Đêm.
Khu căn cứ địch lờ mờ hiện ra qua làn sương mù đặc quánh.
Từ đâu đó, thấp thoáng ánh đèn pha lóe sáng xen lẫn với tiếng máy bay lên thẳng lúc gần lúc xa và tiếng pháo cầm canh từng chặp. Thỉnh thoảng, một vài quả pháo sáng nổ bùng ra giữa lưng chừng trời rồi tắt ngóm.
Trong bóng đêm, có hai bóng người đang dán chặt mình xuống đất, nhích lên từng tí một. Họ cẩn trọng vạch từng bụi cỏ, khéo léo cài chốt những quả mìn giăng mắc hai bên cạnh, gỡ từng mắt lưới thép gai, tiến về phía trước.
Bỗng nhiên, oành một tiếng, một quả mìn phát nổ ngay trước mặt hai chiến sĩ quân Giải phóng. Ngay lập tức, cùng với ánh sáng chói lòa, các loại súng của địch bắn ra dữ dội. Hai người lính nằm im, cơ thể như hòa tan vào với cỏ. Tiếng la hét, tiếng nổ vẫn vang lên chát chúa. Và bây giờ, dưới ánh sáng choang như giữa ban ngày, người ta có thể nhìn thấy hàng rào bùng nhùng, những chiếc ống bơ treo trên đó và xa hơn một chút là hai chiếc xe tăng M48 chỉ nhô hai tháp pháo lên mặt đất đang nhả đạn.
Chờ lúc ngớt tiếng súng, hai người lính quân Giải phóng thận trọng từ từ nhô đầu lên, quan sát. Một người khẽ gật đầu ra hiệu, rồi vẫn úp mình xuống cỏ, cả hai bò ngược trở ra, và vẫn không quên cài lại các trái mìn như trước.
Xung quanh lại im lìm như chưa từng có gì xảy ra. Tất cả lại chìm trong màn sương đặc quánh.
Trong căn cứ của lực lượng thám báo quân đội Sài Gòn. Một căn nhà gỗ, cửa kính, mái tôn, nằm gần một đường băng sân bay dã chiến. Qua cửa sổ, có thể nhìn thấy mấy chiếc máy bay lên thẳng loại HU1A và HU1B sơn cờ vàng ba sọc đỏ nối theo nhau lên xuống.
Trong phòng, chỉ có ba người. Thiếu tá Phi, dáng to cao, lực lưỡng đang dò tìm một vị trí nào đó trên tấm bản đồ quân sự được trải rộng trên bàn. Đối diện ông ta là Tư Nguyên, khoảng ngoài ba mươi tuổi, đeo lon đại úy và thiếu úy Hai Diễm với vẻ mặt lạnh lùng như đá.
– Đây, theo tin tình báo thì hiện nay, Việt Cộng đang có dấu hiệu tập trung ở khu vực này… – Thiếu tá Phi nói. – Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm rõ, đó là đơn vị nào, quân số bao nhiêu, mục tiêu của chúng là gì… Qua ảnh không thám, bọn chúng còn có cả máy xúc hiện diện ở đây, có lẽ là chúng định mở một con đường…
Ông ta dừng lại, nhìn lướt qua hai thuộc cấp của mình một lát.
– Còn ở đây, – ngón tay của Phi lại dịch chuyển sang chỗ khác. – Mới rồi ta bắt được sóng của một máy thu phát lạ. Rất tiếc là chưa định vị được thì nó đã ngừng luôn. Cho nên, nếu có thể được thì các chiến hữu…
– Ráng tìm cho ra nó? – Tư Nguyên ngẩng lên, dò hỏi.
– Đúng. – Phi gật đầu xác nhận. – Điều này rất quan trọng, vì đây là loại máy luôn đi kèm với sở chỉ huy của họ, ít ra cũng là cấp sư đoàn. Do đó, nếu tìm ra vị trí của nó, ta sẽ dễ dàng tìm ra được sở chỉ huy… Các ông có hiểu không?
– Hiểu! – Cả Hai Diễm và Tư Nguyên cùng đáp.
– Vậy thì thế này… – Phi xem đồng hồ đeo tay, suy nghĩ một lát rồi mới tiếp. – Bây giờ là hai giờ thiếu năm phút. Đại úy tập hợp anh em, sửa soạn quân trang quân dụng, lương ăn… Năm giờ rưỡi chiều, xuất phát. Kế hoạch hành quân, mật khẩu liên lạc, trước lúc lên trực thăng tôi sẽ nói. Rõ chưa?
– Rõ! – Cả hai thuộc cấp của Phi đều đứng nghiêm nhận lệnh.
– Hôm nay là mười lăm, ngày hoàng đạo… Hi vọng tới hai mươi mốt, các chiến hữu lại trở về… A, chút xíu nữa thì quên…
Thiếu tá Phi mở ngăn kéo bàn làm việc, lấy ra một con búp bê nhỏ xíu nhưng rất xinh, đưa cho Tư Nguyên:
– Mừng con gái đại ý tròn năm tuổi… Ủa, mà con nhỏ tên gì ta? – Phi vỗ vỗ vào trán cố nhớ.
– Dạ, cháu tên là Thương Thương… Xin cám ơn thiếu tá.
– Không có gì… Cho tôi gởi lời hỏi thăm chị Tư và các cháu nghe.
– Dạ, – Tư Nguyên giơ tay chào rồi bước đi, vừa lúc thiếu tá Phi làm ra vẻ như sực nhớ:
– Thiếu úy cho tôi gặp riêng một lát.
– Dạ. – Hai Diễm lại đứng nghiêm.
– Ngồi xuống đi, – Thiếu tá Phi hất hàm ra hiệu rồi mở bao Ruby Quân tiếp vụ(*), đưa về phía người đối diện. Mời thiếu úy.
– Dạ, xin cám ơn thiếu tá.
– Hai người cùng châm lửa hút. Lát sau, thiếu tá Phi mới hỏi:
– Thiếu úy có suy nghĩ gì về phi vụ này không?
Mắt hơi nheo lại vì khói thuốc, Hai Diễm khẽ nhún vai một cái:
– Dạ… không. Nhưng…
– Thiếu úy cứ tự nhiên.
– Dạ… Tôi không hiểu sao thiếu tá lại cử Tư Nguyên đi vụ này? Bộ ta đã hết người rồi hay sao vậy?
– Không… Nhưng phải để dành cho nhiệm vụ khác. Hơn nữa, với Tư Nguyên, có lẽ chúng ta cũng nên có một thử thách cuối cùng…
– …
– Sau vụ này, nếu anh ta trở về, thì sẽ chuyển qua đơn vị khác, có thể là ở một trung đoàn bộ binh nào đó.
– Còn nếu không thì sao ạ?
– Thì… càng tốt chớ sao! – Phi mỉm cười đầy ý nghĩa, nhìn quanh rồi mới nói. – Do đó, nhiệm vụ của thiếu úy rất nặng nề. Phải giám sát chặt chẽ mọi hành động của Tư Nguyên, không được rời một bước. Nếu thấy anh ta có biểu hiện khác thường, thì thiếu úy… – Thiếu tá Phi làm động tác giơ tay lên cứa cổ – có quyền xử lí. Rõ chưa?
– Rõ! – Hai Diễm khẽ gật đầu, vẻ vui mừng ra mặt.
Thiếu tá Phi với chai rượu wisky, rót ra hai chiếc li rồi mới tiếp:
– Hi vọng, sau chuyến đi này, thiếu úy sẽ có thêm một bông mai nữa.
– Xin cảm ơn thiếu tá! – Hai Diễm đứng dậy, nâng li.
– Chúc sức khỏe ngài!
– Chúc thiếu úy thành công!
Hai li rượu chạm vào nhau, khẽ keng một tiếng.
Mặt trời như cái đĩa con nhòe nhợt, bồng bềnh trong màn sương mù buổi sớm. Tiếng máy bay lên thẳng phành phạch lúc xa lúc gần hòa lẫn với tiếng gà rừng gáy muộn tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn.
Xuyên qua màn sương, Phước và Luân, hai chiến sĩ trinh sát quân Giải phóng đang đi tới. Bộ quần áo ngụy trang loang lổ trên người họ ướt đầm, dính bết vào da thịt. Mặt mũi cả hai đều sây sát, bơ phờ nhưng họ vẫn không dừng lại và luôn luôn cảnh giác ngoái nhìn bốn phía.
Soạt!
Vừa thoáng nghe thấy tiếng động, cả hai đã nhảy vọt vào sau một gốc cây to, chĩa súng về phía trước. Một con thú nào đó vừa lao vào bụi rậm. Hai người đưa mắt nhìn nhau và không khỏi mỉm cười.
Nắng sớm đã rọi thành những vệt dài xuyên qua tán lá rừng.
Phước và Luân dừng lại, ngồi đối diện nhau bên bờ suối. Họ vốc nước rửa mặt rồi chia nhau những hạt gạo rang từ chiếc túi đeo ở bên sườn trong khi hai khẩu AK vẫn dựa vào vai, đầy cảnh giác.
– May quá, anh Phước nhỉ. – Người lính trẻ hơn nói. – Nhờ có quả mìn ấy mà anh em mình mới nhìn thấy được hàng rào bùng nhùng và hai chiếc xe tăng của chúng nó.
– Ừ, – Phước gật đầu xác nhận. – Chắc là tại một con chồn con cáo gì đó… Chỉ tiếc là chúng mình không xách được về ăn thịt.
Luân chìa cho Phước một nhúm thuốc lá rồi cả hai cùng cuốn thuốc, châm lửa hút phì phèo. Lát sau, Phước giơ tay xem đồng hồ:
– Thôi, đi!
Cả hai lại khoác súng, đứng lên.
Ngược chiều với Phước và Luân, lúc này nhóm của Tư Nguyên cũng đang đi tới. Bọn chúng gồm bốn tên mặc quân phục giải phóng với những khẩu AK và ba lô con cóc căng phồng.
Hai Diễm đi đầu, vẻ mặt hơi lạnh lùng và bí hiểm. Theo sau hắn là Tám Xứng, trông không khác gì một chiến sĩ Quân giải phóng thực sự, mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Suôn đi thứ ba, đeo chiếc máy PRC25 nặng trĩu. Cuối cùng là Tư Nguyên, ngoài khẩu AK và chiếc bao ống nhòm trước ngực còn có thêm một khẩu Colt to tướng.
Có lẽ đi đã khá lâu, nên cả bọn đã tỏ ra thấm mệt. Tư Nguyên ra lệnh cho đồng bọn dừng lại, rồi cẩn thận nâng ống nhòm lên quan sát.
– Thế nào, anh Tư? – Hai Diễm khẽ hỏi tên toán trưởng.
– Thiếu uý coi nè… – Tư Nguyên đưa chiếc ống nhòm cho Hai Diễm. Tên này cầm lấy, điều chỉnh tiêu cự của chiếc ống nhòm, rà đi rà lại mấy lần.
Qua ống kính, hiện ra chừng dăm bảy nếp nhà sàn xiêu vẹo, mái lợp cao, nép mình bên sườn núi. Và phải tinh mắt lắm, mới có thể nhận ra một làn khói mỏng manh bay lên từ phía cuối buôn.
Hai Diễm trả lại chiếc ống nhòm cho Tư Nguyên, không giấu được vẻ băn khoăn:
– Đây có lẽ là buôn của bọn Banar. Cứ như là bị bỏ hoang hay sao chớ…
– Vậy ông thiếu uý tính sao? – Tư Nguyên nhét chiếc ống nhòm vào bao da rồi hỏi lại. Hai Diễm không trả lời mà chỉ nhún vai một cái.
– Vậy thì thế này, – Tư Nguyên vẫy tay cho Suôn và Tám Xứng lại gần. – Chúng ta sẽ thử vào buôn, liên hệ với bọn du kích ở đó, nhờ người dẫn đi lối tắt để bù cho ngày hôm qua bị lạc đường… Các chiến hữu có ý kiến gì không?
– Được! – Hai Diễm gật đầu đồng ý. – Nhưng nếu rủi không gặp ai thì sao?
– Thì… chúng ta phải tự xoay sở lấy thôi.
– Được đó anh Tư à, – hai gã đàn em cũng phụ hoạ theo.
– Nếu vậy thì các chiến hữu kiểm tra lại vũ khí, quân cụ cho cẩn thận. Đừng quên chúng ta là Quân giải phóng, đi trinh sát để mở đường cho xe tăng nhưng chẳng may bị lạc. Rõ chưa?
– Rõ!
– Phải dè chừng từng lời ăn tiếng nói. – Tư Nguyên nhìn từng tên một – tuyệt đối không được sơ hở một chút nào. Nếu để lộ ra thì… – Tên toán trưởng dừng lại, giơ tay ra ý cắt cổ. Rồi như chợt nhớ ra, y dặn thêm:
– Không được gọi nhau là chiến hữu, cũng không gọi theo cấp bậc. Chỉ gọi nhau theo thứ. Ủa, mà Suôn thứ mấy vậy mày?
– Dạ, em… “thứ Út” luôn anh Tư! – Suôn mỉm cười pha trò.
– Tốt! – Tư Nguyên gật đầu tán thưởng. – Đừng có mà quên, nghe!
Cả bọn khoác ba lô lên vai, theo tên toán trưởng tìm lối vào buôn.
Trời đã về chiều.
Theo bước chân của Y Dơn, một cậu bé người dân tộc khoảng chừng mười hai mười ba tuổi, nhóm biệt kích của Tư Nguyên đang leo dốc. Những bước chân gần như đặt trùng khít lên nhau.
Lên đến đỉnh đồi, Y Dơn dừng lại, giơ tay chỉ về phía cánh rừng trước mặt:
– Đấy, các cán bộ cứ theo con đường này, vượt qua hai quãng núi nữa là tới, không sợ lạc nữa đâu!
– Cảm ơn cậu bé! – Tư Nguyên đưa tay lên gạt mồ hôi trán. – Thôi, tạm biệt nghe!
– Dạ, các cán bộ đi mạnh giỏi. – Y Dơn nói và dợm bước.
– Này, cậu bé, chờ một chút! – Hai Diễm, chợt nghĩ ra một điều gì đó. Y nhanh chóng khoác vai cậu bé, đẩy vào sau một lùm cây rậm rạp ở ven đường.
– Đừng! – Tư Nguyên định ngăn cản Hai Diễm nhưng không kịp.
Hai Diễm rút soạt con dao găm Mỹ đeo ở bên sườn và tay kia bẻ quặt tay Y Dơn về phía sau.
– Ôi ôi cán bộ! – Gương mặt cậu bé lộ vẻ thảng thốt, đau đớn và khiếp đảm.
Những tên biệt kích còn lại uể oải bước đi, mắt nhìn lấc láo ra các hướng. Chỉ riêng Tư Nguyên là khẽ nghiến răng, đôi lông mày hơi nhíu lại.
Hai Diễm lau vội lưỡi dao găm vấy máu vào tay áo rồi chỉ sau vài bước chạy, hắn đã đến sau lưng tên toán trưởng. Cố gắng không quay lại để khỏi phải nhìn thấy tên đồng bọn, Tư Nguyên hỏi:
– Ông làm như thế để làm gì! Bộ ông thích giết người lắm hả?
– Ồ, phải đề phòng mọi chuyện chứ, thưa đại úy… – Hai Diễm đáp thản nhiên. – Nếu không, lỡ thằng nhỏ nó phun ra thì chết cả nút.
– Ông đừng quên, nhiệm vụ của chúng ta không phải là giết người, – Tư Nguyên hơi dằn giọng.
– Rõ! – Hai Diễm đáp, giọng tỉnh khô. – Nhưng đây là trường hợp cần thiết, thưa đại úy.
