Kịch bản · 20/12/2021

Mẩu chuyện thời chiến tranh

   Kính tặng những người lính Hà Nội ra đi trong những năm sáu mươi
và bảy mươi của thế kỷ hai mươi
.

 

Giang xốc lại chiếc ba lô rồi cắm đầu cắm cổ vừa đi vừa chạy.

Trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo bò giữa hai triền đồi sim mua lúp xúp, tuyệt không một bóng người, nhưng anh vẫn không giấu được vẻ lo âu, phấp phỏng. Chiếc mũ cứng và cả chiếc ba lô dường như cứ nhảy lên liên tục theo từng bước chân hối hả của người lính trẻ.

Bỗng nhiên, soạt một tiếng. Giang giật bắn mình, nhảy phắt vào vệ đường. Nhưng không có ai cả. Có lẽ đấy chỉ là một con thú nào đó phóng vọt qua.

Giang định thần trở lại, bỏ mũ, dùng cánh tay áo lau mồ hôi đang chảy ròng ròng trên gương mặt đỏ bừng. Anh hít một hơi thật dài rồi lại băng mình chạy tiếp. Những bước giày lạo sạo nghiến trên mặt đường, tạo nân một âm thanh đơn điệu.

Kia rồi! Trước mắt Giang lúc này đã hiện ra vùng đồng bằng dưới chân đồi. Xa hơn nữa, là một con đường nhỏ, cong mình sáng lên dưới ánh nắng ban trưa, mất hút trong vạt cỏ tranh. Và ở gần với đường chân trời, qua những rặng phi lao xanh thẫm, có thể đoán đó là quốc lộ.

Không dám dừng lại lấy một giây, người lính trẻ vẫn chạy như bay về phía trước.

Trong buồng lái của chiếc xe Zil cũ kĩ, một thanh niên vạm vỡ khoảng trên dưới ba mươi tuổi, đã nhìn thấy người lính ấy từ rất xa. Anh hơi cau mày khó chịu, nhưng cũng mớm chân phanh và giảm tốc độ, cho xe chạy hơi chậm lại.

Giang mừng rỡ, vẫy tay rối rít, trong khi vẫn nhớn nhác nhìn về phía mấy ngọn đồi. Nhưng đúng vào lúc anh đang tràn trề hi vọng nhất, thì chiếc Zil “kính cong” phủ đầy bụi đất ấy lao vèo qua như một mũi tên.

Giang thất vọng, buông phịch chiếc ba lô xuống bên đường. Nhưng kìa, chiếc xe đã dừng lại, tuy cách đó một quãng khá xa. Giang nhìn trước, ngó sau con đường nhựa dài hun hút, không thấy bóng dáng chiếc xe nào khác. Chàng lính trẻ không biết làm gì hơn là nhặt chiếc ba lô, khoác lên một bên vai rồi thất thểu đi về phía chiếc Zil.

Trong buồng lái, “ông tài xế” đã kịp châm cho mình một điếu thuốc, cắm lệch sang một bên mép và phì phèo nhả khói. Rồi, với vẻ ranh mãnh và tinh quái, anh lặng im quan sát Giang qua tấm gương gắn bên cửa kính của xe.

Giang đã đến bên buồng lái, ngước nhìn “ông tài”, giọng nói không lấy gì làm tự tin cho lắm:

– Anh ơi, anh làm ơn cho em đi nhờ về Hà Nội với!

– Về đâu? – Người lái xe hất hàm; điếu thuốc vẫn dường như được gắn chặt bên khóe miệng.

– Dạ, Yên Phụ ạ! – Giang mừng quýnh, tháo ba lô ra khỏi vai, – Nhưng anh cho em xuống chỗ nào cũng được…

– Lên đi! – Người lái xe nói như ra lệnh, đồng thời nhoài sang phía bên phải để mở cửa ca bin.

– Cám ơn anh! – Giang lắp bắp, vội vã leo lên, và loay hoay với cánh cửa xe một lát.

– Sập mạnh vào! – Người lái xe quát, rồi tự mình nghiến răng, sập mạnh cửa xe.

Chỉ đến lúc đó, anh mới sang số, rồ ga cho xe chạy.

Giang thở phào một cái, nhét chiếc ba lô xuống phía dưới chân và liếc nhìn người lái xe như để thăm dò. Anh hoàn toàn không biết rằng, chính vị ân nhân kia cũng kín đáo quan sát anh như để đánh giá và xác định.

– Sao, đi đâu vào lúc giữa trưa này? Đào ngũ à? – Đột nhiên, người lái xe lên tiếng.

– Không ạ, em được về tranh thủ, – Giang vội vàng đáp một cách rất trơn tru.

– Phét, tao lạ đếch gì chúng mày! Chắc tại nhớ thầy bu quá chứ gì?

– Không, em được về tranh thủ thật mà… – Giang ngoảnh sang nhìn người lái xe. – Đơn vị em sắp phải đi B rồi…

– Thật không? – Người lái xe hỏi, nhưng mắt vẫn nhìn về phía trước.

– Thật chứ ạ! – Giang cố trấn tĩnh và trả lời thật tự nhiên. Nhưng người lái xe không hỏi gì thêm, mà chỉ khẽ thở dài, vứt mẩu thuốc đã cụt lủn qua cửa kính xuống đường.

– Ừ… Nhưng đừng có mà đào ngũ nhé! Chết đấy! – Người lái xe giơ tay, phác một động tác như cứa cổ. – Hiểu chưa?

– Vâng…

Chiếc cột mốc bên đường hiện ra với dòng chữ “Hà Nội, 45km” rồi trôi tuột về phía sau. Giang rụt rè hỏi chuyện:

– Xe anh chở gì thế ạ?

– Linh tinh – Người lái xe có vẻ ỡm ờ. – Thế về được mấy ngày?

– Dạ, ba… Tối mười tám, ngày kia, em phải có mặt ở đơn vị. Sang tuần sau, làm lễ hạ sao rồi hành quân luôn. Nhưng mà chưa biết ngày nào…

– B nào? – Người lái xe vẫn hỏi trống không.

– Dạ, em nghe nói là B hai ạ.

Người lái xe lại “ừ” một tiếng, không tỏ thái độ gì rõ rệt. Bỗng nhiên, anh nói một cách bâng quơ:

– Mấy hôm nay, nó đánh Hà Nội dữ quá. Cầu Long Biên, kho xăng Đức Giang cũng bị trúng bom rồi. Chết bao nhiêu là người… Nhưng sao lại được về ít ngày thế?

– Thì thời chiến mà anh, – Giang sửa lại tư thế ngồi rồi đáp. – Mà… em cũng còn may đấy. Cả đơn vị gần như bị cấm trại rồi. – Giang hơi ngạc nhiên với chính khả năng trả lời một cách trơn tru của mình.

Người lái xe không hỏi gì thêm. Chiếc xe vẫn chạy về phía trước.

Bỗng nhiên, tiếng máy xe trở nên bậm bạch, không đều. Người lái xe hơi cau mày, lắng nghe một lát. Hiện tượng ấy càng rõ hơn. Anh mím môi, đánh tay lái cho xe tấp vào bên đường.

– Xe bị làm sao thế hở anh? – Giang lo lắng hỏi.

– Chưa biết… – Người lái xe đáp, không lấy gì làm chắc. – Xuống đi! Để tao xem thế nào…

Không còn biết làm gì hơn, Giang xách ba lô, nhảy xuống đường. Người lái xe mở nắp ca pô. Một làn hơi nước bốc lên mù mịt. Anh cởi chiếc áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ, xem xét động cơ rồi cúi xuống gầm xe. Lát sau, anh đứng dậy, nói với Giang:

– Mày xem kiếm chỗ nào ngồi nghỉ tạm đi. Có lẽ kiểu này là phải chờ lâu đấy!

– Anh cứ để em ở đây, nhỡ giúp được anh cái gì… – Giang đề nghị.

– Mày thì giúp được cái gì! – Người lái xe khẽ lắc đầu và lấy từ phía sau lưng ghế của mình một hòm gỗ đựng dụng cụ sửa xe. – Đứng đây nắng lắm!

*

*     *

Gần tối, Giang mới về được đến nhà, một kiến trúc hai tầng mang đậm phong cách Pháp hồi đầu thế kỉ. Cũng như nhiều công trình khác ở Hà Nội vào những năm sáu mươi, ngôi nhà ấy được chia cho nhiều hộ gia đình ở. Còn bếp và nhà tắm lại được xây vẩy ra ở một góc, dưới chân của ngôi nhà.

Giang bước lên cầu thang và đứng sững lại trước cảnh cửa căn phòng của gia đình. Một ổ khóa to tướng đánh đu trên hai đầu sợi dây xích được luồn qua lỗ thủng trên hai cánh cửa gỗ xộc xệch: rõ ràng là có ai đó đã đục lỗ trên cánh cửa để luồn dây xích, vì ổ khóa chìm trên cánh cửa vẫn còn.

Giang ngán ngẩm, cất chiếc chìa khóa vào túi quần rồi đưa mắt nhìn quanh. Trên hành lang, đầy những lá khô, gạch ngói và mảnh kính vỡ. Một vài ô cửa sổ chỉ còn dính được trên tường nhờ những chiếc bản lề lắt lẻo, chừng như có thể rụng xuống bất cứ lúc nào. Mặt trời đã lặn hẳn, nhưng hồi quang của nó còn đọng lại trên tán lá cây xà cừ ở trong sân. Giang chậm rãi quay lui, không biết đi đâu.

– Ai?! – Một giọng nữ trẻ trung, lảnh lót vang lên đột ngột, khiến Giang giật nảy mình.

– Tôi. Tôi đây mà… – Giang vội đáp.

– “Tôi” là ai, đến đây làm gì?

Giang nhìn xuống phía chân cầu thang. Thì ra, đó là một cô gái chừng mười bảy mười tám tuổi, với dáng người chắc lẳn trong chiếc áo màu cỏ úa.

– Tôi là Giang, nhà tôi ở đây mà!

– Ối anh Giang, anh về đấy à? – Thoắt cái, cô gái đã nhảy lên đến giữa cầu thang, suýt nữa thì va vào Giang. – Thế mà em cứ tưởng…

Tưởng là kẻ trộm à? – Giang đi xuống. – Trông Lan khác quá, cứ như là…. người nào ấy.

Họ nhìn nhau một lúc.

– Anh được về phép à? Có lâu không? – Lan rối rít. – Trông anh có vẻ khỏe ghê, phải mỗi tội đen sì sì, suýt nữa thì em không nhận ra đấy!

Giang bỗng hơi ngập ngừng, đắn đo một lát:

– Phép tắc gì đâu, anh được về tranh thủ ba ngày… Đơn vị anh sắp sửa phải đi B rồi… Em có biết ai khóa cửa nhà anh lại không?

– Em chứ còn ai! – Giọng Lan đầy vẻ tự hào. – Bom nó đánh vào nhà máy điện, cửa nhà trong xóm bung ra hết. Ông tổ trưởng bắt bọn em phải đi khóa lại hết một lượt đấy!

– Thế em có chìa không? – Giang vội hỏi.

– Có chứ! Anh chờ em một tí! – Lan nói, rồi chạy ù về phía cuối hành lang, lát sau quay lại với một chùm chìa khóa. Cô bắt đầu thử, và sau khi loay hoay một lúc, cuối cùng cũng mở được cửa cho Giang.

Người lính trẻ bước vào, theo thói quen, bật công tắc bên cánh cửa “tách” một cái, nhưng gian phòng vẫn tối thui. Lan lại cười:

– Có điện đâu mà anh bật!

Giang không nói gì, chỉ đứng lặng ở giữa phòng. Gian phòng khá rộng, trống trải, đầy những giấy tờ, sách vở, lá khô… vương vãi. Ở một góc phòng, may mắn còn sót lại một chiếc giường ba xà trải chiếu đậu và giá sách trống trơn. Và, như hoàn toàn đối lập với khung cảnh ấy, ngay bên cạnh đó là một chiếc ghi ta cũ được treo cẩn thận trên tường. Giang bước tới, dùng ngón tay cái lướt nhẹ các dây đàn. Một giọng trầm vang lên rồi lại tắt ngay: các dây khác đều bị đứt.

Giang ngồi xuống bên giường, cúi đầu ủ rũ. Lan khẽ cốc vào đầu anh một cái rồi bảo:

– Anh ngồi đây nhé! Em về bên nhà một lát.

Rồi không đợi câu trả lời, cô biến mất sau khung cửa.

Giang đứng dậy, bước đến bên cửa sổ mở toang hoang tự bao giờ. Những mái nhà lô nhô cao thấp và những tán cây đang sẫm lại dưới ánh chiều màu xám. Tất cả đều im lặng đến lạ thường.

Lan đã trở lại với chiếc đèn bão trong tay và một gói giấy báo, bọc chiếc bánh mì:

– Anh đã đói chưa? Ăn tạm cái bánh mì nhé! Nhưng mà em chỉ có bánh mì không thôi. Chẳng có thịt, có trứng gì hết cả… – Cô gái nói như người có lỗi rồi đưa cho Giang chiếc bánh.

– Có bánh mà ăn đã là tốt rồi còn gì! – Giang nói, rồi cắn ngay một miếng khá to. – Em biết không, ở chỗ anh, lính tráng toàn phải xơi bột mì luộc, gọi là “nắp tăng xê” ấy! Ném vào nhau, thì cứ gọi là vỡ cả đầu! – Giang lại cắn thêm miếng nữa.

– Thế sao không làm bánh mà ăn hở anh?

Giang nhún vai:

– Đào đâu ra bột nở mà làm! Hơn nữa, lính sắp đi B ấy mà!

– Đi thì đi chứ! – Lan hơi phụng phịu. – Ăn uống thế thì ai mà chịu nổi.

– Thế mà bọn anh vẫn chịu được hết đấy. – Giang nói, và cổ anh bỗng cứng đơ ra vì nghẹn.

Ngay lập tức, Lan hiểu ra sự việc. Cô đấm mạnh một cái vào giữa hai vai của Giang, rồi đấm thêm vài cái nữa, nhẹ hơn.

– Tại anh ăn vội quá đấy mà! Để em đi lấy nước! – Cô gái nói rồi vội vàng biến mất.

Giang đã kịp nhai, nuốt xong miếng bánh cuối cùng. Anh cầm lấy cái ấm pha trà từ tay Lan, rồi ghé miệng vào vòi ấm, tu ừng ực cho đến lục cạn ấm, rồi mới khà một tiếng.

– Khiếp! – Lan lắc đầu, vờ làm ra vẻ sợ hãi. – Ăn với uống!

Giang nhún vai một cách điệu đà để pha trò:

– Lính mà em!

Lan khẽ thở dài đánh sượt:

– Thôi, anh nghỉ ngơi một lát đi. Em về bên nhà nấu cơm, lúc nào xong, em sẽ gọi. Nhé!

– Khoan đã! – Hình như chỉ đến bây giờ Giang mới sực nhớ ra, nên vội hỏi: – Em có biết tình hình bên nhà anh thế nào không? Đã ba, bốn tháng nay rồi, anh chẳng nhận được một lá thư nào cả. Nóng ruột quá…

Lan ngạc nhiên:

– Sao lại thế? Em thấy hai bác vẫn hay biên thư cho anh lắm cơ mà! Cụ ông thì mới theo cơ quan lên Bắc Giang. Còn cụ bà thì đưa thằng Toàn với cái Thủy đi sơ tán với trường từ đầu năm học… Ở bên Hưng Yên ấy.

– Lạ nhỉ! Giang hơi bặm môi suy nghĩ. – Chẳng có lẽ nào… Anh thì tháng nào cũng gửi về ít nhất là một lá…

– Có, có! – Lan gật đầu xác nhận. – Ở nhà đúng là vẫn nhận được thư của anh, có hôm em còn nhận hộ mà… Nhưng tại sao anh lại không nhận được thư của bác là thế nào? Chẳng lẽ lại toàn thất lạc?

Giang nhún vai lần nữa:

– Chịu, anh không biết! Không tài nào hiểu nổi! Thế chị Hương anh có hay về đây không?

– Trước kia thì thỉnh thoảng, còn gần đây, em không biết. – Lan khẽ lắc đầu. – Vì em cũng bận đi làm suốt ấy mà…

Bây giờ đến lượt Giang mở to đôi mắt, ngạc nhiên:

– Em đi làm rồi ấy à? Làm ở đâu? Mà làm cái gì?

Lan hơi gượng cười, cố giữ cho giọng nói được bình thường:

– Làm gì ấy à? Lát nữa rồi em sẽ nói.

Có lẽ cơn mệt mỏi ập đến rất nhanh, nên Giang chẳng còn suy nghĩ gì nữa; cũng chẳng cần phủi qua giường chiếu gọi là, anh cứ để nguyên cả đôi giày vải dưới chân, gối đầu lên chiếc ba lô lép kẹp, ngủ ngon lành.

Ngoài cửa sổ, bầu trời đã đen sầm lại.

Góc phòng, chiếc đèn bão vẫn leo lét cháy.

Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Lan đã quay trở lại và khẽ gọi:

– Dậy đi anh Giang! Dậy ăn cơm!

Phải lay gọi đến lần thứ ba, Giang mới từ từ mở mắt, chống tay, uể oải ngồi lên:

– Ờ… Mấy giờ rồi hở Lan?

– Hơn tám giờ… Anh cũng ngủ được một lúc lâu rồi đấy.

Theo thói quen, Giang đưa tay lên định xem đồng hồ. Nhưng rồi chợt nhớ ra, anh lại buông tay và cử chỉ ấy không thoát khỏi ánh mắt của Lan. Cô hỏi:

– Thế… đồng hồ của anh đâu rồi?

Giang hơi ngần ngừ một lúc:

– .. đem đổi lấy gà và gạo nếp ăn rồi. Cái đồng hồ cũ ấy mà…

– .. đói lắm à? – Lan có vẻ quan tâm.

– Ừ. Nhất là mấy tháng đầu… Cơm ăn vèo một cái là hết, mà thức ăn thì chả có gì. Quanh đi quẩn lại chỉ toàn bí đỏ, bí xanh, khoai tây với đậu phụ… Thế là lính tráng có gì, lần lượt đem đổi cho người dân tộc hết để có cái mà ăn thêm.

– Nhưng làm cách nào mà các anh nấu được? – Lan ngây thơ hỏi.

– Thiếu gì cách… Tiểu đội trưởng còn tạo điều kiện cho cơ mà… Nhất là những đợt hành quân dã ngoại. Nhưng hai, ba tháng này thì đỡ rồi, vì bọn anh được ăn bồi dưỡng theo chế độ sắp đi B, lại nhiều đứa có người nhà lên thăm, tiếp tế cho đủ thứ nên có bữa ăn không hết…

Căn phòng của gia đình Lan, hóa ra đồ đạc vẫn còn nguyên, rất gọn gàng và ngăp nắp. Cái đầu tiên đập vào mắt Giang, là một mâm cơm được bày sẵn trên bàn. Và ở trong bát hương trên nóc tủ được dùng làm ban thờ, có mấy nén hương đang cháy. Phía sau bát hương, một người phụ nữ khoảng chừng trên dưới bốn mươi dường như đang nhìn Giang với vẻ buồn rầu.

– Sao em lại thắp hương thế này? – Giang không giấu được vẻ ngạc nhiên. – Hôm nay là rằm à, hay mồng một?

– Hôm nay là ngày giỗ mẹ em… Anh ngồi xuống đi.

– Trời! – Giang kêu lên khe khẽ. – Thế mà anh không biết.

– Anh biết làm sao được… Nhưng vì em phải làm ca sáng, nên đành cúng buổi chiều. Được cái, nhà cũng chẳng còn ai… – Lan ngồi xuống ghế đối diện rồi vặn chiếc đèn báo cho nó sáng hơn một chút.

– Thế bố em đâu, cả thằng Quang nữa? Mời mọi người ra ăn đi chứ?

– Bố em… đi vắng rồi. – Lan hơi ngập ngừng như muốn che giấu một điều gì đó, nhưng Giang không để ý vì anh còn dán mắt vào các bát, đĩa thức ăn. – Thằng Quang nó đi sơ tán rồi, còn chị Dung em thì bận…

– À, ra thế! – Giang gật gù. – Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Số anh may thật. Mà… sao em làm nhiều thứ thế, trông có vẻ ngon ghê!

– Thì… dù sao cũng là ngày giỗ mẹ em mà! – Lan bắt đầu gắp thức ăn vào bát cho Giang. – Em cũng gặp may, vì nếu không có anh thì hôm nay là lần đầu tiên, em phải cúng mẹ và ăn cơm một mình…

– Còn những ngày khác thì sao? – Giang buột miệng.

