ba, kém ông hai tuổi, một thời từng mơ ước được làm đến chân thư kí hợp tác xã đã là tốt lắm rồi. Hai cậu ruột nó, người là trung tướng công an, người bí thư tỉnh ủy. Hai mợ nó, thì một làm vụ trưởng Vụ đối ngoại, còn cô kia là giáo sư tiến sĩ, nghĩa là đủ hai ban văn võ. Nể chưa?! Chẳng bù cho họ hàng nội ngoại bên này, toàn những nông dân thứ thiệt, cắm mặt xuống đất chổng mông lên giời. Riêng ông, cố gắng lắm cũng chỉ có được tấm bằng kĩ sư cơ điện. Thế thì môn đăng hộ đối làm sao được?

          Tuy nhiên, ông không khỏi giật mình khi con Ngân kể lại, đã có lần thằng Hưng đẩy bố nó ngã đập đầu vào tường vì ông ta dám túm tóc, đấm và tát mẹ nó trong một vụ cãi nhau. Trời đất ơi! Bộ trưởng, kẻ đứng trên muôn người, dưới vài người, luôn luôn dạy dỗ chỉ bảo về mọi nhẽ cho cấp dưới và dân chúng sao lại có thể hành xử như thế được! Ông Thừa bỗng lo cho con gái mình nếu chẳng may nó về làm dâu nhà ấy. Mà nghe đâu cái ghế bộ trưởng kia có được, một phần quan trọng là nhờ có bà nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng đấy nhé!  

          Cũng theo lời con Ngân, mọi việc trong gia đình thằng Hưng đều do mẹ nó quyết định và họ hàng bên nội nhà nó mỗi khi ra chơi đều được bà này đối xử như với những người dưng. Thêm một lần nữa, ông Thừa thấy mình có lí do để mà lo ngại. Càng đáng lo ngại hơn khi trong lần con Ngân ra mắt bố mẹ thằng Hưng và ăn cơm ở đó, mọi người đều có vẻ không ưng con này cho lắm, lại còn chê là nó hơi thụ động.     Làm sao mà khác được, vì con Ngân xưa nay vốn đã vụng lại lười. Đó chính là điều mà ông không cách nào thay đổi được. Và bị coi là thụ động, có lẽ là do nó chỉ biết chờ đến lúc được gọi vào bàn, rồi đến lúc ăn xong lại không xắn tay áo lên mà rửa bát. Thì ở nhà, có bao giờ nó chịu làm những việc ấy đâu!

          Chẳng biết thế nào, bà phó tổng kia lại thân chinh lái xe đưa con Ngân đi khoe với nó cả một tòa nhà lừng lững chín tầng, cho thuê làm các loại văn phòng mỗi tháng hơn năm trăm triệu, rồi mấy căn hộ mặt đường ở một khu đô thị mới. Cho nó xem những chiếc túi hàng hiệu với giá cả mấy ngàn đô và tủ nước hoa gần một tỉ đồng. Liệu đây có phải là một cách thăm dò thái độ của con Ngân không, hay chỉ đơn giản là sự hợm mình khoe của?

          Cũng may, con Ngân không bị choáng ngợp hay lóa mắt vì những thứ đã nhìn thấy ấy. Về chuyện này, con gái ông cũng như hai thằng anh nó đều giống ông bà, không quá đề cao sức mạnh của đồng tiền, cũng như không bị cảnh giàu sang của ai đó làm cho choáng ngợp hoặc hèn đi. Tuy nhiên, ông vẫn phải nhắc con gái rất nên sòng phẳng về mặt tiền nong, đừng bao giờ đòi quà của thằng Hưng để bị nó coi thường hoặc hiểu lầm.

          Con Ngân gật đầu vâng đồng thời cũng nói luôn, là mỗi khi đi ăn uống hoặc xem phim, xem kịch, nó vẫn thường giành lấy việc trả tiền và sau gần một năm yêu nhau, món quà duy nhất mà thằng Hưng tặng nó là một chiếc nhẫn hơn ba trăm ngàn. Nhân dịp sinh nhật con, tuần trước. Ông Thừa bật cười lên thành tiếng khi nhìn thấy cái vòng tròn màu trắng, to như cọng tăm trên ngón tay con gái.

          – Được đấy con ạ! Thế này thì nếu hai đứa chia tay nhau, nó có đòi lại thì cũng không có gì phải tiếc. Trả luôn!

          – Ô, nếu thế thì con còn sẵn sàng cho thêm nữa ấy, bố ơi!

          Ông Thừa yên tâm hẳn và tin rằng con gái mình luôn luôn ngay thật cả trong những sự vụng về của nó, cũng như không hề biết lợi dụng ai bao giờ.

 

 

          Đùng một cái, thằng Hưng nói với ông Thừa là bố mẹ nó có ý định đến thăm ông bà vào sáng chủ nhật này. Kể cũng hơi ngạc nhiên và bất ngờ đôi chút, nhưng ông không hỏi lí do mà chỉ khẽ gật đầu, không tỏ thái độ gì rõ rệt:

          – Ờ, thế thì hay quá. Bác cảm ơn.

          Thật ra, ông Thừa cũng thấy mừng về điều đó. Nhưng ông không muốn hai người kia nghĩ là họ đang được mong chờ, cho dù họ có muốn đặt vấn đề chính thức cho hai đứa đi chăng nữa. Chứ không thì ai đến làm gì! Bà Luyến vội thu dọn nhà cửa, lôi máy hút bụi ra, hì hục lau chùi quét quáy cả ngày. Thấy thế, ông bèn chắp hai tay sau lưng, đi đi lại lại ngắm nghía một hồi rồi tủm tỉm cười:

          – Ô, thế này thì ngày mai thế nào cũng có bão to đây.

          – Đúng rồi! Lại còn thêm cả động đất, sóng thần ấy chứ! – Bà vừa gạt mồ hôi, vừa nói.

          Hai vợ chồng ông nguyên bộ trưởng kia đến cùng với thằng Hưng, tay xách một túi quà khá nặng. Một người đàn ông tầm thước, mặc bộ quần áo thoáng nhìn qua thì tưởng là giản dị khiêm nhường nhưng thật ra toàn những thứ đắt tiền. Mái tóc dày và đen mượt chắc là do thuốc nhuộm. Cử chỉ rất đàng hoàng, có lẽ là khác lắm so với lúc ông ta đấm vợ. Ông Thừa bỗng mỉm cười khi mường tượng cảnh này. Cựu nạn nhân, không trẻ được hơn chồng là mấy, có vẻ hơi sồ sề và cái gì cũng to, từ khuôn mặt, đôi mắt đến bộ ngực, cặp đùi ngắn ngủn. Áo sơ mi bỏ trong quần nghiêm chỉnh, như cố tình phô ra cái bụng dưới căng tròn. Bà cho thấy sự lắm tiền của mình qua một hạt xoàn đeo trên cổ, chiếc túi Louis Vuitton màu be sang trọng và mùi nước hoa thượng hạng. Hôm nay, căn phòng khách nhà mình cũng được thơm lây theo đúng nghĩa đây, ông Thừa nghĩ một cách hơi giễu cợt.

          Nói chuyện với hai ông bà “nguyên” ấy hóa ra cũng không khó khăn gì lắm. Ông Thừa thấy họ không đến nỗi nào mặc dù câu chuyện giữa đôi bên chỉ loanh quanh nạn tắc đường, sang thu rồi mà trời vẫn còn nóng quá và Tổng thống Ôbama sang Việt Nam lại đi ăn bún chả chứ không phải là ăn phở. Không đả động gì đến chuyện thằng Hưng với con Ngân. Và, tuy mới chỉ ngồi được chừng dăm phút, ông Dụng đã hỏi thăm đến cái toa lét của gia đình rồi từ đó bước ra với vẻ mặt đầy mãn nguyện. Nhưng khi ông Thừa dè dặt hỏi đến mục đích của cuộc viếng thăm, ông ta đã trả lời với cái giọng hơi quê quê không lẫn vào đâu được:

          – À, nhân tiện có việc ở gần đây, tôi rẽ vào thăm xã giao anh chị thôi mà. Trước lạ sau quen.