– Tôi thì lại không nghĩ thế! – Tư Nguyên nói, mắt vẫn không nhìn Hai Diễm – Bận sau, đừng làm thế nữa, không thì lộ hết! Bởi vì Việt Cộng không bao giờ giết dân của họ, nghe chưa?
Hai Diễm cười khẩy, khẽ nhún vai một cái.
Bây giờ, Phước và Luân dường như đã cho phép mình được thoải mái hơn. Họ đi bên cạnh nhau, vừa đi vừa trò chuyện.
– Anh Phước này, liệu bọn nó có đánh hơi thấy mình không nhỉ?
– Nếu đánh hơi được, thì bọn nó đã tìm mọi cách thịt hoặc bắt sống chúng mình rồi. – Phước trả lời thủng thẳng.
– Lúc cái quả mìn cóc nó nổ ấy mà, em lo quá, – Luân lại nói. – Cứ tưởng phen này thì đi tong hết.
Phước nhếch mép cười không thành tiếng:
– Trong cái rủi lại có cái may. Không kẹt lại ở đó thì làm sao mà biết được chúng nó mới có thêm hàng rào ấy nữa? Nhất là hai chiếc xe tăng được chôn âm xuống đất…
Luân khẽ lắc đầu:
– Kinh khủng thật. Nếu mình không phát hiện ra thì lại bao nhiêu anh em phải chết…
– Thế đấy! Các cụ nhà ta đã bảo rồi, sai một li đi một dặm mà. – Phước nói như kết luận. – Mà không biết thằng Đăng nó đã cắt cơn sốt chưa đây!
– Gớm, sốt gì mà sốt đến hàng tuần ấy! – Luân khẽ cằn nhằn. – Khéo đến hôm nay thì nó đã khỏe như voi rồi!
*
* *
Trên một khoảng đất phẳng phiu và kín đáo, nhóm của Tư Nguyên cũng vừa dừng lại. Tên toán trưởng dùng bút chì xanh đỏ đánh dấu một điểm nào đó trên tấm bản đồ bọc mi ca của Mỹ. Rồi y gấp nó lại, bỏ vào chiếc xà cột đeo cạnh sườn.
– Sao lâu vậy, Suôn? – Tư Nguyên hất hàm hỏi tên báo vụ đang khom mình bên chiếc PRC 25.
– Dạ, được rồi đây ạ, – Suôn khẽ đáp và đưa cho Tư Nguyên tổ hợp.
Tên toán trưởng liền bóp công tắc, gọi khẽ nhưng rành rọt:
– Alô, alô! Tiền Giang gọi Hậu Giang… Đã tìm thấy nơi hò hẹn… Dạ. Các nhân tình đang chuẩn bị sẵn sàng… Dạ… Không có con bò nào để làm lễ cưới. Chúng tôi đang làm phiếu chi tiền…
Trên chiếc võng được mắc ở một góc hang, Đăng mệt mỏi chống tay ngồi dậy. Đó là một người lính mới khoảng trên dưới hai mươi tuổi, với gương mặt xương xẩu, trắng xanh. Anh run rẩy rời khỏi võng bước về phía bếp lửa lạnh tanh gần đó. Đăng cầm chiếc bi đông trên giá, khẽ lắc rồi thở dài, thất vọng. Chiếc bi đông rỗng không.
Đăng đưa lưỡi liếm cặp môi khô khốc, lê từng bước mệt mỏi và xiêu vẹo ra cửa hang. Anh sững lại trong một giây trước ánh nắng vàng rực rỡ, mắt hơi nhíu lại. Rồi như chợt nhớ ra, Đăng quay vào, nhìn bếp lửa. Không còn lấy một cành củi nào gọi là có. Với tay lấy khẩu AK khoác lên vai, Đăng cầm chiếc bi đông và con dao găm, gắng gượng bước đi.
Cuối mùa khô, dòng suối như đã thu mình lại, ngoằn ngoèo chảy qua những tảng đá gan gà.
Đăng vốc nước rửa mặt, nhìn mãi vào mấy con cá nhỏ xíu đang bơi lội tung tăng trong dòng suối đầy những viên đá cuội. Anh lấy bi đông, hứng đầy nước rồi chậm rãi lần ngược lên bờ.
Hai Diễm và Tám Xứng dè dặt luồn sâu mãi vào rừng.
Xung quanh, không một tiếng chim, không cả tiếng lá reo.
Bất chợt, có tiếng chặt cây vọng tới.
Hai tên biệt kích đưa mắt nhìn nhau dò hỏi.
Tiếng chặt cây ngừng bặt.
Hai Diễm mở chốt an toàn súng. Tám Xứng cũng làm theo, nhưng vừa mới đi được vài bước, cả hai tên đã dừng lại.
Tiếng chặt cây vừa ngừng, bây giờ lại vang lên.
Hai con thú – người nín thở, hồi hộp tiến về phía trước.
Quay lưng về phía địch, Đăng chăm chú chặt một cành cây khô to bằng khoảng bắp tay. Dưới chân anh là đống củi đã được xếp thành hàng. Khẩu AK anh vẫn khoác trên vai.
Tám Xứng khẽ cắn môi, đưa mắt nhìn Hai Diễm. Ngón tay trỏ của tên biệt kích nhẹ nhàng lần đến vòng cò…
Đúng lúc ấy, người bị theo dõi quay lại.
Hai tên biệt kích ngồi thụp xuống, không làm rung một chiếc lá cây.
Linh tính như mách bảo cho Đăng biết một điều gì đó. Anh lắng tai nghe ngóng một lúc nhưng không thấy gì khác ngoài tiếng gió vừa nổi lên xào xạc.
Qua kẽ lá, Hai Diễm và Tám Xứng đã nhìn thấy rõ con mồi của chúng. Một gương mặt đẹp trai, nước da xanh tái.
Hai Diễm hất hàm ra hiệu cho tên biệt kích đàn em rồi cả hai cùng rút dao găm ra khỏi vỏ. Chúng nhẹ nhàng bước tới đúng lúc Đăng cúi xuống…
Chợt nhìn thấy một con gà rừng đang đủng đỉnh bước đi, Luân vội giật áo Phước và kêu lên khe khẽ:
– Anh Phước!
– Đừng! – Phước ngăn lại. – Lộ hết bây giờ!
– Lộ làm sao được! Sắp về đến nơi rồi lại còn…
– Nguyên tắc là nguyên tắc! Phước nói khẽ nhưng kiên quyết.
– Thì cũng phải bồi dưỡng cho thằng Đăng một tí chứ ?! – Luân vẫn cố nài.
Một thoáng xao động trên mặt Phước, nhưng rồi anh vẫn lắc đầu dứt khoát:
– Không!
Luân hậm hực bước đi, không cãi lại.
Trong hang đá, Tư Nguyên đang ngồi xổm, chăm chú xem xét một chiếc điện đài đã cũ. Hắn xoay, vặn đủ các núm nhưng không thấy có một tín hiệu nào. Bên cạnh đó, mấy tên biệt kích đàn em lục lọi những chiếc ba lô con cóc và quẳng bừa ra khắp mặt đất những tư trang ít ỏi, nghèo nàn của các chiến sĩ quân Giải phóng.
Đăng im lặng, nhìn bọn địch bằng đôi mắt căm thù. Hai tay anh bị trói quặt sau lưng, còn trán thì toạc ra một miếng. Một dòng máu ngoằn ngoèo bò ra từ nơi khóe miệng anh giờ đã khô sẫm lại.
– Anh tên là Đăng có phải không? – Tư Nguyên quay lại và hỏi một cách nhẹ nhàng, và bây giờ trong tay y là một quyển vở học trò đã cũ.
– …
– Hừm… Đẹp trai, trẻ tuổi thế này… – Tên toán trưởng biệt kích thở dài thương cảm. – Anh ở đơn vị nào, được phái đến đây làm gì?
Đăng mím chặt môi, hất đầu một cái cho mái tóc khỏi xòa xuống mặt. Hai Diễm rút dao găm, gại gại lưỡi dao trong lòng bàn tay như để thử xem nó sắc hay cùn.
Không một chút tỏ ra nóng nảy vội vàng, Tư Nguyên tiếp:
– Hay thật, lại còn làm thơ nữa kia à?! – Y mỉm cười giễu cợt và lấy ra một tấm ảnh. – Người yêu của anh đây à?
Đăng chồm lên, định giằng lấy tấm ảnh nhưng không được. Mấy tên địch nhìn nhau cười hô hố. Tư Nguyên cất tấm ảnh vào trong quyển sổ tay như cũ rồi nói một cách nghiêm trang:
– Nói đi, đừng để chúng tôi phải dùng đến biện pháp cuối cùng. Anh đã biết chúng tôi là ai rồi đấy. – Hắn đưa mắt nhìn lướt qua nền hang một lượt. – Hừm… Bốn chiếc ba lô, nghĩa là các anh có bốn người… Đúng không? – Hắn lật giở những trang sổ tay nhàu nát. – Lại còn điện đài, vở ghi chép… Bản đồ…
Không cưỡng lại được, Đăng khẽ rùng mình một cái và điều đó không lọt được qua cặp mắt Tư Nguyên. Y vẫn chậm rãi:
– Như vậy là đúng rồi. Hơi lạ, vì “quân ta” thường đi theo tổ ba người kia mà…
Lưỡi dao găm sắc nhọn ngọ nguậy trong tay Hai Diễm. Tên này liếc nhìn Tư Nguyên với vẻ sốt ruột, bực mình ra mặt:
– Gì mà mất thời giờ vậy, anh Tư? Tiêu mạng nó đi xem gan nó lớn chừng nào?
Tư Nguyên không đáp mà chỉ lặng lẽ lấy bao thuốc, châm một điếu. Thằng Suôn bước tới, bất thần giáng cho Đăng một cái tát mạnh đến nỗi làm cho anh chúi xuống.
– Nói!
Tư Nguyên vội đỡ tù binh của hắn dậy và lừ mắt nhìn thằng Suôn làm cho nó hoảng hồn.
– Không có lệnh của tôi, không ai được động đến người này, nghe chưa?!
Hai Diễm ngạc nhiên, chưng hửng trước mệnh lệnh của tên nhóm trưởng. Rồi y nhún vai cười khẩy:
– Vậy bây giờ tính sao đây, đại úy?
– Có lẽ… Kế hoạch sẽ phải thay đổi một chút. – Tư Nguyên bình thản đáp, – Chúng ta sẽ phục ở đây, thế nào cũng tóm được những thằng còn lại.
– Biết bao giờ chúng nó về? – Hai Diễm phì một cái.
– Nếu không chiều nay thì cũng chỉ nội ngày mai thôi, – Tư Nguyên nói chắc như đinh đóng cột.
Y làm như vô tình liếc nhìn Đăng một cái và thấy anh giật mình lần nữa. Trên gương mặt của tên biệt kích cáo già thoáng một nụ cười đắc thắng. Và trong khi Hai Diễm còn chưa tin hẳn, định hỏi thêm thì Tư Nguyên đã gạt đi:
– Thiếu úy hãy cứ nghe tôi đi đã!
Chiều xuống.
Phước và Luân đã về đến gần “nhà”. Không cần phải vội vã và cũng yên tâm hơn với những bất trắc có thể xảy ra, họ cầm súng trong tư thế hoàn toàn trễ nải.
Từ sau những bụi cây lúp xúp, bọn biệt kích nằm im lặng trong tư thế của những con thú dữ chuẩn bị vồ mồi. Tư Nguyên liếc nhìn chiếc đồng hồ thủy quân lục chiến(*) nơi cổ tay rồi sửa lại tư thế nằm cho thoải mái. Bên cạnh y, Hai Diễm và Tám Xứng nghiêng người, chia nhau những điếu thuốc Ruby Quân tiếp vụ cuối cùng trong chiếc bao bẹp dúm.
Tuy đã bị trói vào gốc gây, miệng nhét đầy giẻ, Đăng vẫn bị thằng Suôn kè kè khẩu súng canh chừng. Anh cọ quậy, muốn nới lỏng sợi dây dù, nhưng càng cử động, sợi dây hình như càng thít chặt thêm nên cuối cùng Đăng đành phải lặng im, bất lực.
Bỗng nhiên, đôi mắt của Tư Nguyên như lóe sáng.
Con thú đã thấy mồi.
Phía xa, có hai bóng người mang súng hiện ra sau chỗ ngoặt.
Không cần phải giục, Hai Diễm và Tám Xứng cũng vội vàng giụi mẩu thuốc vào gốc cây bên cạnh rồi nhổm dậy, sẵn sàng. Nòng súng của bọn chúng rê theo hai cái bóng xanh xanh trước mặt.
– Quái, tại sao lại chỉ có hai thằng thôi nhỉ? – Tư Nguyên lẩm bẩm.
Không ai trả lời tên nhóm trưởng. Tám Xứng hồi hộp đặt tạm khẩu súng xuống đất rồi lấy ống tay áo quệt ngang dòng mồ hôi chảy túa ra trên mặt.
– Sợ hả? – Hai Diễm nhìn sang, mỉm cười giễu cợt.
– Sợ gì! – Tám Xứng nhún vai một cái.
Cách đó vài bước chân, Đăng cũng đã nhìn thấy đồng đội của anh. Đăng muốn la hét, muốn ra hiệu cho Luân và Phước nhưng không được. Những giọt nước mắt uất ức, căm thù trào ra, từ từ lăn trên bộ mặt hốc hác của anh.
– Im! – Thằng Suôn thúc nòng khẩu AK vào sườn Đăng, khẽ quát.
Tư Nguyên giương súng. Nhưng có một cái gì đó làm cho y cảm thấy không yên tâm. Vì vậy, y ngoái sang, khẽ dặn hai tên cấp dưới.
– Ráng bắt sống nghe. Coi chừng, còn một thằng nữa đó.
Nhưng trái với mong đợi của bọn biệt kích, Phước và Luân không đi thẳng tới mà còn tạt ngang để hái ít rau rừng. Nhưng vừa mới được ít ngọn, Luân đã tròn mắt lên kinh ngạc:
– Anh Phước!
Phước dừng tay nhìn theo. Bên cạnh tảng đá có một đám cỏ bị giẫm nát và chiếc vỏ bao Ruby quân tiếp vụ còn mới, bị vò nhàu. Phước cẩn thận nhón vỏ bao thuốc, đưa lên mũi ngửi.
– Có địch rồi. – Phước khẽ thì thào sau một giây im lặng.
Luân chìa ra một mẩu thuốc còn vương lại trên mặt đất.
– Còn mới lắm anh ạ, – Luân nhận xét. – Thằng Đăng thì đào đâu ra loại thuốc này?
– Mà nếu có, thì nó ra đây làm gì? – Phước hỏi lại.
– Nhỡ có tốp dân chính nào đi qua thì sao?
– Không thể có chuyện ấy được! Ở đây làm gì có đường mà đi, mà nếu qua đây thì họ sẽ về đâu được chứ? Hơn nữa… làm sao mà họ lại có loại thuốc này?
Bọn biệt kích vẫn nín thở theo dõi hai người thấp thoáng sau lùm cây ở phía xa. Chợt thấy họ chĩa súng, vòng sang phía khác, Tư Nguyên liền nghiến răng, xả một loạt đạn dài.
Phước vừa kịp lăn một vòng tránh đạn thì đất đã bị cày lên ngay trước mặt. Anh bình tĩnh nép vào sau một gốc cây, bắn trả. Khẩu súng trong tay Luân cũng rung lên, điểm xạ từng loạt hai viên một.
Hai Diễm vọt ra khỏi chỗ nấp, chuyển rất nhanh sau những gốc cây. Một loạt đạn xoẹt qua vai áo hắn làm cho tên biệt kích hơi chững lại. Nhưng chính lúc ấy, Luân lại sợ nhầm vì anh đã nhìn rõ bộ quân phục Giải phóng của tên biệt kích.