– Những ngày khác thì nói làm gì! – Giọng Lan hơi chùng xuống. – Anh ăn đi! Lần đầu tiên em cúng chỉ có thế này…

Giang chống cằm, nhìn mâm cơm trước mặt. Đúng là đơn giản thật. Ánh đèn bão tuy không lấy gì làm sáng, nhưng cũng đủ cho ta nhìn thấy trong mâm chỉ có một đĩa thịt gà luộc, bát canh măng, đĩa giò lụa, một đĩa thịt lợn rán, một đĩa xôi và quả trứng luộc được bày trong một chiếc đĩa con, bên cạnh đó là đĩa nộm. Lan nói, vẻ thanh minh:

– Anh thông cảm nhé! Lúc nãy còn chưa cúng nên em không đem những thứ này cho anh được…

– Thế này cũng là sang quá rồi còn gì, – Giang nói. – Ở đơn vị anh ấy à, tiêu chuẩn bồi dưỡng đi B, một đồng hai một ngày mà không được như thế này đâu!

– Vậy thì anh càng phải ăn nhiều vào! – Lan lại gắp thêm thức ăn cho Giang, khiến anh phải kêu lên:

– Em ăn đi, sao lại gắp cho anh nhiều thế!

Cô gái khẽ cười buồn:

– Để anh còn có sức mà vượt Trường Sơn.

– Nhưng mà em cũng phải ăn đi chứ!

– Thì em vẫn đang ăn đây thôi.

Giang trầm trồ, không giấu được vẻ thán phục:

– Em nấu ăn ngon thật… Nhưng sao bố em lại đi vắng vào đúng ngày này, mà em cũng không để phần cơm à?

Lan buông đũa, bỏ bát xuống. Rồi, hai tay lồng vào nhau, cô thở dài, mặt như cắm xuống bàn:

– Bố em bị đưa đi cải tạo rồi!

Giang giật mình, thảng thốt:

– Sao lại thế? Bố em làm sao mà lại phải đi cải tạo? Đi từ bao giờ?

– Gần bốn tháng nay rồi… Tức là chỉ sau khi anh đi bộ đội khoảng hơn một tháng… Anh có nhớ, hồi tháng bảy, Mĩ nó ném bom dồn dập không? Đấy, bố em bị bắt vào dịp ấy. Chính xác là buổi sáng ngày hai mươi ba tháng bảy.

Giang hơi sững sờ, bỏ đôi đũa xuống bàn. Cô gái từ từ ngẩng lên, hất nhẹ mấy ngọn tóc ra phía sau, mắt hơi ướt nước và giọng thoảng ngậm ngùi:

– Sáng hôm ấy, họ gọi bố em ra đồn công an làm việc, rồi không cho về nữa. Chiều, em được nhắn tin, đem quần áo, đồ dùng cá nhân vào cho cụ…

– Nhưng mà người ta kết tội gì, giam ở đâu chứ? Em có biết không?

Lan khẽ lắc đầu:

– Làm sao mà biết được! Nghe nói, họ đưa đi trại cải tạo rồi, nhưng mà trại nào thì em chịu. Chỉ có điều lạ, là cùng bị bắt với bố em còn có nhiều người nữa, thành phần ngụy quân ngụy quyền với lại “bất mãn”. Nhưng bố em có làm gì đâu. Chỉ là dân tư sản quèn… Nghe nói, họ bắt vì nghi ngờ bố em vào gián điệp!

– Trời! – Giang lại kêu lên thảng thốt.

– Họ nghi, vì hôm ấy bố em leo lên mái nhà, dặm lại mấy viên ngói vỡ… Đúng lúc ấy, máy bay nó ném bom… Bố em không xuống kịp, vì cái thang bị đổ. – Lan ôm mặt, khóc tức tưởi và cay đắng. – Thế mà có người đi tố cáo với công an, là bố em leo lên mái nhà, đánh tín hiệu cho máy bay Mĩ… Sau đấy, thằng Quang còn suýt nữa bị đuổi học, em phải đi làm… Tại vì có muốn cũng không thể nào vào đại học được. Mà không đi làm, biết lấy gì mà ăn? Thì cũng phải tìm cách mà sống chứ?

– Thế… em làm gì? – Giang hỏi, như một người đang trong tình trạng mộng du.

– Em làm thợ dệt… Học nghề nhanh lắm, nhưng vừa bụi, vừa ồn… Nhiều hôm hết ca, thấy đầu óc quay cuồng, chân mỏi nhừ, muốn khuỵu xuống luôn. Anh xem tay em này…

Lan giơ cả hai bàn tay về phía Giang. Hai bàn tay con gái nhưng có vẻ thô ráp, chai sần. Giang rụt rè cầm lấy đầu ngón tay của Lan và khẽ nói:

– Anh nhớ, trước đây tay của em đẹp lắm cơ mà…

– Thì bây giờ, suốt ngày nối sợi, đi tua, nó phải khác chứ. Lại còn đào hầm hào, khuân vác, gánh gạch,… À, mà em còn được học cả lớp cứu thương nữa nhé!

– Thế giá mà anh bị thương để được em băng cho nhỉ! – Giang buột miệng.

– Phỉ thui cái nhà anh này, chỉ toàn nói dại! – Lan lườm Giang một cái. – Sắp đi B, ai lại nói thế bao giờ… Anh không biết đâu, chứ thật ra, lúc đầu, em ở đội tự vệ trực chiến cơ. Nhưng không hiểu sao, người ta lại điều em đi chỗ khác… Chắc là sợ em có súng, bắn linh tinh.

– Ừ, có khi thế thật! – Giang thốt lên một cách hoàn toàn vô thức.

Ngoài cửa sổ, bầu trời hơi sáng lên nhờ một vầng trăng mờ đục. Dưới đường, có tiếng xe chạy ì ầm, tiếng người gọi nhau như vọng lại từ một nơi nào xa lắm. Nhưng xen lẫn trong mớ âm thanh ấy, vẫn có thể nhận ra tiếng bánh xe xích nặng nề nghiến trên đường.

– Đêm nào cũng thế, anh ạ! – Lan vừa thu dọn bàn ăn vừa nói. – Cứ tầm này trở đi là lại bắt đầu chuyển quân, kéo pháo đi đâu chẳng biết. Chết nhiều lắm. Có hôm, bom nổ, chôn vùi cùng một lúc đến hai, ba khẩu pháo… Bọn em đến, nhặt nhạnh, chẳng biết chân ai vào tay ai nữa. Có người chỉ mặc độc một chiếc quần đùi. – Lan khẽ cắn môi một lát. – Có lần, em rụng rời cả tay chân khi thấy người ta lôi được một anh trông y hệt thằng Quang nhà em ra khỏi hầm đạn. Cả người chi chít không biết bao nhiêu là vết bom bi, thế mà mặt mũi lại còn nguyên. Mấy người vuốt mắt cho anh ấy mãi mà không được. Mắt vẫn mở trừng trừng. Sau, em liều, thử vuốt mắt cho anh ấy… Lúc ấy, mắt anh ấy mới từ từ nhắm lại.

Lan lấy đầu ngón tay giữa, chấm chấm giọt nước mắt vừa mới ứa ra. Cô khẽ lắc đầu liền mấy cái rồi cười như mếu:

– Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Bây giờ, anh em mình ăn cốm và uống chè sen… Lúc còn sống, mẹ em thích hai thứ ấy lắm.

Giang im lặng, hơi cúi đầu, ngón tay trỏ vạch những đường vô định trên mặt bàn. Lát sau, anh mới ngẩng lên, tay chống cắm, nhìn mãi vào một nơi nào đó:

– Kinh khủng thật!

– Anh ăn đi, – Lan ngồi xuống, khéo léo mở một gói lá sen được buộc hình chữ thập bằng một sợi rơm. – Cốm làng Vòng đấy nhé, em vừa mua lúc chiều.

– Bây giờ mà vẫn còn người bán cốm cơ à? – Giang hỏi, như vừa ra khỏi được dòng suy nghĩ của mình.

– Thì vẫn chứ anh! Báo động thì xuống hầm, báo yên lại lên làm việc. Nó đánh ở đâu, mặc nó, thế thôi. Chỉ tiếc là em chẳng mấy khi dám đi tiếp tế cho thằng Quang, vì sợ người ta lại bảo “đồ con nhà tư sản”…

– Ờ, anh vẫn biết toàn bộ khu nhà này trước kia đều là của gia đình em hết mà… – Giang khẽ gật đầu, xác định.

– Đấy, thế mà bây giờ chỉ còn lại từng này… – Lan rót trà từ cái âm chuyên bé xíu ra hai cái chén hạt mít rồi khẽ đẩy một chén về phía Giang. – Uống đi anh! “Chè sen Bà Triệu” đấy. Bình thường thì làm sao mà em dám mua loại chè này…

Giang nhẹ nhàng dùng cả hai lòng bàn tay ấp lấy chén trà, đưa lên gần mũi, hít hà, trong lúc mắt hơi nhắm lại:

– Chà, thơm quá! Ước gì thỉnh thoảng mình lại được uống loại chè này nhỉ!

Anh khẽ nhấp một ngụm chè, đặt chén xuống rồi mới nhón lấy vài hạt cốm, bỏ vào lòng bàn tay trái, sau đó mới ấp những hạt cốm ấy vào trong miệng, nhai rất chậm. Đối diện với Giang, Lan cũng vừa uống xong chén của cô và bẻ đôi quả chuối tiêu, đưa cho anh một nửa.

Bất thình lình, từ đâu đó rất gần, những tia chớp xanh lè phụt chéo lên trời cùng những tiếng nổ kinh thiên động địa. Ngay lập tức, còi báo động cũng rú lên, xen lẫn tiếng máy bay và tiếng bom nổ đinh tai nhức óc. Cả căn phòng nhoáng nhoàng, chớp tắt trong ánh sáng đạn bom. Vậy mà trong khoảnh khắc ma mị ấy, vẫn có một người đàn ông nào đó gào lên:

– Tắt đèn đi! Tắt đèn! Muốn chết à?!

Lan quýnh quáng, mãi mới tắt được ngọn đèn bão. Cô chộp lấy tay Giang, giật mạnh:

– Xuống hầm đi anh! Ở ngay dưới chân cầu thang ấy!

Giang khẽ rút tay mình ra, nói bằng giọng tỉnh queo:

– Xuống làm gì!

Lan hơi khựng lại trong giây lát và thái độ bất cần của chàng trai hình như làm cho cô yên tâm hơn được phần nào:

– .. liều thế?

– Liều cái gì? Nó có đánh vào đây đâu! Mà đánh, chắc gì đã trúng! Trúng chắc gì đã chết, đúng không?

Có lẽ câu nói ấy của Giang đã tiếp thêm cho Lan sức mạnh. Cô hơi nép vào bên người anh và cả hai cùng nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời đêm liên tục bị xé toang ra bởi những luồng lửa đủ màu.

Rồi bất ngờ, những tiếng nổ vang rền bỗng tắt lịm. Cũng tắt lịm, những vệt sáng từ các loại súng và pháo phòng không. Nhưng bầu trời vẫn chập chờn một màu hung hung đỏ, bốc lên từ những đám cháy ở một nơi nào đó.

Giang và Lan vẫn đứng bên cửa sổ. Cô gái khẽ thì thào:

– Chờ báo yên đã anh ạ! Phải có còi báo yên đã, rồi mình mới được thắp đèn.

*

*     *

U…u…u…

Tiếng còi báo yên dóng dả vang lên. Và như để phụ họa theo là loáng thoáng giọng nói của nữ phát thanh viên từ một cái loa phóng thanh nào đó: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch đã bay xa. Sinh hoạt thành phố trở lại bình thường…

Lan mò mẫn tìm bao diêm trong ngăn kéo để thắp lại đèn. Giang giúp cô mở cái bóng đèn bão đen sì và châm lửa. Phải một lát, bấc đèn mới sáng lên như một đốt ngón tay. Bỗng nhiên, Giang nhìn Lan rồi phá lên cười như nắc nẻ, mãi không dừng lại được. Thì ra, mặt cô lúc này đầy những vết muội đèn. Lan ngơ ngác một lát, đến khi hiểu ra, cô cũng bật cười vui vẻ rồi đưa cho Giang chiếc gương con:

– Anh thử soi gương xem, mặt anh có đẹp không?

Thì ra, trên trán và má Giang cũng có đến ba bốn vệt đen sì. Hai người vừa lau vết nhọ cho nhau, vừa cười rất hồn nhiên mà không hề biết rằng chính tiếng cười vô tư của họ, vang ra qua khung cửa gió lùa đã kích động một người thứ ba xuất hiện.

Đó là một ông già khoảng trên dưới sáu mươi, mặt choắt, tùm hụp trong chiếc mũ sắt thủ công(*), mặc chiếc áo bộ đội cũ, rộng thùng thình, bên ngực trái có một vết rách rất sắc. Lén lút như một tên ăn trộm, ông ta vểnh tai nghe ngóng một hồi, rồi nhẹ nhàng lần theo cầu thang, nắm chắc cây gậy xộc thẳng vào chỗ Lan:

– Cô Lan đấy à? Ai thế này?

Đôi trẻ hơi giật mình nhìn ra, và chỉ trong tích tắc ấy, Lan đã kịp giấu biến ngay đĩa cốm vào ngăn kéo.

– A, tưởng ai, hóa ra thằng Giang! Về bao giờ đấy mày? Sao không xuống nhà bác?

– Dạ, cháu vừa mới về lúc chiều… Bác có khỏe không ạ?

– Khỏe! – Ông già bỏ cây gậy trên tay xuống, dựa vào một bên bàn, cởi chiếc mũ sắt rồi vỗ bồm bộp liền mấy cái vào vai Giang, nhìn anh từ chân lên đến đầu, rồi ngược lại. – Xem nào… Ờ được, được! Ăn cơm quân đội có khác! Trông cao lớn, mạnh mẽ hẳn lên.

Trước thái độ của ông tổ trưởng dân phố, Giang chỉ biết đứng im chịu trận. Còn Lan, cô nhẹ nhàng đẩy chén nước về phía ông ta:

– Bác Tuệ xơi nước ạ!

– Ờ…

Ông tổ trưởng ngửa cổ, dốc tuột chén chè vào cổ họng như kiểu người ta uống rượu, rồi bỗng ối lên một tiếng:

– Suýt nữa thì chết bỏng!

Giang không khỏi mỉm cười, trong khi Lan cố che giấu vẻ khinh bỉ và căm giận của cô bằng cách hơi nhếch mép, nhìn đi nơi khác. Không để ý đến điều đó, ông Tuệ rót thêm cho mình một chèn chè nhưng chưa uống ngay.

– Thảo nào… Tôi đi qua phòng anh, thấy cửa mở nên ngờ ngợ… Thế anh về phép hay đi công tác, được lâu không?

– Dạ, cháu về tranh thủ ấy mà bác… Đơn vị cháu sắp đi B rồi. – Giang đáp, và không hiểu tại sao ông già ấy lại thay đổi cách xưng hô với anh.

– Thế à? Bao giờ đi? Anh đi B nào?

– Dạ, tuần sau ạ! – Giang buột miệng. – Bọn cháu đi B hai ạ! Nghe nói thế, nhưng chưa biết thế nào…

Ông Tuệ hơi trầm ngâm một lát:

– B hai à? Thế thì tức là ở khu vực miền Đông Nam Bộ đấy nhỉ? Liệu anh vào đấy, có gặp thằng Tạo nhà tôi không?

– Làm sao mà biết được ạ? Chiến trường rộng lắm, lại bao nhiêu đơn vị khác nhau… – Giang đáp như cái máy. – Cháu mời bác ngồi chơi ạ!

– Khỏi, – Ông Tuệ khoát tay một cái. – Tôi phải đi làm nhiệm vụ bây giờ. Chả gì mình cũng là anh tổ trưởng được dân bầu, thì cũng phải lo cho bà con khu phố chứ, nhất là cái lúc bom rơi đạn nổ thế này…

– Thế thì bác vất vả quá!

– Ờ… – Loáng một cái, ông tổ trưởng ấy đã nhìn bao quát được cả gian phòng. Rồi ông ta cầm chén nước lên, và lần này thì uống từng ngụm nhỏ, sau đó mới quay sang phía Lan:

– Chè ngon đấy! Cái thằng Tạo nhà tôi ấy mà, không hiểu tại sao đến hơn nửa năm nay rồi chẳng thấy có thư từ gì… Bà lão nhà tôi lo lắm… Nó cũng bằng tuổi anh đấy, nhưng mà đi được hơn hai năm rồi.

– Vâng, chắc anh ấy bận, hay là tại giao liên chưa chuyển thư ra…

– Chả biết. – Ông già lại nhìn Giang một lúc: – Thôi, anh về mà đi ngủ đi, để lấy sức ngày mai còn đi thăm mẹ Phương với em Thủy chứ! Nếu có báo động, nhớ xuống hầm nhé! Tôi phải đi tuần đây!

– Vâng ạ, cám ơn bác! – Giang đứng dậy, tiễn chân ông Tuệ. Như chợt nhớ ra, ông quay lại nói với Lan; đôi mắt ánh lên một cái nhìn rất lạ:

– Cô Lan cẩn thận đấy nhé!

– Vâng! – Lan đáp, vẻ hơi miễn cưỡng và đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu cho Giang yên lặng. Rồi chỉ khi biết chắc ông Tuệ đã đi xa, cô mới quay lại và khẽ thốt lên:

– Kinh tởm!

Giang hơi ngạc nhiên:

– Sao em lại nói thế? Có chuyện gì à?

Cô gái chống khuỷu tay xuống bàn, lặng lẽ ôm lấy mặt. Mái tóc của cô xổ ra, xòa xuống một bên.

– Anh có biết không, lão ấy suốt ngày cứ rình mò người ta như con cú ấy. Chính lão đi báo với công an về việc bố em…

– Thật thế à?

– Chứ còn gì nữa! – Lan hơi cân nhắc, đắn đo một lát. – Anh có biết không, lão ấy thơn thớt nói cười thế, nhưng đố có việc gì mà lão ấy không chõ mũi vào… Lại còn có lần rình mò, xem trộm em tắm nữa!

Giang lại giật mình lần nữa:

– Sao em biết? Trông ông ấy như thế cơ mà…

– Em biết… – Lan mỉm cười buồn bã. – Còn ai vào đây nữa, cả khu này đi sơ tán hết rồi. Nhưng vẫn không kinh khủng bằng việc lão ấy còn ăn trộm cả quần áo, tư trang của tử sĩ nữa cơ. Anh có để ý cái áo bộ đội lão ấy đang mặc lúc nãy không, có vết rách ở bên ngực trái ấy… Bọn em phải khâm liệm cho một anh bộ đội, cởi cái áo ấy ra, để thay cho anh ấy cái áo còn lành. Đến lúc xong xuôi, thì không thấy cái áo anh ấy mặc lúc hi sinh đâu nữa… Mấy ngày sau, thấy ngay lão ấy mặc, thậm chí vết rách vẫn để nguyên, chỉ giặt sạch máu đi thôi.

– Trời… – Giang thốt lên khe khẽ.

– Vì thế, trước sau gì em cũng phải đi nơi khác thôi. Anh nhớ lão ấy dặn em phải cẩn thận không? Lão ấy đe dọa em đấy!

– Nhưng em định đi đâu?

– Đến nhà chị Dung em ở gần Lò Đúc. Nhà rộng, mà các bác cũng đi sơ tán hết rồi. Miễn sao thoát khỏi cái lão già này, chứ em ở đây một mình làm sao được! Lúc nào cũng cứ lo nơm nớp, không biết lão định giở trò gì…

Im lặng một lát vì chẳng biết nói gì hơn, cuối cùng Giang đành đứng dậy, và chỉ bây giờ, anh mới nhìn thấy trên chiếc bàn con gần đấy là một chiếc radio to tướng được phủ bằng một tấm ren. Bên trên chiếc radio, một tờ giấy với dòng chữ kẻ bằng tay, nắn nót: “Gia đình tôi không nghe đài địch” được dán chặt vào tường.

– Thôi, em sửa soạn đi ngủ đi. – Giang nói. – Anh cũng về đây, kẻo muộn rồi, – Giang khẽ chạm vào vai cô gái.

Như hiểu được cái nhìn của Giang, Lan giải thích:

– Bất kì nhà nào có radio, người ta cũng đều bắt cam đoan như thế…

Giang bật cười:

– Anh biết mà… Em không nhớ, là anh mới đi bộ đội được chưa đầy sáu tháng à? Đây là chữ của bố em chứ còn ai?

– Ừ nhỉ, – Lan cũng mỉm cười bẽn lẽn. – Thế mà nhiều lúc, em có cảm giác anh đi bộ đội đã lâu lắm rồi. Ngày xưa, lúc còn ở nhà, thỉnh thoảng anh lại ngồi ôm đàn ghi ta và hát bài Ngôi sao ban chiều… Liệu bao giờ chiến tranh kết thúc hở anh?

– Ai mà biết được! – Giang bỗng trầm ngâm như một ông già. – Bác Hồ đã nói rồi đấy thôi… “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa…”.

– Thế thì kinh khủng thật… Đến nửa cuộc đời còn gì. – Lan khẽ thì thầm. – Hai mươi năm nữa, anh tròn bốn mươi tuổi. Em ba mươi tám. Thằng Quang nhà em ba mươi lăm… Lúc bấy giờ, không biết trông bọn mình sẽ thế nào?