          Ông Thừa hơi cụt hứng vì chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ cho ông thấy thái độ kẻ cả, bề trên của khách. Không phải là chủ ý đến chơi mà chỉ nhân tiện ghé qua, thăm xã giao thôi. Như thể để xem nhà cửa, gia đình mình thế nào. Không nói gì đến điều quan trọng nhất, là quan hệ của hai đứa trẻ. Con cáo đã lòi đuôi. Ông Thừa cảm thấy như vừa bị xúc phạm và không hiểu tại sao gã đàn ông quyền cao chức trọng kia lại nỡ có những lời như thế. Cả như ông, để tỏ ý tôn trọng người khác, sẽ không nói năng kiểu ấy, bất kể trong óc có nghĩ thế nào chăng nữa. Mình có mời nó đến đây đâu! Còn nó thì chắc gì đã “nhân tiện có việc”. Tuy vậy, như một người lép vế cùng với niềm hi vọng nhỏ nhoi vừa vụt tắt, ông Thừa cũng mỉm cười, làm ra vẻ không nhận ra ẩn ý của nguyên bộ trưởng.

          Đã đến lúc chia tay. Ông Thừa tự cho phép mình thử thăm dò tâm lí khách bằng cách mời đôi vợ chồng kia ở lại ăn cơm, nhưng cả hai đều từ chối vì đang bận. Tuy vậy họ cũng tỏ ra nhã nhặn khi mời vợ chồng ông đến chơi cho biết cửa biết nhà để còn giữ mối quan hệ sau này. Ông Thừa lấy làm nghi ngờ cho cái quan hệ sau này lắm nhưng vẫn nhận lời vì thấy đó là điều nên làm. Coi như một chuyến thăm đáp lễ thôi. Không hi vọng, không trông chờ gì hết.

          Đúng hai tuần sau, ông phủi bụi, lôi cái Vios gửi ở bãi đỗ xe gần nhà, đưa mẹ con bà Luyến đến chỗ nguyên bộ trưởng. Quà cho vợ chồng gia chủ là một thùng các tông chery vàng mà hai mẹ con bà đã chọn từng quả một. Đắt quá, ông Thừa hơi tiếc của nhưng không dám nói ra mà lại còn khen là cũng được. Thì cũng phải tỏ ra đàng hoàng một tí, không người ta lại cười cho.

          Theo chỉ dẫn của con Ngân, ông Thừa cho xe dừng lại trước cổng một ngôi biệt thự ba tầng bề thế, hàng rào sắt hộp sơn màu trắng. Thấy ngay ba bốn con mắt camera tròn xoe đang thao láo nhìn mình. Đúng là nhà của quan to có khác! Để cho hai mẹ con bà Luyến vào trước, ông lững thững đi sau vì không việc gì phải vội.

          Phòng khách chỉ cách mấy bước chân, to nhưng không đẹp. Lộn xộn ngay trước cửa, một đống dép đi trong nhà. Gây ấn tượng nhất có lẽ là bộ bàn ghế giả cổ to kềnh càng, chạm trổ cầu kì; chiếc ti vi cỡ sáu lăm inchs và dàn loa rất xịn. Một chiếc đồng hồ quả lắc tủ gỗ cao bằng đầu người, đứng ở góc phòng. Mấy bức tranh tĩnh vật. Phần nổi của tảng băng đây. Ông Thừa nghĩ và nhận thấy hình như cả ba thành viên trong gia đình này đang chờ sẵn với thái độ khá là niềm nở. Con Ngân đưa cho thằng Hưng thùng chery và nói:

          – Bố mẹ em biếu hai bác.

          – Thế còn anh?

          Con Ngân lườm một cái rõ dài và đấm nhẹ lên vai thằng kia trong khi mấy người lớn tuổi đã bắt đầu câu chuyện. Từ việc gia đình chuyển về đây từ bao giờ, khuôn viên cái biệt thự này có ba trăm năm mươi mét ấy mà, ông Dụng tuy chỉ làm bộ trưởng nhưng quyền ngang phó thủ tướng, v.v. Ông không chơi gôn vì sợ mất thì giờ, phải đi xa và một bộ gậy đánh gôn loại tàm tạm cũng phải mấy trăm triệu đồng. Loại tốt, hơn một tỉ. Lại còn tiền thành viên câu lạc bộ và đủ thứ linh tinh khác. Ông Thừa nghe mà thấy sợ cho môn thể thao quý tộc ấy. Ông thì cứ chiều chiều cầm cái vợt làm mấy séc bóng bàn hoặc cầu lông cũng được rồi.   

          Vô tình nhìn sang, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào khách lại buột miệng khen chủ nhà có chiếc đồng hồ đẹp quá. Ông Dụng nhấc cổ tay lên, khẽ xoay đi xoay lại mấy lần rồi làm ra vẻ hững hờ:

          – À… Rolex. Có hơn tám mươi nghìn ấy mà. Tôi mua lúc sang công tác bên Thụy Sĩ. Còn sáu cái nữa, đủ để mỗi ngày trong tuần lại đeo một cái, nhưng toàn là những thương hiệu khác.

          Ông Thừa bỗng thấy mình quê quá. Thật đúng là chẳng cái dại nào giống cái dại nào! Tất nhiên, đây không phải tám mươi nghìn Việt Nam đồng mà là đô la hoặc ơ rô. Và chỉ một chiếc Rolex này thôi cũng đã gấp ba lần con Vios mà mình phải dành dụm cả đời mới có! Như đoán được suy nghĩ của ông, nguyên bộ trưởng liền bưng đĩa bưởi đã bóc sẵn, đưa đến tận tay hai vị khách:

          – Anh chị ăn đi. Đây là bưởi da xanh, ngon lắm! Mà bưởi rất tốt cho sức khỏe. Người bị tiểu đường hay bệnh thận cũng có thể ăn thoải mái. 

          Câu chuyện đã xoay sang chủ đề Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, Duterte tỏ ra khiếp sợ Tập Cận Bình, rồi vấn nạn ma túy ngày càng trầm trọng. Có thằng buôn một lúc đến mấy tạ hêrôin nhé. Chúng nó dám liều như thế vì nếu bị bắt, thì chỉ cần một cân thôi cũng chết, vậy thì cứ làm luôn một quả thật to chứ tội gì! Bà Oanh kể, ông anh họ của bà, một cán bộ tòa án, đã phải nằm vật ra, bỏ cả cơm sau khi đi giám sát một vụ tiêm thuốc độc. Kinh khủng quá! Mà khổ, cho đến lúc chết nó vẫn chỉ nhận là người vận chuyển thuê với tiền công năm chục triệu đồng.

          Về những chuyện như thế thì ông Thừa không lạ. Đài báo nói quá nhiều. Nhưng chẳng biết nhân văn nhân đạo ở đâu khi người ta không bắn nữa mà chuyển sang tiêm thuốc độc, vì kiểu gì cũng vẫn là tước đi mạng sống của một con người. Mặt khác, nếu như bắn một tử tội chỉ mất khoảng tám mươi triệu đồng, thì tiêm lại mất đến hơn một trăm hai mươi triệu. Nhiều tỉnh, thành phố vì lí do nào đó còn chưa xây được phòng thi hành án, phải đem tử tội sang chết nhờ nơi khác. Đã tốn thêm công lại còn bị một số nhân viên y tế phản đối vì họ không muốn bị huy động để làm việc đó.

          Đến cuối cuộc gặp, ông Thừa được gia chủ hỏi xin số điện thoại để tiện liên lạc và lúc nào đó còn gặp gỡ, đi ăn cơm với nhau. Thêm mấy câu hỏi nữa về nghề nghiệp và công việc của ông. A, thì ra ngày xưa, giám đốc của ông đã từng học cùng trường với nguyên bộ trưởng ở Minxk, thủ đô Bêlaruxija thời Liên bang Xô viết, sau này gọi là Bêlarux. Chủ nhà liền xin thêm số điện thoại của bạn đồng môn cũ đã lâu không gặp, rồi đôi bên vui vẻ chào tạm biệt.

          Tối hôm sau, thằng Hưng lại có mặt ở chỗ ông Thừa. Ông hỏi nó:

          – Sao, tình hình thế nào rồi hở cháu?

          – Dạ, ngon lắm ạ! – Thằng Hưng cười vui vẻ. – Bố mẹ cháu gửi lời cảm ơn hai bác.

          Thằng… hay thật. Suốt ngày nghĩ đến ăn! Chắc nó tưởng mình muốn nói đến cái thùng chery ấy. Ông Thừa khẽ lắc đầu và ngay lập tức đã thấy mình lẩm cẩm:

          – Không, bác muốn biết công việc của cháu như thế nào, bao giờ đi Hàn Quốc và bố mẹ cháu nghĩ như thế nào về chuyện của cháu với cái Ngân. Có bí mật lắm không?