– Này, “công trường”(*) mấy đấy?
– Công cái con mẹ mày! – Câu chửi của Hai Diễm bật ra cùng một loạt đạn rất căng. Những mảnh vỏ cây và lá cây trúng đạn rơi xuống rào rào.
– Ối! – Phước bỗng kêu lên một tiếng.
Không kịp dắn đo gì nữa, Luân trút luôn một cơn mưa đạn về phía địch rồi vội vàng dìu Phước chạy.
Bọn biệt kích không dám đuổi theo mà chỉ bắn như vãi đạn vào hai bóng người đang dìu nhau mỗi lúc một xa dần.
*
* *
Sáng hôm sau.
Trong lúc Suôn và Tám Xứng đang lúi húi đổ nước sôi vào những túi cơm gạo sấy(**) thì Tư Nguyên ngồi trên một thân cây đổ, giở bản đồ và địa bàn ra tính toán. Lát sau, y vẫy tay một cái:
– Đưa nó lại đây!
Hai Diễm thúc súng, đẩy Đăng bước về phía trước. Mới chỉ sau một đêm mà trông anh đã tiều tụy hẳn. Mặt mũi hốc hác, tóc bết lại trên trán và thái dương, cái nhìn của Đăng trở nên đờ đẫn như không còn sức sống.
– Thế nào, ngon giấc chứ? – Tư Nguyên nheo mắt nhìn Đăng bằng cái nhìn của con mèo đang vờn chuột.
Đăng lặng im, quay mặt đi chỗ khác. Vẻ mặt tên toán trưởng vốn lạnh lùng, giờ đây càng thêm sắt lại. Y rút dao lẳng lặng cắt sợi dây trói cho Đăng.
– Tôi biết là đêm vừa rồi, anh ít ngủ, – Tư Nguyên chắp hai tay ra sau lưng, đi đi lại lại, – Có lẽ anh mong đồng đội của mình đến cứu. Đúng không?
– …
– Nhưng rất tiếc là…, – Y ném về phía Đăng một cái nhìn thăm dò. – Họ không còn nữa, và nếu có còn thì cũng không thể làm gì được. Bởi vì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp họ rồi.
Đăng không nói gì, mà chỉ đưa những ngón tay gầy guộc vuốt lại mớ tóc đang xòa xuống trán.
– Thế nào, anh sẽ khai chớ?
Một lần nữa, câu hỏi của Tư Nguyên lại rơi vào trong sự im lặng nặng nề. Đăng cúi gằm, hai tay xoa xoa những vết hằn sâu do dây trói. Mãi một lúc sau, anh mới ngẩng lên, lí nhí không thành tiếng:
– Vâng.
Ngồi tựa lưng vào gốc cây, Phước thở phì phò, nặng nhọc. Vạt áo ngụy trang loang lổ của anh rách bươm, để lộ vòng băng trên ngực đậm máu, khô sẫm lại. Tuy vậy, bàn tay anh vẫn không rời khẩu K54 đã lên đạn sẵn sàng.
Đã bao nhiêu thời gian trôi qua? Phước không thể nào biết được. Thỉnh thoảng, anh lại nhăn mặt vì những cơn đau và rõ ràng người trung đội trưởng ấy phải cố gắng rất nhiều để khỏi bị ngất đi.
Nghe tiếng tắc kè cất lên từng đợt ba tiếng một, nét mặt căng thẳng của Phước hơi dịu lại. Bàn tay nắm chặt báng súng của anh bỗng rời ra.
Có tiếng chân người giẫm trên lá khô rất nhẹ rồi Luân hiện ra từ sau một gốc cây to.
– Sao lâu thế? – Phước hỏi lào phào. – Bọn nó vẫn ở đây à?
– Không. – Luân lắc đầu. – Nhưng không tìm thấy dấu vết gì của thằng Đăng cả. Có lẽ nó bị bắt đi rồi.
Phước suy nghĩ đăm chiêu và vẫn thở ì ạch.
– Lạ nhỉ… Xưa nay bọn thám báo, biệt kích có để cho tù binh được sống bao giờ…
– Ức phát điên lên được! – Luân rít lên qua hai hàm răng nghiến chặt. – Không ngờ bọn nó lại xộc được vào tận ổ bọn mình. Thế mà lại còn sợ bắn nhầm nữa chứ!
– Thôi mà, ai chẳng có lúc nhầm, – Phước cười buồn. – Cái chính, là không biết thằng Đăng nó thế nào.
Luân bỗng sôi lên:
– Thì em đã bảo anh rồi, cho cái loại dài lưng tốn vải ấy đi theo làm gì? Hết đau chân lại lăn ra sốt, đến bây giờ thì như thế! Thật đúng là cái tội!
Phước hơi nhăn mặt lại vì một cơn đau.
– Cậu thử xem, trung đội mình còn ai nữa đâu? Với lại, phải cho nó quen dần đi chứ?
– Hừ, quen! – Biết mình vô lí những Luân vẫn hậm hực, bực mình ra mặt.
– Bây giờ phải tìm cách bám theo bọn nó, xem thằng Đăng thế nào, – Phước tiếp tục nói một cách nặng nề. – Lại còn cả những tài liệu mà bọn mình thu thập được trong thời gian vừa rồi nữa… Nếu không thì… tất cả đều hỏng hết. Cậu có hiểu không?
Ở nơi trú quân của bọn biệt kích, Tư Nguyên và Hai Diễm ngồi đối diện nhau, vừa hút thuốc vừa trao đổi những câu rời rạc:
– Sao anh Tư không tiêu mạng cái thằng oắt ấy đi mà lại còn cho nó ăn uống làm gì? – Tên thiếu úy biệt kích hỏi.
– Để cho nó sống và khỏe mạnh, cần hơn.
– Tôi không hiểu…
– Ông tưởng những lời nó vừa khai là thật hết đấy à? Tôi không tin, ngoại trừ cái chết của thằng Liêm nào đó. Đấy là lí do tại sao chúng nó có bốn cái ba lô mà mình chỉ thấy có ba thằng. Nhưng chắc chắn bọn này phải có nhiệm vụ quan trọng hơn là khảo sát địa hình để mở đường.
Tên nhóm trưởng biệt kích trải bản đồ lên gốc cây mà hắn vừa ngồi và giảng giải:
– Đây, ông xem. Không ai dại gì mà mở đường qua một khu vực như thế này, – Tư Nguyên chỉ tay lên bản đồ. – Độ dốc rất cao, lại có nhiều khe suối. Hơn nữa, ông tính thử xem từ đây đến căn cứ gần nhất của chúng ta là bao nhiêu cây số đường chim bay. Như vậy, liệu chúng nó có giữ bí mật được không?
– Vậy thì… – Hai Diễm đưa tay lên gãi má.
– Chúng nó đi trinh sát, chuẩn bị cho chiến dịch. – Tư Nguyên khẳng định. – Lại còn quyển sổ mật mã này nữa, đâu phải số liệu quan trắc như nó nói!
– Nếu vậy tại sao đại úy lại biết bọn nó sắp về… – Hai Diễm vẫn chưa tin hẳn.
Tư Nguyên cười nhếch mép:
– Rất đơn giản, ông thiếu úy ạ. Tôi chỉ đưa lời phán đoán, và khi thấy thằng nhóc kia giật mình, thì tôi biết mình đoán trúng. Chỉ tiếc là không tóm được cả bọn.
Hai Diễm im lặng. Tên toán trưởng gấp bản đồ, cho vào xà cột và nói tiếp:
– Chiều nay chúng ta sẽ xin trực thăng đón về. Ở nhà, người ta sẽ có cách cho thằng oắt con ấy nói ra sự thật.
– Vậy hả?! – Hai Diễm thốt lên đầy vẻ nghi ngờ. – Nhưng từ giờ tới lúc đó còn tới bảy, tám giờ lận…
Y ngừng lại khi thấy từ phía bờ suối, Đăng thất thểu trở về, có Suôn và Tám Xứng đi kèm. Được ăn uống và rửa ráy mặt mũi, trông anh đã có vẻ tươi tỉnh hơn một chút.
Tư Nguyên, như đã ngẫm nghĩ từ lâu, quẳng ra trước mặt Đăng một chiếc ba lô con cóc và khẩu AK rồi bảo:
– Nhờ chiến hữu mang hộ những thứ này. Súng không có đạn đâu, và đừng nghĩ đến chuyện chạy trốn làm gì, vô ích!
Tia sáng vừa thoáng bừng lên trong mắt Đăng đột nhiên tắt ngấm. Anh lặng lẽ và miễn cưỡng thi hành mệnh lệnh của tên nhóm trưởng.
*
* *
Trong căn hầm nửa nổi nửa chìm, tham mưu trưởng binh đoàn đang dùng bút chì dò tìm một điểm nào đó trên tấm bản đồ khổ lớn, chằng chịt những mũi tên, con số và kí hiệu. Đôi lông mày hơi nhíu lại, môi mím chặt, ông đang suy nghĩ một điều gì đó rất lung. Chợt thấy bóng tối lờ mờ phủ dần lên tấm bản đồ, ông dừng tay lại:
– Báo cáo thủ trưởng, tôi có mặt! – Thuận, trưởng ban tác chiến đứng nghiêm, giơ tay chào theo điều lệnh.
– Ngồi xuống đi, – Tham mưu trưởng nói bằng cái giọng nói hơi trầm, nặng của người xứ Nghệ. Ông với tay lấy bi đông, rót nước ra chiếc bát sắt tráng men ở trên bàn, đẩy về phía Thuận. – Tình hình thế nào rồi, có tin tức gì của chúng nó chưa?
– Dạ, chưa ạ! – Thuận ngồi ghé xuống bên mép chiếc ghế được ghép lại bằng những đoạn thân cây còn nguyên cả vỏ – Báo vụ canh hăm bốn trên hăm bốn nhưng vẫn không bắt được một tín hiệu nào của các cậu ấy. Có thể là máy của các cậu ấy bị hỏng, hay là bị lạc đường…
– Thằng Phước giàu kinh nghiệm lắm kia mà? – Tham mưu trưởng nói sau giây phút trầm ngâm. – Bên trinh sát kỹ thuật có tin tức gì không?
– Dạ, cũng không ạ! Chỉ có điều, cách đây ba ngày, có trực thăng quần đảo ở gần khu vực ấy… Có khả năng chúng nó đổ thám báo hay biệt kích, nhưng không thấy chúng nó nói gì đến việc đụng độ với quân ta cả. Còn máy của nhóm cậu Phước thì đã ngừng liên lạc từ trước đó một ngày.
– Lạ nhỉ! – Tham mưu trưởng gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn. – Chả lẽ bọn này mất tích hay là hi sinh hết? Bao nhiêu là công sức bỏ ra hàng mấy tháng trời!
– Dạ…
– Cậu hãy điện ngay đến các đơn vị bạn, hỏi xem họ có biết gì về chúng nó không? Cử một tổ trinh sát đi tìm… Bằng bất cứ giá nào, phải tìm cho bằng được, không thể để cho kế hoạch của chúng ta bị lộ. Rõ chưa!
– Rõ! – Trưởng ban tác chiến đứng dậy, định bước đi, nhưng tham mưu trưởng đã ngăn lại.
– Khoan đã! Tôi nghe nói, cậu với thằng Đăng là chỗ họ hàng, có phải không? – Giọng của tham mưu trưởng đã dịu đi một chút.
– Dạ, báo cáo thủ trưởng… cậu ấy là em ruột của nhà tôi ạ!
Tham mưu trưởng xoa xoa cái cằm đầy râu lởm của mình và không nén được tiếng thở dài:
– Thôi được, cậu đi đi. – Gương mặt tham mưu trưởng đầy vẻ lo âu.
Vai khoác súng, trước ngực lại đèo thêm chiếc bồng(*) và một khẩu súng nữa, Luân dìu Phước lê từng bước một trên mặt đất loang lổ nắng. Áo quần rách tả tơi, mặt mũi tóp teo, cả hai người như đã già đi hàng chục tuổi.
– Nghỉ đã! – Phước nói phều phào, rồi anh tự tìm lấy một chỗ đất bằng, ngồi xuống. Anh giơ tay xem đồng hồ.
– Mấy giờ rồi, anh? – Luân hỏi.
Phước giơ đồng hồ lên xem lần nữa và bỗng giật mình:
– Bỏ mẹ, đồng hồ chết rồi!
Anh lắc lắc đập đập liền mấy cái rồi lại áp sát vào tai nghe ngóng, nhưng chiếc kim đồng hồ vẫn đứng im.
– Chắc là tại hôm qua, va chạm mạnh quá đây mà.
– Thôi, vứt mẹ nó đi cho rồi! – Luân nói nửa đùa nửa thật.
– Vứt là vứt thế nào! Quà kỷ niệm của người ta… – Phước cãi.
– Chắc là lại em nào tặng chứ gì? – Luân hỏi gặng.
Phước không trả lời, chỉ lên dây cót đồng hồ rồi lại áp vào tai nghe ngóng. Sau đó, anh đeo đồng hồ vào tay, ngồi thừ ra một lúc.
– Này, cậu thấy con gái Hà Nội thế nào? – Như đã tỉnh táo hơn, Phước chợt hỏi sang chuyện hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh của họ lúc này.
– Sao anh lại hỏi thế? – Luân chưa hiểu ngay. – Em có phải là người Hà Nội đâu!
– Thì mình cũng hỏi vậy thôi. – Phước hơi bối rối. – Liệu có… đáng tin cậy không hở cậu?
– Chịu! – Luân trề môi đáp. – Nhưng ở đâu mà chẳng có người thế này thế khác?
– Ừ, đúng thật, – Phước buồn rầu xác nhận sau một giây im lặng. – Người mình yêu cũng là người Hà Nội đấy.
– Thật không?!
– Thật. Cô ấy đang học sư phạm năm cuối cùng. Hôm sắp đi, mình không dám nói cho cô ấy biết. Sợ buồn mà… Với lại ông bà già nhà cô ấy cũng không khoái mình.
Trong khi Phước kể, Luân bứt một cọng cỏ, đưa lên miệng nhấm nhấm. Đôi mắt sắc sảo của anh vẫn nhìn xung quanh, vẻ đề phòng.
– Thế từ ngày vào đây, anh có hay biên thư cho chị ấy không?
– Không. Tại vì mình cứ thuyên chuyển luôn, lại đang lúc chiến tranh này, mà…
– Nếu vậy thì anh đúng là một người rất tệ! – Luân cắt ngang lời Phước bằng một câu kết luận.
Bỗng nhiên, Phước giơ ngón tay trỏ lên miệng, ra hiệu. Hình như có tiếng người đâu đó. Luân vội dìu Phước vào sau một bụi cây, xóa mọi dấu vết nơi hai người vừa nghỉ chân rồi chăm chăm nhìn ra phía trước.
Tiếng người lao xao đã rõ hơn. Phước mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng rên và nằm sấp xuống, khẽ gạt chốt an toàn của khẩu K54.
Theo con đường nhỏ hẹp, nhóm của Tư Nguyên lầm lũi đi qua trước mặt hai người lính quân Giải phóng. Phước và Luân bỗng đờ người ra khi nhìn thấy…
Đăng vẫn còn sống và khỏe mạnh, vai khoác khẩu AK, lưng đeo ba lô đi giữa những tên biệt kích giả làm quân Giải phóng.
– A… – Luân khẽ gầm gừ trong họng, và bỗng đờ người một lát. Rồi như chợt nhớ ra, anh từ từ giương súng.
– Đừng! – Bàn tay của Phước vội nắm lấy tay Luân – Cậu định tự sát đấy à?