– Ê, sợ già, không lấy được chồng à? – Giang bẹo vào má Lan một cái. – Cứ như bà cụ non ấy…

– Bà cụ non cái gì! Em nói thật đấy chứ! – Lan vội cãi. – Giá mà biết được, hai mươi năm nữa mình sẽ như thế nào…

– Thôi, nghĩ làm gì cho mệt! Hai năm nữa, cũng còn chưa biết nữa là… Em đi ngủ đi kẻo muộn! – Giang như kéo Lan trở về thực tế.

– À, ngày mai anh định thế nào? Anh phải sang Hưng Yên thăm bác gái với cái Thủy chứ? Anh đã biết địa chỉ chưa?

– Biết rồi. Mẹ anh vẫn sơ tán ở chỗ cũ ấy mà… Nhưng anh chưa biết là đi như thế nào…

– Lấy xe đạp của em mà đi anh ạ. May quá, mai em được nghỉ cả ngày để chuyển sang làm ca đêm. Chắc là tối mai, anh lại về đây thôi chứ gì? Đúng không?

– Ừ. Anh về, để ngày kia còn lên chỗ bố anh. Ngày kìa, đi sớm…

– Vậy thì thế này nhé, sáng mai, em sẽ đưa anh đi ăn sáng rồi hẵng đi. Mà phải đi lối cầu phao Khuyến Lương, anh ạ… – Lan quyết định rất nhanh. – Cầu Long Biên thì bị bom phá sập rồi.

Giang hơi ngần ngừ một lúc:

– Việc gì mà phải vất vả thế. Em cứ cho anh ăn cơm nguội là được rồi.

– Thôi, ai lại làm thế! Chả mấy khi anh mới được về… Thế nhé!

Hai tay ôm lấy gáy, Giang nằm trên giường nhưng chưa ngủ được. Ngoài cửa sổ, bầu trời đêm thỉnh thoảng vẫn hừng lên một màu hung hung đỏ, có lẽ còn những đám cháy chưa bị dập tắt hoàn toàn. Từ đâu đó, qua loa phóng thanh ngoài phố, vọng lại những nét nhạc quen thuộc trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam:

Ôi Tổ quốc, giang sơn hùng vĩ

Đất anh hùng của thế kỉ hai mươi

Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mĩ

Có miền Nam anh dũng tuyệt vời…

Thấp thoáng hiện ra qua kí ức của Giang là những hình ảnh rời rạc, như vừa được lẩy ra từ một cuốn phim câm và làm cho chậm lại.

Bờ đê, những đứa trẻ quần đùi chân đất thả diều.

Môt lũ con trai đang nhảy từ trên một cành cây ven Hồ Tây xuống nước.

Mẹ Giang, một phụ nữa khoảng trên dưới năm mươi, gương mặt phúc hậu đang ngồi chấm bài bên cửa sổ.

Bố Giang, áo sơ mi trắng cộc tay đang ngồi họp với một số người. Xung quanh, trên tường đầy những khung kính treo giấy khen, bằng khen và cờ luân lưu các loại.

Và cuối cùng, hình ảnh Giang đang vừa hát, vừa cười với đám bạn bè cùng trang lứa.

Giang cùng một cô gái có gương mặt tròn và đôi mắt to đang thả bộ trên đường. Phía sau họ, trên những cây phượng vĩ đã bung ra những đốm hoa đỏ rực…

*

*     *

– Dậy, dậy đi! Anh Giang!

Giang giật mình, vùng ngay dậy khi thấy bàn tay đàn ông túm lấy vai mình lắc, gọi. Rồi anh bỗng như xỉu đi, khi thấy bộ mặt cười cười của ông tổ trưởng dân phòng. Trời đã sáng:

– Khiếp, đúng là thanh niên có khác! Ngủ gì mà ngủ say đến nỗi, có đem quẳng xuống Hồ Tây cũng không biết nữa!

Giang không thèm trả lời, mà chỉ ngáp một cái rõ to rồi uể oải vươn vai, tháo chiếc màn cá nhân màu lá cây, nhét đại vào ba lô. Trong khi đó, ông Tuệ chắp hai tay sau lưng, đi vòng quanh gian phòng một lượt. Trên người ông ta, vẫn là chiếc áo bộ đội được may bằng vải kaki Tô Châu, rách bên ngực trái. Trong ánh ban mai, Giang thấy vết rách sắc, gọn, có lẽ do mảnh bom xuyên qua và vệt sẫm loang lổ của máu còn chưa giặt sạch. Anh nhăn mặt:

– Bác lên đây sớm thế có việc gì ạ?

– Không sớm đâu, hơn bảy giờ rồi đấy! Tôi muốn nói với anh một việc quan trọng… – Ông Tuệ bỗng hạ giọng, thì thào. – Anh xuống dưới nhà tôi nhé. Cần lắm đấy!

– Thôi được rồi, bác về trước đi. Cháu còn phải đánh răng, rửa mặt đã.

– Nhớ nhé! – Ông tổ trưởng dân phố lại nhắc thêm lần nữa, mắt nhìn nhớn nhác.

Nhà của ông Tuệ là một căn buồng ở ngay đầu hồi của một dãy nhà cấp bốn. Trong phòng, đồ đạc cũng đơn giản, gồm vài ba thứ giường tủ bàn ghế bằng gỗ mộc, một chiếc bàn thờ làm theo kiểu xích đông. Nhưng đặc biệt nhất là chiếc xe đạp Thống Nhất nam, trên khung có gắn biển số được treo bằng hai móc sắt thả xuống từ trên cao. Tuy vậy, cả cái xe sạch sẽ và bóng loáng ấy vẫn được khóa thêm với sợi dây xích khá to, ngoài chiếc khóa “càng cua” ở ngay phía dưới yên xe.

Giang xách ba lô bước vào, vừa lúc ông Tuệ ngồi thu cả hai chân lên ghế, “bắn” thuốc lào từ một chiếc điếu cày, khói phun mờ mịt. Chờ cho ông uống xong được chén nước chè xanh, mở được mắt ra, anh mới hỏi:

– Bác định nói cái gì cơ ạ?

– Ấy, anh ngồi xuống đây đã, đi đâu mà vội! Anh có ăn khoai luộc không? – Vừa nói, ông tổ trưởng vừa chỉ vào đĩa khoai ở trên bàn.

– Cảm ơn bác, cháu ăn nhiều rồi ạ! – Giang nói nửa đùa nửa thật.

– Là thế này, anh Giang ạ, – Ông Tuệ bắt đầu câu chuyện. – Lẽ ra thì tôi không nói đâu, nhưng vì tôi rất quý anh, rất kính trọng ông nhà anh với truyền thống gia đình nhà mình, nên tôi phải nói… Chẳng gì mình cũng là con nhà cán bộ, đảng viên, bố là bí thư Đảng ủy, mẹ lại là giáo viên lâu năm… Anh thì đang học năm thứ hai rồi mới đi bộ đội, chứ đâu có ít chữ như cái thằng Tạo chuyên trị trèo me trèo sấu con tôi…

– Vâng ạ.

Ông Tuệ khẽ đẩy chén nước về phía khách:

– Vì là trách nhiệm của anh cán bộ dân phố, nên tôi phải nói…

– Vâng! – Giang đã có vẻ hơi sốt ruột.

– Chả là thế này, anh Giang ạ, cái con Lan ấy mà, nó không ra gì đâu! Anh phải cảnh giác, đề phòng với nó.

– Sao lại thế ạ? – Giang hơi giật mình trước câu nói bất ngờ.

Ông Tuệ nheo nheo đôi mắt tinh quái, nhìn chàng trai với vẻ thăm dò xem anh có phản ứng thế nào:

– Bố nó ấy mà, cái thằng cha Thanh ấy, phản động đấy! Bị bắt mấy tháng nay rồi…

Giang hơi cau mặt, tiện tay cầm que đóm ở trên bàn, chậm rãi xé thành từng mảnh nhỏ.

– Ai lại giữa lúc bom đạn ầm ầm, lão ta lại leo lên nóc nhà, đánh tín hiệu cho máy bay Mĩ cơ chứ! Quân to gan thật! Bị bắt quả tang.

– Bắt ngay lúc ấy ạ?

– Không, mấy hôm sau. Thế con Lan nó không nói gì với anh à?

– Không ạ?

– Ờ, biết ngay mà! Nó phải tìm cách che giấu chứ! Làm sao dám lòi cái đuôi phản động ra… Mấy ngày hôm sau, công an mới gọi lên đồn, rồi bắt luôn. Các anh ấy là cao kiến lắm, chứ không có làm kinh động mọi người. Đảng đã dạy rồi, phải hết sức tăng cường cảnh giác, chống lại mọi âm mưu phá hoại của địch.

– Thế… ai là người phát hiện ra ông Thanh đánh tín hiệu cho máy bay Mĩ hở bác? Mà có đúng thế không?

– Thì… nhân dân chứ ai! Nhân dân mình giờ nhiều tai mắt lắm, làm sao mà che giấu được. – Ông Tuệ cười đắc ý. – Thì rõ ràng là cái thằng cha ấy nó đánh tín hiệu cho máy bay Mĩ nó ném bom vào trận địa pháo ngoài bờ đê với lại nhà máy điện mà! Không thì làm sao nó lại đánh trúng thế! Tôi đã ngờ ngợ mãi…

Ông tổ trưởng dân phòng ấy tạm dừng lại, tự thưởng công cho mình bằng một chén nước chè rồi mới tiếp:

– Anh tính, cách mạng về, nó bị mất bao nhiêu là nhà cửa, tài sản, đất đai, làm gì mà nó chẳng căm… Thì ngay cái nhà Tây mà anh đang ở, xưa kia cũng là của riêng nhà nó, thử hỏi làm sao mà nó vui vẻ được. Đúng không? Vì thế, nói thật với anh, tôi khuyên anh đừng có giao du với con Lan, để khỏi ảnh hưởng đến truyền thống gia đình. Đừng có tin nó! Nó giả vờ đi làm công nhân để che mắt thế gian đấy thôi, chứ nhà nó ấy à, còn chôn giấu nhiều vàng lắm, ăn đến ngày nào cho hết… Tôi đang theo dõi, thế nào cũng có ngày bắt được. – Ông tổ trưởng dân phòng quả quyết.

Đang đứng đợi ở đầu ngõ, vẻ mặt của Lan tươi lên khi nhìn thấy Giang từ trong nhà ông Tuệ bước ra. Cô vừa trao ghi đông chiếc xe đạp của mình, trên đó toòng teng một chiếc túi xách, vừa hỏi:

– Sao anh làm gì mà lâu thế?

– Ừ, toàn là những chuyện con cà con kê, sốt cả ruột! – Giang nói, có ý thanh minh, và loay hoay không biết đặt hay ngoắc chiếc ba lô vào đâu. – Mãi anh mới thoát ra được đấy!

– Anh đưa em, – Lan nói, rồi ôm lấy chiếc ba lô của Giang vào lòng. – Thế, được rồi. Đi nào! – Cô ngồi ghé lên poóc baga, vắt chân sang một bên một cách rất tự nhiên.

Giang gò lưng đạp, và chiếc xe hơi loạng choạng lăn những vòng bánh đầu tiên.

– Nhưng anh làm thế nào mà thoát được?

– À… – Giang mỉm cười. – Anh khen ông ấy có cái xe đẹp quá. Thế là ông ấy hoảng hồn, tưởng anh định hỏi mượn nên vội vàng nói ngay là “tôi phải đi công tác bây giờ”. Anh xin “kính chào” luôn!

Lan trề môi khinh bỉ:

– Điêu! Lão ấy bây giờ thì còn công tác gì! Nghe nói, bị cho về vườn vì tội tham ô, nhưng chả biết làm sao lại chạy được chân tổ trưởng dân phố. Suốt ngày cứ đi rình mò hết chỗ này đến chỗ khác, cứ như là thằng Giave ấy. Lão ấy còn bảo, cho mượn vợ thì được, chứ xe thì đừng hòng…

Giang không nói gì, vì còn phải đạp xe qua một con dốc nhỏ. Đường phố vắng tanh, lá cây rụng tơi tả khắp nơi. Nhà cửa hai bên hè phố phần lớn đều đóng cửa im lìm. Thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe đạp qua lại; xe xích lô chở người đi sơ tán, đồ đạc cồng kềnh; một vài nam nữ tự vệ đeo băng đỏ, vai khoác súng trường K44 và đầu đội mũ sắt lướt qua. Ngã tư đường, một tấm panô to tướng đứng dựa vào cột đèn với dòng chữ Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược!. Gần đó, một tấm panô khác, có vẻ cũ hơn, vẽ hình một chiếc máy bay F 105 đen sì, với dòng chữ USAF đang bốc cháy, lao đầu xuống đất và phần chữ Nhiệt liệt chúc mừng quân và dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay Mĩ thứ 2000!

– Đi đâu bây giờ hở Lan? – Giang hơi ngoái lại phía sau và hỏi.

– Ra Lương Văn Can đi anh ạ! Ở đấy có một hàng bánh cuốn cà cuống rất ngon…

Phố Lương Văn Can.

Giang đạp xe chầm chậm, thỉnh thoảng lại ngó nhìn hai bên đường loang lổ nắng.

Một vài người qua lại, ngoái nhìn anh lính trẻ và cô gái với cặp mắt hơi thoáng chút tò mò, khiến Giang không tránh khỏi nụ cười ngượng ngập. Còn Lan, xem ra cô lại có vẻ tự tin, bạo dạn hơn nhiều, mái tóc khẽ bay bay trong gió.

– Đây rồi anh! – Lan khẽ huých vào sườn Giang một cái rồi hấp tấp nhảy xuống xe, không kịp chờ cho Giang dừng xe lại.

Nhưng rồi ngay lập tức, cô ngao ngắn lắc đầu.

Trước mặt Lan, là cánh cửa đóng kín, treo tấm bảng đen của học sinh đã cũ, với dòng phấn trắng được viết nguệch ngoạc: Đi sơ tán.

– Sao hở em? – Giang hỏi, mặc dù anh đã đoán biết rồi.

– Chán quá, họ đi sơ tán mất rồi, anh ạ! – Lan vẫn khư khư ôm lấy chiếc ba lô trước ngực. – Vừa mới tuần trước còn bán ở đây, thế mà… – Cô gái khẽ càu nhàu. – Chán thật!

– Thôi, chiến tranh mà! – Giang mỉm cười độ lượng. – Nào, lên xe!

Lan lại ngồi lên như cũ, tuy vẫn không giấu được vẻ tiếc rẻ. Rồi, không đợi Giang hỏi thêm, cô nói như giận dỗi với ai.

– Thôi, ra Thủy Tạ ăn phở “không người lái”(*) vậy!

– Ừ thì “không người lái”! – Giang vẫn cười rất tươi, phụ họa theo.

Cửa hàng Thủy Tạ, ghế sắt, bàn đá granitô sứt mẻ, một nhóm người đủ mọi lứa tuổi, thành phần đang đứng xếp hàng. Một cô mậu dịch viên, mũ nhà bếp đã ngả màu cháo lòng, tạp dề ố bẩn, đang lúi húi với chồng bát ôtô và đũa tre vót rất thô. Bên cạnh cô, một thùng nước dùng đang bốc hơi nghi ngút trên cái bếp đun bằng than, và liền kề đó, trên một tấm bảng sứt sẹo là những dòng chữ như gà bới:

Hôm nay có:

Phở. Giá: 0đ 2 hào

Còn trong cái tủ kính trước mặt cô mậu dịch, chỉ có một thúng bánh phở và một rá hành thái nhỏ. Vài người trả tiền, bưng bát, tìm chỗ ngồi.

Giang dựng chân chống, khóa chiếc xe đạp lại rồi bảo Lan:

– Em đi vào tìm chỗ ngồi đi, để anh xếp hàng cho.

Lan ngoan ngoãn nghe theo, và chọn một chiếc bàn ngay gần cửa. Cũng chỉ đến lúc này, cô mới rời chiếc ba lô của Giang, đặt nó sang một cái ghế bên cạnh, cùng với chiếc túi xách của mình.

Giang đã nhích được vài bước về phía trước, và sau anh đã có thêm mấy người mới đến.

Một ông già tóc bạc, đứng ở phía trên, rất vô tình ngoái lại và nhìn thấy Giang. Ông hơi ngẩn người ra một lát, rồi khẽ gọi:

– Này, anh bộ đội ơi!

Giang không hiểu được ngay, là ông lão gọi anh.

– Anh bộ đội ơi, lên trên này mà đứng! – Ông già bước ra khỏi hàng, khẽ giật tay áo Giang và nói. – Lên đây.

– Ông cứ mặc cháu…

– Mặc cái gì! Lên đây, đứng vào chỗ của tôi đây này! – Ông vừa nói, vừa đẩy Giang vào chỗ mà ông vừa đứng. – Các anh các chị thông cảm, nhường cho anh bộ đội này một tí nhé!

Những người đang xếp hàng hơi lùi lại, tạo thành khoảng trống cho Giang. Một bác trung niên nói:

– Cụ cũng đứng đấy luôn đi cụ ơi!

– Thôi, ai lại thế! Chỉ cần ưu tiên anh bộ đội là được rồi!

Ông cụ vui vẻ quay lại phía cuối hàng người, còn Giang không biết làm gì hơn là bước tới. Anh đã đối diện với cô mậu dịch.

– Chị cho tôi hai bát! – Giang móc túi, trả tiền.

– Vâng ạ! – Cô mậu dịch gật đầu, bốc bánh phở và hành bỏ vào bát.

Chờ cho Giang bưng được hai bát phở về gần đến nơi, Lan mới lấy từ đâu đó ra một chiếc khăn tay, cẩn thận lau lấy hai đôi đũa và hai chiếc thìa nhôm cong queo, sứt sẹo.

Vừa lúc ấy, ông già đã nhường chỗ cho Giang cũng bưng bát của mình đi tới:

– Anh sắp đi B phải không?

– Vâng ạ! Sao ông biết ạ? – Giang ngước nhìn lên, hỏi lại với đôi chút ngạc nhiên.

– Biết chứ! Chúng tôi biết hết… Thôi, ăn tạm đi anh ạ. Chiến tranh mà… Sau này hòa bình thống nhất rồi, chắc sẽ khá hơn…

Ông già khẽ thở dài, hơi lắc lắc mái đầu tóc bạc rồi bưng bát của mình ra chỗ khác.

Giang đã ăn xong. Nhìn thấy bát của Lan gần như vẫn còn nguyên, anh hỏi:

– Em không ăn à?

– Em không đói.

– Tại không có thịt, đúng không? – Giang hơi mỉm cười, hỏi tiếp.

Lan khẽ lắc đầu:

– Em không đói, thật mà.

Hai người đứng dậy, đi ra chỗ để xe. Chợt Lan túm lấy tay áo Giang, khẽ nói:

– Anh Giang này, mình đi vào đền Ngọc Sơn đi!

– Vào làm gì? – Giang tỏ ý ngạc nhiên. – Anh phải đi bây giờ…

– Thì cứ vào đi, một lúc thôi, – Lan nài nỉ. – Vào lễ đi anh ạ. Nghe nói đền này thiêng lắm. Anh không sợ bị muộn đâu…

Giang hơi ngần ngừ một lát.

– Nhưng mà…

– Không sao đâu anh. Anh vào lễ để cho các Ngài phù hộ anh đi được chân cứng đá mềm… Có gì đâu mà phải sợ.

– Cũng được. – Giang miễn cưỡng gật đầu.

Vẫn hai tay ôm lấy chiếc ba lô và túi xách, Lan ngồi ghé lên giá đèo hàng để cho Giang đạp xe về phía đền Bà Kiệu và cầu Thê Húc.

 

Trong khuôn viên của đền Ngọc Sơn lúc này, không một bóng người đi lễ. Lan có vẻ rất thành thạo, đưa Giang vào thẳng trong đền. Cô nhanh nhẹn bày đĩa hoa cúng lên bàn thờ rồi lấy ra một thẻ nhang, châm vào ngọn đèn hoa kì có sẵn ở đó. Chờ cho nhang đã cháy đều, Lan mới vẩy vẩy mấy cái cho tắt lửa và đưa cho Giang một ít:

– Anh cắm vào mấy bát hương kia đi hộ em.

Giang cẩn thận làm theo lời Lan hướng dẫn rồi quay lại, đứng bên cô, chắp tay thành kính.

Qua làn khói hương bảng lảng, những bức tượng sơn son thếp vàng đầy vẻ linh thiêng cũng dường như sinh động hẳn lên.

– Nam mô a di đà Phật, nam mô a di đà Phật… – Lan bắt đầu lầm rầm khấn vái.

Đầu hơi cúi, hai tay chắp trước ngực, Giang mấp máy môi theo từng câu từng chữ của Lan.

Ngoài sân, vài chiếc lá vàng vừa rụng xuống.

 

Bây giờ, họ đang đứng dưới lòng đường, ngay trước đài nghiên tháp bút. Lan lúi húi buộc chiếc ba lô lên giá đèo hàng. Thấy điệu bộ lóng ngóng của cô, Giang không khỏi phì cười:

– Thôi, giữ lấy xe này!