          – À… Bố mẹ cháu bảo là… Thôi, về hai bên gia đình thì như thế là được rồi. Còn tìm hiểu nhau như thế nào, tùy hai đứa. Và nếu không có gì thay đổi thì sau Tết, cháu sẽ đi Hàn Quốc. Bên ấy đã đồng ý nhận rồi… Bố cháu còn bảo là, nhà mình phải tốt phúc lắm bác mới qua được cái cối xay thịt người ở Quảng Trị mà vẫn còn lành lặn trở về. Chứ hồi bấy giờ, mỗi đêm mình lại mất cả một đại đội chỉ riêng ở trong Thành cổ.

          A, nhà này điều tra lí lịch của mình kĩ càng ghê! Hay là con Ngân kể? Ông Thừa không còn muốn hỏi thêm gì nữa.                  

 

 

          Trước lúc thằng Hưng lên đường, vợ chồng ông Thừa làm một bữa cơm chia tay nó. Không mời hai ông bà kia vì sợ bị chối từ. Với lại đôi bên đã gần gũi, thân mật gì lắm đâu! Đừng thấy đỏ mà đã tưởng là chín. Ăn xong, ông ngồi nán lại một lúc, nói vài câu với thằng Hưng về cái đề tài quản trị hành chính công của nó. Một đề tài rất hay nhưng có vẻ khó trong hoàn cảnh nước mình, nhất là khi động đến chuyện tham nhũng. Theo ông, đó là cả một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp. 

          Thằng Hưng hồn nhiên tiết lộ rằng mẹ cháu đi xem, ông thầy bảo số của cậu này sẽ còn làm to hơn bố. A! To hơn cả bố, thì chắc phải làm đến phó thủ tướng hay thủ tướng. Con hơn cha là nhà có phúc. Thằng này có chí tiến thủ ghê. Phải mỗi tội chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng! Và nó sẽ chiến đấu như thế nào với những đứa khác cùng hoàn cảnh, cùng trang lứa với mình? Nó đã nghĩ đến chuyện làm to, thì nhiều đứa khác cũng có thể nghĩ như thế chứ! Nhưng thôi, thời đại ngày nay, chuyện gì chẳng có thể xảy ra. Thằng Hưng, hăm lăm ba mươi năm nữa mà lên làm phó thủ tướng hay thủ tướng thì bố mẹ nó, nếu còn sống sẽ mừng lắm đấy. Mình, đến lúc đó thì chắc là đã ngóm củ tỏi lâu rồi.

           Con Ngân từng cho biết, bà Oanh đã có lần hỏi cặn kẽ ngày và giờ sinh của nó.  Liệu để làm gì hở bố? Có gì đâu mà không hiểu! Ông Thừa bỗng trầm ngâm một lát. Khả năng thứ nhất, rất có thể là nhà kia đi lấy số tử vi để xem liệu con Ngân với thằng Hưng có hợp nhau không. Hai, mà ông nghiêng về giả thuyết này hơn, là thuê người làm bùa chú hay cúng lễ để rẽ duyên hai đứa. Chỉ lạ, là cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người tin vào trò mê tín dị đoan này. Ở Lương Sơn Hòa Bình rồi chỗ nọ chỗ kia vẫn có những người làm loại bùa chú ấy và khách hàng tìm đến rất đông. Trong số đó, không ít người là vợ con của các sếp sòng.

          Vẫn theo lời con Ngân, thằng Hưng tỏ ý muốn cưới trước khi nó đi Hàn Quốc, hay chí ít thì cũng cứ sang bên ấy sống cùng với nó và “Anh sẽ nuôi em, không có gì phải ngại”! Ông Thừa hơi giật mình, vội khuyên con gái đừng có nghe những lời đường mật ấy, vì nhà kia có nói năng gì đến chuyện cưới xin đâu. Dạm ngõ cũng chưa. Thế thì làm sao mà kịp được. Về cái chuyện “anh sẽ nuôi em”, thì thằng Hưng vẫn còn đang ăn bám, chứ lương công chức mới được tuyển dụng của nó được mấy đồng! Hơn nữa, mình phải có lòng tự trọng chứ con. Nếu con sang đó cùng với nó thì sẽ làm gì để sống, và liệu bố mẹ nó sẽ nghĩ thế nào?   

          May mắn làm sao, con Ngân lại nghe ra. Ông Thừa bèn nói thêm, rằng giữa hai đứa còn chưa có bất kì một mối ràng buộc nào, mà việc gì phải vội! Ươm một cái hạt thôi cũng phải chờ lúc nó nảy mầm. Giá như con đã đính hôn với nó rồi thì đó lại là chuyện khác, nhưng đằng này… Đừng có quên, yêu nhau là chuyện của hai đứa, nhưng cưới nhau lại là việc của hai gia đình. Không phải con cứ muốn là được. Một khi người ta chưa đặt vấn đề chính thức thì mình cũng không thể chủ động làm việc đó. Nhỡ chẳng may bị từ chối thì sao? Mà thằng Hưng, kiểu gì cũng ngả theo lời bố mẹ nó thôi, như chuyện cái thằng em họ nó mà con đã kể cho bố nghe ấy. Không khác được đâu!

          Đến đây thì con Ngân bỗng buồn thiu. Chuyện em họ thằng Hưng, là không biết vì lí do gì, bà vụ trưởng kia lại rất ghét người yêu của con mình nên đã cố tình ngăn cản cho bằng được. Thằng con độc đinh của bà ta nghe lời mẹ, tìm mọi cách bắt cô bé này phải phá cái thai ba tháng rồi sau đó, bỏ rơi luôn người yêu vì hai đứa “không hợp nhau” và nó còn phải dùi mài kinh sử kiếm tấm bằng tiến sĩ. Để còn leo cao chứ!

          Con Ngân đã sang tuổi hai mươi bảy, còn thằng Hưng thì có tận bốn năm sống ở nước ngoài. Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong thời gian ấy. Ông Thừa hơi ái ngại thay, vì cho đến tận bây giờ con Ngân vẫn dường như đang đắm mình trong những mơ mộng hão huyền, vẫn tìm mua và đọc say sưa từ Doreamon, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Conan, Pokemon, đến Thủy thủ mặt trăng… Toàn những truyện tranh của Nhật.

          Thằng Hưng lên đường đúng như kế hoạch. Nhưng chỉ được độ hơn chục ngày đã thấy nó lù lù dẫn xác về. Hỏi, thì nó cho biết là đã làm xong thủ tục nhập học và thông qua đề tài nghiên cứu. Trường cũng đã phân công giáo sư hướng dẫn, nhưng vì bên ấy đang bước vào kì nghỉ lễ một tuần nên nó tranh thủ về chơi, chứ ở bên ấy một mình buồn lắm. Ông Thừa nghe, thấy cũng có lí. Nhưng lạ là ở chỗ, sau đó cứ khoảng một tháng, hơn một tháng lại thấy nó về. Lần thì để lấy tư liệu, tài liệu cho đề tài nghiên cứu. Lần thì mẹ cháu bị lên cơn nhồi máu cơ tim, phải nằm bệnh viện. Lần để chữa chiếc laptop mà bên kia không chữa được.

          Ông Thừa nghe thế thì biết thế, nhưng không tin là ở bên Hàn Quốc người ta không chữa nổi cái laptop của thằng Hưng. Vé máy bay hai chiều hạng thương gia không rẻ chút nào. Nhưng thôi, dù sao đấy cũng là chuyện của nó, mình làm sao mà ý kiến ý cò. Gia đình nó thì thiếu gì tiền. Chẳng phải bà nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng đã từng bay sang đó mấy lần, mua cho nó từ chiếc ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp từ… rồi còn tìm mua cả nhà cho nó hay sao. Nếu như việc ấy thành, thằng Hưng sẽ là người rất tự do, không phụ thuộc vào ai và trước khi về nước, nó bán lại cái nhà ấy nếu không có lãi thì ít nhất cũng không bị lỗ. Vì giá nhà ở Xơun chỉ có lên chứ không có xuống bao giờ.

          Bẵng đi được ít lâu không thấy thằng Hưng xuất hiện, ông Thừa đã lấy làm mừng. Giá mà nó quên được con mình đi thì tốt nhỉ. Bao nhiêu đứa con gái sẵn sàng xin chết vì nó kia mà. Loại thanh niên như nó, quơ đâu chẳng có người yêu! Hơn nữa, xứ kim chi biết bao nhiêu cô trẻ trung xinh đẹp, ăn diện ngất trời lại là hàng ngoại nữa. Con Ngân, thật tình mà nói, trông cũng không đến nỗi nào nhưng làm sao địch nổi những gái xinh các loại kia. Ông Thừa cứ suy nghĩ vẩn vơ như thế. Cho đến một buổi tối, con Ngân đưa điện thoại của nó cho ông:

          – Bố, thằng Hưng nó muốn nói chuyện với bố này.