Luân chợt hiểu. Anh đành bỏ súng xuống nhưng mặt anh méo xệch đi trong cơn giận dữ điên cuồng:
– Thảo nào!
Nhóm biệt kích đã khuất sau lối ngoặt. Phước cắn môi suy nghĩ rồi đưa ra quyết định:
– Cậu phải tìm đường về đơn vị ngay đi. Báo cho ở nhà biết là kế hoạch bị lộ hết rồi.
Trong giọng nói của người trung đội trưởng trinh sát ấy có cái gì đó buồn thê thảm không thể nào cắt nghĩa. Luân nhìn anh ái ngại:
– Nhưng… để lại anh ở đây sao được!
Phước hơi nhăn mặt vì một cơn đau vừa dội lên. Anh khó nhọc nói chậm rãi từng tiếng một:
– Cá nhân mình thì nào có đáng kể gì… Cậu lấy hết đạn đi, còn khẩu súng, nếu không đem được về thì tháo ra, vứt đi. Nhưng phải cố gắng về đến nhà bằng bất kì giá nào. Nếu không thì tất cả đều hỏng hết…
– Không, anh ở đây chờ em! – Luận đột ngột vùng dậy, đuổi theo bọn địch.
Phước định ngăn lại nhưng không kịp nữa.
Đến bên một sườn đồi thoai thoải cây thưa, nhóm của Tư Nguyên dừng lại. Thằng Suôn mở máy, bắt đầu phiên liên lạc. Trong khi đó, Tám Xứng và Hai Diễm đang tìm cách trải những tấm vải màu vàng cam theo hình chữ X trên mặt đất.
Luân đã theo kịp bọn biệt kích mà chúng không hay biết. Anh rón rén, nhẹ nhàng chuyển dịch đến gần hơn, gần hơn chút nữa như một người săn thú đang tiếp cận con mồi.
Đây rồi! Đã có thể nhìn rõ từng tên địch. Luân thở một hơi thật dài, vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt. Không thể đến gần hơn được nữa, vì phía dưới hoàn toàn trống trải. Luân chui vài một bụi cây nhằng nhịt, kéo theo khẩu AK và chuyển quả lựu đạn từ thắt lưng lên túi ngực.
Tư Nguyên cầm tổ hợp máy, nói cái gì đó nghe không rõ và miệng y nở nụ cười thỏa mãn. Chiếc ăng ten vắt vẻo trên thân máy rung rinh. Luân nín thở, từ từ giương súng…
Ai nhỉ? Tên nào sẽ phải nhận những viên đạn đầu tiên? Luân tự hỏi và nòng súng của anh ngập ngừng một chút. Đôi mắt của người lính trinh sát như nhòe đi khi anh nhìn thấy Đăng, và nòng súng của anh chĩa thẳng vào con người khốn khổ đang bị kẹp giữa hai gọng kìm là Hai Diễm và Tám Xứng.
Luân nghiến răng, cố nuốt cái gì đó nghẹn ngào vừa dâng lên trong cổ họng. Anh đưa tay giụi mắt và loay hoay tìm cách xuyên táo ít nhất là hai thằng. Nhưng thật không may cho anh, bọn địch quá đủ kinh nghiệm để không ngồi túm tụm vào một chỗ.
Nòng súng của Luân vẫn còn chưa biết nhắm vào đâu thì vừa lúc ấy thằng Suôn đi qua, che lấp đầu ruồi.
Tư Nguyên quay lại, nói với vẻ đầy mãn nguyện:
– Xong! Đúng năm giờ chiều nay sẽ có trực thăng tới đón. Tối nay chúng ta đã có thể xả hơi rồi!
– Hoan hô anh Tư!
– Chuyến này về, thế nào đại úy chẳng được thưởng mề đay… – Mấy tên biệt kích đàn em cùng nhao nhao lên một lúc.
– Gì mà om sòm dữ vậy, các cha nội? – Hai Diễm càu nhàu, bực bội.
Đăng đã ủ rũ lại càng ủ rũ hơn.
– Còn hơn ba giờ nữa, – Tư Nguyên xem đồng hồ đeo tay và ra lệnh. – Các chiến hữu tranh thủ nghỉ ngơi một lát đi cho lại sức.
Luân rê nòng súng về phía Tư Nguyên. Đẹp quá! Vừa đúng lúc tên chỉ huy đứng lấp mặt Đăng. Cơ hội tuyệt vời đây rồi! Mấy tên địch đang cười nghiêng ngả vì một điều gì đó…
– Anh Tư cao kiến thiệt! – Tám Xứng trầm trồ khen nịnh.
– Như vậy, anh bạn của chúng ta đây sẽ trở thành cái bùa hộ mạng cho cả nhóm. Rủi nếu có đồng đội của anh ta bám theo, – Tư Nguyên dừng lại, cười tự phụ, – Thì chính anh ta sẽ là người ăn đạn đầu tiên.
– Nhưng bây giờ đại úy giải quyết nó thế nào? – Hai Diễm hậm hực chêm vào.
– Sẽ đưa nó về cùng với chúng ta. – Tư Nguyên đáp.
Hai Diễm liếc nhìn Tư Nguyên và hiểu rằng tên nhóm trưởng không đùa. Nhưng y vẫn buột miệng.
– Ủa sao vậy anh Tư? Anh vẫn dứt khoát đưa nó về à?
– Cần phải như vậy, – Tư Nguyên trở lại lạnh lùng. – Anh ta sẽ cho biết tất cả những gì mà hiện thời chúng ta mới chỉ đang phỏng đoán.
Trên đường ngắm của Luân, thằng Suôn ở gần hơn cả, vì vậy, một lần nữa, anh ngần ngừ cân nhắc. Nhưng cái gì thế này? Luân không tin vào mắt mình nữa.
Bọn biệt kích đã trói quặt tay Đăng ra phía sau, thúc mũi súng vào lưng anh và bước đi. Thằng Suôn cũng thu cần ăng ten và khoác máy lên vai, đuổi theo đồng bọn.
Không kịp đắn đo gì nữa, Luân giương súng găm vào thằng Suôn một loạt. Nó chới với trong một giây ngắn ngủi trước khi gục xuống, chiếc máy đè trên lưng. Để cho chắc ăn, Luân bình tĩnh nhằm vào chiếc PRC 25 mà nổ thêm liền mấy phát.
Lũ biệt kích phản ứng lại ngay. Từng loạt đạn dài làm những chiếc lá cây trên đầu Luân rụng xuống, rơi lả tả.
Chờ cho mấy tên địch vừa hò nhau xông lên, Luân quăng luôn trái lựu đạn về phía chúng. Trước khi vọt ra khỏi bụi cây, anh còn thoáng nhìn thấy người bạn cũ của mình lăn một vòng tránh đạn.
Mấy tên địch hoang mang, không dám đuổi theo. Tư Nguyên điên cuồng thọc mạnh khẩu Colt vào giữa mặt Đăng:
– Tao giết mày!
Bỗng chốc, khuôn mặt người lính quân Giải phóng hoàn toàn biến dạng. Trong giây phút kinh hoàng đến rợn người, không ai thốt ra được câu nào.
– Đừng, đại úy! Nó còn cần cho chúng ta kia mà!
Nghe câu nói đầy giễu cợt, Tư Nguyên chậm chạp ngẩng lên và thấy Hai Diễm đứng ngay trước mặt. Tên toán trưởng biệt kích nghiến răng, hậm hực bước về phía thằng Suôn.
Tên lính báo vụ đã chết, nhưng đôi mắt của nó không nhắm hẳn. Chiếc máy bộ đàm lỗ chỗ vết đạn đổ nghiêng. Chỉ liếc nhìn qua cũng đã hiểu ra được tình trạng tuyệt vọng mà y cùng đồng bọn rơi vào, Tư Nguyên ngồi phịch xuống, hai tay ôm mái tóc rối bù:
– Đồ chó chết!
Luân quỳ xuống bên Phước và lay gọi:
– Anh Phước!
Phước vẫn nằm im, mặt úp xuống đất, hai tay dang rộng. Luân ì ạch lật Phước nằm ngửa ra rồi áp tai vào ngực người chỉ huy của mình nghe ngóng. Còn sống! Luân tháo bi đông nước, rót vào miệng Phước. Đôi môi khô nẻ của Phước hơi động đậy một cách khó khăn. Nhưng đến khi Luân tìm cách gỡ quả lựu đạn mỏ vịt ra khỏi những ngón tay co quắp của Phước thì anh tỉnh hẳn:
– Luân đấy à? Tình hình thế nào rồi?
– Thằng Đăng… có lẽ không phải nó hàng đâu anh ạ, – Luân bỗng hơi lúng túng. – Nhưng em không làm sao đến gần được.
Phước lặng im, như không nghe thấy lời Luân vừa nói. Mãi sau anh mới bảo:
– Cậu thử đếm lại xem còn được bao nhiêu đạn?
Luân lần lượt tháo từng băng đạn ra khỏi súng rồi bỗng lặng người: trong tay anh là một nhúm đạn nhỏ nhoi không đáng kể.
– Bao nhiêu?
– Chưa đầy ba mươi viên anh ạ, – Luân trả lời cùng một tiếng thở dài.
Phước mệt mỏi nhắm mắt lại như đang buồn ngủ và khẽ nói:
– Để lại cho mình quả lựu đạn là được rồi. – Anh ngừng lời một lát trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. – Cậu cố gắng bám theo chúng nó, tìm cách giải thoát cho thằng Đăng và lấy lại tài liệu…
– Anh Phước! – Luân kêu lên thảng thốt vì một linh cảm chẳng lành.
– Đấy là tất cả của bọn mình… Nếu mất, là mất hết… Kế hoạch của trên sẽ phải thay đổi, – Phước nói, mỗi lúc một khó khăn, nặng nhọc hơn. – Nếu về được đến nhà, nhớ báo cáo thật cụ thể về trường hợp hi sinh của thằng Liêm.
Anh ngừng lại, run rẩy lấy từ trong túi ngực ra một quyển sổ tay nhàu nét, trao cho Luân và dặn:
– Đây là sơ đồ các vị trí bố phòng của địch mà mình vẽ lại. Đừng làm mất… Đừng để rơi vào tay địch… Phải đưa tận tay cho tham mưu trưởng…
Luân gật đầu, nước mắt chảy ra giàn giụa. Phước bỗng mỉm cười yếu ớt và cố pha trò bằng cái giọng đã yếu đi nhiều:
– Khóc cái đéo gì? Tao đã chết đâu mà khóc? Còn phải sống để dạy võ cho bọn chúng mày nữa kia mà!
Cũng vào thời điểm ấy, một nhóm ba chiến sĩ quân Giải phóng cũng đang lầm lũi bước đi. Thỉnh thoảng, họ dừng lại quan sát địa hình như cố gắng tìm tòi một điều gì đó. Một trong số họ ngước mắt lên trời, buột miệng:
– Quái thật, chúng nó biến đi đằng nào nhỉ?
Mặt trời đã gần lặn hẳn, chỉ còn để lại trên ngọn cây cao những tia nắng cuối cùng.
Trên đỉnh đồi lác đác những bụi sim, mua, bọn biệt kích đã đốt lên ba đống lửa làm hiệu cho máy bay lên thẳng. Và trong ánh mắt của từng tên có thể thấy đầy nỗi lo âu phấp phỏng đợi chờ.
Tư Nguyên sốt ruột giơ tay nhìn đồng hồ. Y nheo mắt nhìn mãi về phía chân trời phía đông lúc này đã hơi sẫm lại.
– Kia rồi! – Tám Xứng bỗng reo lên, giọng lạc hẳn đi.
Cả Hai Diễm và Tư Nguyên đều quay phắt lại. Từ phía Tây Nam, một chấm đen hiện ra, mỗi lúc một to dần. Và chỉ trong nháy mắt nó đã biến thành một chiếc máy bay lên thẳng.
– Lửa, lửa, nhanh lên! – Tư Nguyên hươ súng, vung tay ra lệnh.
Tám Xứng vội vàng cời lửa và quẳng luôn những thứ linh tinh vào cho nó cháy to hơn. Hai Diễm cũng không giữa được bình tĩnh nữa, vẫy khăn rối rít.
Quá tập trung chú ý vào chiếc máy bay, bọn biệt kích không biết rằng…
Đăng ngoái nhìn lại dè chừng một lần nữa rồi lao vào trong một bụi cây. Vấp, ngã, mặc kệ! Anh lồm cồm bò dậy và mặc dù tay bị trói sau lưng vẫn tìm cách chạy nhanh xuống lưng đồi.
Cây lá quất rào rào vào chân tay, mặt mũi người lính trẻ. Đăng vẫn không dừng lại. Và bây giờ, trước mắt anh đã hiện ra một khe suối cây cối um tùm.
Đúng lúc ấy, Tư Nguyên quay lại và không thấy tù binh của y đâu nữa.
– Đứng lại! – Y hét lên khi nhận ra cái bóng dáng mảnh khảnh của Đăng ở phía xa.
Nhưng Đăng vẫn băng băng chạy xuống.
Chỉ còn vài bước nữa thôi, anh sẽ được tự do!
Pằng pằng pằng!
Nòng súng AK trong tay Tư Nguyên tóe lửa. Đường đạn của tên cáo già rất căng, nhưng đi hơi chếch lên cao.
Đăng ngã lăn lông lốc xuống chân đồi.
Chiếc máy bay đã gần như đứng lại trên đầu những tên biệt kích.
– Lôi nó lên đây mau! – Tư Nguyên hét vào tai Tám Xứng trong tiếng động cơ gầm rú ầm ầm.
Tên biệt kích đàn em hơi ngần ngại liếc nhìn lên chiếc máy bay.
– Mau! – Tư Nguyên quắc mắt.
Không còn cách nào khác, Tám xứng đành hộc tốc chạy xuống.
Chiếc máy bay lên thẳng đã giảm độ cao và lượn vòng hẹp lại. Bọn biệt kích đã có thể nhìn rõ phù hiệu sao trắng sọc xanh và dòng chữ US ARMY trên máy bay với nóng súng đại liên ngọ nguậy bên cánh cửa.
Trong buồn lái, tên phi công Mỹ nhìn sang bên, nhắc tên hiệu thính viên:
– Phát tín hiệu kiểm tra!
– Rõ!
Chiếc máy bay vẫn chậm chạp lượn vòng chứ chưa đáp xuống.
Đôi mắt của Hai Diễm và Tư Nguyên chứa chan hy vọng.
Từ dưới chân đồi, Tám Xứng và Đăng lóp ngóp đi lên.
– Không có tín hiệu trả lời! – Tên lính thông tin trên máy bay báo cáo.
– Gọi thêm lần nữa coi!
– Không trả lời!
– Coi chừng Việt cộng! – Tên phi công quát to và ngay lập tức, chiếc máy bay bốc lên cao.
– Dừng lại đi, dừng lại! – Tư Nguyên và Tám Xứng hét lên.
Trong một giây, chiếc máy bay như đứng lại trên không và nóng súng trên thân nó rung lên từng đợt. Những viên đạn đại liên phầm phập ghim bên cạnh Tư Nguyên. Y hoảng hốt lăn sang một bên để tránh. Những tên khác dường như còn đứng đờ ra như bị thôi miên.
– Mẹ mày! Tư Nguyên nghiến răng, vùng dậy. Và, thật bất ngờ với chính mình, y nghiến răng xả súng vào chiếc máy bay lên thẳng.
– Cạch!
Một tiếng kêu khô khốc vang lên. Thì ra tên toán trưởng biệt kích vừa bắn đến viên đạn cuối cùng.
Hai Diễm từ từ bò dậy, nhổ một bãi nước bọt rõ to. Y ngửa mặt nhìn theo chiếc máy bay lên thẳng mỗi lúc một xa dần. Rồi như người cấm khẩu, y lầm lũi khoác ba lô súng đạn đi xuống chân đồi.