Anh cúi xuống, và chỉ bằng vài ba động tác, chiếc ba lô đã được buộc lại chặt chẽ, gọn gàng. Nhưng Giang chưa yên tâm; anh còn lắc thử cái ba lô vài lần nữa.

– Được rồi!

– Anh đi nhé, kẻo muộn! Cho em gửi lời hỏi thăm bác với cái Thuỳ…

– Mấy giờ em phải đi làm? – Giang chợt hỏi.

– Ồ, muộn lắm. Tám rưỡi, chín giờ tối cơ mà, anh. Mười giờ em mới phải vào ca… Anh cứ yên tâm.

– Thôi được rồi, thế nhé! – Giang đặt chân lên bàn đạp.

– Khoan đã! – Lan ngăn lại. – Thế… anh không định đến thăm chị Vân à?

Bàn chân Giang nhấc khỏi bàn đạp. Im lặng một lát rồi anh mới nói:

– Không. Sao em lại hỏi thế?

– Thì… Em chỉ hỏi thế thôi. – Lan hơi cúi đầu, vẻ ngượng ngùng.

– Thật ra anh với chị ấy có chuyện gì đâu… Mà… anh cũng không muốn để ai phải bận tâm vì mình. Em có hiểu không?

– Không. – Lan bướng bỉnh. Cô ngẩng lên, thoáng nhìn Giang một cái rất nhanh. – Anh… lạ thật!

– Thôi, anh đi đã! Nhớ nấu cơm tối cho anh ăn với nhé! – Giang nói, rồi nhảy lên xe, phóng thẳng.

*

*       *

Chiếc xích lô dừng lại ngay đầu ngõ. Lan bước xuống, dùng cả hai tay đưa cho người đàn ông đứng tuổi tờ giấy bạc:

– Cháu cảm ơn bác!

– Vâng, tôi xin cô. – Người đàn ông nói và lặng lẽ đạp xích lô đi khỏi.

Bây giờ Lan đã vào đến trong phòng. Cô ngẫm nghĩ một lát rồi mở chiếc tủ li, lấy sổ mua lương thực, phiếu thực phẩm bỏ vào trong một chiếc túi du lịch khá to. Xong xuôi, cô lại mở tủ quần áo, chọn vài thứ có lẽ là ưng ý nhất rồi xếp gọn vào cùng với quyển sổ hộ khẩu của gia đình.

Trong khi đó, ông Tuệ cầm tích nước, ngửa cổ tu ừng ực một hơi dài, rồi đưa tay quệt ngang miệng, khà lên một tiếng rõ to. Ông ngồi xuống, với lấy chiếc điếu cày, châm một điếu. Và giữa lúc ông đang lim dim mắt, tận hưởng một trong những lạc thú ở đời thì có hai người lính, quân phục chỉnh tề, khoác súng AK bước vào:

– Chào bác ạ! Bác là bác Tuệ, tổ trưởng ở đây phải không ạ?

– Vâng, tôi đây! – Ông tổ trưởng dân phòng vội vã đứng lên. Mãi ông mới nhận ra, một người đeo quân hàm thượng sĩ, còn người kia – hạ sĩ. – Các đồng chí là…

– Chúng cháu ở trên Khu đội(*), bác ạ. – Anh thượng sĩ nói.

– Vâng, vâng, mời các anh ngồi. – ông Tuệ bỗng trở nên xởi lởi. – Quý hóa quá, chắc là có tin gì mới hở anh?

– Thế này bác ạ, – Anh thượng sĩ nhìn thẳng vào ông tổ trưởng. – Chúng cháu vừa mới nhận được điện, và cấp trên ra lệnh xuống đây ngay. Bác chỉ giúp chúng cháu, nhà cậu Giang, Nguyễn Xuân Giang được không ạ?

– Được, được! Có gì đâu! Nó ở ngay cái nhà Tây kia kìa, lên tầng hai, rẽ phải. Gian thứ hai là nhà nó. – Ông Tuệ đưa tay chỉ. – Nó vừa mới về đến nhà tối hôm qua… Có việc gì thế, các đồng chí?

Hai anh bộ đội đưa mắt nhìn nhau đầy ý nghĩa.

– Thế liệu bây giờ cậu ấy có nhà không hở bác?

– Không. Nó đi được khoảng hơn hai tiếng rồi. Nghe nói, sang Hưng Yên thăm mẹ với em nó ở nơi sơ tán. Nó bảo là được về tranh thủ, đơn vị nó sắp đi B mà…

Hai người lính lại nhìn nhau lần nữa.

– Bác có biết ở xã, huyện nào không ạ? – Anh thượng sĩ tiếp tục hỏi bằng cái giọng đều đều.

– Không. Cái ấy thì tôi chịu. – Ông Tuệ lắc đầu và lại hỏi thêm lần nữa. – Chắc là lại có chuyện gì rồi?

– Thế này, bác ạ! Chúng cháu vừa nhận được tin cậu ấy đào ngũ. Trên đơn vị, người ta điện về đây…

Có cảm giác, dù sét đánh mang tai, ông tổ trưởng cũng khó bị bất ngờ hơn thế. Ông ta gần như nhảy dựng lên:

– Tôi biết ngay mà! Thảo nào! Giá mà các anh xuống sớm hơn thì thế nào cũng bắt được nó! Hừ, thế mà cũng mang tiếng là sinh viên đại học, bố làm bí thư đảng ủy hẳn hoi… Thật là nhục nhã!

Không biết ông Tuệ sẽ còn tuôn ra những gì nữa, nếu như anh thượng sĩ không tìm cách ngắt lời:

– Vì thế, chúng cháu nhờ bác, nếu cậu ấy về, bác nhắn cậu ấy phải quay trở lại đơn vị ngay. Còn nếu không, trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, phải lên Khu đội báo cáo. Nếu không, chúng cháu bắt được, đưa ra tòa án binh thì đừng có trách.

– Vâng, vâng, tôi sẽ nói ngay! Các đồng chí xơi nước đi! Trời đất ơi, thế mà cũng mang tiếng là làm đơn tình nguyện đi bộ đội…

– Bác bảo cậu ấy đừng có làm gì ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình. – Anh thượng sĩ đứng lên. – Thôi, chào bác! Cám ơn bác ạ!

– Vâng, vâng, tôi sẽ nói ngay! – Ông Tuệ lặp lại như cái máy.

Hai anh bộ đội chào thêm lần nữa rồi khoác súng đi ra. Còn lại một mình, ông tổ trưởng dân phòng liền đưa tay xoa cằm, cười khoái trá:

– A ha! Phen này thì chết cha mày rồi, con ơi! Ha ha…

 

Bờ đê.

Chỉ thấy người đi bộ, gồng gánh, sơ tán về phía ngoại thành. Lác đác vài chiếc xe đạp với đủ các loại túi, bọc, bao tải chất trên ghi đông, khung xe và poóc baga. Họa hoằn lắm mới có một chiếc xe tải hay xe chở khách, có lẽ do phải đề phòng máy bay bắn phá.

Giang đã đạp xe đến lối đi xuống cầu phao, được bắc bằng đủ loại tre nứa và ván gỗ. Cũng chỉ toàn những người đi bộ, gồng gánh hoặc đi xe đạp như anh, chứ không có phương tiện cơ giới nào qua cầu vào lúc này. Giang đạp ngược pêđan một vòng, định cho xe xuống dốc. Nhưng đúng vào lúc ấy, anh nhìn thấy…

Ở trạm gác đầu cầu, cũng được làm bằng tre nứa, là một nhóm quân cảnh tay đeo băng đỏ bên cạnh bóng mấy công an áo vàng(*), đang kiểm tra giấy tờ của một người lính nào đó. Cách đó không xa, dưới gốc cây bàng lâu năm, là một chiếc com măng ca biển đỏ đang chờ sẵn.

Giang bóp vội cả hai tay phanh, chống chân xuống đường để dừng xe lại. Phía trước, dường như đã kiểm tra xong giấy tờ của người lính, một anh quân cảnh khẽ phẩy tay ra hiệu cho đi. Người lính xốc lại ba lô rồi bước thẳng.

Giang cắn môi suy nghĩ một lát rồi lặng lẽ lùi dần…

Bây giờ, anh đã ngược trở lại quãng đường đê lúc nãy.

Từng vòng bánh xe lăn với vẻ nặng nề…

Bỗng nhiên, cả mặt đất rung lên dữ dội cùng với những tiếng nổ kinh hoàng. Liền đó là tiếng máy bay Mĩ gầm rú như xé toang màng nhĩ và tiếng nổ liên hồi kì trận của các loại súng và pháo phòng không bắn lên trời.

Giang quẳng vội chiếc xe đạp, rồi nhảy tọt xuống một chiếc hố cá nhân gần đó, trong khi đến bây giờ, còi báo động mới kịp rú lên inh ỏi.

Từng chiếc, từng chiếc máy bay Mĩ nối theo nhau, lao xuống ném bom cầu phao Khuyến Lương. Và sau mỗi tiếng nổ, lại thấy từng lùm khói đen bay vọt lên trời, cuốn theo đủ loại mảnh vỡ, ván gỗ và tre nữa, rồi lại từ trên không trút xuống rào rào.

Ngớt tiếng bom, Giang vừa mới nhô đầu lên quan sát đã lại phải sụp xuống ngay. Một tốp máy bay khác lại lao vào. Những quả bom thuôn dài, thoạt đầu dường như cũng lao theo hướng máy bay. Nhưng chỉ trong phút chốc, chúng nối nhau vẽ thành một đường cong, rồi cắm thẳng vào mặt đất, làm cuộn lên những đụn khói khổng lồ. Trong đủ mọi thứ âm thanh hỗn độn và rền rĩ ấy, không hiểu tại sao Giang vẫn nghe thấy tiếng ai đó rất to:

– Nó đánh trúng cầu phao Khuyến Lương rồi!

Lan sợ hãi nép mình vào một góc hầm ở dưới chân cầu thang của tòa nhà. Từ đâu đó, những tiếng nổ chát chúa vẫn vang lên liên tục và đất bụi rơi xuống rào rào. Bỗng nhiên có một tiếng rú rít xoẹt qua, cả căn hầm rung lên, chao đảo. Rồi bất chợt, mọi âm thanh đều tắt ngóm. Lan chờ thêm một lúc rồi mới chậm chạp xách túi, lách mình ra khỏi cửa hầm, mắt cô hơi nheo lại vì ánh nắng vàng rực rỡ. Và đúng vào lúc ấy, cô nhìn thấy…

Cách đó không xa, một quả bom cắm đầu xuống đất, nhưng vẫn để lộ ra cả phần cánh sơn màu xanh lá cây của nó. Có lẽ không còn kịp sợ hãi nữa, Lan quay người chạy biến ra khỏi khu vực ấy.

Ngõ nhỏ ngập ngụa những mảnh ngói vỡ, lá cây và cả những cành cây vương vãi. Lan vừa chạy vừa vấp, nhưng cô không dám dừng lại nhìn quanh nữa. Nhưng đúng lúc cô vừa chạy ngang qua cửa nhà ông Tuệ thì cô giật mình vì cảnh đổ nát hoang tàn của nó.

Căn nhà của ông tổ trưởng dân phố lúc này đã biến đi đâu mất. Nhưng khủng khiếp hơn cả, là từ dưới đống gạch ngói đổ nát cùng với rui mè ngổn ngang ấy, văng vẳng vọng ra tiếng kêu của nạn nhân:

– Ôi giời đất ơi… Cứu tôi với…

Lan rùng mình định chạy tiếp, nhưng rồi chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, cô đứng lại, cắn môi suy nghĩ hồi lâu rồi mới dè dặt bước về phía có tiếng kêu.

 

Quần áo lấm lem những đất, Giang chầm chậm đạp xe theo phố Trần Nhật Duật về phía đường Yên Phụ. Bây giờ, ngược chiều với anh có cả xe chữa cháy, xe cứu thương, rú còi inh ỏi.

Bất chợt, còi báo động lại rú lên gắt gỏng. Mọi hoạt động trên đường phố dường như ngưng đọng lại ngay lập tức. Giang tạt vào bờ đê, đặt chiếc xe đạp nằm trên cỏ rồi mới chui vào một chiếc hầm trú ẩn lúc này đã khá đông người.

Bom đã bắt đầu nổ, khiến mặt đất bị rung lắc dữ dội. Nhìn qua cửa hầm, Giang thấy từng chiếc máy bay Mĩ lao vút qua, nghiêng ngả, tròng trành như thể chúng đang trườn đi trên trời vậy. Xen vào đó là tiếng rít như xé gió rất đặc trưng của tên lửa phòng không và tiếng nổ oành như sét đánh.

Một quả bom nổ gần, có lẽ ở ngay cầu Long Biên, làm Giang phải chúi vào phía trong hầm. Loáng thoáng tiếng mọi người bàn tán:

– Nó lại đánh cầu Long Biên rồi!

– Cả phía Hồ Tây, Yên Phụ nữa!

Bom lại nổ rền từng đợt. Cả chiếc hầm rung chuyển, khiến mọi người sợ hãi và im bặt. Đúng lúc ấy, từ bên ngoài, có ai đó kêu to rồi rất nhanh, tiếng kêu ấy được lặp lại, loang ra như một phản ứng dây chuyền:

– Rơi rồi!

Giang đứng bật dậy, chiếc mũ cứng thúc luôn ngay vào nóc hầm, làm anh phải ngồi thụp xuống. Nhưng dù sao, Giang cũng kịp nhìn thấy một chiếc máy bay Mĩ đang bốc cháy đùng đùng cắm đầu xuống đất kèm theo một tiếng nổ nặng nề.

– Cho chết cha chúng nó đi! – Một ông già nào đó nói ở trong hầm. Và, như đồng tình với ông, một loạt đạn cao xạ nổ rất đanh vang lên ngay lập tức.

Chờ cho tiếng bom ngớt được một lúc, Giang mới lóp ngóp chui ra khỏi hầm trú ẩn. Anh đến bên chiếc xe đạp, mở khóa và định phóng đi. Đúng lúc ấy thì bộp một cái, một mảnh bom, cong queo, sắc lẻm rơi xuống ngay trước mặt. Giang nhặt lên, khẽ tung tung trong lòng bàn tay như để xem nó nặng nhẹ thế nào, rồi chậm rãi nhét mảnh kim loại đen sì ấy vào túi quần. Anh đạp xe đi, nhưng bánh xe vừa quay được một vòng, thì người đã vội nhảy xuống. Thì ra, chiếc lốp xe đằng trước đã bị xì hơi tự bao giờ.

Giang thở dài, đưa mắt nhìn xem có chỗ nào nhận vá săm lốp xe đạp không. Không có. Nhưng lạ lùng thay, đúng vào lúc đó anh lại thấy một bà lão dáng người nhỏ bé đang gánh một gánh hoa tươi, thong thả bước sang đường, như chưa hề có đạn bom gì hết.

*

*     *

Bây giờ, Giang đã về đến đầu ngõ và anh sững sờ trước tất cả những gì đang bày ra trước mắt mình. Anh định dắt xe đi vào, thì ngay lập tức bị một người lính công binh, như vừa từ dưới đất chui lên, chặn lại:

– Anh định đi đâu?

– Tôi về nhà! Nhà tôi ở kia kìa! – Giang chỉ tay về phía trước.

– Không được đâu! – Người lính công binh thứ hai xuất hiện cùng với một sợi dây thừng dài, kéo lê trên mặt đất. – Ở đấy có bom nổ chậm.

– Trời đất ơi! – Giang khẽ kêu lên thảng thốt. – Thế có ai bị chết hay làm sao không?

Loáng một cái, hai người lính mặt mũi lấm lem khói bụi ấy đã căng được sợi dây ngang qua ngõ – áng chừng để cấm người đi vào. Một người đáp lại bằng giọng khàn khàn:

– Không. Chỉ có mỗi ông tổ trưởng dân phòng là bị thương thôi!

Giang giật mình:

– Có nặng lắm không anh? Người ta đưa ông ấy đi đâu rồi?

– Đi viện chứ đi đâu? – Người lính công binh đáp.

– Thế anh có thấy cô gái nào ở trong kia không? – Giang hỏi lại và chỉ tay về phía nhà mình.

– Không! – Người công binh khẽ lắc đầu. – Có mỗi mình ông tổ trưởng. Chắc giờ này, người ta phải cưa cả đùi cho ông ấy rồi.

– Anh cho tôi vào, xem nhà cửa thế nào… – Giang nài nỉ.

– Không được đâu! – Người công binh lắc đầu. – Đã bảo là bom nổ chậm.

– Tôi chỉ vào một lúc thôi mà! Còn đồ đạc, giấy tờ trong ấy…

– Đã bảo không được là không được! – Anh lính công binh kiên quyết. – Bom có thể nổ bất cứ lúc nào, ai chịu trách nhiệm cho anh?

Giang còn đang đứng ngẩn ngơ ở đó, chưa biết đi đâu, thì từ xa, Lan đã vừa đi vừa chạy đến. Trong tay cô lúc này là chiếc túi du lịch căng phồng, còn gương mặt thì đỏ ửng lên, lấm tấm mồ hôi với những sợi tóc bết vào hai bên trán:

– Anh Giang! Anh Giang! May quá, anh đây rồi! Thế mà em cứ tưởng… – Lan reo lên trong lúc vẫn còn đang thở hổn hà hổn hển.

– Tưởng anh bị trúng bom rồi ấy à? – Giang hơi mỉm cười. – Còn lâu!

– Khỉ gió cái nhà anh này! – Lan đấm vào lưng Giang một cái rõ đau, khiến anh loạng choạng và nhăn mặt. – Chỉ toàn nói linh tinh! Thì chẳng phải nó vừa ném bom, tan cả cái cầu phao ra là gì?!

– Không vào đây được nữa đâu, Lan ạ! – Giang hất hàm về phía hai anh công binh mặt sắt đen sì. – Trong ấy có bom nổ chậm.

– Thì cho nó nổ luôn đi, cần gì! – Lan nói cứng, nhưng ánh mắt cô bỗng nhiên ứa lệ. Cô vội vàng giụi mắt, rồi kéo tay áo Giang. – Thôi, anh em mình đi đi.

– Xe bị thủng lốp rồi! – Giang buồn rầu thông báo. – Mà… mình đi đâu bây giờ?

– Đi đâu mà chẳng được! Đến nhà chị em! Đi! Lốp sẽ vá sau!

Hai anh em chậm chạp quay lưng, rời khỏi con ngõ nhỏ. Lan nói như phân trần:

– Cứ như có linh tính ấy, anh ạ! Anh đi rồi, em mới nhớ ra, là còn để quên tem phiếu, hộ khẩu với mấy thứ cần thiết nữa ở nhà, nhỡ có xảy ra chuyện gì thì biết làm thế nào… Thế là em vội nhảy lên xích lô về lấy, nhét hết vào đây, – Lan vỗ vỗ vào túi xách. – Không ngờ, vừa đi thì máy bay Mĩ nó đánh đợt một, chỉ lo lúc ấy anh đang ở trên cầu… Nhưng mà sao anh lại quay về?

– À… Lúc ấy, anh còn chưa xuống đến đầu cầu. – Giang không trả lời được ngay, vì mải ngẫm nghĩ một điều gì đó. – Đến lúc báo yên, thì còn cầu đâu nữa mà đi? – Anh sực nhớ – Còn bao nhiêu đồ đạc trong nhà em thì làm thế nào?

– Thì cứ để kệ nó thôi, chứ làm thế nào! – Lan cứng cỏi. – Người làm ra của, lo gì!

Có tiếng động cơ ầm ầm và tiếng xích sắt nghiến rào rào trên đường nhựa, rồi một, hai… ba chiếc xe xích nối theo nhau xuất hiện ngay đầu phố. Mỗi chiếc xe kéo theo một khẩu pháo phòng không loại 57 mi li mét, trên đó cắm những cành ngụy trang héo quắt. Cuối cùng, là một chiếc xe vận tải quân sự chở đầy những người lính phòng không, mũ sắt tùm hụp trên đầu, vẻ mệt mỏi và chán nản.

Cả Lan và Giang đều dừng lại, đứng nép và một bên để nhường đường cho đoàn xe. Vừa trông thấy cô, tức thì cái đám lính phòng không kia biến đổi hoàn toàn. Họ gần như đứng bật hết cả dậy cùng một lúc, mắt sáng lên:

– Em ơi! Bà xã ơi!

– Bu nó ơi!

– Này, đừng có mà nghe cái thằng ấy nhé! Nó có vợ con rồi đấy!

– Chờ anh nhé!

– Người đẹp ơi, em có yêu anh không?

– Ê, thằng kia đào ngũ à?!

Tiếng la hét, trêu chọc của đám lính trẻ gần như át cả tiếng máy xe, và ngay cả khi vượt qua Giang và Lan rồi, một anh chàng đầu trần, quấn một vòng băng trắng vẫn còn tiếc rẻ.