          Ông Thừa hơi ngạc nhiên nhưng cũng phải nghe xem có chuyện gì. Thì ra nó muốn xin phép ông cho con Ngân sang bên ấy chơi. Chuyện này bà đã nói, nhưng câu trả lời của ông là không nên. Lí do, dù thế nào chăng nữa, hai đứa vẫn chưa phải vợ chồng, mà yêu nhau thì bỏ nhau lúc nào chẳng được. Nhưng khổ nỗi, con Ngân thích sang bên ấy lắm, vì nó chưa được đi Hàn Quốc lần nào. Tuy không nói ra, nhưng ông cũng đoán, chắc con mình với thằng kia đã thế nào đó với nhau rồi, nên cả hai đứa coi việc con Ngân có sang bên đó cũng là chuyện bình thường. Vì thế, mà sau khi khuyên bảo con không kết quả thì bà cũng đành buông xuôi, chiều theo ý nó. Bây giờ, lại đến lượt thằng này.

          – Không được đâu cháu ơi! – Ông Thừa lắc đầu, cứ như nó đang ở ngay trước mặt. – Cháu còn đang đi học, mà tháng trước vừa mới về rồi.

          – Ơ, đã gần hai tháng rồi mà, bác! – Thằng Hưng vội kêu lên. – Bên này đang vào mùa tuyết rơi rồi bác ạ, đẹp ơi là đẹp. Ở Việt Nam mình làm gì có! Mà bác cũng đừng lo…

          – Đừng lo cái gì hở cháu? Từ đây sang bên ấy đâu phải chuyện đùa. Lại còn tiền nong chi phí, vé máy bay, ăn ở…

          Thằng Hưng cắt ngang lời ông bằng một tiếng cười to:

          – Ô, chuyện nhỏ thôi mà, bác! Chi phí bao nhiêu, cháu xin chịu hết. Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi là em Ngân đã có mặt ở đây rồi. Cháu có học bổng, với cả tiền tiết kiệm, không phải lo gì hết.

          Tiết kiệm cái mồm mày! Ông Thừa thoáng nghĩ vì mỗi tháng, bà phó tổng kia vẫn chuyển khoản cho thằng Hưng ba ngàn đô, nhưng thỉnh thoảng nó lại xin thêm với lí do bên ấy cái gì cũng đều đắt đỏ. Ba ngàn đô, gần bảy chục triệu đồng! Số tiền ấy đủ cho một gia đình bình thường ở Hà Nội sống được ít nhất là sáu tháng. Ông cũng thừa biết, nó muốn con Ngân sang bên ấy trước hết là vì nó chứ đâu phải vì con này. Tuổi trẻ mà. Con gái ông lại đang mê muội mất rồi!  

          – Đi mà, bác! – Thằng Hưng lại van nài. – Cháu xin đảm bảo…

          Đúng là đồ mặt trơ trán bóng! Ông Thừa khẽ gắt lên:

          – Đảm bảo cái gì? Đảm bảo là mày sống thử với nó ít ngày rồi hai đứa bỏ nhau luôn có phải không?

          – Không, cháu không bỏ! – Thằng Hưng vội kêu lên. – Cháu xin thề với bác…

          – Được thôi, – Ông Thừa ngắt lời nó. – Tao thừa biết lời thề của chúng mày là thế nào rồi. Vậy thì thế này nhé, tao sẽ để cho cái Ngân quyết định. Mọi việc như thế nào là tùy nó.

          – Cảm ơn bác. Cháu cảm ơn bác ạ!

          Ông Thừa tắt máy mà không nghĩ mình vừa đưa ra một quyết định sai lầm. Nhưng biết làm sao! Tính nết con Ngân, ông thuộc lắm. Được nuông chiều từ bé, nên nó đã đòi cái gì, là đòi cho bằng được. Không cho đi ấy à, thế nào nó cũng bỏ ăn đến mấy ngày, mặt sưng mày sỉa, biến thành người vừa điếc vừa câm cho mà xem. Ra vào thì sập cửa ầm ầm như muốn đập vào mặt ông hay bà vậy. Ông thử tìm cách thuyết phục nó đổi ý nhưng cũng không ăn thua gì. Mặt mũi nó trơ lì như hóa đá. Ông đành phải gặng thêm lần nữa:

          – Thế thái độ của bố mẹ thằng Hưng như thế nào?

          – Người ta không muốn cho con đi.

          – Đấy, con đã thấy chưa? – Ông Thừa vội vin ngay vào câu nói ấy và thấy lóe lên một tia hi vọng can ngăn. – Chắc chắn là họ không muốn mất tiền vì con, không muốn để con ăn bám vào thằng ấy dù chỉ trong một thời gian ngắn. Con đã hiểu ra chưa?

          – Ăn bám cái gì! Con có tiền của con chứ! – Cái Ngân nhấm nhẳn.

          – Con có được bao nhiêu? Ba mươi à, hay năm mươi triệu? Con có biết, dù con có đem đến cả chục nghìn đô sang bên ấy, thì cũng không làm cho người ta khỏi nghĩ xấu về con không? Hả? – Ông Thừa đã hơi cao giọng.

          Con Ngân im lặng, có vẻ như nó đang suy nghĩ rất lung. Chao ôi, trên đời này trước sau bao nhiêu kẻ chết vì tình! Con ơi là con!

          – Thế… mẹ nó có nói gì với con không?

          – Bà ấy bảo, phải cẩn thận giữ gìn…

          À, ra là sợ con này chẳng may lại có bầu, nhưng như vậy cũng có nghĩa là nhà ấy đã buộc phải chấp nhận cho nó đi Hàn Quốc. Không cấm cản được nữa nên mới khuyên răn như thế. Cũng đúng thôi. Ai trong hoàn cảnh này mà chẳng sợ bị quy cho trách nhiệm và ràng buộc. Ông Thừa khẽ thở dài bất lực.

          Khoảng hơn chục ngày sau, không biết làm gì hơn, ông lái xe đưa vợ và con lên sân bay Nội Bài. Còn sớm, nên cả ba người ngồi uống cà phê, nói chuyện bâng quơ. Trước đó, bà Luyến đã bấm bụng rút ba ngàn đô cho con gái, ngang với số tiền nhà kia chu cấp cho con trai của họ trong vòng một tháng. Ông nhấp ngụm cà phê mà buồn nẫu ruột. Linh cảm cho ông thấy, chuyến đi này của con sẽ chẳng đem lại được điều gì tốt đẹp. Chỉ có điều, ông chưa biết cụ thể rồi ra như thế nào thôi.

          Loa phát thanh của sân bay đã thông báo để các hành khách đi Xơun làm thủ tục. Hai ông bà chờ con Ngân qua cửa an ninh xong rồi mới ra về. Suốt chặng đường hơn ba mươi cây số, ông hoàn toàn câm lặng vì cảm thấy lòng mình nặng trĩu. Còn bà, không cưỡng được thói quen, thỉnh thoảng lại nhắc ông nên cẩn thận, chạy chậm thôi cho nó an toàn và chú ý dừng chờ đèn đỏ.

 

 

          Sau chuyến đi ấy, con Ngân phải làm việc căng hơn. Thì cuối năm mà! Nhưng nó vẫn có thời gian để tối tối chít chát với người yêu ở mãi tận Xơun. Lúc vui lúc buồn, lúc hờn lúc giận cứ như là cái phong vũ biểu, tùy thuộc vào việc nó và thằng kia có cãi nhau hay giận nhau không. Dù sao, qua bà Luyến, ông cũng yên tâm phần nào vì con gái không có biểu hiện gì khác lạ.  

          Đã lại gần đến Tết, thằng Hưng về và nghe nói nó sẽ ở lại Việt Nam khoảng hai tuần. Như tất cả những lần trước đó, không một chút quà, nhưng ông bà Thừa không lấy thế làm điều, vì mình có biếu gì cho bố mẹ nó đâu. Không tưởng tượng được, thằng Hưng lại phát tướng nhanh đến thế. Chỉ sau có mấy tháng thôi, nó đã từ sáu mươi lăm lên đến tám mươi cân! Ông Thừa cười và bảo, có lẽ cháu nên chuyển sang Nhật, làm nghiên cứu sinh về sumo là vừa. Thằng Hưng không nói gì, nhưng bây giờ khi nó đi bên cạnh con Ngân trông lại càng kệch cỡm, mặc dù con bé cũng không còn cái dáng vẻ quá gầy gò trước đó. 