Trăng lên.
Ánh trăng vằng vặc rọi qua kẽ lá, đọng trên những cành cây lấp loáng. Một làn sương nhè nhẹ lan ra, làm nhòe đi những hình thù sắc cạnh trong rừng lúc ban ngày.
Luân cẩn thận đặt xác Phước xuống cái huyệt mới đào. Anh lục túi, tìm khăn mùi xoa, phủ lên mặt Phước. Rồi chỉ khi công việc ấy đã xong xuôi, anh mới bắt đầu lấp đất.
Một làn gió nhẹ lướt qua, đem đến tiếng chim kêu buồn bã. Luân đứng cúi đầu mặc niệm một lát. Sau đó, anh cúi xuống, nhặt khẩu K54 giắt vào thắt lưng rồi thất thểu bước đi.
*
* *
Sáng hôm sau.
Cơn mưa ập đến bất ngờ, ào ào như thác. Loáng cái, cả khu rừng như chìm vào một màn đêm đặc quánh.
Những tên biệt kích nối theo nhau bước đi trong những tấm ni lông màu xám. Chúng vấp ngã, càu nhàu chửi bởi rồi lại đứng lên đi tiếp. Bị kẹp giữa Hai Diễm và Tám Xứng, Đăng vẫn bị trói tay ra phía sau và đó là điều duy nhất khiến cho anh khác với những tên kia.
Đến một ngã tư, Tư Nguyên dừng lại tìm đường. Cây rừng như chao đảo, ngả nghiêng trong màn mưa trắng xóa. Nhưng giọt mưa to tướng, đan nhau rơi xuống mặt đất đã trở nên nhão nhoét.
– Sao vậy, thưa đại úy? – Tám Xứng không giấu được vẻ lo âu.
– Có lẽ đi lối này, – Tư Nguyên đáp, không lấy gì làm chắc.
Bốn cái bóng màu xám xịt lại chuyển dịch về phía trước một cách nặng nề, chậm chạp.
Rồi cơn mưa cũng tạnh. Rừng hơi sáng lên một chút nhờ ánh nắng vừa mới bừng lên. Từng đàn mối và kiến cánh bay ra dày đặc. Đây đó, tiếng ve sầu cất lên rền rĩ.
Bọn biệt kích tháo bỏ những tấm ni lông. Tư Nguyên động viên cả bọn:
– Ráng đi thêm chút nữa rồi hẵng nghỉ. Có lẽ sắp đến nơi rồi.
– Đến đâu kia, đại úy? – Hai Diễm mỉa mai.
– Tà Sanh chớ còn đâu! Từ đó về Đồng Ban lối chừng hai, ba ngày là cùng… Sau đó, chúng ta sẽ tìm cách báo cho người đến đón.
Hai Diễm nhếch miệng lên cười giễu cợt:
– Ông tin như vậy à? Nhưng ông biết chúng ta đang đi về hướng nào không?
Tư Nguyên hơi chột dạ, nhìn quanh một lát. Bây giờ y mới nhận thấy cả bọn đang đứng trước một bãi bom B52 dài ngút mắt. Có lẽ trận bom xảy ra đã lâu nên trên những thân cây gãy gục và quanh miệng những hố bom chồng chất đã hiện lên màu xanh non của chồi cây và cỏ dại.
– Ủa, bãi bom này ở đâu ra nhỉ? – Tư Nguyên thốt lên khe khẽ.
– Lạc đường mất rồi, ông đại úy ạ – Hai Diễm cười khẩy. – Từ lúc ở ngoài ngã ba kia, nhưng xưa nay, ông đâu có thèm nghe tôi. Cứ đà này thì chỉ vài bữa nữa, sẽ đến Ai Lao mất.
Không riêng gì Tư Nguyên mà cả Tám Xứng và Đăng cũng giật mình ngơ ngác. Trong đôi mắt của người lính trinh sát bị bắt làm tù binh bỗng lóe lên niềm vui thỏa mãn, hả hê. Nhưng rồi anh lại thỉu đi ngay vì hiểu rằng số phận của mình bị cột chặt với những con thú người độc ác này.
Luân đã lại bám được theo bọn địch mà chúng không hay biết. Quần áo ướt sũng, dán chặt vào người, mặt mũi nhợt nhạt vì lạnh, anh im hơi lặng tiếng nấp sau một lùm cây theo dõi từng động tĩnh của địch.
Thấy Đăng tập tễnh bước đi trước mũi súng của Tám Xứng, Luân đờ người ra một lát. Lợi dụng lúc tên này cúi xuống cởi trói cho Đăng, Luân kín đáo giơ tay lên vẫy nhưng Đăng không để ý mà chỉ xoa nắn hai cổ tay đã tím bầm.
– Đại úy nên khử cái thằng oắt con ấy đi cho xong chuyện. – Hai Diễm nói. – Để nó chỉ tốn cơm.
Tư Nguyên lắc đầu:
– Muộn rồi! Bây giờ lại chính là lúc chúng ta cần phải để cho nó sống. Nếu không, dù có về được đến hậu cứ, chúng ta vẫn phải ra tòa án binh như thường.
– Nhưng lấy gì để sống từ nay cho tới lúc đó?
– Sẽ kiếm dọc đường…
– Nhưng lấy gì đảm bảo rằng chúng ta về được đến nhà? – Hai Diễm nhìn xoáy vào mặt tên toán trưởng.
– Ông có nhớ, toán của đại úy Lâm còn đi lạc tới hơn một tháng trời không? – Tư Nguyên vẫn nhẹ nhàng.
– Tôi không tin là chúng ta sẽ gặp may như vậy! – Hai Diễm bỗng khùng lên. – Chỉ vì ông mà nên nỗi này! Ông đã rõ chưa?
– Rõ! – Tư Nguyên bình thản đáp.
Trong bụi cây, Luân vẫn đang băn khoăn tính toán. Không thể diệt được hết cả ba tên địch mà không gây nguy hiểm cho Đăng. Anh thử tìm cách rẽ lá, đến gần hơn chút nữa…
– A…
Bằng bản năng của một tên biệt kích cáo già, Tư Nguyên đã phát hiện một cái gì đó bất thường trong bụi cây trước mặt. Nhưng, vẫn làm ra vẻ không hay biết gì, y đảo mắt rất nhanh về phía bụi cây và nói khẽ:
– Coi chừng!
Hai Diễm hiểu ngay. Y làm như vô tình che khuất Tư Nguyên để tên này rút khẩu Colt ở bên sườn.
Súng nổ.
Luân giật mình, kịp thụt đầu tránh những viên đạn rất căng. Anh chỉ dám bắn trả từng loạt hai viên một và lợi dụng lúc hai tên biệt kích chúi đầu tránh đạn, liền vọt ra khỏi bụi cây vừa nấp.
– Bắt lấy nó! – Tư Nguyên vung súng chạy theo.
Đúng lúc ấy, Đăng quay người lại, đánh bật khẩu súng khỏi tay Tám Xứng.
Luân vừa chạy vừa đưa mắt nhìn quanh.
Không còn lối nào nữa!
Hai Diễm và Tư Nguyên đã ngừng bắn, chạy tách ra theo hai hướng.
Luân hiểu ngay bọn biệt kích định làm gì. Anh dừng lại, cẩn thận kê súng lên một gốc cây cụt, nhằm thẳng vào thân hình to cao của Hai Diễm.
Trượt mất rồi! Loạt đạn của Luân chỉ làm toác ra một mảnh vỏ cây trên đầu tên địch. Y giận dữ xổ ngay một tràng dài.
Trước mặt Luân hiện ra một cái vực sâu hun hút.
– Hàng đi! – Từ phía sau, Tư Nguyên quát rất to.
– Hàng này! – Luân bắn bừa về phía ấy rồi không kịp đắn đo gì nữa, nhảy bừa xuống vực.
Một tảng đá to lăn lông lốc theo anh.
Trong khi đó, Đăng và Tám Xứng vẫn lừa nhau từng miếng một. Cả hai đều tìm cách với tới khẩu AK nằm cách đó mấy bước chân.
– Mày… – Tám Xứng giận đến sùi bọt mép, lao vào Đăng như một con thú dữ.
Đăng đã đuối sức lắm rồi. Anh cứ lùi dần, lùi dần và thở hổn hà hổn hển. Còn Tám Xứng vẫn lom khom tiến đến gần…
Chạm lưng vào một gốc cây, Đăng liền dừng lại. Nhưng bất ngờ giẫm phải đám rêu trơn, anh trượt chân, khuỵu xuống.
Dường như chỉ chờ có thế, tên biệt kích liền bay đến…
Nằm úp mặt xuống đất trong một cái hàm ếch cheo leo bên miệng vực, Luân nghe rõ tiếng bước chân thận trọng bước đến gần, tiếng lá cây loạt soạt và lời lẽ trao đổi rời rạc của những kẻ săn tìm.
– Lạ thật, nó biến đi đằng nào nhỉ? – Giọng của Tư Nguyên vang lên đâu đó rất gần.
– Tìm đi! Nó không thể thoát dược đâu!
Luân thoáng cười gằn, quài tay đưa khẩu AK lên phía trước. Mặt anh bỗng hơi nhăn lại: thì ra Luân bị thương từ bao giờ chẳng biết. Từ bắp tay trái anh, máu chảy thành dòng làm ướt cả áo.
Tư Nguyên và Hai Diễm gần như đã đứng ngay trên đầu Luân. Qua những chùm rễ cây lòng thòng nơi miệng vực, đã thấy thấp thoáng hai tên địch. Luân giương súng lên, nhưng nòng súng như trĩu xuống không tuân theo ý muốn của anh nữa.
– Lạ thật!
– Chẳng lẽ nó tiêu mạng dưới kia rồi?!
Hai đứa còn đứng đó, ngó nghiêng một lúc.
Cuộc vật lộn giữa Đăng và Tám Xứng vẫn đang tiếp tục. Người lính quân Giải phóng bị tên địch đè xuống nhưng vẫn cố quẫy đạp, chống trả một cách tuyệt vọng.
Bộ mặt của Tám Xứng méo xệch đi trong một cái cười man rợ. Y đang tìm cách siết chặt cổ đối phương để kết thúc trò chơi bất đất dĩ này. Một chút, một chút nữa thôi, Đăng sắp sửa buông tay bất lực.
Bỗng nhiên trong con người Đăng bùng lên một sức mạnh không ngờ. Gót chân và khuỷu tay vừa tìm được điểm tựa, anh gồng người lên và bằng một động tác chuẩn xác, đè Tám Xứng chúi xuống đồng thời khóa tay hắn lại. Rồi mệt quá, anh gục xuống lưng tên địch mà thở dốc…
Bốp! Từ phía sau, Hai Diễm nghiến răng nện mạnh báng súng vào đầu địch thủ. Trời đất tối sầm ngay lại trước mắt Đăng. Anh gục xuống.
Tám Xứng vùng ngay dậy, co chân đá mạnh vào ngực Đăng. Tư Nguyên ngăn lại bằng một giọng lạnh lùng:
– Thôi!
Đăng nặng nhọc hé mở đôi mi mắt sưng vù và chỉ thấy bóng những tên biệt kích nghiêng ngả như ảo ảnh.
Anh nhắm mắt, nằm thêm một lát.
Vẫn hai tay chống nạnh, Tư Nguyên không quay sang mà chỉ nói nhỏ đủ cho hai tên đàn em nghe thấy:
– Đêm nay chúng ta sẽ phục ngay tại đây. Nếu còn sống, thế nào thằng ấy nó cũng sẽ mò đến nữa. Mà chừng nào chưa thanh toán được nó, chừng ấy chúng ta chưa thể yên được đâu.
Đăng đã chống tay ngồi dậy và gượng đứng lên, chậm chạp.
Bọn biệt kích đứng yên theo dõi con mồi.
Người lính Giải phóng đưa ống tay áo đầy cáu bẩn lên quệt ngang dòng máu đang rỉ ra bên mép. Một bước, hai bước… anh lảo đảo đến gần ba tên địch, đôi mắt như lửa cháy lên rừng rực.
– Chúng mày giết tao đi! – Đăng nói phều phào.
Máu từ trên đầu anh chảy xuống ngoằn ngoèo trên mặt.
– Giết tao đi! – Bất chợt Đăng giật tung ngực áo hét lên.
Tư Nguyên đưa mắt nhìn Hai Diễm. Tên này chẳng nói chẳng rằng hạ ngay khẩu súng trên vai xuống.
– Anh có cần cầu Chúa không? Hay là hô khẩu hiệu? – Tư Nguyên hỏi Đăng một cách dịu dàng.
Anh lính trẻ im lặng, bởi lẽ không còn gì để nói. Hai Diễm lên đạn đánh roạt một cái và giương súng.
Pằng pằng pằng!
Loạt đạn AK gần như bay sát đỉnh đầu Đăng. Anh hơi giật mình, nhưng vẫn đứng đó, không hề dính đạn.
Bọn thám báo nhìn nhau cười chán nản. Rồi Tư Nguyên ra lệnh:
– Băng lại cho nó!
Tám Xứng bặm môi không đáp. Y hậm hực lấy ra cuốn băng cá nhân vẫn đeo ở bên sườn.
Tay xách súng, tay thõng xuống vì vết thương, Luân mệt mỏi lê từng bước một. Mặt mũi đầy những vết gai cào, má hóp, râu ria tua tủa lại thêm cái áo rách toang…, anh như đã biến thành người khác.
Rừng vẫn xào xạc những âm thanh của muôn đời và xung quanh tịnh không một bóng người.
Luân bước đi mê muội. Gặp một dòng suối chảy ngang trước mặt, anh chậm chạp buông mình ngồi xuống rồi vục mặt vào dòng nước uống lấy uống để. Những con cá bé xíu, lượn lờ giương đôi mắt vô tư. Những viên cuội từ lòng suối ánh lên lấp loáng.
Luân nặng nề xoay mình lại. Một mảng trời ban trưa hiện ra sau vòm lá.
Ánh sáng rực rỡ của nó làm cho anh khẽ rùng mình, nhắm mắt.
Có tiếng kêu chí chóe ở trên đầu. Ba bốn con khỉ đánh đu trên những cành chôm chôm trĩu quả.
Luân mừng rỡ, ngồi nhỏm dậy. Anh giương súng tìm cách bắn. Đây rồi, chú khỉ to nhất đã hiện ra ở đầu ruồi. Luân nín thở… Đoàng! Cùng với một tiếng thét lên kinh hãi, cả đàn khỉ biến ngay đi mất. Trượt rồi! Dẫu sao, chúng cũng quẳng lại những chùm chôm chôm ăn dở.
Luân nhặt vội những chùm chôm chôm ấy nhét bừa vào túi quần và ăn vội vàng mấy quả. Rồi xốc lại súng trên vai, anh cố bắt mình đi tiếp.
Bọn thám báo vừa ập đến thì Luân đã đi khỏi. Tư Nguyên và Hai Diễm sục sạo và không khó khăn gì, tìm thấy ngay những mảnh vỏ chôm chôm tươi rói. Và bên bờ suối, vẫn còn nguyên dấu dép của Luân.
– Đuổi theo mau! – Tư Nguyên vung súng lên hét.
– Mệt quá rồi, anh Hai… – Tám Xứng ngoẹo đầu van vỉ.
– Im cái mồm! – Tư Nguyên quát và xồng xộc lội ngang qua suối.
Chân run lẩy bẩy, Đăng dò dẫm đặt từng bước một. Ùm! Anh nghiêng người ngã luôn một cái. Dòng nước ộc vào miệng làm anh bật ra những tiếng ho sặc sụa. Hai Diễm điên tiết quát:
– Mày muốn kìm chân chúng ông hả? Đi!