– Chà, em xinh thật! Sao lại có thằng tốt số thế không biết!

Trước tất cả những lời trêu ghẹo ấy, Lan vẫn có vẻ hoàn toàn bình thản, trong khi Giang hậm hực, bực mình ra mặt. Chờ đoàn xe qua hết, cô lại giục anh:

– Đi nào, anh! Đằng kia có chỗ bơm vá xe đạp đấy!

Những vòng bánh xe quay, những vòng bánh xe quay… Giang vừa đạp xe, vừa nói với Lan một điều gì đó. Cô gái hơi mỉm cười và khẽ gật đầu.

Họ dừng lại trước cửa một ngôi nhà có cánh cổng sắt khóa im lìm.

– Thôi chết, chị em lại đi vắng rồi! – Lan kêu lên khe khẽ. – Làm thế nào bây giờ hở anh? Hôm qua, chị ấy còn bảo em là hôm nay chị sẽ ở nhà cơ mà!

– Chắc là có việc đột xuất gì đấy… – Giang an ủi. – Anh em mình chờ một lúc vậy.

– Thôi, ra ngoài vườn hoa kia ngồi vậy! – Lan hất hàm về phía vườn hoa trước mặt. – Ở đấy có hầm trú ẩn anh ạ.

Cả hai ngồi xuống bên ghế đá quay mặt ra đường.

– Lan này!

– Gì cơ?

– Nghe nói, ông Tuệ bị thương rất nặng… – Giang nhìn Lan với vẻ thăm dò, trong khi cô gái đang lơ đãng nhìn ra phía trước.

– Em biết rồi! Giập nát hết cả một bên đùi…

– Sao em biết?! – Giang tròn mắt ngạc nhiên.

– Thì lúc báo động lần hai, em còn đang bị mắc kẹt trong nhà với những thứ này mà! – Lan đặt tay lên chiếc túi du lịch mà cô để giữa hai người. – Cũng chính em dìu ông ấy lên xích lô đi bệnh viện chứ ai…

– Trời, em ghét ông ấy lắm cơ mà!

Lan mỉm cười buồn bã:

– Ghét là một chuyện chứ anh! Em vừa mới chạy ra khỏi nhà, thì thấy quả bom nổ chậm ở gần ngay chân cầu thang ấy, thò mấy cái cánh bom lên. Đến khi chạy qua cửa nhà lão Tuệ, lại nghe lão rên rỉ, gọi người cứu giúp… Em định bỏ qua, nhưng rồi lại chạy vào. Lão ấy nằm giữa sàn nhà, máu me be bét mà vẫn còn ôm lấy cái khung xe đạp! – Lan trầm ngâm một lát rồi mới tiếp. – Lúc ấy, bom mà nổ thì có lẽ giờ cũng xong rồi! Sau đấy mới có một số người chạy đến, rồi công binh…

– Anh cho em xem cái này. – Giang sực nhớ, liền móc túi, đưa cho Lan mảnh bom. – Nó rơi ngay xuống trước mặt anh, chỉ cách vài ba bước.

Cô gái nhìn cái mảnh gang đen sì, dị dạng trong tay và thở dài buồn bã:

– Chẳng biết thế nào… Lão ấy đau đến nỗi ngất đi, vậy mà lúc tỉnh dậy, lại hỏi ngay về cái xe đạp.

– Thì tài sản lớn đến thế kia mà!

– Chỉ có điều, lão ấy chưa biết đâu, là thằng con lão chết rồi!

Giang giật mình kinh ngạc:

– Chết rồi?

– Vâng! Chết ngay trên đường hành quân vì bị bom nó đánh trúng đội hình. Cả một đại đội, không còn ai sống sót… Còn cái mảnh bom này…

– …

– Nó mà rơi trúng người anh, thì có lẽ anh không phải đi B nữa nhỉ?

Giang trợn tròn mắt nhìn Lan, nhưng cô lại im lặng một lát, rồi sau đó mới quay về đề tài cũ:

– Em có người quen ở khu đội nói, có giấy báo tử rồi, nhưng người ta chưa báo đâu… Sợ ảnh hưởng cái gì đó, mặc dù chuyện xảy ra từ lâu rồi.

Bỗng nhiên, Lan ngừng nói và nhìn sang phía Giang:

– Thế bây giờ, anh định thế nào?

– .. cũng không biết nữa! – Giang hơi cúi đầu, mân mê chiếc quai mũ cứng đang được anh ôm ở trong lòng. – Có lẽ, anh phải quay về đơn vị thôi, mà cũng không đến thăm bố anh được nữa.

Lan khẽ cắn môi, im lặng. Trong khoảnh khắc ấy, người ta có thể nghe thấy tiếng chuông xe điện từ phía xa vọng tới.

– Cũng được… Nếu vậy, anh phải ra vườn hoa Bát tơ(*), vì bến xe khách bây giờ sơ tán về đấy. Mà cũng phải đến tối thì xe mới chạy. Vẫn còn sớm chán.

Giang ngần ngừ một lúc, như phải đấu tranh tư tưởng ghê gớm lắm rồi mới nói với Lan:

– Lan này, em biết không… Không phải là anh được về tranh thủ đâu. Anh trốn đấy. Tại vì cả đơn vị anh phải đi B mà trước khi đi, không được phép về thăm nhà… Anh chỉ muốn về thăm nhà một tí… Nhưng bây giờ thì chịu rồi. Chẳng làm thế nào được nữa.

Những tưởng Lan sẽ lặp lại điệp khúc “Em biết rồi”, nhưng không. Cô nhìn Giang bằng cặp mắt thật xót xa, thương cảm, và thật bất ngờ, nước mắt Lan từ từ ứa ra. Cô khóc không thành tiếng.

*

*     *

Hình ảnh tư liệu.

Một đơn vị bộ đội đang hành quân. Xe. Pháo. Những người lính bộ binh đeo ba lô, vai vác súng, lá ngụy trang rung rinh theo từng nhịp bước.

Những bàn chân đi dép cao su lội suối, trèo đèo.

Đường Trường Sơn, nhìn từ trên cao. Bom rơi mù mịt.

Những đoàn xe thương tích đầy mình vẫn lầm lũi băng rừng…

Trong căn nhà nửa nổi nửa chìm, mái lợp bằng lá trung quân(*), Giang đang ngồi viết thư. Bàn cũng như ghế đều được làm bằng những thân cây to nhỏ khác nhau, ken bằng dây rừng. Bàn tay Giang cầm chiếc bút máy Trường Sơn, chậm rãi đưa từng chữ một.

Bố mẹ kính mến! Các anh chị và các em yêu thương!

Thấm thoát đã ba bốn tháng nay rồi, con mới lại có dịp biên thư kính thăm bố mẹ cùng toàn thể gia đình…

Cuối mùa khô. Rừng miền Đông Nam Bộ trở nên thoáng đãng hơn với muôn vàn hoa nắng lung linh, rực rỡ trên mặt đất trải đầy những lá vàng.

Người ta nhìn thấy ở chỗ này, mấy người lính trẻ đang lau súng. Chỗ kia, một nhóm ngồi chơi tú lơ khơ. Cũng có người đang ngồi viết thư hoặc cắt tóc cho đồng đội. Và dưới gốc một khóm le(**) già, một anh đang ngồi đun nước uống; ấm, chén tự tạo và gói trà Blao để sẵn trên mảnh ni lông bên cạnh. Còn trong một căn nhà hầm nửa nổi nửa chìm, một số cán bộ chụm đầu bên tấm bản đồ tác chiến.

Đại đội trưởng Lâm, một người đàn ông khoảng trên dưới bốn mươi, chỉ tay vào một điểm được khoanh tròn trên bản đồ và nói:

– Đây, hiện nay bọn địch đang đóng ở vị trí này. Ta đang ở đây. – Anh chỉ tay sang chỗ khác. – Theo trinh sát thì bọn địch có chừng hơn một tiểu đoàn, hỏa lực mạnh. Nhiệm vụ của đại đội ta là phải bí mật tiếp cận, đánh vào sau lưng bọn chúng. Đại đội hai sẽ tạt sườn. Còn đại đội ba thì chặn phía này. Các đồng chí rõ chưa? Về lực lượng phối thuộc, thì sẽ có một khẩu cối 82 li nữa.

– Rõ! – Bốn, năm cán bộ chỉ huy trung đội đáp cùng một lượt.

– Vậy thì bây giờ quán triệt cho các tiểu đội đi. Làm sao để đúng năm giờ chiều phải cơm nước xong xuôi. Mỗi người hai cơ số đạn. Kiểm tra kĩ hỏa lực, bộc phá, thủ pháo. Bảy giờ sẽ xuất kích. Sáng sớm mai, đến ém quân tại phum Thơ Mây. Tối mai, đi tiếp. Đêm mai sẽ đánh.

– Thế còn mật khẩu? – Một người nào đó nhắc.

– Sẽ được phổ biến trước khi đi. – Lâm đáp. – Sau khi đánh bật bọn chúng ra khỏi đây rồi, nhiệm vụ của chúng ta là phải rút ngay sang khu Đập Đá ở đây. – Đại đội trưởng chỉ tay sang điểm khác. – Đào công sự, lập chốt chặn, đề phòng bọn địch từ hướng Bình Long lên giải cứu cho đồng bọn. Phải xác định, là mình không có ai chi viện cho nữa đâu, hết lính rồi… Cố gắng giữ được đến tối ngày kia thì coi như mọi việc hoàn thành, còn lại giao cho E 8. Rõ cả chưa?

– Rõ! – Các cán bộ trung đội lặp lại như cái máy.

– Chưa hết đâu! – Lâm giơ tay ra hiệu. – Chú ý kèm cặp số tân binh mới được bổ sung. Mỗi tổ phải có ít nhất là một lính cũ, hiểu chưa? Tôi thì tôi không tin đám lính Thủ đô này lắm đâu, lại toàn dân học trò… Thôi, giải tán.

Mọi người lục tục nối theo nhau, ra khỏi hầm.

Giang đã viết xong lá thư, gấp lại, bỏ vào phong bì rồi kẹp vào giữa quyển sổ tay ở trên bàn. Thấy Toan, trung đội phó vừa đi họp về, anh hỏi:

– Thế nào, anh? Mấy giờ sẽ lên đường?

Toan chưa trả lời được ngay, vì anh còn đang ngửa cổ, uống nước từ chiếc bi đông Trung Quốc.

– Sao, nóng ruột lắm à? Hay là sợ? – Toan nheo nheo mắt, ngắm nhìn người lính mới của mình, hỏi lại.

– Sợ cái gì… – Giang trả lời, không lấy gì làm tự tin cho lắm.

Toan đặt chiếc bi đông xuống bàn rỗi bỗng thở dài đánh sượt:

– Tốt, việc đếch gì mà phải sợ! Một là sống, hai là chết, thế thôi. Đã làm thân thằng lính, vào đến đây rồi, không còn con đường nào khác. Đừng có làm gì ảnh hưởng đến bố mẹ, anh em ở ngoài kia… – Anh ngồi xuống, tay chống cằm, nghĩ ngợi. – Năm giờ ăn cơm. Bảy giờ xuất phát. Sau trận này, sẽ rút về củng cố. Nhớ, là mày sẽ đi cùng với tao. Rõ chưa?

– Vâng!

– Kiểm tra lại ba lô, súng đạn đi. Những gì không cần thì bỏ lại.

– Dạ, xong hết rồi ạ!

– Được. Cần nhất là phải bình tĩnh. Một hai trận là quen ngay ấy mà! – Toan nói rồi ngả lưng trên chiếc võng mắc sẵn ngay gần đó. – Nếu tao ngủ quên, thì nhớ đánh thức tao dậy nhé!

– Vâng ạ!

Giang đưa tay lên xem đồng hồ. Chiếc đồng hồ Poljot còn rất mới, dây giả da màu đen, chỉ đúng ba giờ mười phút. Anh cất quyển sổ tay xuống tận đáy ba lô rồi lặng lẽ bước ra ngoài. Trước mắt người lính trẻ lại hiện ra cảnh hôm ấy, khi anh sắp sửa rời Hà Nội.

Trời đã xế chiều.

Giang dắt xe, Lan xách túi, chầm chậm đi bộ dưới lòng đường. Trông họ hệt như một đôi tình nhân nhàn tản, nên có lẽ vì thế mà nhiều người đi qua vẫn còn ngoái lại nhìn. Nhưng cả hai đều thản nhiên phớt lờ hết cả.

– Anh Giang này… – Chợt Lan lên tiếng. – Em hỏi anh cái này nhé!

– Gì cơ? – Giang nghe chưa rõ, nên hỏi lại.

– Em không hiểu tại sao, anh đang học lại phải đi bộ đội. Anh… làm đơn tình nguyện à? Chứ… người ta có gọi người đang học đại học đi đâu!

– Ừ… – Giang trả lời một cách nghiêm trang. – Chuyện cũng hơi dài dòng… Em không nhớ là nhà anh có tất cả năm anh chị em à? Anh Việt thì tốt nghiệp đại học, lên công tác ở Tuyên Quang, lại vừa lấy vợ. Chị Hương, thì cũng chỉ còn dăm bảy tháng nữa là ra trường. Cái Thủy, thằng Toàn đang đi học. Đã có ai đi bộ đội đâu. Vì thế mà phải có người đóng góp với đất nước chứ! Chẳng lẽ lại để chỉ con nhà nông dân, công nhân đi đánh nhau à?

– Và thế là…

Giang gật đầu:

– Mà bố anh cũng rất nghiêm. Chính cụ khuyên anh đi bộ đội, nhất là sau khi có người tố cáo nhà anh có ba con trai, mà không có ai đi… Nhưng họ có biết đâu, anh Việt thì vợ đang bụng mang dạ chửa, còn thằng Toàn mới mười ba mười bốn tuổi thì đi bộ đội thế nào… Còn mỗi mình anh, thì đi thôi! Nếu không, bố anh có nói gì, cũng còn ai tin nữa!

– Ngược lại với gia đình em. Mấy lần làm đơn, đều bị gạt lại, chờ “xem xét”…

– Có lẽ người ta biết, gia đình em có người ở trong Nam… – Giang hơi nhếch mép cười. – Vừa đúng lúc chi đoàn lớp anh họp, vận động mọi người làm đơn tình nguyện, có cả bí thư đoàn trường đến dự. Chết cười, ông ấy phổ biến, quán triệt xong lại điểm mặt từng người, hỏi có làm đơn tình nguyện không. “Thế nào, đồng chí Giang? Gia đình mình có truyền thống như thế cơ mà! Chắc đồng chí cũng làm đơn chứ nhỉ!” – Giang nhại lại lời của một ông bí thư đoàn vô hình nào đó. Thì viết!

– Thế là sau đó, anh phải đi luôn?

– Chưa. Cũng may, là họ cho bọn anh thi hết năm học đã. Mà cả lớp, cũng chỉ có năm đứa phải đi thôi, trên tổng số hơn hai mươi đứa, không kể nữ…

Một lần nữa, Lan không nén được tiếng thở dài:

– Chán nhỉ! Biết bao giờ chiến tranh mới kết thúc, anh về, đi học tiếp…

Giang nhún vai, không đáp. Cũng may, họ không phải buồn lâu: cánh cổng sắt trước cửa nhà chị của Lan đã mở. Cô gái đổi ngay nét mặt và reo lên khe khẽ:

– Ồ, chị em đã về rồi!

 

Đêm đã khuya.

Toan và Giang nằm sấp trên mặt đất, căng mắt nhìn về phía trước. Xung quanh hoàn toàn im lặng, và cũng chẳng le lói lấy một đốm lửa nào, dù nhỏ. Chỉ có ở đâu đó, mãi tít phía chân trời, thỉnh thoảng hơi bùng lên màu hồng mờ nhạt, và tiếng bom vọng đến, ì ầm như tiếng sấm, báo hiệu mùa mưa sắp đến.

– Sao im lặng thế hở anh? – Giang khẽ thì thào.

– Ờ… Cứ chờ đấy rồi sẽ biết!

– Hay là… địch nó rút đi rồi?

– Mày có im đi được không, hả? – Toan sốt ruột. – Hỏi gì lắm thế?

Giang cụt hứng, nằm im một lát. Rồi anh trở mình nằm ngửa, ôm khẩu AK vào trong bụng. Trên bầu trời đêm đen sẫm, lạ chưa, vẫn lấp lánh những vì sao thưa thớt, đầy vẻ thanh bình.

– Này, Giang, mày ngủ đấy à? – Bây giờ, lại đến lượt Toan gợi chuyện.

– Không, em có ngủ đâu!

– Thế thì tốt! Cứ nghe tiếng B 40 khai hỏa là xông lên… Mà… mày đang nghĩ gì thế? Nhớ người yêu à?

– Không…

– Nếu nhớ được, thì cứ nhớ đi, ai cấm! Miễn là đừng bỏ chạy. Mà… mày có biết không, ngày mai, con gái tao tròn năm tuổi đấy! – Trung đội phó lại thì thầm sau một giây im lặng.

– Thế ạ? – Giang lật sấp mình trở lại, không quên kéo theo khẩu AK. – Thế chị ấy làm gì hở anh?

– Ôi dào, giáo viên cấp một ấy mà! Khổ thân con bé, năm tuổi thì có đến ba năm bố phải đi xa… Không khéo đến ngày nào đấy, bố về, con cũng chẳng biết bố là ai nữa.

– Thế… anh mới chỉ có một cháu thôi ạ ?

– Ừ! Lần về phép trước khi đi chiến trường, tao cũng cố lắm, định làm thêm thằng cu nữa mà không được… Thế nên mới có nhõn một cái con Hoa này…

Giang mỉm cười, tiện tay bứt một cọng cỏ, đưa lên miệng nhấm. Anh hoàn toàn không để ý gì đến xung quanh nữa.

Chị Dung, một thiếu phụ khoảng trên dưới ba mươi, gương mặt xinh xắn, hiền lành, kéo ghế ngồi lại bên bàn.

– Khổ thân hai đứa chúng mày! Chị có viết mảnh giấy, gài ở cổng hẳn hoi mà. Chắc là gió thổi bay đi mất. Thế là đâm ra mấy chị em lại chờ nhau!

– Dạ, không sao đâu ạ. – Giang mỉm cười, hơi bẽn lẽn.

– Thế… mấy giờ em phải đi?

– Dạ, chắc năm rưỡi, sáu giờ chị ạ.

– Sớm quá! Để tám rưỡi, chín giờ hẵng đi. Xe chạy suốt đêm cơ mà! – Dung hỏi. – Sao không ở thêm lấy vài ngày nữa hở em?

Giang lắc đầu:

– Ở làm sao được chị? Cả đơn vị em sắp phải đi rồi.

Đúng lúc ấy, căn phòng đang chìm trong bóng tối lờ mờ bỗng sáng lên. Dung vỗ hai tay vào nhau, reo mừng như trẻ nhỏ:

– A, có điện rồi! Khiếp, hơn tuần lễ đèn dầu rồi em ạ!

Vừa lúc, Lan từ ngoài bước vào, sạch sẽ, tinh tươm trong chiếc áo nâu cổ lá sen và chiếc quần lụa đen còn nguyên nếp gấp; mái tóc xõa ngang lưng còn chưa khô hẳn. Dung nói như ra lệnh:

– Giang đi tắm đi, còn Lan sắp sửa dọn cơm với chị. Ăn xong, nghỉ ngơi một lúc rồi đi là vừa.

– Vâng! – Giang đứng dậy, lục tìm trong chiếc ba lô một lát rồi lấy ra bộ quần áo để thay.

– Em đã lấy nước, để sẵn khăn mặt và xà phòng thơm ở đấy rồi… – Lan nói với theo Giang.

Chờ cho Giang đi khuất, Dung mới hỏi Lan, giọng nghiêm trang:

– Này Lan, chị hỏi thật. Em yêu thằng Giang này đấy à?

Lan hơi lúng túng và hỏi lại:

– Không. Sao chị lại hỏi thế?

– Ừ thì chị cứ hỏi thế thôi. Với lại, hoàn cảnh gia đình mình… Mà chiến tranh ác liệt thế này…

– Không. Tại vì anh ấy về thăm nhà mà mọi người lại đi sơ tán hết. Còn bây giờ thì bom nổ chậm, có muốn vào nhà cũng không được. Với lại, tối nay anh ấy đã đi rồi, có gì đâu mà chị phải lo? Giời ạ!

– Ừ, thế thì được, – Dung khẽ gật đầu, tuy vẫn chưa hết vẻ hoài nghi. – Chứ nếu em yêu nó, thì rồi sẽ phải chờ đợi đến bao giờ. Em xem như anh Nguyên nhà chị đấy, đi biền biệt quanh năm suốt tháng… Thằng cu Tũn lại phải nhờ ông bà nội trông nom, mà anh ấy có phải bộ đội bộ điếc gì đâu!

– Em biết rồi! – Lan nói với vẻ hơi hờn dỗi.