          Hơi lạ, là những ngày giáp Tết rồi cả đêm giao thừa cũng không thấy thằng Hưng đến rủ con Ngân đi chơi như năm trước. Ba bốn ngày Tết trôi qua vẫn chẳng thấy nó đâu. Ông Thừa lo lắng, đoán là có sự chẳng lành nên đành phải hỏi con gái, thì được trả lời là nó ốm. Cảm cúm, ho hen, nhức đầu gì đó suốt. Ông không tin nhưng cũng chẳng hỏi thêm làm gì. Nhưng với sự mẫn cảm của một người cha, ông biết có chuyện đã xảy ra, nhất là khi con Ngân có vẻ buồn rầu, tư lự. Ông hỏi vợ thì nhận được câu trả lời là không biết. Không biết làm sao được! Con gái, cái gì cũng nhỏ to với mẹ; bà này xem ra cũng đang lo nhưng không muốn nói đấy thôi.   

          Sáng mồng sáu tháng Giêng, ông Thừa đang ngồi xem lại tiết mục Táo quân trên truyền hình thì chuông điện thoại reo. Ai thế nhỉ? Ông nheo nheo mắt nhìn dãy số lạ vừa xuất hiện. Đã định không nghe vì sợ bọn quảng cáo làm phiền, nhưng rồi chả biết nghĩ sao ông lại đưa máy lên, áp vào tai:

          – A lô, anh Thừa đấy à? Tôi là Oanh đây! Chúc mừng năm mới! Trưa nay anh có nhà không?

          – Vâng, tôi cũng xin chúc mừng năm mới anh chị và gia đình! – Ông Thừa đáp như cái máy. – Có việc gì thế chị?

          – À, tôi định đến chúc Tết thôi. Anh đừng có ngủ trưa đấy nhé! – Bên kia nói nhanh như sợ bị người khác cướp lời. – Với lại cũng có chuyện muốn trao đổi với anh chị. Anh đừng đi đâu đấy nhé! Chào anh!

          – Vâng, chào chị! – Ông Thừa nói rồi tắt máy. Làm gì mà gấp thế! Buổi trưa… Còn không cho ai ngủ nữa! Mà cứ như là ra lệnh không bằng!   

          Ông báo tin ấy cho vợ biết. Bà Luyến khẽ thở dài, liếc nhìn qua đống bánh kẹo hoa quả đã bày sẵn trên bàn:

          – Mọi thứ vẫn còn nguyên đây… Không cần phải chuẩn bị thêm gì nữa. Họ có hẹn mấy giờ không hở ông?

          – Không.

          Hai vợ chồng cẩn thận ăn cơm sớm lên nửa tiếng. Mười hai rưỡi, chuông reo. Ông Thừa ra mở cửa thì thấy ngay bà nguyên phó tổng và một cô khoảng trên dưới năm mươi chứ không phải ông nguyên bộ trưởng.

          – Đây là mợ Vân, em tôi. – Bà Oanh chìa tay, giới thiệu.

          Ông Thừa bỗng cảm thấy rùng mình khi lướt nhìn qua người phụ nữ dong dỏng cao trong bộ váy áo có vẻ sang trọng và hơi bị mốt, với mái tóc nhuộm nâu. Một nhan sắc đã về chiều. Kẻ đang tâm bắt con trai phải ép người yêu nó phá thai cho bằng được, rồi bỏ luôn cô gái vì lí do không hợp và thằng kia còn phải lo đường công danh sự nghiệp. Lại còn làm ra vẻ tử tế, giúi cho cô bé đáng thương một ít tiền và coi thế là xong rồi cấm cửa luôn.

          Vừa mới ngồi xuống ghế chưa ấm chỗ, không cần phải vòng vo gì hết, bà ngân hàng đã đi thẳng vào mục đích của cuộc gặp gỡ lần này:

          – Anh Thừa ạ, từ lâu tôi đã muốn trao đổi với anh chị về chuyện của cháu Ngân nhà mình với thằng Hưng nhà tôi, nhưng mà chưa có dịp. – Khách nhìn hai vợ chồng ông Thừa như để thăm dò. – Chúng nó quen biết nhau đến nay là hơn một năm rồi và tìm hiểu nhau cũng kĩ. Nhưng thú thật, tôi sợ là không hợp…

          Ông Thừa hiểu ngay là nó ra đòn phủ đầu để nắm quyền chủ động đây. Nhưng tại sao nó lại có thể trắng trợn xúc phạm mình đến thế, vào đúng cái ngày đầu năm mới này, trong khi không khí Tết vẫn còn bảng lảng? Chọn lúc con Ngân đi làm vắng để nó không biết chuyện gì đã xảy ra. Và cái bài ca “không hợp”! Vậy thì sao mày không nói mẹ nó ra từ trước đi, còn vác mặt đến đây gặp vợ chồng tao làm gì! Lại bày trò gọi điện cho sếp cũ của tao như để điều tra lí lịch… Hay nó làm thế vì thấy mình tỏ ra hờ hững, không mặn mà gì với gia đình chúng nó? Chịu! Nhưng đúng là suốt đời, ông chưa hề khuất lụy ai bao giờ. Ông Thừa đã nóng mặt lắm rồi, nhưng vẫn cố làm ra vẻ thản nhiên không để lộ cảm xúc gì rõ rệt.

          – Với lại, cháu Ngân hơn thằng Hưng hai tuổi, tôi sợ về lâu về dài cũng khó mà hạnh phúc được với nhau. – Mụ Oanh thẽ thọt. – Đấy, như anh ít nhất cũng còn hơn chị được một tuổi. Tôi thì kém nhà tôi ba tuổi. Còn mợ Vân đây kém chồng nó tận gần chục tuổi cơ, mà đến bây giờ trông nó có khi còn già hơn cả chồng.

          Không phải hơn hai, mà chỉ một tuổi thôi, và thằng kia trông cũng có trẻ trung gì! Ông Thừa nghĩ nhưng không nói ra vì thấy điều đó là vô nghĩa.

          – Anh chị cũng biết đấy, bao nhiêu đôi đã bỏ nhau chỉ vì mỗi một lí do, là vợ nhiều tuổi hơn chồng. Phụ nữ, sau khi có con rồi, già đi nhanh lắm. Cháu Ngân nhà mình bây giờ lại đang phát phì hay sao ấy. Lúc nó mới yêu thằng Hưng thì nặng có bốn mươi tư cân mà bây giờ lên đến tận năm mươi hai cân! Tôi thấy nó suốt ngày vào mạng bàn tán về các món ăn, rồi lại còn kêu, không biết hôm nay nên ăn gì nhỉ, bánh pizza, gà rán Kentucky hay bít tết…

          Thật đúng là lươn ngắn lại chê chạch dài! Ông Thừa nghĩ. Con Ngân cao một mét năm bảy, nặng năm mươi hai cân thì đâu đã phải là nhiều. Cũng không nhiều, đối với cả những đứa con gái khác. Còn chính mày mới đáng lo. Vừa mới bị nhồi máu cơ tim mà! Hay thằng Hưng nó bịa? Cao ba mét chia đôi, nặng hơn sáu mươi cân lại còn chê người khác. Ông gật đầu làm ra vẻ tán đồng nhưng thật ra là nói móc:

          – Đúng quá! Hôm nọ, thằng Hưng đến đây, tôi đã phải nói đùa với nó là cháu nên chuyển sang Nhật làm nghiên cứu sinh sumo đi là vừa. Chắc là tại học hành, nghiên cứu vất vả quá, tẩm bổ nhiều nhân sâm nên mới tăng cân nhanh như thế, hì hì… Tám mươi cân rồi! Còn chuyện ăn uống, thì giới trẻ bây giờ, chán lắm. Chỉ thích gọi đồ ăn sẵn. Nhiều gia đình còn không muốn nấu cơm mà chỉ toàn đưa nhau ra hiệu. Chị có để ý không, bao nhiêu cửa hàng ăn uống, quán bia… lúc nào cũng đông nghịt những người.

          Ông dừng lại, đắn đo một lát rồi mới tiếp:

          – Chị vừa nói đến việc nhiều đôi bỏ nhau vì vợ nhiều tuổi hơn chồng, nhưng có lẽ không đúng lắm đâu vì tôi nghĩ là còn có nhiều nguyên nhân khác. Rất nhiều đôi vẫn sống hạnh phúc với nhau đến tận già đấy thôi! Chị thử xem, ngay bây giờ ở ngoài xã hội thiếu gì. Thậm chí có bà còn hơn chồng tận năm sáu tuổi hoặc nhiều hơn ấy chứ. – Trong óc ông thoáng hiện ra một số cặp vợ chồng lệch tuổi mà ông từng đọc và nghe nói. – Không phải chỉ trong giới văn nghệ sĩ đâu, mà ngay cả tầng lớp bình dân cũng có. Ngược lại, bao nhiêu người khác, chồng hơn vợ cả chục tuổi cũng vẫn bỏ nhau đấy thôi. Cái chính, là người ta bỗng tìm ra được lí do để mà phụ bạc. – Đến đây, ông Thừa chợt nhận ra mình nói thế, nó lại tưởng là mình muốn níu kéo thằng kia nên đành ngừng lại.    