Mũi súng của nó thúc quá mạnh vào sườn Đăng. Anh lại ngã thêm lần nữa.
Khi bọn chúng loay hoay kéo được Đăng lên thì cái hăm hở kiếm tìm không còn nữa. Tư Nguyên ngao ngán nhìn lên bầu trời lúc này đã sạm lại và những giọt mưa đầu tiên rơi xuống. Chỉ một lát sau, mưa mỗi lúc một to dần.
– Đù mẹ, mưa gì giữa mùa này! – Tư Nguyên nghiến răng chửi đổng.
Tóc tai, quần áo ướt sũng nước mưa, Luân thất thểu lê từng bước nặng nhọc. Đói quá, anh như mê đi và cả thân hình rách bươm tàn tạ của anh như sẵn sàng đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Dù thế, anh vẫn không rời khẩu súng mà lúc thì kéo lê, lúc lại dùng nó thay cho gậy chống.
Nắng đã bừng trở lại, nhưng thỉnh thoảng những giọt nước từ tít trên cao lại rơi lộp bộp. Đó đây, những con chim rừng vô tư đua nhau hót như trong bất kì một ngày đẹp trời nào.
Cây rừng chao đảo, chợp chờn trước mắt Luân. Anh lả người, bước thêm được vài bước nữa rồi gục xuống, sốt run lên bần bật.
Một con kì đà da mốc thếch, sù sì bò qua chỗ Luân nằm. Anh quằn quại, uốn mình như một con sâu, mê man chống lại cơn đau và cái rét.
Tư Nguyên đưa chiếc bút chì dò tìm một điểm nào đó trên tấm bản đồ. Tám Xứng bước từ đằng sau lại, vẻ rụt rè:
– Anh Tư, thức ăn hết sạch trơn rồi!
– Lục ba lô của tao, còn túi cơm gạo sấy đó! – Tư Nguyên nhăn mặt vì bị quấy rầy. – Bảo thiếu úy đưa cho hộp thịt mà nấu cháo.
Hai Diễm vừa lau xong khẩu súng, nheo mắt nói bằng giọng ề à:
– Đào đâu ra nữa, cha nội? Hết từ lâu rồi!
– Sao mà hết nhanh dữ vậy? – Tư Nguyên ngẩng lên nhìn tên toán phó.
– Hết là hết chớ sao?
– Thôi được. – Tư Nguyên quẳng cho Tám Xứng một gói ruốc thịt rồi chỉ tay vào bản đồ, nói với Hai Diễm:
– Hiện nay chúng ta đang ở đây. Phải đi vòng qua cái buôn này xuôi về hướng Đông Nam. Hơi xa một chút nhưng…
Hai Diễm cáu kỉnh ngắt lời:
– Tại sao lại phải đi vòng? Bộ ông muốn cho chúng tôi chết đói dọc đường hay sao chớ?
– Như vậy an toàn hơn. Bởi vì chúng ta đã bị lộ rồi.
Hai Diễm nhếch mép cười khinh bỉ:
– Ông cẩn thận quá, đại úy ạ. Tất cả đều phụ thuộc vào cái này. – Y vỗ vào khẩu súng.
Tư Nguyên vẫn khăng khăng một mực:
– Không được. Giá như hôm đó ông đừng khử cái thằng nhóc ấy đi thì đâu đến nỗi. Hơn nữa, biết đâu thằng Việt cộng kia nó chẳng vào buôn trước chúng ta rồi.
Hai Diễm đờ mặt ra suy nghĩ. Cuối cùng, y nói bừa:
– Nó có vào buôn chăng nữa thì đã có sao! Nếu ông sợ thì nên tách ra, cứ để tôi vào đó!
Tư Nguyên lẳng lặng nhét bản đồ vào xà cột. Ngẩng lên, y gặp cái nhìn lạnh lùng đe dọa của tên toán phó đang chiếu vào mình.
– Nên bình tĩnh, suy nghĩ thì hơn, ông thiếu úy…
– Ngán thấy mồ rồi! – Hai Diễm đột ngột cắt ngang. – Sặc mùi chính trị viên Việt cộng!
Như bị một lưỡi dao đâm giữa ngực, Tư Nguyên lặng người đi, mắt như tóe lửa. Hai Diễm tuôn ra liền một mạch:
– Ông thử xem, ông đã tính toán như thế nào? Vì sao mà đến nông nỗi này, hả? Biết bao giờ mới về được đến nhà, hay là rồi lại tiêu mạng hết ở nơi rừng xanh núi đỏ này? Ông có biết là tôi được phái đi theo ông là để làm gì không, hả?
– Biết, – Tư Nguyên đáp. Mặt y nhợt đi, nhưng giọng nói dường như bình thản đến khó ngờ. – Nhưng chừng nào còn chưa về đến căn cứ, chừng ấy tôi vẫn còn chỉ huy, ông hiểu chưa? Mà hình như trung tá Hiệp cũng dặn ông như thế?
– Hừ, chỉ huy! – Hai Diễm làu bàu. – Thằng hồi chánh!
Tư Nguyên rút soạt ngay khẩu Colt ở bên sườn, nhưng Hai Diễm còn nhanh hơn, đã kéo chốt an toàn của khẩu AK, chĩa vào ngực tên toán trưởng.
– Sao, đại úy?
Tám Xứng chen vào, gạt nòng súng của Hai Diễm sang một bên nhưng bị tên này đẩy bật ra. Trong giây phút kéo dài như vô tận, Tư Nguyên cắn chặt môi, mắt vằn lên những tia máu nhìn gã đàn ông ngạo nghễ trước mặt mình, bất lực.
– Thôi được, – Cuối cùng Tư Nguyên nói và đậy nắp bao súng lại.
– Chúng mình hiểu nhau quá mà, đại úy!
Hai Diễm nói rồi khoác ba lô lên vai, bước đi không ngoái lại.
– Thế nào, anh Tư? – Tám Xứng hỏi một cách đầy ý nghĩa.
Tư Nguyên chán chường ngồi phịch xuống bên một thân cây đổ.
– Đừng động đến nó. Nó là người của trung tá Hiệp bên an ninh quân lực đấy.
Biết không có ai đuổi theo, Hai diễm dừng lại bên một gốc cây ngồi nghỉ. Y lôi từ dưới đáy ba lô ra một hộp thịt nhỏ và nhanh nhẹn dùng dao găm mở nắp. Loáng cái, tên biệt kích đã ăn xong và ngửa cổ mút nốt những giọt nước cuối cùng còn sot lại.
Hai Diễm săm soi cầm chiếc vỏ hộp trong tay như thể mới nhìn thấy nó lần đầu. Không giấu được vẻ tiếc rẻ, y quẳng nó sang một bên rồi lấy từ túi áo ngực ra bao Ruby quân tiếp vụ đã nhàu nát.
Trong bao chỉ còn lại điếu thuốc cuối cùng.
Hai Diễm ngẩn mặt ra một lát rồi chặc lưỡi, châm lửa hút.
Tên biệt kích đã nằm dài trên mặt đất, thiu thiu ngủ. Bỗng nhiên, y choàng tỉnh dậy đưa mắt nhìn bốn phía. Hình như có tiếng suối chảy đâu đây thì phải. Đúng rồi! Hai Diễm nghiêng đầu nghe ngóng…
Dầm mình đến ngang ngực giữa dòng suối trong veo, một cô gái người dân tộc đang say sưa tắm. Trên tảng đá gần đó là bộ váy áo của cô cùng với một chiếc gùi đựng mấy chiếc măng và ít rau rừng.
Hai Diễm kín đáo vạch lá rồi bỗng nhiên ngẩn ra một lát.
Nắng vẫn đùa trên mái tóc và đôi vai trần của cô gái Tây Nguyên.
Xung quang vắng vẻ, im lặng quá…
Từ trong bụi rậm, Hai Diễm như bị chôn chân, khó nhọc liếm cặp môi khô khốc. Đôi mắt y như bốc lửa, dán chặt vào thân hình cô gái.
Luân đã lại cố gắng đứng lên, chống súng bước đi. Cơn sốt bất ngờ đã làm anh hoàn toàn kiệt sức, vì vậy anh chỉ có thể lê từng bước một. Khát quá! Luân đờ đẫn nhìn quanh. May sao, cách anh không xa có một hõm đá còn đọng nước. Luân tập tễnh chạy tới những… cái gì thế này? Anh sững sờ nhìn vào đàn nòng nọc bơi trong nước. Kệ! Không đừng được nữa, anh vục đầu vào uống.
Cô gái đã tắm xong, với tay lấy bộ váy áo, sắp sửa bước lên bờ. Cả cái thân hình tuyệt mỹ, hơi hoang dại và rám nắng của cô nhô dần, nhô dần lên khỏi mặt nước.
Hai Diễm đờ người ra ngắm. Và chỉ đến khi cô gái đã lên bờ, y mới biết mình cần phải làm gì.
– Đứng lại! – Tên biệt kích vọt ra khỏi bụi cây cùng với tiếng quát khẽ nhưng đầy đe dọa.
Cô gái giật mình, ôm vội lấy bộ váy áo lên che ngực.
– Ơ, bộ đội…
– Ừ, bộ đội đây, đừng sợ. – Hai Diễm bước tới, cười nhăn nhở.
Cô gái sợ hãi, không biết nên xử trí ra sao.
– Đứng lại đi, ngoan nào… – Gã đàn ông khoác súng, chuyển nó ra sau lưng cho đỡ vướng.
– Em lạy bộ đội, bộ đội tha cho em… – Cô gái chắp hai tay van vỉ trong khi vẫn lùi từng bước một.
Hai Diễm vẫn lừ lừ bước tới.
Tuyệt vọng, cô gái hét lên một tiếng và bỏ chạy. Nhưng, vấp phải một rễ cây, cô ngã chúi xuống.
– Chạy hả?! – Hai Diễm túm tóc cô gái, giật ngược trở lại. Tay kia, y bẻ quặt tay cô về phía sau lưng.
Cô gái hét lên đau đớn, buông vội mớ váy áo mà cho đến tận bây giờ cô vẫn không rời.
Bao nhiêu mệt nhọc như đã tan biến đi đâu hết, Luân vội vàng bươn về phía có tiếng kêu. Đây rồi! Qua kẽ lá, anh đã nhận ra đối thủ của mình. Luân cố gắng đến gần hơn, gần hơn chút nữa…
Hai Diễm cười hềnh hệch, thò bàn tay thô bạo tóm lấy bộ ngực tròn căng của cô gái đang lả đi vì đau đớn và sợ hãi. Bất đồ ngẩng lên, y há hốc mồm kinh ngạc thấy một nòng súng AK gần như gí sát vào mặt mình. Trong khoảnh khắc, tên biệt kích còn kịp nhận ra một con người dị dạng, mặt mũi nhợt nhạt như một xác chết vừa đội mồ sống lại.
Khẩu súng trong tay Luân khẽ rung lên, nhoàng lửa.
Hai Diễm bật ngửa ra sau không một tiếng kêu.
Cô gái vùng dậy và giật mình kinh hãi khi nhận thấy người vừa cứu mình mặc bộ quần áo rằn ri rách nát với mái tóc bù xù khủng khiếp. Không kịp cúi xuống nhặt váy áo gì nữa, cô lao mình chạy biến.
– Dừng lại đã! – Luân gọi to nhưng không dám đuổi theo.
Cô gái càng sợ hãi, chạy như tên bắn.
Luân cúi xuống, đoạt khẩu súng, chiếc ba lô và lục soát giấy tờ của tên thám báo. Xong xuôi, anh khoác chiếc gùi lên vai, nhét bộ váy áo vào đó rồi đi theo hướng cô gái vừa bỏ chạy.
Buôn nhỏ, lèo tèo những nếp nhà sàn đứng xiêu vẹo bên sườn núi. Khắp nơi vương vãi những bãi phân trâu, rác rưởi và những thứ linh tinh mà người ta thường thấy ở trong xóm của đồng bào thiểu số.
Không khí vắng lặng, im lìm khiến cho Luân cảnh giác. Anh cầm ngang khẩu súng, đưa mắt nhìn quanh và dè dặt tiến về phía ngồi nhà sàn gần nhất.
Bỗng nhiên, một ánh chớp lóe lên. Luân vừa kịp xoay mình tránh một lưỡi dao sắc lẻm thì khẩu súng trong tay anh đã bị đánh văng ra, và ngay lập tức, anh bị đè xuống, trói nghiến lại.
Luân bàng hoàng nhìn lên, thấy quanh mình đã lố nhố những người. Lưỡi dao quắm vừa chém hụt anh còn bám chặt vào một góc cột nhà. Bất giác, Luân nhắm mắt.
Y Lung, xã đội trưởng du kích bước đến, lay mãi mới nhấc được con dao ra khỏi cột. Và sau khi đã tra dao vào vỏ, anh bắt đầu lục lọi những thứ đồ đạc của Luân.
– Tôi là trinh sát quân Giải phóng…
Câu nói của Luân bị cắt ngang bởi cái tát như trời giáng. Anh chúi đầu, máu rỉ ra ở khóe miệng.
Đúng lúc ấy, người ta nhìn thấy chiếc gùi và bộ áo váy bên trong.
– Trời ơi, con tôi! – Một bà mẹ nhào tới, kêu thất thanh.
– Nó giết mất con Y Hơ Mai rồi! – Một người nào đó hét.
Đám đông ồn lên như ong vỡ tổ.
– Chém chết nó đi!
– Đây là thằng biệt kích hôm nọ đây mà…
Mấy lưỡi dao sáng lóa cùng vung lên một lượt. Mặt Luân trắng bệch ra vì sợ hãi. Anh lắp bắp:
– Không, tôi là quân ta thật mà…
– Y Lung, mày nói đi, phải làm gì bây giờ? – Một ông già rẽ đám đông và hỏi.
Y Lung nhấc chiếc tẩu thuốc ra khỏi miệng, ề à:
– Ta sẽ xét hỏi nó kỹ càng đã rồi hẵng đem ra xử bắn.
– Đúng rồi! – Đám đông lại ồn lên lần nữa.
– Khoan! Lũ làng ơi, khoan đã!
Nghe tiếng thét, mọi người liền quay lại. Từ xa, một cô gái đang vội vàng chạy tới, hai tay khua lên rối rít. Đó chẳng phải ai xa lạ, chính là người đã được Luân cứu thoát khỏi tay Hai Diễm. Chỉ có điều, chẳng biết bằng cách nào, trên người cô lúc này đã có bộ váy áo khác, tuy rách vá.
*
* *
Thuận từ ngoài bước vào căn hầm của tham mưu trưởng, đứng nghiêm:
– Báo cáo thủ trưởng…
Đang ngồi đọc một tài liệu gì đó, tham mưu trưởng liền gạt sang một bên rồi ngước nhìn lên:
– Sao?! Có tin của chúng nó rồi à?
– Dạ, không hẳn như thế ạ, – Thuận rụt rè ngồi xuống. – Nhóm tìm kiếm của cậu Thành đến nơi, thì chỉ thấy một cái máy hai oát hỏng, bị đập nát với mấy bộ quần áo vứt lung tung… Không có dấu vết gì của việc các cậu ấy bị hi sinh hay bị bắt…
– Các đơn vị ở gần đó thì thế nào? – Tham mưu trưởng hơi chồm lên, hỏi.
– Dạ, bên C89 có nghe thấy tiếng súng nổ, nhưng tiểu đội vệ binh của họ cũng không tìm ra dấu vết gì khả nghi… Còn K26 vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ có điều hơi lạ, là…
– Nói đi! – Tham mưu trưởng hơi xẵng giọng.