Dung suy nghĩ một lúc rồi mới đứng dậy, mở tủ, lấy ra một chiếc hộp nhỏ:

– Lát nữa, em đem cái này tặng nó hộ chị. Chị mua cho anh Nguyên, nhưng anh ấy chê nó nhỏ quá, không muốn đeo… Còn thằng Quang nhà mình thì chưa đến tuổi đeo đồng hồ. Mà để lâu, sợ nó han gỉ mất, phí đi.

Lan cầm lấy chiếc hộp, mở ra xem, và cô thốt lên khe khẽ:

– Ôi, đẹp quá!

Trong hộp, là chiếc Poljot mạ kền, mặt trắng với sợi dây đeo giả da đen bóng.

– Chị thấy nó không có đồng hồ. – Dung giải thích. – Nhưng để em đứng ra tặng thì hay hơn.

– Chịu thôi! – Lan hơi lắc đầu và chun mũi lại. – Em không biết phải nói thế nào…

– Thì cứ nói là của hai chị em mình tặng làm kỉ niệm. Đơn giản thế thôi. Chị thấy nó cũng hiền lành tử tế…

– Nhưng mà… – Lan tỏ ý băn khoăn.

– Có gì đâu em. Chị chẳng biết làm gì với cái đồng hồ này… Mà cũng không thể đem bán cho ai được. Công an nó bắt thì chết!

Oành!

Một tiếng nổ xé tai làm cả Toan và Giang bật dậy. Bốn phía, đủ các loại đạn lớn nhỏ nổ chát chúa liên hồi, vạch thành những lằn roi đỏ rực. Giang quýnh quáng khoác vội chiếc bồng(*) lên vai, chạy theo sát từng bước chân Toan. Lác đác xung quanh là từng nhóm chiến sĩ, theo đội hình tổ ba người.

– Xung phong! – Tiếng của hàng trăm con người vang lên, như át cả những tiếng nổ chết chóc. – Xung phong…

– Hỏa lực đâu?! Hỏa lực đâu?! Bắn!

Khẩu AK trong tay của trung đội phó Toan rung lên từng đợt. Mặt mũi anh như méo xệch đi, thấp thoáng hiện ra qua ánh chớp đầu nòng và những đám lửa đã bùng cháy lên đây đó. Trong một giây ngắn ngủi, người lính cựu ấy vẫn nhận ra là Giang chưa hề bắn một phát nào.

– Bắn đi, Giang! Bắn!

Giang mím mổi, nổ một điểm xạ ngắn, mặc dù anh không biết ngắm vào đâu. Dù sao, từ phía trước mặt anh vẫn vọng lại tiếng kêu la tuyệt vọng của những người lính quân đội Sài Gòn.

– Việt cộng! Việt cộng! Giết bỏ cha chúng mày!

– Bắn đi, mau! Lẹ lên! Cối đâu? Cối!

Những làn đạn đỏ rực quất về phía quân ta xối cả. Huỵch một cái, Giang bị vấp, ngã lăn ra đấy. Nhưng chính nhờ cú ngã ấy, mà anh thoát khỏi cái chết, khi chiếc mũ cứng bị bắn văng ra khỏi đầu. Mặc kệ, Giang vùng dậy, cố bám theo Toan, thỉnh thoảng lại bắn hú họa vài loạt ngắn.

Hàng loạt tiếng lựu đạn, thủ pháo vang lên. Những quầng lửa. Một vài tiếng kêu tắc nghẹn. Và trong ánh lửa đang bùng lên mỗi lúc một to, từng đám khói cũng đỏ như màu máu.

Bỗng nhiên, mọi tiếng nổ như ngừng bặt. Cũng không nghe thấy tiếng ai la hét hay kêu gào gì nữa. Giang vẫn cố chạy lên và quan sát xung quanh, nhưng không thấy Toan đâu cả. Anh nhảy xuống một đoạn giao thông hào.

Bất thình lình, một người lính Sài Gòn trong bộ đồ rằn ri lao vọt ra. Đang đà xông tới, mũi súng của Giang gần như chọc thẳng vào ngực người lính ấy, khiến anh ta hoảng hốt, giơ tay chới với, làm rơi khẩu AR 15 xuống đất.

Theo một phản xạ không ngờ, Giang nhắm mắt và siết chặt cò súng, không buông được ngón tay ra nữa.

– Ơ… – Người lính Sài Gòn kêu lên như ngạc nhiên, nhưng tiếng kêu ấy tắc nghẹn ngay lập tức. Anh ta từ từ sụm xuống rồi đổ vật ra phía sau, đầu ngoẹo sang bên. Đôi mắt trợn trừng dưới vành mũ sắt, kinh hoàng.

Còn Giang, anh chỉ nhận ra mình đã bắn hết cả băng đạn khi nòng súng AK trong tay không còn rung lên nữa. Anh buông súng, ngồi phịch xuống đáy giao thông hào, mặt mũi, áo quần bê bết máu. Tự nhiên, cả người Giang run lên bần bật, không cách nào cưỡng được.

Trời đã sáng.

Qua màn sương bảng lảng trên cánh đồng, có thể nhìn thấy những tán cây thốt nốt vươn cao, một vài ngôi nhà sàn, những rặng tre. Và trong không gian yên tĩnh ấy, một con gà nào đó eo óc gáy.

Ngồi dưới hầm chiến đấu được đào theo hình chữ U còn nguyên màu đất mới, trung đội phó Toan buông lời giễu cợt:

– Sao, sợ quá, đái mẹ nó cả ra quần rồi hả?

Giang, mặt mũi hốc hác, sạm đen, nom già đi đến hàng chục tuổi chỉ lặng im, không đáp. Đến nỗi Toan thử túm lấy đũng quần anh rồi đưa tay lên mũi ngửi, nhưng Giang vẫn không phản ứng.

– Không sao. Trận đầu, đứa nào chả thế… Cái quan trọng là đừng có tháo lui. Thế là được.

Toan mở bi đông, rót lấy một nắp, nhấp vào miệng nhưng chưa nuốt ngụm nước ấy ngay. Phải một lát sau, anh mới thở hắt ra, đầy chán nản:

– Mẹ kiếp! Quán triệt là hơn một tiểu đoàn, hỏa lực mạnh. Cuối cùng, hóa ra là chưa đầy một đại đội, cứ như là đánh vào chỗ không người.

– Sao lại thế hở anh? – Giang lơ đãng hỏi cho có chuyện.

– Thì tại điều nghiên như cứt ấy chứ sao! Chẳng bù cho trận Long Khốt, bên mình phơi áo cả một tiểu đoàn.

Toan bẻ nắm cơm, đưa cho Giang, nhưng anh lắc đầu.

– Em không đói.

– Ăn đi, để lấy sức mà còn đánh nhau. – Toan nói. – Hôm nay mới căng, chứ như đêm vừa rồi đã thấm tháp gì!

– Nhưng mà em không đói! – Giang vẫn lắc đầu quầy quậy.

– Không đói cũng phải ăn! – Toan nhất quyết giúi nửa nắm cơm ấy vào tay Giang cho bằng được. – Phải đến tối mới có người đem cơm ra ngoài này, mà tí nữa, súng nổ rồi, muốn ăn cũng không được nữa đâu! – Vừa nói, Toan vừa ngoạm một miếng cơm to tướng, nhai một cách ngon lành như để cho Giang thị phạm. – Thịt kho đây!

Cực chẳng đã, Giang đành khẽ cắn một miếng cơm, nhai trệu trạo. Bỗng nhiên, anh ợ lên một tiếng rồi nôn thốc ra, làm những hạt cơm bắn cả vào vách hầm.

Toan hơi nhăn mặt, nhưng vẫn thản nhiên nuốt xong miếng cơm của mình rồi mới hỏi:

– Mày vẫn bị ám ảnh lắm à?

– Vâng… – Giang tựa lưng vào vách hầm, thở dốc. – Tự nhiên, em thấy lợm giọng quá…

– …

– Em có cảm giác cứ như là nhìn thấy nó ở ngay trước mắt. Nó còn trẻ quá anh ạ, chỉ chừng mười sáu, mười bảy là cùng… – Giang khẽ nói.

– Thì mày cũng trẻ đấy thôi! – Toan đay lại.

– Em nghĩ, có lẽ nó định giơ tay hàng, nhưng em sợ quá, không kịp suy nghĩ gì nữa… Sau đấy, mắt nó còn cứ trợn lên…

Toan hơi nghiến răng như để cố gắng giữ bình tĩnh. Mãi sau, anh mới khó nhọc thốt ra được từng tiếng một:

– Nói chuyện với mày khó quá… Mày không giết nó, thì nó cũng giết mày, hiểu chưa? Đã vào trận rồi, thì đừng có đắn đo gì nữa, nếu không thì sẽ chết sớm thôi. Như tao đây này, tao có muốn bắn, muốn giết ai đâu? Nhưng biết làm thế nào? Mà ngay cả bọn Mĩ, bọn ngụy kia nữa! – Toan chỉ tay ra phía cửa hầm. – Mày thử nghĩ xem chúng nó có thích bắn giết không? Chưa chắc! Chỉ có điều, lúc gặp mày, liệu chúng nó có để cho mày được sống không, hả? Đấy, mày có giỏi thì cứ thử xem! Rõ là cái đồ… ngu như lợn!

Ném về phía Giang một cái nhìn khinh bỉ và thương hại, Toan nói như kết luận:

– Đấy, bệnh của dân trí thức chúng mày đấy! Đọc tiểu thuyết cho nó lắm vào rồi mà mơ với mộng! Đến lúc đánh nhau lại chết đầu nước…

Một con chim sâu bay tới, và từ trên nóc hầm, nó thò cổ xuống nhìn hai con người bụi bặm và bẩn thỉu. Nhưng cả Toan và Giang không để ý gì đến con chim sâu ấy.

Mặt trời đã lên cao.

Ở trận địa chốt chặn, từ hầm này sang hầm khác, phần lớn các cán bộ chiến sĩ ta đều đang ngủ gà ngủ gật. Người thì ôm lấy súng, gục đầu xuống ngáy khò khò. Người dựa lưng vào vách hầm, nhắm mắt lim dim. Người thì nghiêng sang một bên, gối đầu lên cánh tay mà ngủ.

Đang lúc lơ mơ trong giấc ngủ nhọc nhằn, để mặc mồ hôi đầm đìa trên mặt, chợt Toan từ từ mở mắt. Anh lấy chiếc mũ tai bèo, lau mồ hôi trên cổ, trên trán, rồi luồn cả vào trong ngực áo mà lau. Một tiếng động ì ầm, rất nặng từ đâu đó mơ hồ vọng tới, khiến Toan cảnh giác. Anh ghé tai vào vách hầm lắng nghe, rồi túm lấy vai áo Giang, lay nhẹ:

– Dậy, dậy đi! Sắp sửa bắt đầu rồi!

Không chờ cho người chỉ huy phải gọi đến lần thứ hai, Giang đã choàng dậy, tỉnh như sáo. Anh mở khóa nòng và lên đạn sẵn sàng.

– Cứ từ từ! Chưa có việc cho bọn mình ngay bây giờ đâu!

Đúng như lời Toan, cả căn hầm nhỏ xíu dường như bị bốc tung lên trong tiếng bom nổ kinh hồn và tiếng máy bay phản lực.

Trời rất xanh và nắng rất trong.

Ba bốn chiếc A 37 sơn cờ Mĩ nối theo nhau ném bom xuống trận địa. Rồi đến lượt hàng đàn máy bay lên thẳng vũ trang bay đến, phóng rốc két và bắn đại liên xối xả. Thoáng chốc, cả cánh đồng rộng mênh mông đã chìm trong biển lửa. Cây cối, mảnh vụn của nhà cửa, xác người… bay tung cả lên trời. Nhưng phía bên ta, chỉ có một số loạt 12,8 mi li mét vang lên thưa thớt.

Trong căn hầm đang bị rung lắc dữ dội, đất cát rơi xuống rào rào, cả Toan và Giang đều bịt chặt tai lại, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau. Ở hầm này, hầm khác, những người lính cùng đơn vị mới của Giang cũng vậy. Có người cẩn thận lấy tay bịt nòng súng, nhưng cũng có người gục xuống, chết tự bao giờ.

Ngớt tiếng bom, đến các loại pháo. Xe tăng địch lừ lừ tiến vào, và tản mát, nhấp nhô đằng sau chúng là những tên lính vừa được trực thăng thả xuống. Bọn này vừa chạy, vừa hò hét và nổ súng điên cuồng.

Toan và Giang đã nhoài người ra khỏi miệng hầm, sẵn sàng ngắm bắn. Phía trước, phía sau, bên phải, bên trái các anh, quân ta đã nổ súng từng hồi, đánh trả.

– Bắn! – Toan ra lệnh, và khẩu AK trong tay anh lập tức khạc ra những tia lửa nhỏ.

Giang cũng nhanh nhẹn điểm xạ từng loạt vào những bóng người đen sì đang chạy đến gần. Có tên gục xuống ngay trên cánh đồng đầy cỏ rậm rạp. Tên lại nhảy dựng lên rồi mới nằm im. Có tên chạy ngược về phía sau, nằm bắn.

Một chiếc xe tăng M 48 từ từ chạy thẳng về mũi của Toan và Giang. Một người nào đó xông lên, phụt ngay cho nó một quả B 41. Chiếc xe tăng bốc cháy, trong khi xạ thủ của ta vội vã lắp viên đạn mới vào nòng súng. Nhưng một loạt đạn từ phía xa bắn tới. Anh gục xuống, chết ngay.

Một chiếc xe tăng khác xuất hiện, tháp pháo của nó lắc lư, phụt lửa. Toan trợn mắt, quát vào tai Giang:

– Mày yểm hộ cho tao! Mau!

Anh cắp súng, lao vọt lên, vừa bắn, vừa chạy về phía người giữ khẩu B 41 vừa tử nạn. Giang cũng nghiến răng, bắn từng loạt vào đám bộ binh đang chạy theo sau chiếc xe tăng. Nhưng hai tai anh đã gần như điếc đặc nên không còn nghe thấy gì nữa.

Thoắt cái, Toan đã giương được khẩu B 41 lên, nhằm vào chiếc xe tăng địch, bóp cò.

Giang có cảm giác nhìn thấy rất rõ viên đạn B 41 bay đi, xuyên vào thành xe tăng, bùng lên thành ngọn lửa. Rất nhanh, Toan lại vồ lấy khẩu AK và nổ súng.

– Cháy rồi! Xung phong!

– Xung phong!

Tiếng reo hò, la hét vang lên đầy phấn khích. Giang cũng vọt lên khỏi miệng hầm, đuổi theo đám tàn quân địch. Trong khoảnh khắc, anh còn nhìn thấy Toan xả súng vào lưng một người mặc tấm áo rằn ri, khiến anh ta đập mặt ngay xuống đất, và như tan biến đi trong cỏ.

Đúng lúc ấy, một quả đạn cối nổ tung. Toan bị bốc lên khỏi mặt đất rồi rơi xuống, có vẻ như rất chậm.

Giang dừng lại, quỳ xuống bên Toan. Người trung đội phó ấy đã hi sinh, máu trào ra bên khóe miệng, tay chân dang rộng như muốn ôm lấy cả đất trời.

*

*     *

Đêm đã khuya lắm, Giang mới thất thểu lê bước về được đến phum(*) Thơ mây, nơi đơn vị anh tạm trú chân. Dựa khẩu AK và mấy khẩu AR 15, M 79 chiến lợi phẩm vào chân cầu thang nhà sàn làm bằng cây thốt nốt, anh bước lại phía lu nước ở góc sân, vốc nước lên rửa mặt. Anh rửa cả tay, chân, rồi tiện thể cởi phăng tấm áo đầy máu me và đất cát, vắt đại lên cành cây gần đó. Một lúc sau, Giang mới chậm chạp quay lại, ôm đống súng ống lỉnh kỉnh và chiếc bồng, leo lên nhà sàn.

Qua ánh trăng suông, có thể nhìn thấy những tấm thưng và mái nhà lợp bằng lá thốt nốt đã bung bét, tan hoang vì bom đạn. Và chỏng chơ trên một tấm ni lông trải giữa sàn nhà, là khoảng hơn chục nắm cơm tròn tròn cỡ bằng nắm tay với một nồi thức ăn gì đấy. Từ góc nhà, trên chiếc võng có mắc màn tùm hụp, một giọng nam ngái ngủ vọng ra:

– Giang về đấy à?

– Ừ!

– Sao muộn thế? Tôi nghe nói, “Xê” mình được rút ra từ chiều cơ mà?

– Tôi đi lạc. Ông đã hết sốt chưa? – Giang hỏi, giọng hoàn toàn vô cảm.

– Cũng đỡ rồi… Nghe nói, B mình đi tong hết, ông đã được lệnh rút ra, nên tôi không đem cơm ra ngoài ấy nữa.

– Ừ, có còn ai nữa đâu mà cơm với nước… – Giang nói như xác nhận. – Ông Soạn này…

– Sao, có chuyện gì à? – Người vừa nói chuyện với Giang đã rời võng, ngồi xuống bên anh.

– Ông có biết quê quán anh Toan ở đâu không? Anh ấy bắn cháy một chiếc xe tăng, với lại khoảng gần chục thằng địch đấy.

– Chịu, tôi làm sao mà biết được! – Soạn khẽ lắc đầu.

Giang im lặng, thẫn thờ nhìn những nắm cơm không có người ăn nữa. Từ xa, tiếng một con chim lợn kêu éc lên, nghe thật nao lòng.

– Sau này, có ai còn sống trở về làm cách nào để báo tin cho gia đình anh ấy nhỉ? – Giang khẽ thở dài não nuột.

– Thôi, đi ngủ đi! – Soạn nói, rồi lại leo lên võng. – Ai mà biết được thế nào…

Sáng hôm sau.

Giang bần thần đứng trước một đống ba lô to có, nhỏ có, cũ có, mới có được xếp hàng trên mặt đất. Bên cạnh anh, Soạn đang lẩm nhẩm đếm đi đếm lại.

– Hai này… Ba… Bốn… Năm… Sáu… Bảy… Đủ rồi, mười một cái.

– Ba lô của anh Toan đâu hở ông Soạn? –Tự nhiên, Giang lên tiếng.

– Đây, – Soạn giơ chân, khẽ đá vào chiếc ba lô gần nhất.

Giang chậm chạp ngồi xuống, mở ba lô của người đã từng là trung đội phó. Một bộ quần áo dài, bạc phếch. Một bộ quần đùi, áo may ô ba lỗ. Tấm khăn dù. Hộp dựng dao cạo râu. Và một quyển sổ tay bìa nâu, hơi sờn rách.

Giang thận trọng lật giở từng trang sổ. Có vẻ như nhật kí, mà cũng có thể không, với nét chữ nhỏ, gãy góc, dày chi chít, đôi chỗ đã nhòe. Giang không đọc nội dụng ghi chép, mà chỉ lật giở, tìm tòi gì đó. Đây rồi. Ba, bốn bức ảnh đen trắng cỡ bốn – sáu và sáu – chín được bọc ni lông, kẹp vào bìa sau quyển sổ. Giang cẩn thận lấy ra, ngắm nhìn từng bức một.

Bức ảnh thứ nhất, một đôi vợ chồng khoảng trên dưới năm mươi, ngồi trên ghế đẩu trước hiên nhà. Phía sau lưng họ là ngôi nhà gianh, vách đất và cửa liếp cũ càng. Một con chó nằm khoanh tròn trên hiên nhà lở lói.

Bức ảnh thứ hai, một thiếu phụ trẻ, mặc áo cánh, bế một bé gái chừng một hai tuổi gì đó. Tấm phông làm nền cho bức ảnh được vẽ rất vụng, với tường hoa, dòng sông, con thuyền và dãy núi ở xa.

Bức ảnh thứ ba, vẫn là phông nền ấy, nhưng có thêm Toan, mũ bộ đội, ve áo gắn quân hàm hạ sĩ, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc.

Giang thở dài, cất những tấm ảnh ấy vào chỗ cũ của nó trong quyển sổ, vừa lúc Soạn khẽ gọi anh.

– Ông Giang này!

Giang chậm chạp quay lại.

Chẳng biết tự bao giờ, Soạn đã lấy tấm khăn vải dù của Toan, quấn quanh cái cổ khẳng khiu của hắn. Nhưng điều làm cho Giang kinh ngạc, là cái gói vải vừa được Soạn mở ra: một chiếc đồng hồ hiệu Seiko của Nhật và một sợi dây chuyền vàng lóng lánh.

– Đúng là chiến lợi phẩm rồi ông ạ! – Soạn khẽ thì thào. – Lão này ghê thật! Dám giấu lại làm của riêng, không nộp lên trên…

Giang điếng người, chưa biết nói gì, thì Soạn lại thì thào:

– Thôi thế này… Ông có đồng hồ rồi, thì cầm tạm sợi dây chuyền. Còn tôi, cái đồng hồ. Thế là vui vẻ cả, được chưa?

– Bỏ ngay vào đấy, trả người ta! – Giang quắc mắt.