           – Anh Thừa ạ, cháu Hưng nhà tôi nó còn bận học hành, lại hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Trong tay nó nào đã có gì đâu. – Bà Oanh thẽ thọt. – Chưa sự nghiệp, chưa có gì ổn định. Hơn nữa, làm nghiên cứu sinh lại vô cùng vất vả, cho nên tôi muốn cháu trước hết phải tập trung cho việc học cái đã. Mới hăm lăm tuổi đầu thì vội tính chuyện vợ con làm gì.

           Biết ngay mà! Lại còn bớt của thằng kia một tuổi. Con mụ này khéo thật! Nhưng nó cũng quên, là ở độ tuổi này có vợ có con cũng là điều rất bình thường. Còn nghiên cứu sinh, thì biết bao nhiêu người vợ con đề huề rồi mới làm việc đó! Có mâu thuẫn gì ở đây đâu. Người ta vẫn vừa phải kiếm sống, lo đủ thứ việc của gia đình vừa học hành, nghiên cứu. Còn đối với thằng này… Ông lại nhớ đến chiếc Camry và những tấm vé khứ hồi hạng thương gia của nó. Hình như thằng Hưng chỉ có một lần duy nhất ngồi ghế hạng phổ thông khi nó đi theo chuyến công tác của con Ngân vào Sài Gòn mấy ngày. Rồi căn hộ của nó bên Hàn Quốc. Toàn những thứ mà nhiều người khác dù mơ ước và phấn đấu cả đời cũng không có nổi. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi, ông vẫn chỉ cười nhếch mép:

          – Đúng rồi! Cháu nhà mình còn trẻ thế, phải lo mà phấn đấu chứ! Làm trai sống ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông… – Hai câu thơ của người xưa bật ra một cách nhẹ nhàng. – Thằng Hưng nó còn nói với tôi, là sau này nó sẽ làm đến phó thủ tướng đấy. To hơn cả bố!

          – Chắc là nó nói đùa! – Bà kia vội kêu lên, không nhận ra sự mỉa mai giễu cợt của ông Thừa.

          – Em xin lỗi, cho em ngắt lời anh một tí. – Cô vụ trưởng Vụ đối ngoại xen vào. – Em nghĩ anh rất đúng khi nói rằng yêu đương là chuyện của hai đứa, nhưng cưới xin lại là việc của hai gia đình…

          Một cảm giác hơi ghê tởm xen lẫn sự khinh thường khiến ông Thừa không muốn bắt lời mụ đàn bà với cái mặt nhơn nhơn. Tao không có gì để nói với mày! Và, cũng vẫn như từ nãy đến giờ, ông không thèm nhìn nó lấy một lần mà chỉ hướng về phía mụ Oanh đang ngồi đối diện. Hiểu ngay là cái con vụ trưởng gớm ghê này định dùng chiêu gậy ông đập lưng ông, với hàm ý nếu gia đình nhà nó mà không đồng ý thì đừng có mơ đến chuyện thông gia… Ô hô! Tưởng ông đây thèm giao thiệp với nhà chúng mày lắm đấy à? Quên đi, không có chuyện ấy đâu! Ông Thừa cũng nhận ra, có lẽ mọi lời nói của ông với thằng Hưng đều đã đến tai hai chị em con này hết. Ông gật đầu khẳng định:

          – Chính xác! Tôi vẫn nhớ là mình đã nói gì mà. Nhưng chị Oanh ạ, người ta có câu Vật nhi bất tề, vật chi tình dã. Tề nhi bất tề, bất tề nhi tề. Nghĩa là mọi vật sinh ra vốn không bằng nhau nhưng có liên quan đến nhau. Và chính cái sự cao thấp, không bằng nhau ấy lại là bình đẳng.

          Ông Thừa không nhớ, đây là lời của Trang Tử, Chu tử hay Mạnh tử. Nhưng ông hi vọng may ra hai chị em nhà này hiểu được rằng ông và chúng nó hoàn toàn bình đẳng với nhau, nhất là trong những chuyện như thế này. Đừng tưởng mình có chút địa vị, quyền hành và lắm tiền nhiều của thì mặc nhiên được phép coi thường người khác. Hơn nữa, dù trước đây chúng mày có làm gì đi chăng nữa thì cũng đã là chuyện quá khứ rồi. Ơ, nhưng mà liệu nó có hiểu được không? Hay là mình lại phí lời, vô ích?  

          Quả bóng đã được chuyền sang sân đối phương. Con quỷ cái đội lốt người im bặt. Nhưng mụ Oanh thì lại nói ngay một câu rất hố:

          – Anh Thừa ạ, thực lòng, tôi cũng quý cháu Ngân nhà mình lắm. Anh biết đấy, thằng Hưng là con một. Tôi không có con gái nên coi cháu Ngân cũng như con. Không biết anh có coi thằng Hưng nhà tôi như con trai của anh không, nhưng tôi thì vẫn coi cháu Ngân như con gái. Nhiều khi hai cô cháu còn ngồi tâm sự với nhau đủ mọi điều…

          Lại còn khoe bao nhiêu là của nữa chứ! Nhưng làm sao mà mình có thể coi thằng Hưng như con trai được! Thế chẳng hóa ra nó với cái Ngân lại là hai chị em à? Ông Thừa suýt phì cười vì cái ý tưởng độc lạ này. Không biết bà Luyến ngồi im chịu trận suốt từ đầu cuộc gặp đang nghĩ ngợi gì, nhưng ông cảm thấy trí tuệ của con phó tổng này cũng thường thôi; lại còn định làm rắn giả lươn nữa chứ!

          Mụ Oanh đã chuyển sang ca cẩm thằng con trai trẻ người non dạ, không lo nghĩ gì đến tương lai, chỉ biết vòi tiền rồi nhoáy một cái lại bay về. Anh chị có biết không, nó hư đến nỗi, mới tám tháng thôi mà đã về Việt Nam đến năm lần! Có lần về đến đây lại còn không về nhà. Chẳng là chúng tôi khuyên cháu đừng nên về nhiều như thế, vừa mất thời gian lại tốn tiền. Thế mà nó vẫn cứ bí mật mò về, thuê khách sạn ở gần hồ Hoàn Kiếm. Đấy, như cái hồi tháng Mười năm ngoái…

          Ông Thừa bỗng giật mình:

          – Nó bảo, nó về chữa cái laptop mà.

         – Không, lần trước nữa cơ. Chứ lúc nó về chữa laptop đã là chuyến sau rồi. Nó nhập cảnh vào Nội Bài ngày hai mươi sáu tháng Mười, xuất cảnh ngày hai mươi chín… – Mụ béo nói luôn, không cần giấy tờ gì hết. – Ơ thế anh không biết thật à?

           Ô hay, đấy là chuyện trong gia đình chúng mày chứ liên quan gì đến tao? Ông Thừa khẽ lắc đầu, chợt nhận thấy thằng này ghê gớm thật, vượt ra ngoài những dự đoán của ông. Dám qua mặt cả bố mẹ nó. Một hành vi không thể nào chấp nhận! Nhưng tại sao nó lại làm như thế? Chẳng lẽ vì ham muốn con Ngân? Hay là có sức hút nào đó mạnh hơn thế nữa?

          Trước mắt ông lại hiện ra cái lưng gấu rõ dài của thằng Hưng. Một thái độ rất tự tin. Ờ, mà không khéo vợ chồng nhà này lại cho là tại con mình rủ rê, xúi giục hay tìm cách moi tiền của nhà chúng nó cũng nên… Ông không tin là con Ngân lại làm việc đó. Và chúng nó cũng quên mất rằng thằng Hưng không phải là đứa dại gái bao giờ. Nó hay về, biết đâu lại chẳng do chính những chuyện trong gia đình chúng nó, đại khái như nguyên bộ trưởng xô xát, cãi chửi nhau với vợ hay gì đó mà ông không biết và cũng chẳng cần biết làm gì.

          – Chị thông cảm, tôi có phải là công an hay an ninh cửa khẩu đâu mà biết được. Hơn nữa, mỗi lần nó đến đây thì cũng là để gặp con Ngân chứ có mấy khi hai bác cháu ngồi nói chuyện với nhau đâu. Tôi không tiện hỏi vì không có thì giờ và cũng nghĩ đấy là việc riêng của nó.