– Báo cáo thủ trưởng, du kích buôn Rây cho biết, là cách đây hơn một tuần, chính xác là ngày mười bảy tháng ba, có một toán bốn người ăn mặc theo kiểu quân ta đến. Họ nói là đi tiền trạm cho một lữ đoàn tăng quân Giải phóng nhưng bị lạc đường… Sau đó, họ nhờ cậu bé Y Dơn dẫn đường đi tắt sang điểm cao 581. – Giọng nói của Thuận đã nhanh hơn. – Chỉ có điều, sau đó cậu bé này đã bị giết bằng dao găm…
– Đúng là bọn thám báo rồi! – Tham mưu trưởng thốt lên. – Nhưng tại sao lại thế nhỉ? Mục đích của chúng nó là gì? – Tham mưu trưởng xoay mình, bước tới bên tấm bản đồ treo trên vách. Ông dò tìm trên đó một lúc. – Tại sao chúng nó lại đi vòng vèo như thế và chui đầu vào buôn Rây làm gì?
– Báo cáo thủ trưởng, theo tôi nghĩ thì có lẽ là nhóm thám báo ấy được tung ra để tìm tuyến đường tăng ta mới làm, vì chính chúng nó đã nói là người của đơn vị xe tăng mà lại… Sau đó, trong lúc đi đường, chúng nó đã vô tình tìm ra nơi mà nhóm của cậu Phước trú chân. Lúc đó, điện đài của quân ta đã hỏng, và nhóm của cậu Phước đã rút về căn cứ… Dọc đường, hai bên đã chạm súng… Đó là lí do tại sao bị mất liên lạc…
– Vô lí! – Tham mưu trưởng cắt ngang. – Nếu bọn thằng Phước rút đi rồi, thì tại sao chúng nó còn “chạm súng” với nhau được nữa?! Mà nếu vậy, tại sao đến hôm nay vẫn không thấy chúng nó đâu? Chẳng lẽ lại chết hết rồi à?
– Còn đài kĩ thuật của ta cho biết, hôm kia, hai mươi hai, bọn địch kêu lên với nhau là có một chiếc trực thăng đi làm nhiệm vụ ở điểm cao 346 suýt nữa bị rơi vào bẫy của Việt cộng. Nhưng qua thẩm tra của tôi, không có đơn vị nào của quân ta hoạt động ở khu vực đó.
– Lạ thật! – Tham mưu trưởng vò đầu suy nghĩ. Chợt ông ngẩng lên, nhìn thẳng vào người đối diện:
– Tôi nghĩ ra rồi! Có lẽ là thế này… Bọn địch phát hiện ra vị trí đặt đài của quân ta, nên chúng đổ biệt kích xuống để bắt sống hoặc tiêu diệt… Nhưng chẳng may chúng nó bị lạc đường… Sau đó dẫn đến tình huống buộc phải nổ súng… Còn chuyện đi tìm đường tăng thì hơi khó tin, chẳng lẽ chúng nó lại hớ hênh đến thế?
– Đúng rồi! – Thuận reo lên, đầy thán phục. – Thủ trưởng phán đoán rất chính xác. Nhưng nếu vậy thì…
– Nếu vậy thì cực kì nguy hiểm. Bao nhiêu công sức điều nghiên hàng mấy tháng trời, mà đó lại là hướng quan trọng nhất của chiến dịch… Còn hồ sơ, tài liệu nữa…
– Vâng, – Thuận khẽ đáp lại một cách hoàn toàn máy móc.
– Phải thay đổi hết thôi, – Tham mưu trưởng đứng dậy. – Cậu đi gọi ngay thằng Tâm lại đây cho tôi… – Ông cầm lấy máy điện thoại và bắt đầu quay số: – Alô! Alô! Tổng đài đâu? Cho tôi nói chuyện với Hoàng Liên Sơn nhé!
Lẩn lút như một tên ăn trộm, Tám Xứng dỏng tai lên nghe ngóng. Hồi lâu không thấy động tĩnh gì, y mới dám bước lên cầu thang chòi canh lúa và thoắt cái đã lẻn vào trong chòi.
Trời đã sẩm tối và qua cánh cửa chòi mở toang về phía nương ngô có thể nhìn thấy một mảng trời phía Tây đỏ tím trên nền những đỉnh núi lô nhô răng nhọn.
Tám Xứng lơ láo nhìn khắp chòi một lượt. Y bước lại phía lu nước, lấy cái vỏ bầu khô để sẵn ở đó, múc nước uống ừng ực. Nhìn thấy một gùi bắp trên sàn, tên biệt kích mừng rơn, vồ lấy một bắp nhai ngấu nghiến. Sữa bắp chảy trào ra hai bên mép mà Tám Xứng vẫn không để ý, chỉ nhắm mắt nhắm mũi cạp một cách ngon lành.
Trên nương ngô không có một bóng người. Tiếng mõ trâu lốc cốc gõ vào ánh trời chiều ảm đạm. Bên kia nương, những thân cây còng queo, cháy đen vì chất độc hóa học và bom đạn, vươn những cánh tay xương xẩu lên như chỉ chực tóm lấy những đám mây vần vũ mà kéo xuống.
Tám Xứng đã ăn xong. Y lấy chiếc bồng từ trong túi quần ra, trút cả gùi bắp vào đó, vơ vội thêm vài bắp nữa rồi mới chịu xuống chòi. Nhìn trước ngó sau không thấy ai, hắn nhanh chóng lần theo lối mòn vào rừng và biến mất.
Ngồi xếp chân bằng tròn quanh bếp lửa nhà sàn, Y Lung lặng lẽ hút tẩu và thỉnh thoảng lại nhả ra những làn khói xanh đặc quánh.
Đối diện với xã đội trưởng, Luân đang lau chùi khẩu AK và lắp băng đạn mới vào súng. Trên người anh bây giờ là bộ quân phục tuy rách vá nhưng sạch sẽ.
– Anh Y Lung này, thế nếu bọn chúng nó lại đánh lên đây nữa thì các anh tính sao?
– Thì đánh lại thôi chớ còn chạy đi đâu! – Y Lung từ tốn đáp.
– Đúng đấy, – Luân gật đầu hưởng ứng. – Nhưng liệu bao giờ tôi mới về được đến đơn vị hở anh?
– Sáng mai, tôi sẽ cho người đưa bộ đội đi theo lối tắt về, – Y Lung nhấc tẩu thuốc ra khỏi miệng. – Chỉ hai ngày là đến nơi thôi mà.
Có tiếng chân người bước lên cầu thang rồi một ông già đi vào, bước thẳng đến bên bếp lửa. Theo sau ông là Y Hơ Mai. Cô thẹn thùng liếc nhìn Luân và ngồi chếch ra phía sau lưng ông lão.
– Ta đem thuốc cho bộ đội đây, Y Lung à, – ông già nói. – Chỉ vài ba ngày nữa là vết thương sẽ lên da non thôi mà.
– Cám ơn cụ, – Luân xắn tay áo lên cho Y Hơ Mai buộc nắm lá thuốc vào vết thương của anh.
Trong một giây, ánh mắt của chàng trai và cô gái gặp nhau. Ông già cười khà khà, nói nửa đùa nửa thật:
– Bộ đội có ưng cháu gái ta thì ở lại đây làm rể buôn này đi thôi.
– Cám ơn cụ, cháu có vợ ngoài miền Bắc rồi ạ, – Luân mỉm cười ngượng nghịu.
– Ờ, đứa nào cũng nói vậy đó, – ông già cười vui vẻ. – Mày chê con gái người dân tộc phải không?
Luân vội chống chế:
– Dạ, đâu có ạ. Nhưng mà bây giờ đang chiến tranh. Hơn nữa… Liệu người ta có ưng cháu không ạ?
– Có chứ! – Y Hơ Mai lên tiếng làm cho cả Y Lung và ông già cười vang.
– Thế Y Hơ Mai không sợ tôi là biệt kích à? – Luân hỏi đùa.
– Không. Tại vì bộ đội cứu em mà…
Luân mỉm cười ngượng nghịu trong lúc ông già quay sang phía Y Lung báo cáo:
– Chiều nay, có kẻ lạ vào chòi lúa nhà Y Muôn trộm bắp, mày đã biết chưa?
Luân giật thót lên một cái:
– Thế hở ông? Đúng là bọn biệt kích rồi! – Anh quay về phía Y Lung. – Phải cho người đuổi theo ngay anh ạ.
– Chúng nó không thoát được đâu, – Y Lung nói chắc như đinh đóng cột. – Thế nào chúng nó cũng phải về Tà Sanh, mà từ đây đến đó chỉ có một con đường thôi. Mai, ta đi đường tắt đuổi theo, thế nào cũng kịp.
– Thế thì hay quá! – Luân vui vẻ cầm lấy bàn tay to tướng của Y Lung khẽ lắc. – Phải tìm cách cứu cả cậu bạn của tôi bị chúng nó bắt đi theo nữa…
Xã đội trưởng nhồi điếu thuốc khác vào tẩu thuốc rồi lại tiếp tục bằng cái giọng ề à:
– Cái thằng bị bộ đội giết chiều qua ấy mà, chính nó đã đánh lừa ta, để ta cho thằng Y Dơn đi dẫn đường đấy…
Đêm đã khuya.
Một vầng trăng đỏ ối và mòn vẹt lơ lửng trên đỉnh núi sương buông như khói.
Tiếng vượn hú lên thảm thiết hòa với tiếng gà rừng.
Luân bỗng giật mình chồm dậy và theo bản năng, vồ lấy súng. Anh ngơ ngác nhìn quanh một lát rồi mới nhớ mình đang ở nơi nào.
Luân cời lại bếp và cho thêm củi. Một ngọn lửa bùng lên, soi sáng căn nhà sàn vắng lặng. Luân châm một điếu thuốc rê rồi lấy từ trong túi áo ngực ra một gói ni lông nhỏ, đưa lại gần ngọn lửa.
Đó là quyển sổ tay ghi mật mã của Phước và những mảnh giấy vẽ sơ đồ bố phòng căn cứ địch đầy những mũi tên và ký hiệu. Giữa những trang sổ tay nhàu nát ấy, thật bất ngờ đối với Luân, có một tấm ảnh cỡ nhỏ, hơi cũ nhưng còn rất nét.
Người lính trinh sát bỗng lặng đi.
Trong ảnh, một cô gái rất trẻ nhìn Luân với nụ cười tinh nghịch.
“Luân này, cậu thấy con gái Hà Nội thế nào?”
Bên tai Luân văng vẳng lời Phước hỏi anh cách đây mới có mấy ngày.
Luân thở dài, nấc khan lên một tiếng.
Anh lật đi lật lại quyển sổ tay, nhưng trong đó không còn một thứ giấy tờ gì khác.
Luân buồn rầu nhìn cô gái hồi lâu. Trong cái im lặng tĩnh mịch của núi rừng, có thể nghe thấy tiếng củi lách tách trong bếp lửa và những giọt sương từ mái tranh rơi xuống đất.
*
* *
Trời đã sáng.
Bên đống lửa chỉ còn leo lét vài sợi khói, Tư Nguyên đang gặm đến hạt ngô nướng cuối cùng. Cách đấy vài bước chân, Đăng và Tám Xứng cũng đã ăn xong.
– Đi thôi! – Tên toán trưởng biệt kịch nói và đứng dậy.
Tám Xứng liếc nhìn Tư Nguyên, dò hỏi. Gã này lắc đầu, nói đủ cho cả Đăng nghe thấy:
– Khỏi cần phải trói. Nếu chạy, cứ bắn bỏ.
Đăng không mảy may biểu lộ thái độ gì trước lời đe dọa ấy. Anh lẳng lặng khoác ba lô, bước lên phía trước.
– Anh Tư này, tại sao Hai Diễm không về? – Tám Xứng băn khoăn hỏi tên toán trưởng. – Hay là…
– Hay là làm sao?
– Nó ra hàng rồi?!
– Hừ, tiêu mạng kì đà rồi, còn hàng gì nữa mày! – Tư Nguyên cười khẩy. – Mày có nghe thấy tiếng súng chiều qua không?
Im lặng một lát rồi Tám Xứng đánh bạo hỏi thêm:
– Như vậy là anh Tư biết trước?
– Không, sức mấy! Nhưng nó đã thích đi thì cứ để nó đi. Đây, lối này! – Tư Nguyên trỏ tay cho Đăng và Tám Xứng tới một ngã ba.
– Ủa, sao kì vậy anh Tư?
– Phải đi ngược lại, đánh lạc hướng bọn chúng, hiểu chưa?
Tên biệt kích đàn em không đáp. Đột nhiên, gã toán trưởng dừng lại hỏi:
– Tại sao mày lại vào biệt kích?
– Em… – Tám Xứng không hiểu được ngay câu hỏi. – Em thích, vậy thôi. Với lại, lương cao nữa…
– Mày có muốn chạy sang phía bên kia không?
– Ủa, sao anh Tư lại… – Tám Xứng hoảng hốt, hơi lùi lại.
– Đừng lo, – Tư Nguyên cười nhếch mép. – Tao hỏi thật đó, mày nên tính trước đi kẻo muộn.
– Nhưng chúng ta sắp về đến nơi rồi…
Tư Nguyên lắc đầu buồn bã:
– Chưa chắc đâu. Nhưng mà thôi, tùy ý mày. Dù sao, mày cũng có thể trở về mà không sợ bị rầy rà. Còn tao…
Tên toán trưởng biệt kích khôgn nói hết câu. Tám Xứng sợ hãi liếc nhìn y và hỏi:
– Tại sao vậy anh Tư, em không hiểu…
– Đối với tao, mọi cái đều chấm hết rồi. Nhất là việc thằng Hai Diễm chết, hiểu chưa? Chúng nó sẽ cho là chính tao khử Hai Diễm, và không ai tin vào những lời khai của tao cả. Mà tao thì tao đã nhìn thấy cái kết cục này từ lâu rồi.
Vai khoác khẩu các bin, miệng vẫn ngậm tẩu, Y Lung thoăn thoắt bước đi. Theo sau anh là Luân và hai du kích trẻ, cũng người dân tộc.
Họ đi ngang qua một cánh rừng thưa. Đôi chỗ, đất rực lên màu đỏ. Và lẩn dưới tán lá rừng, một con đường ngoằn ngoèo vẫn còn hằn lên những vệt xích xe tăng khá rõ.
Luân cúi xuống mặt đường xem xét. Không kìm được, anh thốt lên sung sướng:
– Đúng là xe tăng của ta rồi!
Có tiếng máy bay OV10 siết mạnh vào không khí. Mọi người tản vội ra, nép vào dưới gốc cây, vừa lúc chiến máy bay trinh sát lao vút qua đầu họ.
Khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, Tư Nguyên cho Đăng và Tám Xứng dừng lại nghỉ giải lao. Từ đây có thể nhìn thấy cả một vùng rộng lớn với những đỉnh núi nhấp nhô uốn lượn. Trong nắng trưa, một dòng suối ánh lên như thủy ngân lấp lánh.
– Đẹp quá! – Đăng khẽ thốt lên.
Tám Xứng đưa mắt nhìn Tư Nguyên. Tên toán trưởng không khỏi mỉm cười giễu cợt:
– Lãng mạn quá nhỉ? Anh làm gì trước khi đi lính, à quên, đi bộ đội?
– Tôi là sinh viên.
– Văn khoa à?
– Không, tôi học toán. – Tự nhiên Đăng luống cuống, có lẽ vì anh chợt nhận ra mình vừa nói thật.
– Chắc bị tổng động viên hồi tháng tư năm ngoái?
– Vâng, – Đăng gật đầu thú nhận.
– Còn tôi, ngày xưa cũng đã từng là sinh viên văn khoa Sài Gòn đấy.