– Ơ…

– Ơ cái gì, đưa đây! – Giang giật phắt lấy món đồ trong tay Soạn, gói chặt lại. – Cởi cái khăn ra!

– Ơ cái ông này, buồn cười nhỉ… – Soạn hơi lùi lại.

– Buồn cười cái gì? Cởi ra đi! – Giang sấn tới, giằng mạnh đầu tấm khăn, làm cho Soạn gần như ngã ngửa. – Mày có trả lại không? Hả?!

Vẻ mặt hầm hầm tức giận, Giang nhồi nhét tất cả những thứ ấy vào lại ba lô của Toan, trong lúc Soạn len lét nhìn anh, nhưng không dám nói to:

– Mẹ kiếp, chó lại còn chê cứt!

Giang, chắc chắn là nghe thấy những lời lẽ ấy. Nhưng anh không thèm chấp mà chỉ hất hàm ra lệnh:

– Đem những cái này lên đại đội!

Một tay ôm lấy chiếc radio transistor hiệu Hitachi, một tay dò tìm làn sóng, đại đội trưởng Lâm đang nằm trên võng nghe tin tức. Đây rồi! Giọng nói của một nữ phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên rành rọt:

Sau hơn một ngày chiến đấu, chống lại cả một trung đoàn ngụy có sự yểm trợ của máy bay, đại bác và xe tăng Mĩ, các chiến sĩ Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ đã bắn rơi hai máy bay, bắn cháy năm xe tăng và xe bọc thép, tiêu diệt và làm bị thương hơn ba trăm năm mươi tên địch. Chiến công này của các chiến sĩ Quân giải phóng anh hùng đã góp phần bẻ gãy cuộc tấn công của địch hòng chiếm lại khu vực Đập Đá – Tà Xay…”.

– Hừ, “chiến công này”… – Lâm tắt máy, khẽ làu bàu và ngồi dậy, vừa lúc Giang và Soạn, mỗi người đeo đến ba, bốn cái ba lô bước vào.

– Báo cáo đại đội trưởng…

– Giang đấy à? Vào đây! – Lâm đứng dậy, chỉ tay vào một góc nhà hầm. – Cậu xếp tạm hộ mình vào đấy đã. Mai, sẽ chuyển lên sư đoàn.

Cả Giang và Soạn lúi húi làm theo mệnh lệnh. Xong, Lâm vẫy tay gọi Giang lại bên bàn, để cho một mình Soạn quay về. Anh hất hàm:

– Hết chưa?

– Dạ, còn khoảng ba, bốn cái nữa thôi ạ!

– Các cậu đã kiểm kê, lập danh sách rồi chứ hả?

– Vâng ạ! – Giang đưa ra một tờ giấy gấp tư. – Đây ạ!

– Thế thì tốt. – Lâm nói, và rót nước từ bi đông ra chiếc ca nhôm ở trên bàn. – Để rồi chuyển ra Bắc cho các gia đình liệt sĩ. Uống nước đi.

– Vâng ạ, cảm ơn thủ trưởng.

– Giang ạ, mình muốn gặp riêng cậu để trao đổi việc này. – Lâm gõ gõ ngón tay những ngón tay thô kệch xuống mặt bàn. – Sắp tới đây, trung đoàn sẽ tổ chức mừng công. Đại đội mình được báo cáo điển hình vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là qua trận Đập Đá vừa rồi.

– Vâng ạ!

– Về phía đại đội, thì không lo. Mình với anh Lễ, chính trị viên sẽ chuẩn bị. Nhưng cái khó, là trung đội của cậu…

– Trung đội em bị xóa sổ rồi còn đâu! Còn mỗi em với thằng Soạn. – Giang kêu lên khe khẽ.

– Ấy, bởi thế! – Lâm nói tiếp. – Chết cái, trung đội ba của cậu là trung đội chủ công. Thằng Toan đang được bồi dưỡng anh hùng, và nó cũng đã ba lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mĩ. Nhưng mà cuối chiến dịch, thằng Mẫn trung đội trưởng hi sinh. Đến hôm vừa rồi, còn có hơn chục tay súng thì chết sạch, may mà còn có cậu trở về, thằng Soạn sốt rét ở nhà, không tính…

– Vâng… – Giang ngước nhìn Lâm, đầy vẻ băn khoăn.

– Nhưng dù thế nào, cũng vẫn phải có con người cụ thể lên báo cáo thành tích chứ. Mà cái này, thì không thể để bọn trung một, trung hai lên nói được, vì chúng nó đánh đấm có ra cái quái gì. Nói, người ta lại cười cho. Cậu đã hiểu chưa? Hơn nữa, cũng cần phải có người văn hay chữ tốt, nói năng lưu loát một tí chứ, không thì ai mà nghe được?

– …

– Vì thế, chi ủy đã họp và quyết định rồi, cậu sẽ thay mặt trung đội ba, báo cáo thành tích điển hình.

Giang đứng bật ngay dậy như vừa giẫm phải mìn:

– Em thì có chiến công gì! Đấy là do những người khác chứ! Anh Toan…

– Ngồi xuống đã! – Lâm nói khẽ, nhưng kiên quyết. – Cậu nghe tôi hỏi đây. Có đúng trung đội cậu bắn cháy hai xe tăng không?

– Dạ, đúng. – Giang hơi ấp úng.

– Có đúng trung đội cậu giết được khoảng năm mươi tên địch không?

– Dạ, em không biết, em không đếm ạ!

– Nhưng cậu bắn ít nhất cũng được gần chục thằng còn gì? – Lâm hỏi vậy. – Hay là ít hơn, hả?

– Vâng… Có lẽ là năm, hay sáu thằng gì đó ạ.

– Đấy, đấy. Năm, hay sáu, hay chục thằng cũng có gì khác nhau đâu! Vấn đề là ở chỗ, cậu đã tiêu diệt địch, mà vẫn bảo toàn được mình… Thu được nhiều vũ khí, quân trang quân dụng…

Lâm tạm ngừng lời, nhìn Giang như để đánh đòn cân não. Lát sau, anh mới tiếp:

– Đài Hà Nội cũng đã đưa tin rồi… Ta thắng trận này rất đẹp. Vì thế, chiến công bắn cháy xe tăng Mĩ và tiêu diệt hơn hai mươi tên địch là của cậu. Chúng tôi sẽ đề nghị lên trên, tặng cho cậu huân chương…

Giang giãy nảy:

– Không, em không nhận đâu! Em…

– Không được cãi! Chúng tôi đã điện lên trên, hỏi ý kiến rồi. Gia đình cậu rất cơ bản, đúng không? Vừa mới ra trận lần đầu đã lập công xuất sắc… Mà cậu hãy nghe tôi, ai lại quy công lao cho người chết làm gì… Giá như thằng Toan nó còn sống thì đã đành một nhẽ. Nhưng đằng nào thì nó cũng hi sinh rồi.

– Nhưng mà em… không thể… – Giang rên rỉ.

– Anh Lâm anh ấy nói đúng đấy! – Lễ, chính trị viên đại đội đã đứng sau hai người tự bao giờ, bỗng xen vào. – Cậu cố gắng lên. Sắp tới, đơn vị mình được bổ sung quân. Chúng tôi sẽ đề bạt cậu lên làm tiểu đội trưởng, Thế nhé! – Lễ nói như kết luận. – Về làm báo cáo thành tích đi. Ba ngày nữa nộp cho tôi. Không có cãi cọ lôi thôi gì nữa. Trận sau sẽ cố gắng hơn.

– Nhưng mà em… – Giang ôm lấy đầu, rền rĩ. – Làm sao bây giờ!

– Đây là mệnh lệnh! – Lâm đập tay xuống mặt bàn, khiến ca nước mà Giang chưa kịp uống nảy lên, nước bắn ra tung tóe.

*
*     *

Buổi tối, Giang nằm đung đưa trên võng, nghĩ ngợi một điều gì đó. Từ trên cao, một vầng trăng tròn vành vạnh, im lìm tỏa sáng qua những tán lá rừng. Từ đâu đó, vang lên tiếng tắc kè thưa thớt.

Chiếc võng vẫn đung đưa. Mặt trăng vẫn im lìm tỏa sáng. Nhưng rồi nó nhòe dần đi, nhường chỗ cho một vầng trăng khác, vầng trăng Hà Nội.

Vầng trăng ấy hiện ra, chênh chếch một góc trời.

Giang dắt xe, Lan xách túi đi về phía bến xe sơ tán. Gương mặt của họ lúc hiện ra trong ánh đèn phòng không vàng vọt pha lẫn ánh trăng, lúc lại chìm đi trong bóng tối.

– Anh Giang này…

– Gì cơ?

– Hay là… em tiễn anh lên đơn vị nhé!

– Không! – Giang gạt đi ngay. – Anh ở xa thế, mà lại sắp chuyển quân… Em đi làm gì!

– Thì đi tiễn anh…

– Đừng em ạ! Vất vả lắm…

Lan thở dài:

– Chán thật! Hay là … anh ở lại thêm một ngày nữa đi.

Giang lắc đầu:

– Không được đâu em ạ. Anh mà không lên ngay, nhỡ đơn vị hành quân đi mất rồi thì chết… Thôi, thế này cũng là may cho anh lắm rồi. Mà… tí nữa em còn phải đi làm chứ. Em quên à?

– Nghỉ một buổi, có sao đâu. Nhiều hôm, đến nơi cũng chả làm gì được vì mất điện.

Giang bỗng tò mò:

– Thế hồi này, xí nghiệp của em dệt những mặt hàng gì?

– Bí mật! – Lan mỉm cười, và nói ngay. – Chỉ độc có hai thứ thôi. Một, là kaki màu cỏ úa; hai, là khăn mặt. Cho các anh cả đấy!

– Hay nhỉ. Thế có khi một lúc nào đấy, anh được mặc quần áo may bằng vải do em dệt cũng nên.

– Chắc thế! – Lan bỗng trở nên nghiêm trang hơn, khi trước mắt cô đã hiện rõ những chiếc xe ca cỡ lớn và một số hành khách đang lên xuống. – Dừng lại đây một lát đã, anh!

Giang dừng lại, nhìn Lan, im lặng.

– Sao anh không đến gặp chị Vân?

– Em thừa biết, là anh có thời gian đâu mà… Hơn nữa, chị ấy ở nơi sơ tán, mà thực ra, đã có chuyện gì đâu… Thân với nhau một thời gian, rồi chị ấy lại có vẻ muốn tránh mặt anh, thân với người khác, thế thôi! – Giang khẽ cốc lên đầu Lan một cái.

Cô gái nhắm mắt và chun mũi lại.

– Thật không? – Lan mở mắt ra, hỏi tiếp.

– Anh nói dối em làm gì!

Lan đã có vẻ yên tâm, nói sang chuyện khác:

– Không biết ngày anh trở về sẽ như thế nào nhỉ… Em không thể nào hình dung ra được. Chắc là… lúc bấy giờ em già và xấu lắm rồi!

Giang mỉm cười hồn hậu:

– Còn phải nói! Thì em bây giờ đã xấu thế này…

– Ý, không phải! – Lan khẽ giẫm chân, điệu bộ.

– Lan này. – Giọng nói của Giang đã trở lại nghiêm trang. – Em nghĩ như thế nào, nếu một ngày nào đó, anh trở về, nhưng bị… cụt mất một cánh tay, cái chân, hay mất đi một mắt, thậm chí là hai mắt? Em nghĩ thế nào?

Lan khẽ rùng mình như bị ớn lạnh.

– Sao, em nghĩ thế nào? – Giang khẽ giục.

– Em không muốn nghĩ đến điều ấy! – Lan lấy hết can đảm, nói. Và, có lẽ bất ngờ với cả chính mình, cô trút liền một mạch. – Thà rằng anh chết luôn ở chiến trường còn hơn.

Giang trân trối nhìn Lan, không hiểu ra sao cả.

– Em, nói thật… Em không muốn nhìn thấy anh, lúc về lại mất đi một phần thân thể. Tại vì… nếu chẳng may anh chết, gia đình và những người thân của anh chỉ đau đớn một lần. Rồi dần dần mọi người cũng sẽ nguôi đi… Nhưng nếu anh què cụt. mù lòa, hoặc nằm liệt một chỗ, thì mỗi lần nhìn thấy anh, mọi người lại một lần đau khổ… Như vậy cũng có nghĩa là mọi người sẽ đau khổ suốt cuộc đời. Có đúng không?

Giang lặng đi, không nói được câu nào. Lan nhìn anh, mắt đã ngân ngấn nước.

– Mà rồi liệu anh có sống được như thế không? Anh sẽ làm gì để sống? Chẳng lẽ phụ thuộc vào những người thân mãi? Anh có hiểu em đang nói gì không?

– Anh hiểu. – Giang khẽ gật đầu cùng một tiếng thở dài. Anh đeo ba lô lên vai, trao lại chiếc xe đạp cho Lan rồi cầm tay cô một lúc. Cô gái không rụt tay lại mà cũng chẳng nói gì, chỉ cúi đầu im lặng.

– Em ở lại mạnh khỏe nhé! Cho anh gửi lời cảm ơn chị Dung…

– Khoan đã! – Lan sực nhớ, vội đưa cho Giang chiếc hộp nhỏ đựng đồng hồ. – Chị Dung em tặng anh cái này, lúc nào xe chạy anh hẵng mở.

– Cám ơn em! Lúc nào mẹ anh về, nhớ nói hộ anh là anh về tranh thủ nhé! Tiếc là chẳng cách nào gặp được các cụ…

– Vâng, – Lan khẽ gật đầu, nhìn anh như dò hỏi.

Không hiểu tại sao, Giang lại có vẻ hơi lúng túng. Anh xoay xoay cái ghi đông xe của Lan một lúc, rồi mới ngẩng lên và nói:

– Mà thôi Lan ạ. Có lẽ em đừng nói gì lại hơn. Anh… không phải được về tranh thủ đâu, mà là anh đào ngũ đấy.

Những tưởng Lan sẽ rất bất ngờ trước điều Giang vừa nói. Nhưng không, cô vẫn chỉ nhìn anh im lặng.

– Anh nóng ruột quá vì suốt mấy tháng trời không nhận được bất kì lá thư nào của ai cả. Mà máy bay Mĩ thì cứ ném bom vào Hà Nội suốt nên anh không chịu được… Em có hiểu không?

– Hiểu, – Lan nói và đưa tay quệt ngang dòng nước mắt vừa mới ứa ra.

Bất ngờ, Giang khẽ ôm lấy mái đầu của Lan, ấp vào ngực anh. Ngăn cách giữa hai người là chiếc xe đạp, và đôi bàn tay Lan, ai mà biết được, không hiểu tại sao vẫn giữ lấy ghi đông. Hình như cô vẫn mong Giang nói một điều gì đó.

– Thôi, em về đi! Tạm biệt! – Giang buông cô gái ra và khẽ nói.

– Không… Anh đi đi… – Lan mỉm cười như mếu. – Em muốn ngắm nhìn anh một lúc, để khỏi quên…

Giang bước đi được một quãng, đến khi ngoái lại, vẫn thấy Lan còn đứng đó, nhưng không đưa tay lên vẫy. Cô cũng còn đứng đó, cả khi chiếc xe chở khách, trong đó có Giang, chuyển bánh, rẽ sang đường phố khác.

Đến lúc này, Lan mới dắt xe quay lại. Nước mắt ứa ra, lăn thành dòng trên gò má, nhưng cô vẫn không lau, mà chỉ khẽ cắn môi, như để cho khỏi bật lên tiếng khóc vỡ òa.

Phải đến quá nửa đêm, chiếc xe khách mới ậm ạch tạt vào bên đường cho một người khách duy nhất xuống. Đó là Giang. Anh lặng lẽ băng qua đường nhựa rồi nhanh chóng rẽ vào con đường đất đỏ mà vừa mới cách đó mấy ngày, anh đã chạy vội vàng như bị ma đuổi. Nhưng bây giờ, Giang không còn phải lo sợ nữa. Anh hít một hơi thật dài rồi xốc lại ba lô, sải những bước tự tin về phía ngọn đồi trước mặt đang chìm trong một lớp sương mờ.

Trong vọng gác được làm bằng tre nứa đơn sơ, một người lính mặt còn búng ra sữa đang vừa ngáp vừa xoa tay vào nhau cho đỡ lạnh. Cậu đã nhìn thấy một bóng người đang đi tới nên cảnh giác cầm lấy súng và quát to:

– Ai?

– Tôi. – Giang vẫn thản nhiên bước lại gần.

– Đứng lại! – Người lính lên đạn đánh rốp một cái.

– Tôi là Giang ở A Bảy đây mà… À, Dũng hả?

– Tưởng ai… – Dũng khóa chốt an toàn khẩu AK rồi lại khoác lên vai. – Sao anh còn lên đây làm gì nữa, em tưởng anh ở lại Hà Nội luôn rồi?

– Tao có định đào ngũ đâu mà ở lại! Sao, tình hình có gì mới không?

– Tám giờ sáng mai, đơn vị mình phải đi rồi. Anh không biết à?

– Không, – Giang có vẻ ngạc nhiên thật sự. – Tưởng phải sang tuần sau chứ?

– Vừa mới có lệnh khẩn tối hôm qua, thế là cấm trại luôn. Hăm bốn trên hăm bốn. – Dũng thì thào, vẻ quan trọng. – Thế mà anh không ở lại…

Giang vịn tay vào cửa chòi gác, cười nhếch mép:

– Ở lại là thế nào… Nhưng sao liên lạc đại đội lại phải gác đêm thế này?

– Thì đại đội trưởng bảo em ra đây gác, thế thôi.

Bất giác, Dũng đưa mắt nhìn về phía cuối sân doanh trại, nơi đang thấp thoáng một vài bóng người bên đống lửa chờn vờn.

– Hình như các thủ trưởng đang hủy giấy tờ gì đấy.

Đúng là bên đống lửa, người ta đang đốt những thứ giấy tờ gì đó. Có thể nhận ra cả những tập phong bì thư với đủ loại kích cỡ và màu sắc khác nhau.

– Này thì “xa nhớ” này! Này thì “em gái hậu phương” này!…- Một ông trung niên râu ria lởm chởm đeo quân hàm trung uý vừa lật nhìn những lá thư, vừa cười hi hí quẳng chúng vào đống lửa.

– Ồ lại còn: “không phải mùa đông không gió bấc/không phải thư người xin chớ bóc xem” này! – Một người khác ở bên cạnh nói, và ngay lập tức, mấy chiếc phong bì khác được quẳng vào làm mồi cho lửa.

– Toàn là giọng lưỡi của bọn tiểu tư sản!

– Đây em Vân của anh Giang này, hì hì… – Ông trung uý lại lên tiếng và dùng que cời gẩy gẩy những lá thư cho lửa cháy nhanh hơn.

Giang ngoái nhìn về phía ấy một lát trong khi Dũng lại thì thào:

– Anh Giang này, em nói thật nhé… Ngày mai anh phải đi rồi, còn em ở lại, được rút lên trung đoàn bộ, nhưng anh đừng có lộ cho ai biết nhé… Không thì chết em đấy!

– Mày thử nghĩ xem, liệu tao lộ được với ai? – Giang hỏi lại với vẻ tò mò. – Nhưng chuyện gì mà ghê thế?

– Anh không biết đâu, đã mấy tháng nay rồi, bao nhiêu thư của bố mẹ anh và cả chị gì nữa…, – Dũng hơi nhăn trán lại. – Hình như tên là Vân thì phải, đều bị thủ trưởng Hòe giữ lại và đọc hết…

– .. – Giang khẽ kêu lên và chợt hiểu ra tất cả. – Thảo nào…

– Sau đó, các thủ trưởng còn đưa cho nhau xem, rồi lại bình luận, đánh giá đủ trò…

– Thế các ông ấy nói gì tao? – Giang gặng hỏi.

Dũng liếc nhìn Giang, dè dặt:

– Nói nhiều lắm. Nhưng đại để là không tin vào dân “trí thức nửa mùa” như anh, và bảo anh bị bệnh tư tưởng…

– …

– Thư của bố mẹ anh thì không sao, nhưng thư của chị Vân thì thủ trưởng Hòe bảo, nó mà đọc xong những lá thư này, thì làm sao còn yên tâm mà đi B được nữa!

– Thế thư chị ấy viết như thế nào? – Giang cay đắng hỏi.

– Thì chị ấy xin lỗi anh, nói là chị ấy hiểu lầm… Mong anh thông cảm và rất nhớ anh. Hẹn là nếu anh được về phép thì cố gắng lên gặp chị ấy ở nơi sơ tán… Chị ấy cũng trách, sao anh không viết thư cho chị ấy.

Giang đưa tay lên bóp trán hồi lâu rồi mới trút ra được một tiếng thở dài não nuột:

– Thì ra là thế! Thôi, tao đi vào trong ấy đây.

– Vâng! Anh nhớ là đừng có lộ ra cho ai biết việc em vừa nói với anh đấy nhé! – Dũng cố dặn thêm lần nữa. – Mọi người vẫn đang thức đấy anh ạ. Đêm nay thì có ai mà ngủ được!