          Câu nói của ông Thừa khiến mụ béo thở dài, có vẻ như đã hiểu ra thêm một điều gì đó. Bà ta tự trấn tĩnh bằng cách nhấp một ngụm trà rồi mới tiếp:

          – Đấy, anh xem, thế có khổ không. Con với cái… Thế sao anh chị lại để cho cháu Ngân sang bên ấy? Anh không cấm nó à?  

          Ông Thừa lại lắc đầu lần nữa:

          – Không. Tôi chỉ khuyên cháu thôi chứ không cấm. Bởi vì tôi nghĩ, có cấm cũng không được. Bây giờ là thời đại nào… – Ông mỉm cười chua chát. – Con cái đặt đâu, bố mẹ ngồi đấy cơ mà. Hơn nữa, thế hệ chúng ta, cũng bao nhiêu người ăn cơm trước kẻng đấy thôi. Lại còn Xưa kia ai cấm duyên bà… Tôi đã nói với nhà tôi, là nếu chẳng may con Ngân có bầu, thì cứ để cho nó sinh con rồi giữ lấy mà nuôi, làm mẹ đơn thân cũng được. Vì bỏ một cái thai cũng là có tội. Mà tội sát sinh thì to lắm. Không ai trốn được đâu. Đức Phật đã dạy rồi…

          Ông Thừa ngừng lời và nhận ra ngay mũi tên vừa buông đã trúng luôn hai đích. Một đứa hẳn là đã giật mình lo ông bà ăn vạ, bắt phải làm đám cưới hoặc đòi tiền nuôi con thằng Hưng (tất nhiên là nếu có). Đứa kia, như bị giáng một cái tát vào giữa mặt vì cái thai của con bé tội nghiệp mà nó đã bắt hủy đi cho bằng được. Nếu không, thì đứa bé ấy đã lên ba hay bốn tuổi rồi.

          Đúng là trước lúc con Ngân lên đường, ông có nói với bà như thế, như thế… Vì nó không còn trẻ trung gì nữa, mà phá thai thì rất không nên. Nguy hiểm lắm. Chứ đâu phải ông bà muốn con mình đi lấy giống nhà chúng nó hoặc bằng cách đó đòi phải cưới. Nhưng thôi, cứ để cho chúng nó tha hồ lo lắng. Cho chúng mày tự lấy đá đập chân mình. May, là con Ngân không bị dính bầu. Nhưng ông thấy không cần phải nói ra điều đó. Thì cứ coi như tao chỉ muốn thử nắn gân chúng mày một tí thôi.

          – Thế bây giờ, anh chị định thế nào? Bảo chúng nó nên dừng lại, chia tay nhau đi, có đúng không? – Ông Thừa hỏi bằng cái giọng thản nhiên, thậm chí là hơi tưng tửng, nhưng trong lòng lại là cả một nỗi ê chề.       

          – Anh thông cảm, tôi chỉ muốn cháu tập trung hết vào cho việc học. – Mụ đàn bà kia đan hai tay vào nhau, không dám ngước nhìn lên.

          Được thôi! Hai chị em con này làm sao mà biết được rằng đây là điều ông đã dự liệu từ lâu. Vì hai đứa chỉ biết nghĩ theo cách của nhà chúng nó, luôn luôn nhìn xuống và cho rằng mọi người đều phải lụy đến mình. Cũng không hề nghĩ được rằng, thật ra, không cần phải mất công làm gì, tình yêu kia cũng chấm dứt thôi. Tính cách của chúng nó khác xa nhau quá. Một đứa đầy tham vọng tiến thân. Đứa kia, chả coi cái gì là quan trọng, thậm chí còn không mơ vào Đảng. Thằng con trai tiêu tiền như phá. Đứa con gái thì lại không hào hứng hay tỏ ra biết cách làm giàu, cứ như người sống trên mây trên gió… Thôi được rồi, tao sẽ cho chúng mày đúng cái mà cả họ nhà chúng mày đang muốn. Tha hồ sung sướng nhé! Ông quyết định.

          – Vậy thì thế này. Chị Oanh ạ, tôi nghĩ là chị đã đạt được mục đích của mình rồi đấy. Bây giờ chị về, nói cho thằng Hưng nó biết, còn tôi và nhà tôi sẽ chịu trách nhiệm với con Ngân. – Ông giơ tay lên xem đồng hồ rồi đứng dậy vì thấy không còn gì để nói. – Thế thôi, nhỉ.

          Thoáng một chút ngỡ ngàng trong mắt hai chị em nhà nọ. Có lẽ chúng không hề nghĩ mọi chuyện lại diễn ra như thế, nên không biết phản ứng thế nào. Thật chóng vánh, nhẹ nhàng! Cứ tưởng lão già sẽ còn vòng vo tam quốc, gây sự chán chê đến phải dùng biện pháp mạnh hơn… Mà còn biết phản ứng thế nào! Hai mụ đàn bà hơi ngơ ngác nhìn nhau rồi miễn cưỡng đứng lên, không giấu được vẻ sượng sùng khi nhận ra là nó lại dám đuổi mình.

          – Ồ, vâng… Cám ơn anh.

          Vợ chồng ông Thừa tiễn khách ra khỏi cửa. Cũng chỉ đến lúc này, ông mới làm như chợt nhớ ra:

          – À, chị hỏi ngày sinh của cháu Ngân nhà tôi để làm gì thế?

          – Ờ… à, vâng. Tôi làm cái sớ để đi lễ cầu an ấy mà.

          Chứ không phải là để nhờ người lấy số tử vi xem tuổi nó có hợp với thằng Hưng không, có phá tán hết cơ nghiệp nhà chúng mày không à? Ông Thừa tự hỏi thầm trong óc. Con Ngân đã phải là người trong gia đình chúng mày đâu mà ghi được tên nó vào trong sớ! Phải có lí do gì khác chứ! Hay là thuê người làm bùa chú cho hai đứa cắt đứt nhau, để thằng Hưng dễ bề yêu và lấy đứa trẻ trung xinh đẹp hơn, con nhà giàu có hơn? Ông Thừa chỉ còn nước nhếch mép cười khinh bỉ.

          Dù sao, đôi bên cũng vui vẻ chia tay, hay ít ra là giả vờ như thế, lại còn chúc mừng năm mới thêm lần nữa. Tất nhiên là mỗi bên nếu có vui thì cũng theo một cách khác nhau. Bên thở phào, như vừa trút xong gánh nặng bấy lâu nay. Bên thầm nghĩ, thôi, không còn phải lo gì nữa. Ông Thừa cố tình tránh, không bắt tay tạm biệt khách làm gì. Kinh lắm! Bẩn tay mình ra. Chờ đến lúc cả hai mụ kia đi khuất, ông mới khóa cửa lại rồi hỏi vợ:

          – Sao, bà thấy tôi nói năng như thế có được không?

          – Ông nói thế là còn quá nhẹ. Nhưng mà thôi, mọi chuyện đã qua rồi…

          – Tôi đã nghĩ chán ra rồi, bà ạ. Chỉ cần nói làm sao cho nó hiểu được đúng ý mình là đủ. Không việc gì phải chọc vào cái tổ ong bò vẽ. Bà thử nghĩ xem, cái gì sẽ xảy ra nếu nó sai người quăng ma túy vào trong nhà mình rồi báo công an đến bắt, hay là gây tai nạn cho con Ngân? Mà cái bọn đầu trâu mặt ngựa ấy thì liệu có việc gì chúng nó không dám làm! Gia đình mình làm sao mà biết trước được để đề phòng?

          Bà Luyến chỉ im lặng trong khi ông cũng không biết nói gì hơn. Trong đôi mắt ầng ậng nước của bà lúc này là cả một nỗi buồn không tả xiết. Ông đứng dậy, khẽ khàng ôm lấy vợ. Có ai ngờ, nó lại đến tận đây để xúc phạm mình! Mà tại sao nó không bảo thằng ranh kia tránh xa con Ngân ra, hay nói thẳng với con Ngân cho xong chuyện? Chẳng lẽ vì cái thằng quý tử ấy không chịu nghe lời mẹ, nên nó đành phải mượn tay mình làm việc đó, còn nó thì làm ra vẻ vô can? Nhưng mà thôi, mọi chuyện đã qua rồi, đúng như lời bà Luyến. Và chén đắng nào cũng đành phải uống cạn thôi. Ông lựa lời, tránh cho bà bị tổn thương thêm nữa:

          – Trong cái rủi cũng có cái may, bà ạ. Chứ nếu hai đứa cưới nhau, tôi sợ chỉ dăm bữa nửa tháng chúng nó đã lôi nhau ra tòa, con gái mình mang tiếng một lần đò thì chán lắm. Bà có thấy không, nó soi con Ngân từng li từng tí một, lại còn để ý đến cả chuyện con này thích ăn gì, quá như mật thám. Lúc nào cũng chỉ muốn ra lệnh và áp đặt. Con Ngân nó chịu làm sao nổi! Mà không nghe lời chúng nó là chết ngay, như cái vụ đi Hàn Quốc ấy. Nó đã nói rồi mà vẫn còn cố đi cho bằng được! Và kết quả là như thế. Tôi nghĩ, nếu con mình đừng cố tình đi thì đã không, hay ít nhất cũng chưa xảy ra chuyện hôm nay. Bà thấy có đúng không?

 

 

          Mọi chuyện, đúng là đã qua, nhưng không dừng lại ở đó như ông Thừa tưởng. Một buổi trưa, trong lúc đang thiu thiu ngủ thì ông bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại.  

          – A lô, bác Thừa đấy ạ?

          – Vâng, tôi đây.

          – Xin lỗi bác, cháu là Đường, cảnh sát khu vực đây ạ. Cháu xin lỗi vì đã làm phiền bác.

          A, thằng này cũng đáng được xếp vào hàng lịch sự đây! Mình còn chưa gặp nó lần nào… Cơn buồn ngủ bỗng nhiên tan biến vì ông đoán có việc gì nghiêm trọng:

          – Ồ, không sao! Có việc gì thế anh? Tôi nghe đây.

          Đằng kia có vẻ như hơi đắn đo vì chưa biết nói thế nào cho phải.

          – A lô! – Ông Thừa hơi sốt ruột, tưởng nó không nói nữa. – Tôi nghe đây.

          – À… Thế này bác ạ. Có một chuyện hơi tế nhị, mong bác thông cảm vì cháu buộc lòng phải nói… Bác nên nhắc nhở bạn nhà mình đi, để bạn ấy đừng có vào nhà nghỉ nữa.

          – Bạn nào? – Ông Thừa hơi cau mày, ngờ ngợ. – Tôi có ba con cơ mà!

          – Dạ, cái bạn nữ ấy ạ. Bạn gì ấy nhỉ… À, Ngân. Vâng, đúng rồi đấy ạ. Bạn Ngân. Cháu phải nói vì tình hình an ninh trật tự ở phường mình thời gian gần đây không được tốt. Mà cháu cũng biết bác là người tử tế, cán bộ Nhà nước, đảng viên lâu năm… – Giọng nói kia ngập ngừng một lúc.

          Nó định gài bẫy mình đây! Ông Thừa cảnh giác, hỏi lại cho chắc chắn:

          – Nhà nghỉ nào? Mà làm sao anh biết?

          – Dạ, nhà nghỉ Thùy Dương, ở gần ngay đây mà bác. Cháu đảm bảo với bác, thông tin này là chính xác.

          – Thôi được rồi, cám ơn anh vì đã báo tin. Tôi sẽ hỏi lại cháu xem thế nào, nhé! Vâng. Chào anh!

          Thật không ngờ cái nhà kia lại chơi đòn bẩn đến thế này. Con ơi là con! Ông bố tội nghiệp ấy ngồi thừ ra suy nghĩ. Hừ, nguyên bộ trưởng và nguyên phó tổng! Cả một lũ tiểu nhân và bệnh hoạn, tự hạ mình xuống đến mức tìm cách bêu riếu một đứa con gái vào nhà nghỉ với người yêu của nó. Sao không nhớ ngày xưa, lúc chúng mày chui bờ rúc bụi, tựa gốc cây để làm việc đó mà lại còn chê bôi người khác?! Cứ làm như chúng mày sạch sẽ, cao quý lắm và không biết ngày nay lớp trẻ như thế nào! Bây giờ có còn ai kết tội những cặp đôi yêu nhau trong nhà nghỉ hay khách sạn nữa đâu. Cũng chẳng mấy người coi đó là hành vi vi phạm pháp luật hay đạo đức, ngay cả với những quan hệ ngoài luồng… Ông Thừa buồn se sắt nhận ra, thêm một lần nữa mình lại đúng khi nhận xét và đánh giá về cái lũ người chức trọng quyền cao ấy.

          Có lẽ đến bây giờ chúng nó mới ngấm đòn nên cố tìm cách hạ nhục mình thêm lần nữa. Hoặc ít ra cũng hi vọng mình bị tổn thương, sẽ nhiếc móc, sỉ vả con Ngân. Được lắm! Tao không mắc bẫy của chúng mày đâu mà đã vội mừng! Người cha ấy thừa hiểu, không có cảnh sát khu vực nào lại rỗi hơi đi rình mò ở các nhà nghỉ hay khách sạn nếu không được giao nhiệm vụ, lên kế hoạch hẳn hoi từ trước. Làm sao có thể tin được rằng trong hàng trăm hàng nghìn đứa con gái chui vào nhà nghỉ mỗi ngày lại có đứa bị cảnh sát khu vực nhận ra là con nhà ai và gọi đúng tên, trừ các đối tượng lưu manh hay đĩ điếm đã quá nhờn với chính quyền.

          Con Ngân chưa bao giờ đến công an phường, thì cái thằng Đường này làm sao mà biết mặt nó. Chẳng lẽ lại có người chỉ điểm hay sao? Và để làm gì? Hơn nữa, nếu con Ngân có đi nhà nghỉ, thì cũng là chuyện xảy ra từ trước Tết rồi. Bây giờ là tháng Ba âm lịch, mà thằng Hưng đã buộc phải trở sang Hàn Quốc ngay sau hôm mẹ nó đến đây. Hai đấng sinh thành của nó hẳn là đã tính toán kĩ càng để thằng con không kịp xoay xở, trì hoãn gì được nữa. Đi ngay! Ốp nó lên tận sân bay nhé! Còn con Ngân thì từ sau vụ đó đến nay đã có đứa nào đâu.

          Ông Thừa dễ dàng đoán ra nguồn cơn tại sao thằng Đường lại mất công báo cái tin động trời ấy cho mình. Chắc chắn là một cú điện thoại từ đâu đó gọi xuống công an phường và thế là đã có đứa phải cong đuôi thực thi mệnh lệnh ngay lập tức. Không có chứng cứ, thì chúng nó tạo ra chứng cứ thôi chứ nào có khó gì! Từ xưa đến nay đã xảy ra bao nhiêu là vụ án oan rồi, cãi làm sao được! Ai bênh?!

          Chẳng biết là do bị mắng mỏ hay ngăn cản thế nào, suốt mấy ngày Tết thằng Hưng chỉ ru rú ở nhà không ló mặt đi đâu, vì thế nó mới được biến thành người ốm với các loại cảm cúm ho hen đủ kiểu. Con Ngân cũng không gặp nó vì hai đứa chắc là đang giận nhau. Một buổi tối, chẳng biết tại sao thằng này lại uống hai viên thuốc ngủ, bị mẹ nó phát hiện và bắt đi rửa ruột.

          Em họ thằng Hưng, giờ đã là một tiến sĩ kinh tế học liền vào ngay trang mạng của con Ngân chửi bới điên cuồng bằng những lời lẽ đúng theo kiểu đầu đường xó chợ và hùng hồn kết tội: “Tại mày mà anh tao phải uống thuốc độc tự tử, may còn kịp đưa đi cấp cứu. Anh tao có làm sao thì tao sẽ giết mày. Tao sẽ băm nhỏ xác mày ra cho chó ăn”! Ghê gớm chưa?! Khẩu khí của một tiến sĩ trẻ đầy triển vọng. Nhưng xưa nay, làm gì có ai chết được vì hai viên thuốc ngủ! Lại nữa, thằng Hưng còn đang phấn đấu cho một ngày lên làm lãnh đạo cấp tít mù cao thì làm sao nó lại đi tự tử được hở giời! Có thể là do suy nghĩ hơi nhiều nên khó ngủ thôi. Vì thế nó mới uống thuốc, bị bắt gặp và bị đưa đi rửa ruột. Con Ngân không nói năng đôi hồi gì hết, khóa luôn trang facebook. 

          Ông Thừa chỉ biết đến những thông tin ấy mãi về sau, qua lời con gái. Ông không nhắc nhở gì chuyện cũ vì sợ nó buồn nhưng cầm chắc, còn rất lâu nó mới có thể quên những gì đã xảy ra. Không thấy nó đeo chiếc nhẫn mà thằng Hưng đã tặng. Chẳng biết là nó vứt đi đâu hay đã bị đòi. Người bố bất hạnh ấy lại thở dài não nuột. 

 

 

 

                                                                                                                               6.2021

                                                                                            (Bút danh Văn Nguyên Hậu)