Tư Nguyên nói bằng một giọng trầm buồn rồi sau đó hoàn toàn im lặng. Trong toàn bộ dáng vẻ của y giờ đây có một cái gì đó rất “người”. Đăng nhìn sang y, lần đầu tiên với ánh mắt hơi băn khoăn khó hiểu xen lẫn đôi chút thương hại và đồng cảm.
Tám Xứng tách ra, đi kiếm cái ăn. Đây rồi! Nhìn thấy một cây chôm chôm đầy quả, hắn liền thoăn thoắt leo lên hái.
Một chùm, hai chùm… ba chùm… Khắp các túi quần túi áo của tên biệt kích đã đầy những quả chôm chôm.
Không thể nhét thêm vào đâu được nữa, Tám Xứng bám luôn vào thân cây tụt xuống. Còn cách mặt đất một quãng, y buông tay và nhảy đại vào đám lá mục nâu nâu vàng vàng dưới gốc cây. Và cũng đúng vào lúc đó, một cái gì nom như đoạn cành cây khô bật lên, rơi vào trong cổ áo của Tám Xứng.
Thốt nhiên, tên biệt kích trẻ thét lên một tiếng khiếp đảm và rùng rợn. Toàn thân bủn rủn, y ngã lăn ra đất, không ngừng giãy giụa, trong lúc tay vẫn cào cấu một cách tuyệt vọng vào một bên cổ.
Nghe tiếng thét, Tư Nguyên vội vàng chạy tới. Chỉ thoáng nhìn, y cũng hiểu ngay được chuyện gì đã xảy ra. Y trân trối nhìn tên biệt kích đàn em lúc này đã trợn mắt, sùi bọt mép rồi nặng nề ngồi xuống, vạch cổ áo của Tám Xứng ra xem.
– Sao thế? – Đăng từ phía sau bước tới, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Tư Nguyên chống tay đứng dậy. Đôi mắt Tám Xứng đã dại đi, mép sùi bọt, những quả chôm chôm vương vãi ngay bên cạnh.
– Không cứu được à? – Đăng hỏi lại lần nữa như cái máy.
– Rắn chàm ngoạp cắn mà, còn cứu cái nỗi gì! – Tư Nguyên đáp.
– Sao anh biết? – Đăng tỏ ý hoài nghi.
– Đây này! Bị trúng ngay vào cổ. – Tư Nguyên đáp. – Sức mấy mà cứu được.
Quả thật, trên cổ Tám Xứng, còn nguyên dấu răng rắn đang rỉ máu.
Đăng im lặng, ngẩn người nhìn Tám Xứng một lát, không giấu được vẻ bàng hoàng. Còn Tư Nguyên bỗng trở nên hoàn toàn suy sụp. Y lảo đảo gục đầu vào một thân cây ngay gần đó, không nói được câu nào nữa.
Trong rừng vẫn lặng im, không một cơn gió thoảng. Chỉ có những chiếc lá vàng thỉnh thoảng lại lìa cành rơi xuống, khẽ khàng.
Luân và những du kích người dân tộc nằm phục trên một mỏm đồi cao, chăm chú theo dõi khoảng rừng phía trước. Mấy người dân tộc tỏ ra thản nhiên, còn Luân, trái lại, anh nhìn trước ngó sau, thậm chí còn giơ cả chiếc đồng hồ hỏng lên xem nữa.
– Lạ nhỉ, hay là chúng nó đi lối khác? – Luân buột miệng ra thành tiếng.
Đăng dè dặt nhìn Tư Nguyên và hỏi:
– Ông Tư, đào huyệt chôn thôi chứ?
– Khỏi cần, – Tư Nguyên quay lại. – Đằng nào cũng thế thôi mà.
Đăng chưa biết nói gì thêm thì Tư Nguyên đã tiếp:
– Sao không chạy đi mà còn ở lại đây làm gì?
– Ông…
– Tôi nói thật đấy. Với chúng ta, mọi thứ đã kết thúc rồi. Anh có hiểu không? – Tư Nguyên nhìn Đăng trân trối.
Y Lung nhìn qua đống tro than và những chiếc lõi ngô, nói một cách quả quyết:
– Đúng là chúng nó chạy chưa xa đâu. Đuổi nhanh lên thế nào cũng kịp!
– Theo tôi, ta nên chia làm hai hướng cho chắc chắn, anh Y Lung ạ. – Luân vội nói.
– Được, – Y Lung gật đầu. Anh khoát tay ra hiệu cho hai du kích trẻ.
– Cố gắng bắt sống được thì càng tốt, – Luân dặn với theo – Cẩn thận kẻo bắn phải người của ta đấy nhé.
– Được rồi! – Hai người du kích trẻ cùng đáp và khuất sau lối rẽ.
Luân cũng bước đi như chạy để không tụt lại sau Y Lung. Anh hiểu, giây phút quyết định nhất đối với mình sắp đến gần…
*
* *
Ngồi đối diện với Đăng trên một ụ mối, Tư Nguyên nói bằng giọng chán chường:
– Tất cả là như vậy đó! Tôi đã mệt mỏi quá rồi. Và từ lâu, tôi vẫn coi chuyến đi này là chuyến cuối cùng. Thật không ngờ…
– Sao ông không tìm cách trở về? – Đăng đánh bạo cắt ngang lời tên biệt kích.
– Về đâu? – Tư Nguyên mỉm cười chua chát. – Chết, đó là giải thoát. Tôi không còn chỗ để lùi nữa rồi. Và nếu chết được, thì ít nhất vợ con tôi cũng còn được lãnh tiền tử tuất.
Dường như không còn nữa, dù chỉ trong giây lát, cái ranh giới phân chia chiến tuyến. Đăng thở dài ái ngại:
– Thế thì khó thật!
– Thôi anh đi đi… Tôi không muốn ràng buộc anh vào số phận của tôi. – Tư Nguyên chậm rãi, đắn đo từng chữ một. – Giết anh thì tôi không muốn, vì cũng chẳng để làm gì cả. Mà tay tôi cũng nhuốm nhiều máu quá rồi.
Đăng không thể tin được ngay lời lẽ của tên biệt kích. Tư Nguyên chìa ra chiếc xà cột mà y vẫn đeo ở bên sườn:
– Giấy tờ của các anh vẫn còn nguyên vẹn ở trong này. Anh cầm lấy.
Đăng ngớ người ra, không hiểu. Tư Nguyên sực nhớ, đưa cho tù binh của y khẩu AK:
– Súng của anh, giờ trả lại anh. Băng đạn còn nguyên đấy!
– Tôi… – Đăng lắp bắp một câu vô nghĩa.
Bộ mặt Tư Nguyên đã ảm đạm lại càng thêm rầu rĩ hơn. Y cười nhăn nhúm và đau khổ:
– Không tin hả? Đây này!
Tư Nguyên chĩa khẩu súng ấy lên trời, nổ liền một loạt.
Nghe tiếng súng từ phía xa vọng đến, Luân nghiêng người, cố đoán xem nó ở hướng nào.
– Nhanh lên Y Lung, không thì muộn mất!
Hai người chạy vọt lên , mặc những cành cây quất rào rào vào mặt, vào đầu. Gặp một con suối, họ cũng không kịp xắn quần lên nữa mà cứ thế nhảy ào xuống, lội băng qua.
Tư Nguyên đã đốt xong những giấy tờ còn lại. Y đăm đăm nhìn vào nhúm tro than trước mặt bằng cặp mắt không hồn.
Im lặng.
Tên biệt kích thở dài, đi đến quyết định cuối cùng. Y tháo băng đạn khẩu Colt, xem lại. May quá, đạn vẫn còn nhiều. Y lắp băng vào súng, rồi sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái, từ từ ấn nòng súng vào thái dương bên phải.
Bỗng nhiên, mọi vật nhòe đi trước mắt Tư Nguyên. Những giọt nước mắt đen đúa và bẩn thỉu chảy ra, lăn theo đôi má hóp đầy những râu ria tua tủa của y.
– Ba…aa…a…
Trước mắt Tư Nguyên như hiện ra hình ảnh của một bé gái lên năm đang chạy tới.
– Ba…aa…a… – Cô bé vẫn băng mình chạy tới.
Tư Nguyên mở mắt ra thì chỉ thấy Đăng trước mặt. Anh rụt rè đề nghị:
– Anh Tư này, hay là… anh đi cùng chúng tôi đi. Cách mạng sẽ khoan hồng…
Tư Nguyên nín lặng. Bộ mặt y trở lại lạnh lùng như bất cứ lúc nào.
– Đừng ngại, chính sách của chúng tôi rất rõ ràng. Mà… chiến tranh cũng sắp sửa kết thúc rồi… – Đăng nói tiếp.
– Anh tin là như vậy à? – Tư Nguyên mệt mỏi hỏi lại.
– Chứ còn gì nữa! Chúng tôi đang thắng lớn và giải phóng…
– Anh còn trẻ lắm, anh bạn ạ, – Tư Nguyên nhìn Đăng, khẽ lắc đầu. – Bên nào cũng khoe mình thắng và chiến tranh sắp sửa kết thúc đến nơi… Vậy thì ai thắng? Anh còn nhớ hồi năm sáu tám không?
– Hồi ấy khác! – Đăng vội cãi.
Tư Nguyên bỏ qua phản ứng của Đăng, nói tiếp:
– Tôi thì tôi không nghĩ như vậy… Chỉ tiếc là chúng ta đều chẳng làm gì được. Miệng anh ta vẽ nên một nụ cười thảm hại. – Chỉ có điều, nếu không có chiến tranh, biết đâu chúng ta lại chẳng là anh em, bè bạn hay họ hàng thân thiết của nhau? Anh không biết chứ, ba tôi là người Bắc di cư vào Nam đấy.
Đăng vẫn thử cố thêm lần nữa:
– Nếu vậy thì anh lại càng nên quay về với chúng tôi.
– Muộn rồi! – Tư Nguyên đáp thản nhiên. – Bởi vì nếu tôi về với anh bây giờ, người ta sẽ bắn tôi ngay lập tức. Tôi đâu có muốn chết theo kiểu đó. Lại còn vợ con tôi…
– Sao anh lại nghĩ thế? Làm gì có chuyện ấy?
– Có chớ! – Giọng Tư Nguyên chứa đựng nỗi buồn khủng khiếp. – Bởi vì… Tôi đã từng là chính trị viên đại đội.
Đăng sững sờ nhìn người đối diện với mình, như không tài nào tin nổi.
Luân và Y Lung thận trọng nhích lên từng tí một. Qua kẽ lá, đã nhìn thấy thấp thoáng bóng người phía trước. Những giọt mồ hôi to tướng rịn ra trên mặt, trên trán của Luân và Y Lung.
Vô tình đứng quay lưng lại, nên Tư Nguyên không biết đằng sau anh ta, cái chết đang rình rập.
– Đấy, tất cả là như thế… Cái chết của tôi chính là ở chỗ, toàn trung đội hi sinh, vậy mà tôi vẫn sống, hơn nữa còn không hề bị sứt mẻ một chút nào… Vì thế, một câu hỏi cứ lơ lửng treo trên đầu tôi, tại sao tôi không hoàn thành nhiệm vụ…
– Trong chiến tranh, có nhiều trường hợp như thế mà. – Đăng an ủi.
Tư Nguyên lắc đầu buồn bã:
– Tôi cũng mong như thế, nhưng có ai cho phép tôi được thanh minh gì đâu! Dường như tất cả đều cho tôi là kẻ hèn nhát, bỏ chạy trước nguy hiểm. Họ bắt tôi làm kiểm điểm hàng tháng trời rồi cách chức tôi, khai trừ tôi ra khỏi Đảng… – Giọng Tư Nguyên vẫn đều đều. – Thêm vào đó, là chuyện yêu đương của tôi với vợ tôi… Họ cho chúng tôi là hủ hóa, sa đọa…Vợ tôi bị đuổi về địa phương vì đã mang bầu, lại bị kết tội tham ô của đơn vị do đã làm mất một khoản tiền khá lớn… Mà anh biết không, chỉ mãi đến sau này tôi mới biết, trước đó thủ trưởng của vợ tôi muốn yêu cô ấy nhưng không được… Vì thế ông ta tìm đủ mọi cách để trả thù…
– Trời! – Đăng kêu lên khe khẽ.
– Ai có thể tưởng tượng được rằng, kẻ lấy trộm số tiền chính là ông ấy… Không còn lối thoát nào nữa. Tôi ra hồi chánh và ngay sau đó đã biết mình phạm sai lầm… Càng sai lầm hơn, là khi tôi tình nguyện gia nhập lực lượng biệt kích dù, với hy vọng rằng người ta sẽ tin mình, lại có đồng lương kha khá đủ lo cho vợ, cho con…
– Nhưng mà tôi không hiểu… – Đăng hỏi lại – Anh vẫn có thể làm khác đi cơ mà?
Tư Nguyên khẽ lắc đầu:
– Khác làm sao được! Người ta đã có kế hoạch đưa tôi ra tòa án binh rồi… Mà ra tòa án binh, thì chắc anh biết cái gì sẽ xảy ra rồi đấy! Thà chết còn hơn. Vì thế, tôi đành ra hồi chánh. Chỉ tiếc là khi tôi chạy về phía “quốc gia”, người ta cũng chẳng tin tôi… Tôi luôn luôn sống nơm nớp trong cảnh trên đe dưới búa, không biết cái gì sẽ xảy đến với mình.
– Đăng!
Nghe tiếng quát rất to, theo phản xạ tự nhiên, Tư Nguyên vội lăn nhào xuống tránh đạn. Đúng lúc ấy Đăng cũng hét lên:
– Đừng! Đừng bắn!
Nhưng không kịp nữa rồi!
Khẩu AK trong tay Luân rung lên, nhoáng lửa. Những viên đạn bắn gần làm bung ra những mảnh áo của Tư Nguyên.
Luân và Y Lung chạy tới khi Đăng đã lật Tư Nguyên nằm ngửa ra. Anh ta vẫn chưa chết hẳn.
– A, xin chào… – Tư Nguyên phều phào nói với Luân và cố mỉm cười giễu cợt bằng chút hơi tàn còn lại.
Toàn thân giật lên một cái, Tư Nguyên nằm im hẳn, đầu ngoẹo sang bên.
Đăng thở dài, vuốt mắt cho người xấu số, và lặng im một lát.
– Hừ, cậu tiếc cái thằng biệt kích này lắm nhỉ? – Luân hậm hực nhìn Đăng, khó chịu.
– Không – Đăng khẽ lắc đầu, từ từ đứng dậy và nhìn thẳng vào mắt bạn. – Tôi chỉ tiếc cho một con người.
Trời đã về chiều.
Chân trời phía Tây đầy ráng đỏ.
Ba người lại khoác súng lên vai đi tiếp.
Trên cái nền màu xanh của núi rừng trùng điệp, người ta nghe thấy những tín hiệu vô tuyến điện vang lên hối hả:
“Gửi các đơn vi trực thuộc. Chiến dịch Quang Trung sẽ được bắt đầu vào đúng thời gian đã định. Hướng tấn công chính là khu vực đồi 500, Tà Sanh và điểm cao 329. Các đơn vị triển khai xong, báo cáo…”
Hết
(*) Loại thuốc lá được sản xuất dành riêng cho quân đội Sài Gòn.
(*) Một loại đồng hồ nhãn hiệu Seiko của Nhật.
(*) Danh từ chỉ sư đoàn.
(**) Một loại cơm được chế biến giống như kiểu mì ăn liền, được cung cấp cho quân đội Sài Gòn thời chiến tranh, chỉ cần đổ nước sôi vào, để một lúc là ăn được.
(*) Một loại ba lô nhỏ, buộc túm ở trên miệng.