– Cứ yên tâm! – Giang đã dợm bước đi, nhưng rồi anh dừng lại, đưa cho Dũng một bao Tam Đảo. – Cầm lấy, hút cho đỡ lạnh.

– Cám ơn anh! – Dũng đỡ lấy bao thuốc bằng cả hai tay rồi nhanh chóng xòe bật lửa, châm thuốc hút.

*

*     *

Trong một cái lán nhỏ đơn sơ, Giang đang ngồi trước tờ giấy nứa vàng khè chưa hề có được một chữ nào. Anh nhăn trán, cau mày mãi rồi cuối cùng mới viết được đúng hai chữ in hoa BÁO CÁO. Rồi thở dài, bỏ cây bút Trường Sơn sang một bên, vẻ mặt nhăn nhó và khổ sở.

Ngoài cửa lán, rừng trưa vẫn hoàn toàn yên tĩnh.

– Hừ, thành tích với cả chiến công… – Giang lẩm bẩm. – Biết làm thế nào được bây giờ…

Hội trường, một ngôi nhà to và dài ẩn mình dưới những tán cổ thụ đan dày. Nền nhà được đào xuống thấp, ba phía trống trơn, không một bức vách hoặc tấm thưng. Chỉ có một phía đầu hồi được căng phông vải và trang trí, với nền đất tôn cao như một sân khấu, trên đó là dãy bàn ghế dành cho chủ tịch đoàn. Chếch về phía trước, bên tay phải, là chiếc bục gỗ dành cho diễn giả. Và trên nền tấm phông màu cỏ úa, người ta đã treo một lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác, với hai tấm băng rôn ở hai bên: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”; “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!(*). Phía dưới, ở vào chính giữa là dòng chữ cắt giấy khá to và trang trọng: ĐẠI HỘI MỪNG CÔNG CHIẾN THẮNG.

Không micrô, ampli, không đèn điện, cả đại hội mừng công diễn ra trong ánh sáng tự nhiên từ ba bốn phía ùa vào. Hàng trăm con người, tuổi tác chênh lệch khá nhiều, quân phục cũ mới khác nhau đang ngồi chăm chú nhìn lên phía chủ tịch đoàn, nơi bốn, năm vị cán bộ chỉ huy im lặng, với những gương mặt không biểu lộ tình cảm gì rõ rệt.

Đứng sau bục diễn giả, mặt hướng về phía những đồng chí của mình, Giang đang cố hết sức đọc cho xong bản báo cáo thành tích chiến đấu của anh:

– Kính thưa các thủ trưởng cấp trên, thưa các đồng chí…

Giang dừng lại một lát, liếc nhìn qua những gương mặt vừa quen, vừa lạ, như để trấn tĩnh tinh thần.

– Có được thành tích như vậy, tôi xác định, trước hết là do sự quan tâm, dìu dắt và giáo dục của Đảng ta, quân đội ta, cụ thể là của đảng ủy tiểu đoàn, chi ủy đại đội, của các thủ trưởng trực tiếp của tôi… Tôi cũng không thể nào quên được sự giúp đỡ chỉ bảo ân cần của đồng chí Trương Đức Toan, người chỉ huy kiên cường, dũng cảm, người đã cho tôi biết phải làm gì khi phải đối mặt kẻ thù… – Giang hơi nghẹn ngào một lát. – Nếu không có đồng chí ấy, tôi đã không thể có mặt tại đây hôm nay. Vì thế, tôi rất biết ơn các thủ trưởng, đồng đội và đồng chí…

Ngồi ngay ở hàng ghế đầu tiên của khán giả, được làm bằng những thân cây ghép lại, Lâm và Lễ đang khẽ trao đổi với nhau một điều gì đó, có vẻ nghiêm trang lắm. Nhưng đến lúc Giang vừa đọc xong, lấy tay áo quệt ngang dòng nước mắt đang trào ra, không kìm lại được thì cùng với cả hội trường, họ hơi chồm lên, vỗ tay vang dội: Những tràng vỗ tay ấy như sóng dậy, lan xa, một lúc sau mới ngớt, khiến cho Giang lúng túng. Anh nắm chặt bản báo cáo trong tay và bước thấp bước cao đi về chỗ của mình.

Bây giờ, Giang đang vốc nước từ dòng suối trong veo lên rửa mặt. Anh vuốt lại mái tóc, phủi áo quần, rồi ngồi ghé lên một tảng đá, miên man suy nghĩ.

Suối cạn, dòng nước róc rách, và người ta có thể nhìn rõ từng viên đá nhỏ cũng như từng con cá tí xíu đang bơi lội. Một vài cái lá vàng bị cuốn theo dòng nước, quẩn lại bên những tảng đá to. Trước mắt Giang lại hiện ra hình ảnh của Lan, câm lặng, tay dắt xe đạp, đi dưới hàng cây với dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt…

– A, ông Giang đây rồi! Thế mà cứ để cho chúng tôi tìm mãi!

Giang hơi giật mình, quay lại. Thì ra, đó là một người đàn ông đứng tuổi, đeo xà cột và một chiếc máy ảnh cũ như đồ cổ.

– Mơ mộng quá nhỉ! – Người đàn ông nói và chủ động bắt tay Giang, trong lúc anh hơi nhổm dậy. – Cứ ngồi đi. Mình là Dương, phóng viên của R… Anh Lễ anh ấy bảo mình đi tìm cậu.

– Vâng ạ, – Giang khẽ đáp.

– Gớm, làm cái gì mà vừa xong, đã tót ra đây ngồi… – Dương vừa nói vừa lấy chiếc mũ tai bèo ra quạt, và sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái. – Mình muốn gặp cậu để hỏi thêm một số chi tiết còn chưa thấy nói trong báo cáo để còn viết bài…

– Em đã nói hết rồi còn gì ạ?

– Chưa, hết đâu mà hết! – Dương mỉm cười, vẻ am hiểu. – Ví dụ như động cơ nào đã làm cho cậu chủ động xin giữ hỏa lực ngay từ trận đầu tiên. Làm thế nào để ngay từ phát đạn đầu tiên đã bắn cháy xe tăng địch… Động cơ nào khiến cậu nổi tiếng là người tiết kiệm đạn nhất trung đoàn? Đấy, mình muốn biết những vấn đề như thế.

Giang im lặng, chưa trả lời ngay, có lẽ vì còn bận khỏa đôi chân đi dép cao su trong làn nước. Lúc này, Dương đã lấy ra cây bút máy và cuốn sổ tay, chờ đợi.

– Sao?

– Thế này, anh Dương ạ! Thật ra, em không bắn cháy chiếc xe tăng nào hết. Đó là chiến công của anh Toan… – Giang nói sau khi đã ngần ngừ một lát.

– Cái gì? – Dương hỏi lại, không phải vì ngạc nhiên mà có lẽ do anh nghe không rõ.

– Em không bắn cháy được một chiếc xe tăng nào cả! – Giang nhắc lại. – Chiếc thứ nhất, là do thằng Nhâm nó bắn. Chiếc thứ hai, là sau khi thằng Nhâm hi sinh, anh Toan liền xông lên diệt ngay. Em chỉ là người yểm hộ anh ấy thôi.

Dương tròn mắt, ngạc nhiên thật sự:

– Thật không? Thế còn việc cậu đòi giữ hỏa lực cho bằng được?

– Thật chứ ạ! – Giang mỉm cười buồn bã. – Việc em xin giữ hỏa lực thì đúng, vì em thấy thằng Nhâm yếu quá, khẩu B 41 to hơn người… Nhưng anh Toan anh ấy bảo, cứ để thế đã, vì thằng Nhâm nó quen rồi.

– Vậy… còn chuyện cậu nổi tiếng là tiết kiệm đạn và thích đánh gần?

– Em tiết kiệm đạn, là bởi vì nếu không nhìn rõ, em không bắn, thế thôi! Với lại, bắn bừa, chẳng may hết đạn, địch nó xông lên thì làm thế nào ạ? Chẳng lẽ lại tay không đánh nhau với nó, mà rõ ràng là bọn chúng, nhiều đứa to cao và được huấn luyện tốt hơn mình… Còn thích đánh gần thì cũng không phải. Vì tình huống bất ngờ xảy ra như thế… Chứ em có thích gì đâu!

– Hừm… Phức tạp đây! – Dương khẽ lắc đầu, rồi anh hỏi thêm lần nữa cho chắc chắn. – Nhưng nếu vậy thì tại sao ngay từ cấp cơ sở là đại đội vẫn khẳng định chiến công của cậu? Và trong báo cáo…

– Các thủ trưởng bảo em làm thế. Vì… cả trung đội em, anh Toan, thằng Nhâm… đều đã hi sinh rồi còn đâu! Ngay cả việc thu chiến lợi phẩm cũng vậy. Địch nó chết rồi, em nhặt mấy khẩu súng đem về, thế thôi… Có gì đâu ạ?

Dương khẽ cắn môi một lát:

– Tôi hiểu rồi. Nhưng cậu cũng không cần phải khiêm tốn quá làm gì… Mà tại sao cậu không nghĩ rằng đây cũng chính là cơ hội để cậu phấn đấu lập công thật sự?

Dương cất sổ tay và bút vào trong xà cột, đội lại chiếc mũ tai bèo lên đầu. Rồi, như chợt nhớ ra, anh vội bảo:

– Suýt nữa thì quên! Phải có cả ảnh kèm theo nữa chứ!

Anh mở bao da, lấy ra chiếc máy ảnh, loay hoay chỉnh ống kính một hồi rồi bấm liền mấy kiểu, không để ý gì đến sự ngỡ ngàng của Giang.

– Thế nhé! Cảm ơn cậu nhiều.

Không ai biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua từ ngày ấy.

Một năm? Hai năm? Hay là lâu hơn nữa? Thật khó mà trả lời chính xác. Vả chăng, điều đó không quan trọng. Chỉ biết rằng, giờ đây Giang đã trở thành một người lính dày dạn kinh nghiệm chiến trường.

Dưới chiến hào ẩm ướt, một người lính trẻ măng đang lau súng. Cậu ta chỉ chừng mười bảy, mười tám tuổi.

Giang đi tới, cầm lấy khẩu súng từ tay người lính trẻ, xem xét kĩ càng rồi mới nói:

– Được đấy, nhớ là phải bình tĩnh nhé!

– Vâng ạ!

– Chỉ nổ súng khi có lệnh, và ngắm kĩ rồi hãy bắn. Chứ bắn hú họa để lấy khí thế thì chẳng có tác dụng gì đâu. Chỉ tốn đạn, vô ích. – Giang nói, rồi hơi nhô đầu lên quan sát. – A… Bắt đầu rồi đây!

Người lính trẻ cũng nhô lên theo Giang. Và anh ta nhìn thấy từ phía xa, một đàn xe tăng địch lổm ngổm như cua đang bò vào trận địa của quân ta.

Phía sau chúng, những chiếc mũ sắt nhấp nhô, lóe lên trong nắng. Nhưng bọn chúng chỉ lặng lẽ tiến vào, chưa bắn một phát nào.

– Nhớ nhé, đừng để nòng súng chọc vào đất, không bắn được đâu. – Giang lắp băng đạn vào súng cho cậu lính mới rồi nói tiếp. – Đây là nấc liên thanh, còn đây là nấc “tắc cú” này. Nhiều lúc quên, là phiền lắm đấy. Chờ nó vào thật gần đã, nhớ chưa?

– Vâng ạ! – Người lính trẻ gật đầu.

– Tốt lắm! – Giang vỗ vai cậu ta một cái, rồi trở về vị trí của mình.

Lúc này, xe tăng địch đã tới gần hơn, vì thế có thể thấy cả nòng súng trọng liên trên tháp pháo đang ngọ nguậy. Còn bọn bộ binh thì lom khom theo tư thế tiềm nhập, trông rất tức cười.

Xung quanh vẫn hoàn toàn im lặng. Người ta dường như không nghe thấy tiếng từng vòng xích xe tăng nghiến trên mặt đất, nhưng lại cảm nhận rất rõ những âm thanh xạc xào của cỏ, khi có một làn gió chạy trên đồng. Những vạt cỏ may, cỏ gianh xen lẫn vài bụi lau trắng xóa, che khuất một phần chiến hào, nơi những người lính với vẻ mặt căng thẳng, ướt đẫm mồ hôi, đang giương súng chờ giặc tới.

*
*     *

 

Hình ảnh tư liệu.

Hà Nội, những năm mới hòa bình, thống nhất.

Đường phố chật hẹp, nhà cửa cũ kĩ và nhỏ bé. Nhiều nơi vẫn còn trơ ra những bức tường đổ nát và xiêu vẹo.

Những dãy thùng tôn, xô, chậu… dài dằng dặc bên vòi máy công cộng, nước chảy nhỏ như chiếc đũa.

Người dân ăn mặc na ná như nhau, phần lớn quần đen, áo sẫm màu, áo bộ đội, chủ yếu là đi bộ và đi xe đạp.

Một chiếc tàu điện, như vừa từ trong cổ tích chạy ra, dừng lại ở Bờ Hồ cho mọi người lên xuống.

Những người dân, rổ rá, gạch vỡ… xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng thực phẩm.

Mưa.

Cơn mưa rào buổi sáng chợt đến một cách nhẹ nhàng. Từng giọt, từng giọt mưa rơi xuống mái hiên lộp bộp, rồi thánh thót nhỏ xuống mặt đường.

Trong gian buồng nhỏ, Lan, bây giờ đã là một thiếu phụ trên dưới ba mươi, đang lay gọi một bé gái còn đang mắt nhắm mắt mở trên giường:

– Lan Anh, dậy đi con! Dậy, không thì muộn mất! Con không nhớ hôm nay phải đến trường khai giảng à?

Nghe đến đó, cô bé liền chống tay ngồi dậy, xỏ chân vào đôi dép nhựa đã được đặt sẵn dưới nền nhà, loẹt quẹt đi vào cái nhà tắm thấp bé lè tè, cách đó mấy bước chân.

Lan tranh thủ mở chiếc cặp nhỏ xíu, may bằng vải giả da, kiểm tra lại một lần nữa. Vài ba quyển vở, sách học tiếng Việt, cái bảng đen, hộp bút… Đủ rồi. Chị bưng một bát cơm rang và chiếc thìa nhôm nhỏ, đặt lên bàn. Bữa ăn sáng của cô bé lần đầu tiên đến trường chỉ giản đơn có thế.

Mưa đã tạnh, nhưng đường phố vẫn còn loáng nước.

Hai mẹ con Lan dắt tay nhau qua đường rồi vui vẻ bước đi trên hè phố. Lan gọn gàng trong chiếc áo sơ mi màu tím hoa cà, quần ka ki màu sáng, tay xách cặp cho con. Còn Lan Anh, hai bím tóc đã được buộc lại, vểnh lên như hai cái đuôi gà, quần xanh tím than, áo sơmi trắng. Mặt mũi cả hai mẹ con đều như rạng rỡ hẳn lên.

– Con có nhớ mẹ dặn gì không?

– Có ạ! – Lan Anh đáp.

– Mẹ dặn gì nào?

– Mẹ dặn phải ngoan này, phải nghe lời cô này…

– Và không được khóc nhè nữa!

– Vâng ạ! – Lan Anh khẽ gật đầu.

– Ngoan lắm. – Lan xoa đầu con gái.

Ngã tư. Một người đàn ông gầy gò, mặc bộ quần áo bảo hộ lao động rách vá đang bán cả một chùm bóng bay xanh đỏ tím vàng đủ loại. Lan Anh đi tới, tròn mắt lên thích thú và giật giật tay mẹ, đòi mua, nhưng bị lắc đầu từ chối, trong khi người bán hàng có vẻ mời chào rất nhiệt tình.

Những tiếng ồn đường phố làm át đi lời trao đổi của hai mẹ con Lan. Nhưng rõ ràng là Lan Anh buồn lắm: nó tiu nghỉu cúi đầu mà bước, đôi môi mím chặt, tay phải đưa lên giụi mắt.

Lan cũng tỏ ra rất buồn, nhưng không nói gì thêm và vẫn dắt tay con. Bỗng nhiên, chị tròn mắt lên kinh ngạc.

Lọc cọc, lọc cọc… một thân hình có vẻ rất thân quen với Lan từ phía sau chống nạng vượt lên. Một người lính với bộ quân phục đã bạc màu và chiếc ba lô sờn rách… Một chân thẳng và một chân co quắp.

– Anh Giang!

Lan hét lên, chạy tới.

Người lính hơi giật mình, ngoái lại.

Trong một phút giây ngắn ngủi, Lan thấy đó chính là Giang: dáng người ấy, khuôn mặt ấy… Nhưng sao đôi mắt anh lại xa lạ thế kia! Suýt nữa thì chị òa lên khóc.

Người thương binh lại chống nạng bước đi. Một người nào đó chứng kiến từ nãy, liền chép miệng:

– Khổ! Lại nhầm rồi!

Lan dắt tay con, lủi thủi bước đi. Đứa bé hết nhìn mẹ lại nhìn những người xung quanh, ngơ ngác.

 

Vĩ thanh

Thêm nhiều năm tháng nữa đã qua đi.

Cô Lan, chị Lan… đã trở thành một phụ nữ năm mươi tám, năm mươi chín tuổi, mái tóc bạc khá nhiều và thân hình cũng không còn thon gọn nữa. Nhưng gương mặt thì vẫn còn lưu lại ít nhiều vẻ đẹp của ngày xưa, có cái gì đó hơi cứng cỏi và bướng bỉnh.

Chiều nay, trong phòng khách rộng mênh mông, đầy đủ tiện nghi, bà Lan đang ngồi đọc báo. Trên người bà, là bộ váy áo với những hoa văn trang nhã và chiếc dây chuyền có đính kim cương càng làm nổi bật cái cổ cao, kiêu hãnh của bà.

Trên chiếc tivi màn hình tinh thể lỏng cỡ lớn, người ta đang đưa tin về một cuộc bàn giao hài cốt các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã hi sinh trên đất Campuchia. Hình ảnh các quan chức Việt Nam và nước bạn, người dân của cả hai bên, hình ảnh những người lính khiêng các hòm đựng hài cốt có phủ cờ Việt Nam… loang loáng lướt qua.

Bà Lan buông tờ báo xuống, bỏ kính ra và nhìn lên màn hình tivi một lúc. Từ đâu đó, giọng nói của người phụ nữ lớn tuổi ấy vang lên, chậm rãi:

Tôi không biết anh đã từng chiến đấu ở những đâu, đánh bao nhiêu trận và đã hi sinh như thế nào. Tôi cũng không biết, nếu còn sống và trở về, anh sẽ làm gì cho đến ngày hôm nay. Nhưng đôi lúc, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, cái gì đã làm tôi ương ngạnh đến thế, khi tôi nhắc đi nhắc lại, rằng tôi không muốn nhìn thấy anh tàn phế…”.

Bà Lan lấy khăn mùi xoa, lau nước mắt.

Gương mặt của bà Lan nhòe dần. Thay vào đó, chúng ta nhìn thấy hình ảnh các nghĩa trang liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước, những dãy mộ bạt ngàn, và những đài tưởng niệm. Khu mộ các liệt sĩ quê ở Hà Nội tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hình ảnh lá cờ bay trên những ngôi mộ ấy.

Không thể tưởng tượng được, rằng một ngày sau chiến tranh, trong số những di vật ít ỏi còn lại của anh được người ta chuyển tới gia đình lại có chiếc đồng hồ Poljot. Và trên chiếc bàn thờ của gia đình, có tấm ảnh nhỏ xíu của anh được cắt ra từ một bài viết đăng trên báo Nhân Dân”…

Đến đây chúng ta nhìn thấy chiếc đồng hồ Poljot cũ kĩ, han gỉ với một bên quai da đã đứt và tấm ảnh người ta đã chụp anh sau lễ mừng công ở trong rừng.

Đã mấy chục năm rồi, gia đình và bè bạn của anh đã đi tìm, nhưng không biết anh nằm lại nơi nào. Vì thế, cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục. Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi vẫn tin rằng sự ra đi của anh cũng như đồng đội của anh hoàn toàn không uổng phí. Và chúng ta, những người còn sống, sẽ không bao giờ được lãng quên…

HẾT

(*) Loại mũ sắt do dân quân tự vệ của ta tự làm lấy vào thời đó.

(*) Phở không có thịt

(*) Sau này gọi là Ban chỉ huy quân sự quận.

(*) Sắc phục của công an ta thời đó.

(*) Vườn hoa Pasteur, vẫn thường được người ta phát âm như thế.

(*) Một loại lá rừng, mọc nhiều ở vùng Đông Nam Bộ. Khi đốt không cháy lên thành ngọn lửa mà thường bị tắt ngay.

(**) Loại tre rừng, có thân mềm và nhỏ, cong xuống sát mặt đất.

(*) Một loại ba lô nhỏ, được may như chiếc bao, buộc túm miệng lại với quai đeo.

(*) Làng, xóm của người Khmer.

(*) Khẩu hiệu vẫn dùng khi Đảng chưa đổi tên và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống.